Truyền hình cáp tại Việt Nam đã trải qua một hành trình phát triển dài và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Từ những ngày đầu tiên chỉ có một vài nhà cung cấp với số lượng kênh hạn chế, cho đến nay, thị trường truyền hình cáp đã trở nên sôi động với sự cạnh tranh gay gắt giữa nhiều nhà cung cấp lớn như VTVcab, HTVC, SCTV, FPT Telecom,... Sự phát triển mạnh mẽ của truyền hình cáp mang đến cho người xem Việt Nam vô số lựa chọn giải trí đa dạng với hàng trăm kênh truyền hình trong nước và quốc tế thuộc nhiều thể loại khác nhau như phim ảnh, thể thao, tin tức, giải trí, âm nhạc,... đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, truyền hình cáp cũng đang phải đối mặt với một số thách thức như sự cạnh tranh từ các dịch vụ truyền hình OTT (truyền hình trực tuyến) như Netflix, FPT Play, VieON,... và sự gia tăng của các thiết bị thông minh như smartphone, ipad khiến người xem có nhiều lựa chọn giải trí hơn. Để duy trì vị thế của mình trong thị trường giải trí ngày càng cạnh tranh, các nhà cung cấp truyền hình cáp cũng đang có những sự chuyển mình để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhìn chung, truyền hình cáp vẫn là một phương tiện giải trí phổ biến tại Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân.
Theo báo cáo từ Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử, Việt Nam hiện có 35 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền hình trả tiền. Số lượng thuê bao trả phí hàng tháng đạt 13,8 triệu, trong đó có 10 triệu thuê bao truyền hình cáp, 200,000 thuê bao truyền hình mặt đất, 1 triệu thuê bao truyền hình số vệ tinh, 1 triệu thuê bao truyền hình Internet và khoảng 480,000 thuê bao truyền hình di động.
Xét về mặt doanh thu, năm 2019, toàn thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam ước đạt 8,600 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với 9 tháng đầu năm 2022, năm 2023 chỉ cho thấy sự tăng trưởng khiêm tốn, với tổng doanh thu thuê bao truyền hình trả tiền ước đạt 7,500 tỷ đồng, tăng 1.4%. Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đã đạt 18,6 triệu trên cả nước, tăng 12.3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ năm 2019 đến thời điểm hiện tại, số lượng doanh nghiệp cung cấp truyền hình truyền thống của Việt Nam được duy trì ổn định, với chỉ có 2 doanh nghiệp dừng hoạt động.
VTVcab
VTVcab, hay còn được biết đến là Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam, là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hàng đầu tại Việt Nam, trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Với hơn 28 năm phát triển, VTVcab đã trở thành một thương hiệu được yêu thích và tin dùng trên toàn quốc, với nội dung chương trình đặc sắc và phong phú, luôn cập nhật theo xu hướng công nghệ truyền hình hiện đại.
VTVcab cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và các dịch vụ gia tăng giá trị khác trên truyền hình cáp toàn quốc. Đối với dịch vụ truyền hình trả tiền, VTVcab đang kinh doanh thông qua hai hình thức là truyền hình cáp và truyền hình internet với hơn 200 kênh, trong đó có 100 kênh HD. Bên cạnh đó, VTVcab còn sản xuất và phân phối nội dung đa dạng, từ thể thao, phim truyện, giải trí, giáo dục, đến tin tức. Đặc biệt, VTVcab đang dẫn đầu trong việc sản xuất nội dung Thể thao, mang đến cho khán giả những trận đấu và sự kiện thể thao sôi động và đầy kịch tính. Với sự phát triển và mở rộng không ngừng, VTVcab hiện đã phủ sóng toàn quốc cho hơn 12 triệu hộ gia đình.
Về tình hình kinh doanh của VTVcab trong năm 2022, doanh thu của công ty này đã tăng nhẹ lên mức hơn 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã giúp VTVcab tiếp tục vượt mặt SCTV về mặt doanh thu tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của của VTVcab lại thấp hơn so với SCTV. Cụ thể, khoản lợi nhuận ròng của VTVcab chỉ xoay quanh mốc hơn 60 tỷ qua 3 năm với sự tăng nhẹ lên gần 68 tỷ vào năm 2021, tăng hơn 6% so với năm 2020 và sau đó giảm gần 10% chạm mốc hơn 61 tỷ vào năm 2022.
SCTV
Công ty Truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV) là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hàng đầu tại Việt Nam, được thành lập vào năm 1992. SCTV là công ty đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, thiết kế, đầu tư và thi công khai thác mạng truyền hình cáp hai chiều (HFC) với băng thông rộng và sử dụng đa dịch vụ. SCTV mang đến cho khách hàng những trải nghiệm chất lượng cao với giá cả hợp lý, nhờ vào sự vượt trội về kỹ thuật và công nghệ.
