Năm 2023 ghi nhận sự phục hồi tích cực của thị trường bán lẻ Việt Nam sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022. Doanh thu bán lẻ hàng hóa đóng vai trò chủ đạo, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6%. Tuy nhiên, so sánh với giai đoạn trước dịch, tốc độ tăng trưởng chưa đạt được mức như trước (trên 10%) và có xu hướng giảm tốc trong những tháng cuối năm 2023 (so với mức tăng 16,3% trong 6 tháng đầu năm).
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện kênh bán lẻ hiện đại chiếm 25% thị phần nên thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Xu hướng bán lẻ thông qua các kênh hiện đại cũng sẽ diễn ra mạnh hơn và dần dần thay thế hình thức tạp hóa truyền thống, vốn tồn tại lâu đời ở Việt Nam, gắn với tập quán sinh hoạt và tiêu dùng của người dân.
Cửa hàng tiện lợi là một trong những mô hình phát triển nhanh nhất trong các loại hình bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa (khoảng 0,3%) nhưng đây là loại hình chứng kiến sự tăng trưởng mạnh, với tốc độ tăng trưởng CAGR giai đoạn 2020-2022 đạt khoảng 18,4%. Tiềm năng tăng trưởng của thị trường này được đánh giá còn rất lớn nhờ vào một số đặc tính về cơ cấu dân số, tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng tầng lớp trung lưu, và sự phát triển của ngành du lịch.
Tính đến tháng 9/2023, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt 41,5%, và khoảng 50% dân số ở thành thị thuộc nhóm tuổi từ 15 đến 50 tuổi (độ tuổi dễ tiếp cận và làm quen các phương thức mua sắm hiện đại). Ngành du lịch đang tăng tốc mạnh mẽ (cả về số lượt khách nội địa và quốc tế) từ nửa cuối 2023 đến nay. Và số người thuộc tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng trong những năm qua, và được dự báo sẽ tăng hơn 2,5 lần (lên mức trên 36 triệu người) vào năm 2030.
Mặc dù tiềm năng tăng trưởng luôn được đánh giá cao, nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và phân khúc kinh doanh cửa hàng tiện lợi nói riêng luôn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Đặc biệt với sự bùng nổ của các chuỗi bán lẻ tiện lợi ngoại quốc đang tạo nên áp lực cạnh tranh không nhỏ cho các thương hiệu Việt Nam. Sở hữu tiềm lực tài chính mạnh mẽ, kinh nghiệm quản lý dày dặn và chiến lược marketing rầm rộ, các ông lớn này đang dần chiếm lĩnh thị phần, khiến cho "miếng bánh" thị trường bán lẻ tiện lợi Việt Nam ngày càng thu hẹp lại đối với các doanh nghiệp nội địa.
Bên cạnh cuộc đua mở rộng thị phần giữa các chuỗi cửa hàng tiện lợi, thì kênh bán hàng này còn chịu áp lực cạnh tranh lớn từ sự bùng nổ thương mại điện tử. Theo Báo cáo Thương mại điện tử năm 2023 được Bộ Công Thương công bố, có đến 74% dân số Việt Nam thường xuyên tham gia mua sắm online (thông qua các website, mạng xã hội facebook, zalo hay các sàn thương mại điện tử). Doanh thu thương mại điện tử B2C năm 2023 ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng trưởng trên 25% (tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2022), chiếm tỷ trọng 7,8 - 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Kênh mua sắm trực tuyến đã và đang dần lấn át các kênh bán lẻ trực tiếp (offline).
Trước sự leo thang chi phí mặt bằng, cạnh tranh khốc liệt giữa các đối thủ cùng phân khúc và nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm, đề cao trải nghiệm mua sắm tiện lợi và dịch vụ khách hàng tận tâm của người tiêu dùng, các doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp (offline) nói chung và các chuỗi cửa hàng tiện lợi nói riêng đang phải đối mặt với những áp lực to lớn. Doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp buộc phải chuyển mình mạnh mẽ bằng cách áp dụng thanh toán điện tử, xây dựng mô hình bán lẻ đa kênh (kết hợp cả bán hàng online với offline), tiếp cận xu hướng trưng bày sản phẩm và phương thức giao hàng mới mẻ, hiện đại.
Circle K
Circle K Việt Nam ghi nhận tăng trưởng bứt phá trong giai đoạn 2021 - 2022, khẳng định vị thế trong top đầu ngành bán lẻ tiện lợi. Đến nay, mạng lưới cửa hàng được mở rộng mạnh mẽ với hơn 50 điểm mới, nâng tổng số lên 464 cửa hàng, phủ sóng rộng khắp cả nước. Circle K nổi bật với hệ thống thanh toán tự động, quét mã QR hiện đại cùng dịch vụ giao hàng tận nhà đa dạng qua các ứng dụng Grab, ShopeeFood, NowFood,... mang đến trải nghiệm mua sắm tiện lợi, nhanh chóng cho khách hàng.
Vượt qua đại dịch Covid-19 đầy thử thách, Circle K Việt Nam đã ghi nhận kết quả kinh doanh vô cùng ấn tượng trong năm 2022 với doanh thu tăng 44,5% so với năm 2021, đạt gần 4.000 tỷ đồng và lãi hơn trăm tỷ đồng, "lột xác" hoàn toàn so với mức lỗ lũy kế 2 năm trước đó. Và đây cũng là thương hiệu chuỗi cửa hàng tiện lợi hiếm hoi “thoát lỗ”.
