Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) vừa gọi tên top 20 doanh nghiệp đứng đầu về doanh thu thương mại điện tử bán hàng trong Sách trắng Thương mại Điện tử Việt Nam 2022. Nhóm doanh nghiệp này chiếm tới 65,7% thị phần về doanh thu thương mại điện tử bán hàng tại Việt Nam.
Theo đó, top 20 này có sự góp mặt của các ông lớn trong ngành bán lẻ như: Con Cưng, Thế Giới Di Động, FPT Retail, Viettel Store, BigC, Vinfast cùng các doanh nghiệp như: Nu Skin Việt Nam, Oriflame Việt Nam, Amway Việt Nam, Unicity Marketing Việt Nam, Giao Hàng Nhanh, HACOM,VNPAY, Hoàng Anh, IO media,...
Đặc biệt FPT Retail có tới 2 website nằm trong danh sách đứng đầu về doanh thu thương mại điện tử bán hàng là fptshop.com.vn và nhathuoclongchau.com
FPT Retail là tên viết tắt của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, được thành lập từ năm 2012, là công ty liên kết của Tập đoàn FPT. FPT Retail sở hữu 2 chuỗi bán lẻ là FPT Shop, F.Studio By FPT và 1 công ty con là Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu. Cuối năm 2021, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã vượt mốc 400 cửa hàng trên 53 tỉnh thành và trở thành chuỗi nhà thuốc dẫn đầu thị trường chuỗi nhà thuốc bán lẻ với thị phần 45%.
Theo kết quả kinh doanh năm 2021, FPT Retail ghi nhận doanh thu hơn 22 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu của chuỗi FPT Shop chiếm hơn 80% tổng doanh thu.
Riêng doanh thu từ bán hàng online của FPT Retail đạt hơn 6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với năm 2020 và chiếm 28% tổng doanh thu hợp nhất.
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch cùng với sức giảm của thị trường chung, đến năm 2021, lợi nhuận sau thuế của công ty này tăng trưởng vượt bậc và đạt mức doanh thu gần 450 tỷ đồng.
Trong top 20 doanh nghiệp đứng đầu về doanh thu bán hàng thương mại điện tử còn có sự góp mặt của Công ty cổ phần Thế Giới Di Động, là thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG). Công ty vận hành hai chuỗi bán lẻ là thegioididong.com và Điện máy xanh (tiền thân là chuỗi Dienmay.com).
Năm 2020 là năm vô cùng khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu và đặc biệt là ngành bán lẻ. Điều này dẫn đến tình trạng suy giảm về kết quả kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, mặc dù không có sự tăng trưởng về doanh thu, nhưng công ty cổ phần Thế Giới Di Động vẫn đạt mức hơn 87 nghìn tỷ đồng và mang về gần 4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Đến năm 2021, cả doanh thu và lợi nhuận của chuỗi bán lẻ này bắt đầu tăng trưởng trở lại. Cụ thể, doanh thu thuần tăng gần 10% và lợi nhuận sau thuế tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Website thương mại điện tử Vban.vn là một trong những giải pháp thanh toán tiện lợi được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) là công ty hàng đầu trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam. Các dịch vụ cung cấp trên Vban.vn gồm: nạp tiền điện thoại, mua mã thẻ trả trước, thanh toán hóa đơn, mua vé máy bay, thanh toán vay tín dụng.
Kỳ lân công nghệ thứ 2 này của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc khi doanh thu tăng trưởng liên tục. Cụ thể, năm 2021, VNPAY ghi nhận mức doanh thu hơn 22 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 25% so với năm 2020.
Năm 2019, do các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhanh làm cho VNPAY chỉ báo lãi hơn 35 tỷ đồng (chỉ bằng khoảng 25% lợi nhuận năm 2018). Tuy nhiên, đến năm 2020, lợi nhuận sau thuế của “Kỳ lân” này đã tăng trưởng trở lại và lãi sau thuế gần 320 tỷ đồng vào năm 2021, tăng gần 90% so với năm 2020.
bigc.vn là website bán hàng thuộc công ty TNHH dịch vụ EB (Hệ Thống BigC Việt Nam). Là một thương hiệu thuộc Central Retail. Ba mảng kinh doanh cốt lõi của Central Retail tại Việt Nam gồm Thực phẩm, Phi Thực Phẩm và Phát triển Bất động sản/ Trung tâm Thương mại mang đến cho khách hàng những trải nghiệm đa dạng thông qua các nhãn hàng của Công ty như: Trung tâm Thương mại GO!, Đại siêu thị GO!, Tops Market, Big C, go!, Siêu thị Lan Chi, Nguyễn Kim, SuperSports, LookKool, Kubo, BipBip và Robins.
