Thị trường trà sữa 2023: Cuộc đua cạnh tranh nảy lửa giữa các thương hiệu
- Nhi Nguyễn Thị Yến
- 6 thg 8, 2024
- 8 phút đọc
Đã cập nhật: 15 thg 4

Khởi nguồn từ những năm 1980, trà sữa ban đầu chỉ là một loại nước giải khát, nhưng đã dần lan rộng ra toàn cầu và trở nên phổ biến ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Trà sữa có nguồn gốc từ Đài Loan và bắt đầu du nhập vào Việt Nam khoảng đầu những năm 2000, nhanh chóng được giới trẻ yêu thích. Không chỉ ở Việt Nam, trà sữa đã trở nên nổi tiếng ở nhiều nơi trên thế giới.
Năm 2013, trà sữa đã đánh dấu một cột mốc quan trọng với sự phát triển mạnh mẽ thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu từ Hồng Kông và Đài Loan, đi kèm với thiết kế bao bì bắt mắt và sự đa dạng trong sản phẩm.
Đến năm 2023, theo Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam của iPOS.vn, thực hiện qua nghiên cứu sơ cấp trên 63 tỉnh thành, phỏng vấn chuyên gia và các nguồn tin trong ngành, tần suất người Việt đi cà phê hoặc uống trà sữa đã tăng nhẹ so với năm 2022. Cụ thể, 42,6% đáp viên cho biết họ đi cafe/trà sữa khoảng 1-2 lần mỗi tháng. Số lượng thực khách đi cafe/trà sữa với tần suất 1-2 lần mỗi tuần tăng cao hơn so với năm 2022, với 30,4% đáp viên lựa chọn (so với 22,6% năm 2022).
Sự quan tâm ngày càng tăng đã biến các cửa hàng trà sữa thành điểm hấp dẫn cho nhượng quyền thương hiệu. Nhượng quyền không chỉ giúp thương hiệu lan tỏa nhanh chóng và tiếp cận nhiều khách hàng hơn mà còn mở ra cơ hội khởi sự kinh doanh cho nhiều người mà không cần phải xây dựng lại thương hiệu từ đầu.
Sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, ngành F&B nói chung, và thị trường trà sữa nói riêng đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, thị trường đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ năm 2022, khi học sinh sinh viên và nhân viên văn phòng quay lại trường học và công sở như thường lệ. Ngoài ra, sự phục hồi này không chỉ do nhu cầu tiêu dùng tăng cao mà còn nhờ vào các điều kiện thuận lợi hơn so với giai đoạn trước đại dịch.
Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng của thị trường luôn đi kèm với sự gia nhập ngày càng nhiều thương hiệu mới (cả trong nước và quốc tế và thậm chí là các thương hiệu trà sữa “gia đình”. Sự gia tăng này đã tạo ra một môi trường cạnh tranh căng thẳng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của nhiều thương hiệu trong ngành.

Mixue
Mixue là chuỗi cửa hàng nổi tiếng từ Trung Quốc, được thành lập vào năm 1997 bởi Zhang Hongchao. Mixue chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2008 dưới tên gọi Công ty TNHH Snow King Global, với trụ sở chính tại Thanh Xuân, Hà Nội. Đến tháng 04/2023, Mixue đã đạt mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam trong chưa đầy 5 năm.
Sản phẩm chủ lực của Mixue là trà sữa và kem, nổi bật với lợi thế cạnh tranh về giá cả phải chăng, trung bình rơi vào khoảng từ 25.000 - 35.000 đồng. Đây là mức giá gây ấn tượng mạnh vì được đánh giá là khá rẻ so với sản phẩm tương đương trên thị trường.
Mixue có sự thay đổi vô cùng linh hoạt tại thị trường Việt Nam, khi thị trường trà sữa đạt đến ngưỡng bão hòa thì Mixue liền chuyển sang kem tươi thành sản phẩm chủ đạo, tinh gọn menu trà sữa, lấy yếu tố giá cạnh tranh đánh vào tệp khách hàng học sinh, sinh viên.
Mixue đã đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong năm 2023 với doanh thu gần 1.260 tỷ đồng, tăng hơn 160% so với năm 2022. Thậm chí lợi nhuận tăng mạnh hơn doanh thu, cho thấy hoạt động nhượng quyền thương hiệu đang đóng góp rất lớn vào hiệu quả tài chính của công ty.
