Theo một nghiên cứu, Thị trường mũ bảo hiểm xe máy toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng đáng kể, dự kiến đạt 2,849.11 triệu USD vào năm 2023 với tốc độ CAGR là 5.38% và dự kiến sẽ đạt mức đáng kinh ngạc 4,117.31 triệu USD vào năm 2030.
Theo Báo cáo Nghiên cứu về Ngành Mũ bảo hiểm Xe máy Đông Nam Á 2023-2032, ngành mũ bảo hiểm xe máy thể hiện mức độ phát triển khác nhau ở các quốc gia Đông Nam Á khác nhau. Đặc biệt, Việt Nam nổi bật với thị trường rộng lớn và tăng trưởng nhanh. Chỉ riêng năm 2022, doanh số bán xe máy tại Việt Nam đã vượt 3,38 triệu chiếc, đạt mức tăng trưởng ấn tượng 18.1% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mỗi lần mua xe máy thường đi kèm với ít nhất một lần mua mũ bảo hiểm, doanh số bán mũ bảo hiểm xe máy của Việt Nam vào năm 2022 dự kiến sẽ vượt 3,38 triệu cái.
Từ tháng 11 năm 2007, việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy đã trở thành quy định bắt buộc tại Việt Nam. Theo thống kê, hàng năm có hơn 30.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam, gây ra khoảng 11.000 trường hợp tử vong và hơn 38.000 người bị thương. Trong số đó, hơn 60% là tai nạn liên quan đến mô tô, xe máy và có đến 30% chấn thương sọ não dẫn đến tử vong.
Việc đội mũ bảo hiểm chất lượng là rất cần thiết cho người đi mô tô, xe máy. Cùng với quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm chất lượng và việc nâng cao nhận thức của người dân, thị trường mũ bảo hiểm chất lượng đã trở nên sôi động và người dân đã bắt đầu tìm đến các cửa hàng mũ bảo hiểm chất lượng để mua sản phẩm ưng ý. Hàng loạt các tên tuổi lớn trong thị trường mũ bảo hiểm chất lượng có thể kể đến như Andes, Asia, Nón Sơn, Royal,...
HJC
HJC, một hãng sản xuất mũ bảo hiểm nổi tiếng đến từ Hàn Quốc, được thành lập từ năm 1971. Hiện tại, HJC sở hữu 3 nhà máy sản xuất mũ tại Hàn Quốc và Việt Nam. Đây là một trong số ít các công ty mũ bảo hiểm có hệ thống phòng thử nghiệm đường ống lưu gió để kiểm tra sự lưu thông không khí, hệ thống thông gió, và tiếng ồn cho mũ bảo hiểm.
Sau quá trình xây dựng và phát triển, Công ty TNHH HJC Vina đã mở rộng quy mô nhà xưởng lên 50.000 m2, với công suất đạt 1.000.000 chiếc mỗi năm. 90% sản lượng được xuất khẩu đi 60 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là Châu Âu và Mỹ. Số lượng cán bộ công nhân viên của công ty cũng đã tăng lên hơn 1.000 người, trở thành nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm quy mô lớn nhất của tập đoàn HJC và khu vực Châu Á. Với danh tiếng và chất lượng hàng đầu, HJC đã trở thành đối tác bền vững với các tập đoàn lớn như Samsung, Honda, Yamaha, Suzuki, BIDV, Posco, MUJI, và nhiều doanh nghiệp lớn khác tại Việt Nam.
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, doanh thu thuần của HJC đã giữ vững đà tăng trưởng ổn định với con số đạt được ấn tượng là gần 1,6 nghìn tỷ đồng vào năm 2022, tăng hơn 60% so với năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của HJC lại cho thấy sự sụt giảm đáng kể khi chỉ chạm mức hơn 26 tỷ đồng trong năm 2022, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nón sơn
Nón Sơn là một thương hiệu mũ bảo hiểm nổi tiếng và uy tín tại Việt Nam, được ông Trần Anh Sơn thành lập vào năm 1996. Thương hiệu này không chỉ nổi tiếng với việc cung cấp mũ bảo hiểm chất lượng cao, mà còn được biết đến với thiết kế thời trang và tinh tế. Mỗi chiếc mũ của Nón Sơn được chế tác từ nhựa ABS bền chắc, kết hợp với thiết kế thông minh bao gồm các lỗ thông gió, tạo nên sự thoải mái cho người đội. Nón Sơn được công nhận về khả năng bảo vệ tối ưu và chống va đập hiệu quả. Mặc dù giá cả hơi cao và mẫu mã không quá phong phú, nhưng Nón Sơn vẫn luôn chú trọng đến từng chi tiết nhỏ, mang đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất có thể. Từ vải đến đinh ốc và màu nhuộm, tất cả đều được nhập khẩu và trải qua quá trình sản xuất nghiêm ngặt.