Tính đến thời điểm hiện tại, SCTV đã cung cấp được hơn 200 kênh truyền hình trên cả nước, trong đó có 60 kênh chuẩn HD. Ngoài ra, SCTV còn cung cấp dịch vụ internet với tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Năm 2022 tiếp tục là năm chứng khiến sự sụt giảm trong doanh thu của SCTV khi từ hơn 2,5 nghìn tỷ đồng đạt được trong năm 2020 đã giảm liên tục xuống còn hơn 2 nghìn tỷ đồng vào năm 2022, tương ứng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của công ty này cũng cho thấy sự giảm sút khi chỉ đạt gần 79 tỷ đồng vào năm 2022, so với năm 2020 lợi nhuận ròng của SCTV đã giảm gần 40%.
FPT telecom
FPT Telecom, một thành viên của Tập đoàn FPT, được biết đến là nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông và Internet lớn tại Việt Nam. Công ty này được thành lập từ Trung tâm Dịch Vụ Trực Tuyến FPT (FPT Online Exchange – FOX) vào ngày 31/01/1997 tại Hà Nội. Với hơn 25 năm hoạt động, FPT Telecom đã phát triển mạnh mẽ và mở rộng mạng lưới ra 63 tỉnh thành trên cả nước với gần 316 văn phòng điểm giao dịch và 90 chi nhánh. FPT Telecom cung cấp một loạt các dịch vụ, bao gồm:
Dịch vụ truy cập Internet băng thông rộng cố định với công nghệ FTTH/xPON.
Dịch vụ Truyền hình trả tiền (IPTV cable TV, Internet TV - OTT) với gần 200 kênh truyền hình đa dạng, nội dung phong phú.
Các dịch vụ nội dung và ứng dụng trên Internet như FPT Play Box (Voice Remote), FPT Play, Fshare, Fsend,...
Các sản phẩm và dịch vụ IoT/Smart Home như FPT Camera và iHome.
Đối với tổ chức và doanh nghiệp, FPT Telecom cung cấp các dịch vụ truyền dẫn dữ liệu, dịch vụ Internet Leased Line, dịch vụ thoại, dữ liệu trực tuyến, dịch vụ quản lý, và dịch vụ điện toán đám mây,..
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FPT telecom ghi nhận sự tăng trưởng liên tục trong ba năm. Năm 2020, doanh thu của FPT telecom đạt gần 11,5 nghìn tỷ đồng. Con số này tăng thêm gần 11% vào năm 2021 và tiếp tục tăng hơn 16% vào năm 2022, đạt hơn 14,7 nghìn tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận năm 2020 của FPT telecom đạt hơn 1,6 nghìn tỷ đồng. Con số này tăng lên gần 2 nghìn tỷ đồng vào năm 2021 và ghi nhận mức lợi nhuận ròng hơn 2,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2022, tăng thêm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các số liệu tài chính trên là của toàn bộ hoạt động công ty FPT Telecom, bao gồm cả các công ty con. Vietdata không có thông tin chi tiết về hoạt động của mảng dịch vụ truyền hình.
HTVC
HTVC là một công ty truyền hình cáp được thành lập vào ngày 1 tháng 7 năm 2003 với mục tiêu đem lại cho khán giả trong và ngoài nước những sản phẩm văn hóa và giải trí đa dạng. Công ty cung cấp một loạt các dịch vụ bao gồm dịch vụ truyền hình trả tiền, tư vấn thiết kế, và lắp đặt mạng truyền hình cáp. Bên cạnh đó, HTVC còn xây dựng, khai thác và kiểm soát hệ thống thiết bị kỹ thuật mạng truyền dẫn truyền hình cáp. Công ty này cũng sản xuất, mua bán, và cung cấp các kênh chương trình, chương trình truyền hình trả tiền phát sóng trên mạng của mình. Cụ thể, HTVC cung cấp ba gói dịch vụ truyền hình khác nhau là Truyền hình Kỹ thuật Số Cơ bản bao gồm hơn 130 kênh, Truyền hình Kỹ thuật Số Cao cấp cung cấp hơn 100 kênh, trong đó có gần 70 kênh HD và Truyền hình Cáp bao gồm 65 kênh. Ngoài ra, HTVC còn cung cấp dịch vụ truy cập internet thông qua mạng truyền hình cáp. Tất cả những dịch vụ này tạo nên một hệ thống giải trí đa dạng và linh hoạt cho người dùng.
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, doanh thu của HTVC cho thấy sự sụt giảm dần qua các năm. Cụ thể, doanh thu thuần vào năm 2020 của HTVC đạt mức hơn 400 tỷ đồng, sau đó giảm xuống hơn 13% giữ ở mức hơn 350 tỷ đồng trong năm 2021 và tiếp tục giảm thêm 13% vào năm 2022 xuống còn hơn 304 tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, HTVC chứng kiến sự sụt giảm đáng kể vào năm 2022 khi giảm gần 60% xuống mức còn hơn 6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
K+
K+ là một dịch vụ truyền hình trả tiền thuộc sở hữu của Công ty Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) - công ty liên doanh giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Canal+ của Tập đoàn Vivendi (Pháp). Dịch vụ truyền hình của K+ hoạt động dựa trên hệ thống truyền hình vệ tinh (DTH - Direct To Home) và OTT (kết nối qua internet). K+ sử dụng công nghệ kỹ thuật số để truyền tín hiệu hình ảnh và âm thanh, cho phép phát các kênh SD và HD phủ sóng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Để đảm bảo an toàn cho các gói kênh và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tất cả các kênh do K+ cung cấp đều được mã hóa bằng công nghệ của hãng Nagravision. Ngoài ra, K+ cung cấp ba gói cước linh hoạt để đáp ứng nhu cầu giải trí đa dạng của khán giả bao gồm Access+, Premium+ và HD+. Mới đây, K+ đã cho ra mắt K+ ACTION, kênh truyền hình bản địa đầu tiên tại Việt Nam dành cho thể loại hành động nhằm đem lại cho khán giả những trải nghiệm xem truyền hình đa dạng và chất lượng cao.