Toco Toco
Tocotoco, ra mắt cửa hàng đầu tiên vào năm 2013 với hướng đi khác biệt, không sính ngoại với chủ trương ngay từ đầu là sử dụng nông sản Việt để làm đồ uống. Định vị thương hiệu là “trà sữa made in Việt Nam”. Tocotoco nhanh chóng phủ rộng điểm bán với hơn 700 cửa hàng trải dài từ Nam ra Bắc và sự hiện diện tại nhiều thị trường quốc tế như Mỹ, Úc, và Nhật Bản.
Các chương trình khuyến mãi của ToCoToCo thường rất đa dạng mang lại cho khách hàng nhiều cơ hội trải nghiệm đồ uống ngon với mức giá ưu đãi. Các hình thức giảm giá thường xuyên như mua 1 tặng 1, free trân châu, giảm giá trên tổng hóa và các voucher giảm giá. Ngoài chiến lược về giá, ToCoToCo luôn làm mới mình bằng những thiết kế rất bắt mắt, họa tiết đậm chất mùa lễ hội làm cho các tín đồ trà sữa cảm thấy hào hứng hơn khi thưởng thức các sản phẩm tại cửa hàng.
Mặc dù Tocotoco đã có sự tăng trưởng ấn tượng từ năm 2021 đến 2022 (tăng gần 50%), sau sự sụt giảm doanh thu trong năm 2023, công ty đang điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh của mình. Tocotoco đặt mục tiêu đạt 1.500 cửa hàng vào năm 2024, phủ kín mạng lưới toàn quốc và phát triển sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada,...
KOI Thé
KOI Thé là thương hiệu trà sữa từ Đài Loan được thành lập vào năm 2006. Đến năm 2015, KOI Thé chính thức có mặt tại Việt Nam. Hiện nay, KOI Thé có 47 cửa hàng tại Việt Nam và không có hình thức nhượng quyền thương hiệu.
Giám đốc Kinh doanh KOI Group xác định mục tiêu của KOI Thé tại Việt Nam là không ngừng thay đổi, thích nghi. Năm 2023, để đánh dấu cột mốc quan trọng 17 năm trên thế giới và 8 năm tại Việt Nam, KOI Thé chính thức đổi bộ nhận diện thương hiệu với logo là hình ảnh Trà sữa trân châu hoàng kim. Đồng thời, cách bày trí, màu sắc chủ đạo và phong cách thiết kế của các cửa hàng cũng thay đổi theo hướng tối giản, phù hợp với xu hướng.
Mặc dù KOI Thé đã có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng từ năm 2021 đến 2022, tuy nhiên năm 2023 chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong lợi nhuận. Điều này cho thấy sự cân bằng trong quản lý chi phí và chiến lược mở rộng thị trường là bài toán khó của nhiề doanh nghiệp.
Gong Cha
Gong Cha, tên tiếng Trung có nghĩa là "dâng lên Hoàng đế mọi loại trà ngon nhất từ mọi tài sản", là một thương hiệu trà sữa nổi tiếng từ Đài Loan. Thương hiệu này chính thức thành lập tại vào năm 2006 và gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2014 thông qua hình thức nhượng quyền.
Tại Việt Nam, Gong Cha được nhượng quyền độc quyền và vận hành bởi Công ty TNHH Golden Trust, doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong ngành F&B. Công ty cũng quản lý các thương hiệu khác như Uncle Tetsu, PIKO coffee và Shinsho Ramen. Tính đến tháng 7 năm 2024, Gong Cha đã có 40 cửa hàng trên toàn quốc và Gong Cha nổi tiếng là rất khắt khe trong vấn đề nhượng quyền thương hiệu.
Gong Cha tăng trưởng đột phá về doanh thu năm 2022, tăng hơn 70% so với 2021 nhưng lại không kèm theo đó là lợi nhuận. Nhưng đến năm 2023, Gong Cha lấn sân sang mảng cà phê khi chính thức bổ sung thức uống vào thực đơn. Kết quả mang về doanh thu đạt gần 115 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh mẽ đến gần 100%. Gong Cha đã có sự điều chỉnh trong cách vận hành kinh doanh và quản lý chi phí hiệu quả.