Ngoài ra, Nón Sơn không chỉ kinh doanh các sản phẩm mũ bảo hiểm mà còn cung cấp nhiều mẫu nón khác như: nón da, nón kết, nón Jacket, nón vành, nón đan tay, nón phớt, nón trẻ em,… và đã nhận được sự tin tưởng và lựa chọn từ người tiêu dùng Việt Nam.
Năm 2022 là năm chứng kiến sự khởi sắc trong tình hình kinh doanh của Nón Sơn khi doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều tăng trưởng mạnh so với các năm trước. Cụ thể, doanh thu thuần của Nón Sơn vào năm 2022 tăng gần 90% so với năm ngoái, đạt gần 260 tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, sau sự ghi nhận mức giảm nhẹ khi kết thúc năm 2021 thì vào năm 2022, lợi nhuận ròng của Nón Sơn đã cho thấy sự cải thiện khi tăng hơn 65% so với năm ngoái, đạt mức hơn 3 tỷ đồng.
Asia
Mũ bảo hiểm Asia là sản phẩm của Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Kỹ Thuật Á Châu, được thành lập từ năm 2008. Vào ngày 18/9/2020, công ty Á Châu đã bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm có quy mô hàng đầu khu vực Đông Nam Á tại Cụm công nghiệp Hải Sơn, Đức Hòa Đông, Long An. Hiện nay, Asia đang phân phối ra thị trường bốn dòng mũ bảo hiểm chính: nón fullface, mũ bảo hiểm 3/4, mũ bảo hiểm nửa đầu và mũ bảo hiểm trẻ em. Với uy tín và vị thế đã được khẳng định, thương hiệu mũ bảo hiểm Asia được nhiều nhãn hàng, công ty, tập đoàn lớn như VietinBank, VietcomBank, Sacombank, và nhiều hơn nữa tin tưởng và lựa chọn làm đối tác sản xuất mũ bảo hiểm cho nhân viên, làm quà tặng cho khách hàng, góp phần quảng bá thương hiệu một cách hiệu quả.
Về tình hình kinh doanh của Asia cho thấy doanh nghiệp đang đuối sức khi doanh thu thuần của công ty vào năm 2021 có dấu hiệu chững lại và sau đó giảm nhẹ 10% xuống còn hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Không những vậy, lợi nhuận ròng của công ty cũng ghi nhận khoản lỗ lớn vào năm 2021 với con số hơn 3 tỷ đồng và kết thúc năm 2022 với mức lợi nhuận tiếp tục giữ ở mức âm.
Protec
Protec là thương hiệu của Công ty TNHH Thiết bị và Sản phẩm an toàn Việt Nam, một dự án của Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á. Được thành lập vào năm 1999, Protec đã bắt đầu sản xuất những chiếc mũ bảo hiểm đầu tiên vào năm 2001. Đây là công ty mũ bảo hiểm phi lợi nhuận đầu tiên trên thế giới, với mục tiêu không chỉ là kinh doanh mà còn là tuyên truyền và giúp nhiều thế hệ người Việt nâng cao nhận thức về trách nhiệm an toàn giao thông.
Protec có một nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm tại Hà Nội, với hệ thống cửa hàng phân phối sản phẩm trên toàn quốc và một cửa hàng tại Campuchia. Với dây chuyền công nghệ tiên tiến và hệ thống máy móc nhập khẩu, nhà máy Protec hiện có khả năng sản xuất 5 triệu mũ bảo hiểm mỗi năm. Công ty Protec hiện có khoảng 300 nhân viên, trong đó có 200 công nhân làm việc trực tiếp tại nhà máy, và 1/3 trong số đó là công nhân khuyết tật làm việc tại khâu lắp ráp.
