top of page

Các Thương Hiệu Thời Trang Việt Nam Tái Cơ Cấu Để Tồn Tại Trên Thị Trường Nội Địa

Dệt may là một trong những ngành sản xuất chủ lực của nền kinh tế, chiếm từ 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu được hàng tỷ USD các sản phẩm dệt may. Tuy nhiên, ở thị trường trong nước, hàng may mặc của Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt với các hãng thời trang của nước ngoài, đặc biệt là ở phân khúc bình dân, trung cấp...


Các thương hiệu thời trang Việt Nam đánh mất thị phần vào tay các thương hiệu thời nước ngoài.

Thị trường thời trang nội địa Việt Nam được đánh giá là một mảnh đất màu mỡ để hàng loạt các thương hiệu nước ngoài ồ ạt đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Chỉ trong thời gian ngắn hàng loạt các hãng nổi tiếng như: Hennes&Mauritz (H&M), Zara, Mango, Topshop… đều đang tích cực đẩy mạnh quá trình thâm nhập thị trường Việt Nam.


Theo ước tính, đã có hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài xuất hiện tại Việt Nam. Sự đổ bộ của nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài đã đẩy ngành thời trang nội địa vào một thế cực kỳ khó khăn. Thời trang ngoại chiếm hơn 60% thị phần trong nước và được cho là có tốc độ tăng trưởng trung bình từ 15-20%.


Hiện nay, các thương hiệu thời trang Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thời trang ngoại nhập và có nguy cơ mất dần vị thế trên thị trường Việt Nam. Riêng chỉ có các dòng sản phẩm cao cấp quần tây, áo sơ mi, vest, đồ công sở của May10, An Phước, Việt Tiến vẫn có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam.


Nhận thấy thị trường thời trang nội địa đang dần bị các thương hiệu nước ngoài nhanh chóng chiếm lĩnh, các thương hiệu Việt Nam đang trong quá trình thúc đẩy phát triển, quyết tâm dành lại thị phần trước sự chiếm lĩnh của các hãng thời trang nước ngoài.


May 10

Tổng công ty May 10 tiền thân là các xưởng may quân trang tại chiến khu Việt Bắc, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành Dệt May Việt Nam. Sản phẩm của May 10 đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Hiện tại, sản phẩm của May 10 được bán tại hơn 200 cửa hàng, đại lý trên cả nước.


Với lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam May 10 đã khẳng định được vị thế của mình khi doanh thu đang có xu hướng tăng dần qua các năm. Năm 2022 doanh thu của công ty đạt hơn 4500 tỷ tăng gần 1000 tỷ so với năm 2021.


Mặc dù hiện nay thương hiệu đang chịu nhiều cạnh tranh từ các đối thủ ngoại nhập nhưng May 10 vẫn giữ vững được phong độ của mình khi lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt hơn 123 tỷ đồng, cao hơn gần gấp đôi so với năm 2021.


An Phước

An Phước là một trong những thương hiệu may mặc hàng đầu Việt Nam, từ một cơ sở may gia công nhỏ lẻ, sau hơn 20 năm hoạt động, An Phước đã trở thành công ty nổi tiếng trong ngành may mặc Việt Nam, đặc biệt là thời trang dành cho phái mạnh.


Nắm bắt được xu hướng và nhu cầu thị trường An Phước đã thúc đẩy nâng cấp hệ thống cũng như chiến lược kinh doanh của mình. Năm 2022 An Phước đạt doanh thu hơn 2200 tỷ đồng và mức lợi nhuận sau thuế đều tăng dần qua từng năm. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế của An Phước ghi nhân đạt 588 tỷ đồng trong năm 2022 cao gấp 4 lần so với năm 2021.


Việt Tiến

Công ty Cổ Phần May Việt Tiến được thành lập năm 1975 chuyên về các sản phẩm cho nam giới với sản phẩm đa dạng chất lượng. Tại thị trường nội địa, Việt Tiến có hơn 1300 của hàng trải đều khắp các tỉnh thành. Sản phẩm của Việt Tiến phong phú về nhiều chủng loại mặt hàng với nhiều dòng sản phẩm: Việt Tiến, Việt Long, Smart Casual, Manhattan, San Sciaro,…


Năm 2021 là một năm đầy u ám đối với Việt Tiến khi vừa phải chịu sức ép từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, vừa phải chịu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 khiến cho mức lợi nhuận của Việt Tiến chỉ đạt mức 83,4 tỷ đồng giảm tới hơn 42% so với năm 2020. Đây là mức lãi ròng thấp nhất trong lịch sử hoạt động của Công ty Cổ Phần May Việt Tiến.


Tuy nhiên, đến năm 2022 Việt Tiến đã có một sự chuyển biến cực kỳ tốt khi doanh thu đạt 8,464 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng lên hơn 177 tỷ đồng. Sự chuyển biến tích cực này đã khẳng định được vị thế của Việt Tiến trên thị trường thời trang nội địa Việt Nam.


