top of page

Thị trường bán lẻ dược phẩm Việt & Cuộc chiến mở rộng thị phần


Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh sự tăng trưởng toàn ngành dược, nhất là các mô hình hiện đại như chuỗi nhà thuốc.


Dịch bệnh bùng phát làm cho người dân hạn chế việc khám chữa bệnh từ bệnh viện khiến doanh thu kênh ETC (từ bệnh viện) bị suy giảm, dẫn đến việc thay đổi trong cơ cấu doanh thu của ngành. Theo ước tính, tổng doanh thu dược phẩm của cả nước trong quý I/2022 tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu từ kênh nhà thuốc tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021, kênh ETC giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021.


Tiềm năng của thị trường bán lẻ dược phẩm

Cả nước hiện có khoảng 60,000 nhà thuốc, hầu hết là nhà thuốc truyền thống, các nhà thuốc hiện đại chỉ chiếm khoảng 3 - 5%. Ngoài ra, thị trường dược phẩm có tính phân mảnh rất cao và bị chi phối bởi các kênh bán sỉ. Vì vậy, thị trường bán lẻ dược phẩm vẫn còn nhiều chỗ trống cho các nhà đầu tư tham gia thị trường này.


Với doanh số tăng từ 7.7 tỉ USD vào năm 2021 lên 16.1 tỉ USD vào năm 2026 và tốc độ tăng trưởng kép lên tới 11%, thị trường dược phẩm Việt Nam được đánh giá là vô cùng tiềm năng.


Mặt khác, theo World Bank, số người từ 65 tuổi trở lên của Việt Nam sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2040, chiếm 18% tổng dân số, sẽ thúc đẩy chi tiêu chăm sóc sức khỏe. Do đó, tiềm năng tăng trưởng chi tiêu cho dược phẩm ở Việt Nam vẫn còn rất khả quan, đặc biệt ở một thị trường phân mảnh, chưa có người thống trị và đầy tiềm năng như bán lẻ dược phẩm.


Với quy mô và tốc độ không ngừng phát triển, thị trường bán lẻ dược phẩm đang thu hút các nhà bán lẻ vào cuộc đua mở chuỗi.


Cuộc đua mở chuỗi bán lẻ dược phẩm


Hiện nay, trong thị trường bán lẻ dược phẩm đang tồn tại cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa những tên tuổi lớn như Pharmacity, Long Châu, An Khang, ECO Pharma, MEDiCARE,...


Cuối năm 2017, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động đã mua hệ thống nhà thuốc An Khang, thâm nhập vào thị trường phân phối dược. Từ đầu năm 2022, An Khang đẩy mạnh mở rộng mạng lưới cửa hàng trên toàn quốc. Với tốc độ vũ bão, từ 178 nhà thuốc vào cuối năm 2021, An khang đã tăng lên 522 nhà thuốc trên cả nước. Dự kiến cuối năm nay, An Khang sẽ đạt mốc 800 cửa hàng.


Với chuỗi nhà thuốc Long Châu, kể từ khi được nhà bán lẻ công nghệ - FPT Retail mua lại vào năm 2017, chuỗi này từ 8 nhà thuốc ban đầu đã bứt lên với 400 nhà thuốc trên khắp 53 tỉnh thành vào cuối năm 2021. Đến hiện tại chuỗi nhà thuốc Long Châu sở hữu 876 nhà thuốc trên toàn quốc.

Tuy nhiên, đứng đầu chuỗi bán lẻ dược phẩm đang thuộc về Công ty CP Dược phẩm Pharmacity với 1,074 nhà thuốc. Chuỗi này đang chạy đua mở rộng mạng lưới, với tham vọng đạt 5,000 nhà thuốc vào năm 2025.


Theo đó, cuộc đua mở mới chuỗi nhà thuốc sẽ kích thích doanh thu ngành dược tăng cao trong vài năm tới. Ba chuỗi nhà thuốc lớn nhất gồm Long Châu, An Khang, Pharmacity đang mở rộng nhanh chóng số lượng cửa hàng ra các tỉnh, thành phố trên cả nước. Dự kiến, chuỗi nhà thuốc có thể chiếm tới 16% thị phần bán lẻ thuốc tại Việt Nam vào năm 2025.