Tương tự như Nón Sơn, Protec cũng ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong tình hình kinh doanh của mình. Cụ thể, sau sự sụt giảm doanh thu thuần vào năm 2021 thì Protec đã lấy lại đà tăng trưởng vào năm 2022 khi doanh thu thuần đạt gần 90 tỷ đồng, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm đáng chú ý là sau nhiều năm liên tiếp thua lỗ thì đến năm 2022, Protec đã vực dậy mạnh mẽ khi ghi nhận khoản lợi nhuận ròng dương đạt mức gần 5 tỷ đồng.
Royal
Mũ bảo hiểm Royal là một thương hiệu uy tín từ Việt Nam, là sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất thương mại MAFA VN, được thành lập từ năm 2015. Với mục tiêu tạo ra những chiếc mũ bảo hiểm chất lượng nhất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, Royal đã xây dựng một hệ thống gồm hơn 2000 đại lý và có mặt tại hầu hết các siêu thị bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Không chỉ vậy, Royal còn vươn ra thị trường quốc tế với nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đến từ các quốc gia như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, và nhiều nước khác.
Năm 2022 có lẽ là một năm thành công đối với Royal khi cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty đều ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, Royal đã kết thúc năm 2022 với mức tăng doanh thu thuần hơn 150%, đạt gần 90 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng tăng trưởng ấn tượng không kém khi chứng kiến khoản lợi nhuận ròng đạt hơn 4 tỷ đồng, tăng gần 140% so với năm ngoái.
LS2
LS2 là một thương hiệu mũ bảo hiểm moto nổi tiếng từ Tây Ban Nha. Sau nhiều năm thành công ở nước ngoài, LS2 đã chính thức ra mắt tại Việt Nam vào năm 2017 thông qua công ty TNHH XNK BBI. Đến năm 2020, LS2 Helmets đã trở thành một cái tên không thể thiếu trong các giải đua xe chuyên nghiệp ở Việt Nam. Hiện tại, LS2 Helmet đã có mặt tại 108 quốc gia trên thế giới. Một số dòng sản phẩm được yêu thích bao gồm: nón fullface Ls2 FF805b, Ls2 Valiant II FF900, Ls2 Explorer C MX701,...
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của LS2 chứng kiến nhiều sự biến động qua các năm. Năm 2021, doanh thu thuần của LS2 giảm đáng kể và sau đó lấy lại đà phục hồi tăng gần 190%, đạt mức hơn 40 tỷ đồng vào năm 2022. Trái lại, lợi nhuận sau thuế của công ty cho thấy dấu hiệu tiêu cực khi năm 2022 ghi nhận mức lỗ nhiều hơn so với năm ngoái gần 460 triệu đồng.
Andes
Thương hiệu mũ bảo hiểm Andes, do CTY TNHH Long Huei Việt Nam sản xuất, đã chính thức có mặt tại Việt Nam từ năm 2001. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, Andes đã trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu về chất lượng và được người tiêu dùng tin tưởng. Mũ bảo hiểm Andes được sản xuất với tiêu chí chất lượng cao, thiết kế sáng tạo, tiện dụng và sang trọng. Đến năm 2019, Andes đã có 15 cửa hàng tại các quận khắp TP.HCM và một cửa hàng tại Cần Thơ. Sản lượng trung bình của Andes là 250,000 sản phẩm mỗi tháng, trong đó 30% được tiêu thụ trong nước và 70% được xuất khẩu. Andes đã trở thành đối tác uy tín của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và thương hiệu lớn như Suzuki, Yamaha, SYM, xi măng Hà Tiên,...
Doanh thu thuần của Andes chứng kiến sự sụt giảm đều qua các năm khi khép lại năm 2022 với mức doanh thu thuần chỉ còn hơn 22 tỷ đồng, giảm hơn 35% so với năm 2020. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế của Andes cũng chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi khi năm 2022 tiếp tục ghi nhận mức lợi nhuận ròng âm.