Ding Tea
Ding Tea là một thương hiệu trà sữa nổi tiếng từ Đài Loan với hơn 650 chuỗi cửa hàng trên toàn thế giới. Họ gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2013 và hiện tại có gần 200 cửa hàng trải dài khắp cả nước. Ding Tea được chứng nhận chất lượng từ nhiều tổ chức quốc tế. Thương hiệu này không chỉ được chứng nhận bởi SGS Đài Loan mà còn vượt qua 231 bài test của chính phủ Nhật Bản để được cấp phép nhập khẩu.
Định vị của Ding Tea là thương hiệu trà sữa gần gũi, luôn thể hiện tinh thần trẻ trung và tìm kiếm khẩu vị phù hợp với số đông. Đây là thương hiệu sử dụng tốt sức mạnh truyền miệng, chứ không tốn nhiều giấy mực quảng cáo. Đồng thời, thương hiệu không mấy khi đưa ra chương trình khuyến mãi nhằm tránh việc hạ giá liên tục, giữ chân khách hàng bằng giá cả.
Năm 2022, Ding Tea tăng trưởng đột phá, doanh thu tăng trên 35% và lợi nhuận sau thuế tăng lên đến gần 160%. Tuy nhiên, năm 2023, doanh thu thuần của Ding Tea giảm 35% so với năm 2022. Doanh thu giảm cùng với chi phí cao dẫn đến việc lợi nhuận giảm mạnh.
Bobapop
Bobapop – mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm 2013, là giai đoạn sơ khai trước khi trà sữa trở thành cơn sốt trong lòng mọi người. Thời điểm đó mô hình take-away là một mô hình mới và được yêu thích nên Bobapop quyết định mở cửa hàng take-away đầu tiên tại Hồ Chí Minh. Trong vòng 6 năm Bobapop đã phát triển vượt bậc, có hơn 150 cửa hàng tại Việt Nam, rất nhiều chi nhánh mở rộng quy mô không dừng lại ở take-away mà có chỗ ngồi rộng rãi.
Gần nhất, năm 2022 BOBAPOP “chơi lớn” mở rộng quy mô cực lớn khoảng gấp 3 lần ở Nguyễn Tri Phương để mang thời trang vào thế giới trà sữa. Vẫn kiên trì với phong cách chuẩn ngầu đã chọn, BOBAPOP thổi một luồng gió mới vào thế giới trà sữa bằng sự kết hợp đầy tính sáng tạo của thời trang và những phụ kiện hypebeast. Mỗi góc nhỏ trong cửa hàng đều được BOBAPOP chăm chút, tận dụng trở thành không gian sống ảo với thiết kế hiện đại, đèn led được kết hợp đậm chất gen Z
Bobapop có doanh thu tăng trưởng ấn tượng vào năm 2022, nhưng đến hiện tại hiệu quả kinh doanh vẫn chưa như kỳ vọng.
Phê La
Tưởng chừng như thị trường trà sữa bắt đầu bão hòa, trà sữa đậm vị nổi lên như một “làn gió mới” tạo thành một trào lưu bùng nổ. Phê La là thương hiệu tiên phong cho trào lưu đó, mới ra đời vào năm 2021, đã nhanh chóng bành trướng lên 23 cửa hàng trên toàn quốc, hầu hết đều có diện tích vài trăm mét vuông và được đạt tại những vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Quán nổi bật với việc sử dụng nguyên liệu nông sản Việt Nam, đặc biệt là trà Ô Long đặc sản từ Đà Lạt. Menu của Phê La khá đa dạng với sản phẩm được sử dụng nhiều phương pháp pha chế độc lạ nên mức giá cũng khá đắt rơi vào khoảng 40.000 - 60.000 đồng/ ly. Gần đây, tháng 6/ 2024 Phê La thông báo mở quán từ 4h -23h để phục vụ các bạn trẻ đi uống trà sữa sáng sớm, đón bình minh thu hút được sự chú ý rất lớn từ những tín đồ trà sữa.
Phê La, một thương hiệu trà sữa thuần Việt mới thành lập, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các tín đồ trà sữa. Pha Lê là một trong số ít các chuỗi ghi nhận sự khởi đầu tích cực với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng nhanh.
Nguồn: Báo cáo thị trường chuỗi trà sữa 2023 của Vietdata
Kommentarer