Sau quảng thời gian tăng trưởng liên tục, thì đến năm 2021, tình hình kinh doanh của chuỗi bán lẻ này đã có sự chững lại. Cụ thể, doanh thu của hệ thống này đạt mức gần 16 nghìn tỷ đồng (giảm gần 5% so với năm 2020). Thậm chí, chuỗi bán lẻ này còn báo lỗ hơn 100 tỷ đồng vào cuối năm 2021.
Chuỗi bán lẻ Viettel Store thuộc hệ thống bán hàng của Công ty Thương mại và Xuất Nhập khẩu Viettel, chuyên cung cấp tất cả các thiết bị, sản phẩm công nghệ cao bao gồm: điện thoại di động, laptop, máy tính bảng, thiết bị y tế… Trang web bán hàng trực tuyến chính thức viettelstore.vn được ra mắt từ năm 2009 với hàng nghìn sản phẩm được cập nhật liên tục đáp ứng được nhu cầu mua sắm online của khách hàng trên toàn quốc.
Trong bối cảnh đại dịch covid-19, sức mua của người dân giảm mạnh, Viettel Store cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khi doanh thu có sự chững lại vào năm 2020. Mặc dù vậy, chuỗi bán lẻ này đã mang về gần 120 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Viettel Store đã đưa ra nhiều chương trình kinh doanh và phương pháp bán hàng mới phù hợp với tình hình thực tế đặc biệt là bán hàng trực tuyến. Điều này, đã giúp cho hệ thống Viettel Store mang về doanh thu gần 19 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2020) và mức lợi nhuận sau thuế hơn 180 tỷ đồng.
esale.zing.vn là hệ thống bán hàng trực tuyến thuộc sở hữu của công ty cổ phần VNG (Kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam). VNG cung cấp 4 mảng sản phẩm chính là Trò chơi trực tuyến, Nền tảng kết nối, Thanh toán điện tử và Dịch vụ điện toán đám mây.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch covid-19, VNG vẫn báo lãi trong năm 2020. Theo đó, doanh thu thuần của kỳ lân này đạt hơn 6 nghìn tỷ đồng (tăng trên 15% so với năm 2019) và thu về hơn 190 tỷ lợi nhuận sau thuế (giảm gần 60% so với năm 2019). Mặc dù có sự sụt giảm về lợi nhuận so với các năm trước nhưng đây là một nổ lực đáng ghi nhận.
Đến cuối năm 2021, mặc dù doanh thu của VNG tăng gần 30% so với năm 2020, nhưng công ty lại báo lỗ hơn 70 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Website concung.com là website bán hàng trực tuyến của công ty cổ phần Con Cưng. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phát triển các hệ thống chuỗi bán lẻ cho mẹ bầu & em bé. Bên cạnh đó, Con Cưng còn nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm an toàn, chất lượng, giá thành hợp lý dành riêng cho trẻ em.
Năm 2020, khi nhiều doanh nghiệp lao đao trước sự bùng phát của covid-19, chuỗi cửa hàng mẹ và bé này vẫn tăng trưởng với doanh số gần 3,8 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 70 tỷ đồng (tăng gần 5 lần so với năm 2019).
Tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng việc bán hàng trực tuyến, cũng như thực hiện chiến lược bán hàng đa kênh đã giúp cho chuỗi cửa hàng bán lẻ này thu về gần 5,8 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 50% so với năm 2020) và đạt mức lợi nhuận sau thuế gần 90 tỷ đồng.
iPay.vn là website thanh toán hóa đơn và mua hàng trực tuyến do Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Io (IO MEDIA) cung cấp. Thông qua website này người dùng có thể giao dịch mọi lúc mọi nơi và được hưởng chiết khấu cạnh tranh nhất.
Trong giai đoạn từ năm 2017-2021, doanh thu của IO Media tăng liên tục và chạm mốc gần 5,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2021. Tuy nhiên, trong năm 2021, ở doanh nghiệp này có sự chững lại về lợi nhuận sau thuế so với các năm trước đây.
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, thị trường giao hàng cũng trở nên bùng nổ. Giao Hàng Nhanh là một trong những tay chơi đầu tiên trong thị trường này. Công ty Cổ phần Dịch vụ Giao Hàng Nhanh ra đời từ năm 2012. Cho đến nay mỗi ngày GHN phục vụ được hơn 300.000 đơn hàng trên khắp cả nước.
Năm 2020, kết quả kinh doanh của Giao Hàng Nhanh có vẻ không khả quan so với các năm trước. Theo đó, doanh thu thuần thu về chỉ ở mức hơn 1,9 nghìn tỷ đồng, giảm gần 9% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế cũng ở mức âm.
Đến năm 2021, Giao Hàng Nhanh đã vực dậy và có tình hình kinh doanh khả quan hơn. Cụ thể, doanh thu của tay chơi này đạt gần 2,5 nghìn tỷ đồng và lãi gần 13 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Amway Việt Nam được thành lập vào năm 2008. Tại Việt Nam, Amway cung ứng 4 dòng sản phẩm chính với hơn 70 sản phẩm, bao gồm: Thực phẩm Bổ sung dinh dưỡng Nutrilite, Sản phẩm chăm sóc da Artistry, Sản phẩm chăm sóc cá nhân Personal Care, sản phẩm chăm sóc gia dụng Amway Home.