Thắng Lợi
Công ty sản xuất nón bảo hiểm Thắng Lợi là nhà cung cấp hàng đầu tại Việt Nam về mũ bảo hiểm quảng cáo chất lượng. Công ty sở hữu một nhà máy sản xuất với diện tích lên đến 1000 m2, sử dụng công nghệ tiên tiến và các máy móc hiện đại. Sản phẩm nón bảo hiểm của Thắng Lợi tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN và được cấp phép sử dụng dấu Hợp quy CR. Tính đến hiện tại, Thắng Lợi đã và đang hợp tác với nhiều thương hiệu lớn như Vivo smartphone, OCB Bank, GoViet, và nhiều hơn nữa để tạo ra các sản phẩm quà tặng có giá trị quảng cáo cao.
Năm 2022 là năm chứng kiến sự tăng trưởng trong doanh thu thuần của Thắng Lợi tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của công ty lại cho thấy chiều hướng ngược lại khi sụt giảm một lượng đáng kể. Cụ thể, Thắng Lợi đã cho thấy sự cải thiện về mặt doanh thu thuần trong năm 2022 khi đạt gần 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của Thắng Lợi lại tiếp tục ghi nhận thua lỗ với mức lỗ gần 900 triệu đồng.
GRS
Thương hiệu mũ bảo hiểm GRS được sáng lập vào năm 1998 bởi công ty DING LI XING tại Đài Loan. GRS không chỉ hoạt động tại Đài Loan mà còn mở rộng mạng lưới phân phối của mình tới nhiều quốc gia khác, bao gồm Việt Nam. Tại Việt Nam, GRS đã thành lập công ty TNHH HOÀNG QUÁN tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2007. GRS phân phối sản phẩm của mình qua hệ thống rộng khắp, từ Hà Nội đến TP.HCM, và giao hàng trên toàn quốc. Sản phẩm chính của GRS bao gồm các loại mũ bảo hiểm xe máy chuyên nghiệp và các loại kính an toàn. GRS đặc biệt nổi tiếng với các dòng mũ bảo hiểm nửa đầu, mũ bảo hiểm full đầu và mũ bảo hiểm có kính.
Doanh thu thuần của GRS vào năm 2021 chứng kiến sự sụt giảm rồi sau đó được cải thiện quay lại mốc gần 15 tỷ đồng vào năm 2022, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với doanh thu thuần được cải thiện, lợi nhuận sau thuế của công ty này cũng tăng trường lên mức hơn 550 triệu đồng khi kết thúc năm 2022.
Tuy nhiên, mặc dù việc sử dụng mũ bảo hiểm đã được cải thiện, chất lượng của mũ bảo hiểm xe máy lại là một vấn đề khác. Hiệp hội An toàn Người tiêu dùng Việt Nam nhận thấy rằng khoảng 80% mũ bảo hiểm trên thị trường không đạt tiêu chuẩn quốc gia. Người đi xe máy thường chọn mũ bảo hiểm giá rẻ, phù hợp với phong cách thời trang của họ trong khi cố gắng giảm chi phí. Một chiếc mũ bảo hiểm được chứng nhận bởi nhà nước thường có giá nhỉnh hơn so với mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng có giá chỉ bằng một phần nhỏ. Mũ bảo hiểm kém chất lượng không có khả năng bảo vệ đầu trong trường hợp va chạm. Dẫu vậy, chính quyền có thể tác động rất ít vì các quy định về tiêu chuẩn mũ bảo hiểm vẫn chưa được đưa vào luật mũ bảo hiểm hiện hành.
Do đó, việc xem xét việc đưa các quy định về tiêu chuẩn mũ bảo hiểm vào luật mũ bảo hiểm hiện hành cũng là một bước tiến quan trọng. Điều này không chỉ giúp bảo vệ người dùng mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng cho các nhà sản xuất mũ bảo hiểm chất lượng. Trong tương lai, hy vọng rằng chất lượng mũ bảo hiểm sẽ được cải thiện, giúp giảm thiểu số lượng tai nạn giao thông và cứu sống nhiều người hơn.
Nguồn: Báo cáo thị trường mũ bảo hiểm năm 2022 của Vietdata.
留言