YODY Fashion

Bắt đầu từ thương hiệu thời trang Hi5 được thành lập vào năm 2009, trải qua một hành trình phát triển và thay đổi, năm 2014 Hi5 chính thức được đổi tên thành YODY và được xem là một trong những thương hiệu startup thành công trong ngành thời trang Việt Nam.


Với chiến lược kinh doanh độc đáo, YODY đã lựa chọn chiến lược phủ thị trường tỉnh với 220 cửa hàng phủ rộng trên 46 tỉnh thành của Việt Nam. Cũng chính nhờ chiến lược kinh doanh khác biệt, không tập trung vào thị trường lớn như Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh giống với các thương hiệu thời trang khác đã giúp YODY có thể giảm bớt được sự cạnh tranh từ các thương hiệu ngoại nhập.


Mặc dù chỉ mới xuất hiện trên thị trường hơn 1 thập kỷ nhưng YODY đã khẳng định vị thế của mình khi mức doanh thu đều đang có xu hướng tăng cao qua các năm. Đặc biệt trong năm 2022 YODY đạt mức doanh thu 2730 tỷ với lợi nhuận sau thuế là 151 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận như này, YODY có thể được xếp ngang hàng cùng với các thương hiệu lâu năm trên thị trường thời trang Việt Nam.

The Blue Exchange

Blue Exchange là một trong những thương hiệu thời trang lâu đời nhất tại Việt Nam được thành lập năm 2001. Blue Exchange có một mạng lưới hơn 300 cửa hàng trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam với đa dạng các dòng sản phẩm từ quần áo cho đến phụ kiện thời trang.


Tuy là thương hiệu lâu năm nhưng tình hình kinh doanh của Blue Exchange không mấy ổn định khi chịu sự cạnh tranh từ nhiều phía. Năm 2021 thương hiệu này đã có khởi sắc khi lợi nhuận sau thuế đạt 25 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 5 năm gần đây của Blue Exchange. Tuy nhiên, bước qua năm 2022 Blue Exchange không còn giữ được phong thái của mình khi mức lợi nhuận giảm mạnh chỉ còn 187 triệu đồng.


OWEN

Owen là hãng thời trang nam nội địa Việt Nam, được thành lập vào năm 2008 bởi Công ty cổ phần thời trang Kowil. Trải qua quá trình phát triển OWEN đã vươn lên trở thành một trong những thương hiệu thời trang uy tín trong thị trường nội địa. Hiện tại, OWEN sở hữu hệ thống hơn 180 cửa hàng trải dài trên cả nước.


Tình hình kinh doanh của OWEN trong năm 2022 có phần khởi sắc hơn so với những năm trước. Doanh số của thương hiệu này đạt 341 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ so với năm 2021. Đặc biệt lợi nhuận sau thuế của OWEN trong năm 2022 cực kỳ cao, chạm mức 16,5 tỷ đồng, cao gấp 5 lần năm 2021.


HOANG PHUC International

HOANG PHUC International được thành lập năm 1989, là một trong những chuỗi bán lẻ thời trang chuyên phân phối hàng hiệu cho nam giới đầu tiên trên cả nước. Hiện tại HOANG PHUC International là ngôi nhà chung của 6 thương hiệu đình đám thế giới: Kappa, Dr Martens, Ecko Unltd, Superga, Replay, Staple được bán tại hệ thống gần 50 cửa hàng rộng khắp toàn quốc.


HOANG PHUC International là chuỗi thời trang hàng hiệu lâu đời với mức doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng mức lợi nhuận mà công ty này mang về nhỏ giọt, thậm chí là báo lỗ. Chỉ đến năm 2021 lợi nhuận mới có phần nhỉnh lên đạt mức hơn 11 tỷ đồng.


Năm 2022, doanh thu của công ty tiếp tục tăng trưởng đạt 789 tỷ đồng tăng gần 300 tỷ so với năm 2021. Tuy nhiên việc tái định vị thương hiệu hướng tới khách hàng nam, nữ và trẻ em trong năm 2022 đã khiến cho chi phí tăng cao và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt mức 1,8 tỷ đồng.


Canifa

Thương hiệu thời trang Canifa chính thức ra đời năm 2001 với hệ thống hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc. Canifa cung cấp các dòng sản phẩm thời trang cho cả nam và nữ, cho cả bé trai và bé gái.


Doanh thu của Canifa tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, chạm mức 1400 tỷ đồng ở năm 2022. Mặc dù doanh thu luôn tăng trưởng đều nhưng Canifa liên tục báo phải chịu lỗ hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên có một điểm sáng trong lợi nhuận của Canifa cho thấy mức lỗ đang giảm đáng kể khi năm 2020 công ty này phải chịu lỗ tới gần 200 tỷ đồng thì đến năm 2022 khoản lỗ này chỉ còn 56 tỷ đồng.


ELISE

ELISE với tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Thời trang ELISE hoạt động trong lĩnh vực may mặc và thiết kế thời trang được thành lập năm 2011. ELISE chuyên phân phối các dòng sản phẩm : thời trang công sở, dạo phố, dự tiệc, dòng basic, dòng limited và phụ kiện thời trang kèm theo.