Ngoài ra, trên thị trường bán lẻ dược phẩm hiện nay còn có những cái tên đáng chú ý như Phano Pharmacy với hơn 40 nhà thuốc, ECO pharma với 10 nhà thuốc, MEDiCARE với 86 nhà thuốc,...


Năm 2022, các chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn tiếp tục đặt mục tiêu mở mới đầy tham vọng. Bên cạnh đó, nhiều công ty mới cũng lấn sân vào thị trường, bao gồm Wincommerce và Viettel.


Dẫn đầu về quy mô cửa hàng, nhưng doanh số và lợi nhuận của Pharmacity bị soán ngôi


Pharmacity

Chuỗi nhà thuốc tiện lợi Pharmacity thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity, được thành lập vào năm 2011, Pharmacity là một trong những chuỗi bán lẻ dược phẩm đầu tiên tại Việt Nam.


Trong ngành bán lẻ dược phẩm Việt Nam, Pharmacity hiện là chuỗi nhà thốc dẫn đầu về số lượng cửa hàng. Tuy nhiên, chuỗi nhà thuốc này lại dần mất đi vị trí dẫn đầu về cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, năm 2021, chuỗi nhà thuốc Pharmacity chỉ ghi nhận hơn 3.6 nghìn tỷ đồng doanh thu, thấp hơn nhà thuốc Long Châu khoảng 350 tỷ đồng.


Ngoài ra, trong những năm gần đây, chuỗi nhà thuốc Pharmacity liên tục báo lỗ. Cụ thể, năm 2021, nhà thuốc này lỗ hơn 360 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.


Tham vọng thống lĩnh của Pharmacity dựa trên cơ sở vị thế dẫn đầu, cùng bộ đệm tài chính lớn, không chỉ được SK Group hỗ trợ, đằng sau Pharmacity còn là sự hậu thuẫn của Mekong Capital và TR Capital. Do đó, Pharmacity sẵn sàng đánh đổi lợi nhuận để lấy thị phần.


Nhà thuốc Long Châu

Nhà thuốc Long Châu trực thuộc Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT – thành viên Tập đoàn FPT, hệ thống Nhà thuốc FPT Long Châu là một trong những chuỗi bán lẻ dược phẩm uy tín tại Việt Nam.


Lợi thế của Long Châu nằm ở lượng SKU (lượng đầu thuốc trong kho hàng) nhiều gấp 6-7 lần so với các nhà thuốc khác, giúp doanh thu trên cửa hàng dẫn đầu thị trường.


Theo đó, cuối năm 2021, doanh thu chuỗi Long Châu đạt gần 4 nghìn tỷ đồng, tăng 3.3 lần so với năm 2020, giúp Long Châu có lãi nhẹ và trở thành chuỗi nhà thuốc dẫn đầu thị trường chuỗi nhà thuốc bán lẻ với thị phần 45%.

Nhà thuốc An Khang

Chuỗi nhà thuốc An Khang tiền thân là nhà thuốc Phúc An Khang được thành lập năm 2002. Năm 2017 nhà thuốc Phúc An Khang chính thức là thành viên của Thế Giới Di Động và đổi tên thành Nhà thuốc An Khang với bộ nhận diện thương hiệu mới thuộc Thế Giới Di Động.


Dù đã sở hữu 49% cổ phần của chuỗi An Khang từ năm 2018 nhưng phải đến cuối năm 2021, Thế giới di động (MWG) mới mua lại nốt số cổ phần còn lại, sở hữu 100% chuỗi nhà thuốc. Sau khi chính thức sở hữu An Khang, MWG mới dồn lực cho An Khang bằng cách ồ ạt mở các cửa hàng mới tại các thành phố lớn. Doanh thu của chuỗi nhà thuốc An Khang cũng tăng liên tục sau khi về với Thế Giới Di Động.


Mặc dù vậy, với việc mở hàng loạt cửa hàng dược phẩm cũng như chi phí hoạt động tăng mạnh làm cho An Khang vẫn chưa có lãi trong những năm đầu tiên về với Thế Giới Di Động.