Về tình hình kinh doanh, Doanh thu của K+ không có nhiều sự thay đổi qua các năm. Năm 2021, doanh thu của K+ có sự tăng nhẹ đạt hơn 1,071 tỷ đồng, tăng 1.5% so với năm 2020 trước khi giảm hơn 4% vào năm 2022. Về lợi nhuận sau thuế, mặc dù doanh thu có sự duy trì ổn định qua các năm, song lợi nhuận ròng năm 2020 của K+ đạt mức âm hơn 265 tỷ đồng và tiếp tục báo lỗ trong 2 năm tiếp theo. Cụ thể, khoản lỗ vào năm 2021 và 2022 lần lượt là hơn 342 tỷ đồng và hơn 379 tỷ đồng. K+ là đơn vị truyền hình duy nhất chưa có lợi nhuận sau nhiều năm hoạt động.
Hanoicab
Công ty Cổ phần Truyền hình cáp Hà Nội (Hanoicab) được thành lập năm 2002 tại quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội. Là một Công ty có bề dày kinh nghiệm hoạt động hơn 20 năm trong lĩnh vực truyền thông truyền hình. Hiện tại, Hanoicab đang phát sóng 52 kênh trên mạng cáp Analog, 144 kênh trên hệ thống cáp DVB-C và 188 kênh trên hệ thống cáp DVB-T2. Phạm vi phát sóng của Truyền hình Cáp Hà Nội chủ yếu tập trung tại thủ đô Hà Nội, bao gồm các quận nội thành và một số huyện ngoại thành. Công ty cũng đang dần mở rộng mạng lưới của mình tới các thành phố khác. Ngoài ra, Hanoicab còn đang phát triển dịch vụ Internet cáp. Công ty tận dụng tuyến cáp quang và đầu tư nâng cấp mạng lên 2 chiều để truyền tín hiệu Internet tốc độ cao tới máy vi tính của khách hàng.
Cùng xu hướng giảm chung, Doanh thu của Hanoicab ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022. Doanh thu của công ty này đã giảm gần 30% kể từ năm 2020, đạt mức gần 100 tỷ đồng vào năm 2022. Lợi nhuận ròng của công ty cũng cho thấy sự tiêu cực khi năm 2022 ghi nhận khoản lỗ kỷ lục hơn 35 tỷ đồng trong khi trước đó vào năm 2021 công ty vẫn có lợi nhuận ròng dương đạt hơn 110 triệu đồng.
BHTVC
Công ty TNHH Truyền hình cáp Bình Dương HTVC (BHTVC) được thành lập từ năm 2014, là công ty hợp tác giữa Đài Phát Thanh - Truyền Hình Bình Dương và Công ty TNHH MTV Dịch Vụ Kỹ thuật Truyền thông HTV (HTV – TMS). BHTVC chuyên về các dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số và Internet cáp quang, với 164 kênh truyền hình phục vụ khán giả trong và ngoài nước.
Năm 2022, doanh thu của BHTVC đạt hơn 17,5 tỷ đồng. Con số này giảm 5.6% so với năm 2021 và tăng gần 2.5% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của BHTVC có sự biến động mạnh qua các năm. Cụ thể, lợi nhuận của công ty này trong năm 2020 là hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang năm 2021, BHTVC báo lỗ khoảng hơn 4,6 tỷ đồng và kết thúc năm 2022 với khoản lỗ hơn 266 triệu đồng.
Trong bối cảnh làn sóng truyền hình trực tuyến ngày càng mạnh mẽ, các công ty truyền hình cáp tại Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ. Doanh thu từ dịch vụ truyền hình cáp đang có xu hướng sụt giảm, thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích nghi và đổi mới. Tuy nhiên, với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và nội dung, cùng với việc tìm kiếm các giải pháp kinh doanh sáng tạo, các công ty truyền hình cáp Việt Nam vẫn đang nỗ lực để không chỉ tồn tại mà còn phát triển trong thời đại mới này. Sự cạnh tranh giữa truyền hình cáp và truyền hình trực tuyến sẽ vẫn tiếp tục, nhưng một điều chắc chắn, người hưởng lợi cuối cùng sẽ là người tiêu dùng, khi họ có thêm nhiều lựa chọn về nội dung giải trí chất lượng.
Nguồn: Báo cáo Thị trường Truyền hình cáp Việt Nam 2022 của Vietdata.
تعليقات