Năm 2022, công ty này đạt mức doanh thu 800 tỷ đồng, tăng hơn 150 tỷ so với năm 2021. Sau khi phải hứng chịu một khoản lỗ cực lớn lên tới hơn 85 tỷ đồng vào năm 2021 đến năm 2022 ELISE đã chuyển mình khi mức lợi nhuận sau thuế tăng cao, đạt mức 95 tỷ đồng.

Seedcom Fashion Group

Seedcom Fashion Group là công ty quản lý các thương hiệu thời trang nổi tiếng JUNO và HNOSS. Hiện tại Seedcom đang sở hữu 27 showroom mang thương hiệu HNOSS và 68 showroom mang thương hiệu JUNO.


Theo số liệu báo cáo, năm 2021 công ty đang phải chịu một khoản lỗ ròng gần 30 tỷ đồng. Đây là thời điểm mà các thương hiệu thời trang Việt Nam cùng với các thương hiệu ngoại nhập cạnh tranh khốc liệt nhất nên Seedcom đã gặp khó trong giai đoạn này.


Năm 2022, Seedcom đã xoay chuyển tình thế giúp cho doanh thu của công ty tăng lên đáng kể. Cụ thể, Seedcom đã đạt mức doanh thu 547 tỷ đồng tăng gần 200 tỷ đồng so với năm 2021. Sau khi chịu khoản lỗ lớn trong năm 2021 thì đến năm 2022 mức lợi nhuận sau thuế đã chuyển từ âm thành dương, chạm mức 5 tỷ đồng.


IVY Moda

Thành lập vào năm 2005, hiện tại IVY Moda đã trở thành thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thị trường Việt Nam. Với xuất phát điểm là hướng tới thời trang công sở dành cho nữ và gặt hái được nhiều thành công. Hiện nay, IVY Moda đã cho ra đời các dòng sản phẩm: dòng váy dạ hội cao cấp IVY Senora, dòng phụ kiện cao cấp IVY Accessorize, dòng sản phẩm dạo phố IVY You, dòng sản phẩm đồ lót IVY Secret…


Những năm gần đây, do phải chịu tác động cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thời trang Việt Nam mà doanh thu của thương hiệu này chỉ ở ngưỡng 350 tỷ đồng. Không những thế lợi nhuận của IVY Moda cũng cực kỳ ít ỏi chỉ ở mức vài chục triệu đồng.


NEM

NEM được thành lập năm 2002 chuyên thiết kế và sản xuất trang phục dành riêng cho nữ. NEM cung cấp cho những đối tượng khách hàng từ 25 tuổi trở lên, có thu nhập cao và ổn định, đặc biệt là ưa chuộng những mẫu mã thời trang mới lạ và độc đáo.


Thời kỳ thị trường đang có sự cạnh tranh khốc liệt và gay gắt cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã khiến cho giai đoạn năm 2020-2021 của NEM cực kỳ khó khăn khi luôn phải chịu khoản lỗ vài chục tỷ đồng. Năm 2022, việc kinh doanh của NEM đã có khởi sắc khi doanh thu đạt gần 600 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 200 tỷ so với năm 2021. Nem cũng không còn phải chịu khoản lỗ hàng chục tỷ mà thay vào đó là mức lợi nhuận hơn 20 tỷ đồng.


M2

Thương hiệu thời trang M2 ra đời năm 2001, là đơn vị kinh doanh thời trang tiên phong theo mô hình siêu thị. Hướng kinh doanh của hệ thống M2 là bán hàng đa dạng chủng loại, mẫu mã. Sản phẩm được bán tại M2 phục vụ cán bộ, nhân viên, công nhân, sinh viên, kể cả tầng lớp trung lưu.


Năm 2022 doanh thu của thương hiệu này đạt 121 tỷ đồng tăng 43% so với năm trước. Sau khi phải chịu khoản lỗ 344 tỷ đồng năm 2021, kết thúc năm 2022 M2 đã quay lại phong độ khi ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế là 374 tỷ đồng.


Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, sức mua trong nước giảm đáng kể cùng với việc các thương hiệu thời trang nước ngoài đang ồ ạt tấn công vào Việt Nam khiến cho sự cạnh tranh trên thị trường thời trang trong nước gay gắt vô cùng. Việc chinh phục thị trường nội địa của các thương hiệu thời trang Việt Nam là công việc nhiều khó khăn, thách thức và đầy rủi ro.


Xu hướng thời trang cũng như tâm lý người tiêu dùng thay đổi nhanh theo thời gian để có thể cạnh tranh được trên thị trường thời trang nội địa các thương hiệu Việt Nam cần có chương trình nghiên cứu thói quen ngươi tiêu dùng cũng như sức mua trên thị trường này, từ đó tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước. Nếu các doanh nghiệp không nhanh nhạy, cập nhật và đổi mới sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh này.

Nguồn: Báo cáo ngành thời trang Việt Nam năm 2022 của Vietdata

Comentarios


bottom of page