Tuy nhiên, sau thời gian lỗ triền miên thì chuỗi nhà thuốc An Khang đã bắt đầu có lợi nhuận. Cụ thể, năm 2021, chuỗi nhà thuốc này đã mang về cho Thế Giới Di Động gần 8,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.


ECO Pharma

ECO Pharma là thương hiệu thuộc công ty cổ phần Dược phẩm ECO, được thành lập vào năm 2008. Hệ thống nhà thuốc ECO là chuỗi nhà thuốc đầu tiên tại Việt Nam đạt đủ 3 tiêu chuẩn: WHO-GSP, GDP và GPP.


Với sự xuất hiện của những tân binh mới từ các nhà bán lẻ công nghệ đã làm cho vị thế của ECO Pharma bị lung lay. Trong những năm gần đây, doanh thu của chuỗi bán lẻ dược phẩm này gần như đi ngang ở mức 1.6 nghìn tỷ đồng.


Để cải thiện doanh thu, ECO Pharma đã chi rất nhiều cho hoạt động truyền thông, marketing, quảng bá sản phẩm. Dẫn đến chi phí bán hàng tăng cao, lợi nhuận cũng giảm đáng kể. Theo đó, năm 2021 lợi nhuận sau thuế của ECO Pharma chỉ còn hơn 1 tỷ đồng so với mức hơn 43 tỷ đồng vào năm 2017.

Phano Pharmacy

Năm 2007, công ty cổ phần Dược phẩm Phano được thành lập. Nhà thuốc Phano đã có mặt tại các hệ thống phòng khám và bệnh viện, tiên phong với mô hình nhà thuốc bên trong siêu thị, trung tâm thương mại.


Đón đầu xu hướng chuyển đổi công nghệ số, Phano ra mắt Phano Link Nền tảng thương mại điện tử dược phẩm đầu tiên tại Việt Nam.


Năm 2021 là năm thứ 3 liên tiếp chuỗi nhà thuốc này ghi nhận tốc độ tăng trưởng âm. Cụ thể, năm 2021 doanh thu của chuỗi nhà thuốc Phano chỉ đạt khoảng 360 tỷ đồng (giảm hơn 40% so với năm 2020). Lợi nhuận sau thuế của chuỗi nhà thuốc này cũng liên tục giảm trong những năm gần đây, từ hơn 20 tỷ đồng (vào năm 2017) xuống còn khoảng 1.5 tỷ đồng (vào năm 2021).


MEDiCARE

MEDiCARE được thành lập tại Việt Nam vào năm 2001 với cửa hàng đầu tiên tại Quận 1, Thành Phố Hồ Chí Minh. MEDiCARE là thương hiệu bán lẻ đầu tiên & duy nhất tại Việt Nam về Chăm Sóc Sức Khỏe và Sắc Đẹp.

Tình hình kinh doanh của chuỗi bán lẻ này không mấy khả quan khi doanh thu tăng trưởng âm, lợi nhuận sau thuế cũng giảm liên tục. Cụ thể, doanh thu năm 2021 của MEDiCARE Việt Nam chỉ đạt trên 200 tỷ đồng (giảm khoảng 30% so với năm 2020), trong khi đó lợi nhuận sau thuế lại ở mức âm gần 80 tỷ đồng.


Có thể thấy, các “ông lớn” trong ngành bán lẻ dược phẩm đã bắt đầu tăng tốc trên cuộc chiến tranh giành thị phần của lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng không ít sự cạnh tranh quyết liệt này. Đây được xem là một cuộc chiến “đốt tiền” của các tay chơi, bởi các “ông lớn” chấp nhận chi đậm, đồng thời gồng lỗ hàng trăm tỷ đồng để giành thị phần.


Chưa rõ cuộc đua mở rộng thị phần của các doanh nghiệp này sẽ đi về đâu. Nhưng trên một đường đua khốc liệt như hiện nay, chỉ những doanh nghiệp nào có chiến lược kinh doanh hợp lý, ứng dụng công nghệ hiệu quả, tối ưu được chi phí cùng khả năng quản lý bài bản, và đặc biệt phải có nền tảng tài chính vững vàng mới có thể chiến thắng.


Nguồn: Báo cáo ngành Bán lẻ 2022 của Vietdata


Comments


bottom of page