Là một trong những doanh nghiệp bán hàng theo hình thức đa cấp, Amway đã thu về cho mình hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Năm 2021, Amway thu về mức lợi nhuận sau thuế gần 60 tỷ đồng tăng gần 25% so với năm 2020.
Cũng giống như Amway Việt Nam, Oriflame cùng với Nu Skin và Unicity Việt Nam là những tay chơi ngoại quốc kinh doanh theo hình thức bán hàng đa cấp.
Trong 2 năm 2020 và 2021, cả Oriflame và NuSkin đều có sự sụt giảm về doanh thu. Theo đó, doanh thu thuần vào năm 2021 của Oriflame gần 800 tỷ đồng (giảm hơn 20%) và doanh thu của NuSkin hơn 470 tỷ đồng (giảm gần 30%).
Trong khi đó, Unicity Việt Nam lại đang trong giai đoạn tăng trưởng. Doanh thu của công ty đa cấp này đã chạm mức hơn 1 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021, tăng gần 25% về doanh thu và gần 98% về lợi nhuận sau thuế.
Được thành lập năm 2018, Edupia là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực Edtech tại Việt Nam. Qua 4 năm hoạt động Edupia hiện có hàng trăm ngàn học viên tại Việt Nam và Đông Nam Á. Edupia cũng vinh dự nhận giải thưởng Ứng dụng số tốt nhất trong lĩnh vực đào tạo 2018.
Sau khi được thành lập, Edupia bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển vượt bậc. Với doanh thu gần 3 tỷ đồng khi mới thành lập thì đến nay, sau gần 5 năm hoạt động công ty này mang về cho mình mức doanh thu hơn 150 tỷ đồng (tăng hơn 135% so với năm 2020).
Công ty Cổ phần mạng trực tuyến META hiện sở hữu hệ thống các website hàng đầu tại Việt Nam: Quantrimang.com, Download.vn, Vndoc.com, Hoatieu.vn, Gamevui.com và META.vn.
META.vn là website mua sắm trực tuyến với các dịch vụ bán hàng, giao hàng trên toàn quốc với hàng chục nghìn sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực như: Đồ gia dụng, công cụ, dụng cụ y tế và sức khỏe, thể thao, du lịch, thiết bị số, thiết bị văn phòng, mẹ và bé,...
Đến hiện tại, tình hình kinh doanh của công ty này đang trên đà tăng trưởng và phát triển. Doanh thu tăng liên tục và đạt hơn 250 tỷ đồng vào năm 2020, tăng hơn 20% so với năm 2019 và thu về gần 12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Trong doanh sách top 20 doanh nghiệp dẫn đầu về doanh thu thương mại điện tử bán hàng còn có sự xuất hiện của ông lớn trong ngành bán lẻ - VinFast và website bán hàng của CTCP TMDV Ô tô Hòa Bình Minh - chi nhánh Bình Phước. Đây là đơn vị phân phối các dòng xe hơi của Honda tại Việt Nam.
Ngoài ra, còn có sự góp mặt của công Ty TNHH Hương Liệu và Nguyên Liệu Thực Phẩm Hoàng Anh, là nhà cung cấp nguyên liệu và hương liệu thực phẩm đáng tin cậy và công ty Cổ phần Máy tính Hà Nội nay là Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ HACOM (HACOM) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bán lẻ các sản phẩm máy tính và thiết bị văn phòng. HACOM còn nằm trong Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 2021 (FAST500) do Vietnam Report công nhận và trao tặng.
Theo đó, doanh thu thuần của công ty này tăng trưởng liên tục, rõ ràng nhất là trong giai đoạn từ năm 2017 - 2021. Trong năm 2021, doanh thu của HACOM hơn 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm 2020.
Cũng theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022, nguồn thu chính của các website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng đến từ việc trực tiếp/đại lý bán hàng hóa, dịch vụ ( chiếm 92,4%) và từ quảng cáo ( chiếm 15,9%).
Có thể thấy, việc bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử cũng mang lại cho các doanh nghiệp một khoảng doanh thu nhất định. Đặc biệt là trong bối cảnh thương mại điện tử không ngừng phát triển cũng như nhu cầu mua hàng online của người tiêu dùng ngày càng tăng như hiện nay.
Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung đang ngày càng phát triển. Việc các doanh nghiệp đã dần chuyển hướng từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh thương mại điện tử, hoặc kinh doanh theo hình thức đa kênh sẽ góp phần làm gia tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần có các giải pháp thiết thực để phát triển bán hàng trực tuyến thông qua nền tảng thương mại điện tử.
Nguồn: Vietdata
Comentários