GS25
GS25 gia nhập thị trường “muộn nhất” so với các doanh nghiệp khác trong ngành (chính thức hoạt động từ 2018), nhưng đã ghi dấu ấn mạnh mẽ tại Việt Nam với tốc độ mở rộng quy mô ấn tượng, hiện sở hữu 209 cửa hàng, lọt top 2 chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất. Chuỗi thuộc sở hữu của Công ty TNHH GS 25 Việt Nam (GS25 VN) là liên doanh giữa GS Retail Hàn Quốc (nắm 30% cổ phần) và Công ty Cổ phần Sơn Kim Retail (Sơn Kim Retail). Chuỗi cửa hàng này đang khẳng định được vị thế như một trong Top thương hiệu dẫn đầu bằng mô hình kinh doanh sáng tạo, chiến lược nhượng quyền hiệu quả và mang đến trải nghiệm mua sắm đa dạng, tiện lợi cho khách hàng.
Nhờ chiến lược phát triển rõ ràng, doanh thu của GS25 tại Việt Nam tăng trưởng đều đặn trong giai đoạn 2021-2023, đạt trên 1.500 tỷ đồng năm 2023 (tăng 23% so với năm trước). GS25 đang theo đuổi chiến lược phát triển đầy tham vọng, đặt mục tiêu mở rộng 700 cửa hàng đến năm 2027, chấp nhận lỗ ngắn hạn để chiếm lĩnh thị phần. Năm 2023, GS25 tiếp tục ghi nhận lỗ lũy kế, tuy nhiên mức lỗ cải thiện hơn so với những năm trước.
FamilyMart
FamilyMart, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ 3 Nhật Bản, đang từng bước khẳng định vị thế tại thị trường Việt Nam đầy tiềm năng nhưng cũng không kém phần cạnh tranh. Mặc dù đặt mục tiêu tham vọng sở hữu 1.500 - 2.500 cửa hàng trong năm 2023, tuy nhiên tính đến tháng 07/2024, số lượng cửa hàng FamilyMart tại Việt Nam chỉ mới đạt con số 160 cửa hàng. Thay vì nản lòng, FamilyMart Việt Nam vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực với doanh thu tăng trưởng đều đặn trong 3 năm qua, đạt 1.600 tỷ đồng trong năm 2023 và giảm lỗ dần qua các năm.
Ministop
Ministop cũng là một đối thủ “đáng gờm” cho sự thống trị thị phần tại Việt Nam. Chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản, thuộc sở hữu của “gã khổng lồ” bán lẻ AEON, đã thâm nhập vào Việt Nam từ năm 2015, cho đến nay chuỗi này đã mở rộng quy mô với 184 cửa hàng tại Việt Nam (tính đến tháng 07/2024).
Tuy nhiên, Ministop cũng đối diện với tình hình tài chính “kém sáng”. Mặc dù doanh thu của chuỗi cửa hàng tiện lợi này tăng trưởng khoảng 12%, đạt gần 1.300 tỷ đồng trong năm 2023, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu cũng ghi nhận lỗ lũy kế.
7-Eleven
7-Eleven là một thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, được nhượng quyền “độc quyền” tại Việt Nam, “tay chơi” với kinh nghiệm dày dặn và chiếm lĩnh thị phần lớn trong lĩnh vực cửa hàng tiện lợi ở các quốc gia khác. Từ khi đặt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017, 7-Eleven có bước đi khá chậm so với các ông lớn đi sau khác (như GS25). Nhưng trong hơn 1 năm qua, 7-Eleven đã thực hiện chiến lược mở rộng quy mô, từ 79 cửa hàng (tháng 01/2023) lên 114 cửa hàng như hiện nay.
7-Eleven là một trong số ít các doanh nghiệp có sự tăng trưởng doanh số mạnh và ổn định kể từ sau dịch Covid-19 đến nay. Cụ thể doanh thu 2021 - 2023 tăng lần lượt là 17,7%, 26% và 37,4% so với năm liền trước, lên mức gần 850 tỷ đồng vào năm 2023. Tuy nhiên, ông lớn này vẫn thuộc nhóm có số lỗ hằng năm cao nhất nhì hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi.
K-Market (K-Mart)
Lần đầu xuất hiện vào năm 2006 với những mặt hàng mang đậm dấu ấn Hàn Quốc, K-Market được xem là siêu thị Hàn Quốc đầu tiên tại Việt Nam, mang đến những sản phẩm chất lượng cao và phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Trải qua 18 năm hình thành và phát triển, K-Market đã khẳng định vị thế vững vàng với chuỗi 69 cửa hàng trải dài khắp các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng..., trở thành điểm đến mua sắm uy tín cho người tiêu dùng, đặc biệt là cộng đồng người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Thị trường bán lẻ tiện lợi Việt Nam những năm gần đây chứng kiến nhiều doanh nghiệp lao đao vì thua lỗ do mở rộng quy mô “ồ ạt” và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh ảm đạm ấy, K-Market nổi lên như một “điểm sáng” với chiến lược kinh doanh "bền vững" và gặt hái thành công ấn tượng. Doanh thu tăng trưởng ổn định, lần lượt 8,3% trong năm 2022 và 6,9% trong năm 2023, đạt hơn 650 tỷ đồng. K-Market là doanh nghiệp bán lẻ tiện lợi duy nhất ghi nhận lợi nhuận dương đều đặn trong giai đoạn 2021-2023.
Co.op Smile, B's Mart
Sau các “ông lớn” kể trên, một số thương hiệu cửa hàng tiện lợi như Co.op Smile, B's Mart có quy mô doanh thu dao động từ trên dưới 200 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng mặc dù đã hoạt động nhiều năm, và lợi nhuận của các thương hiệu này cũng ghi nhận ở mức lỗ khá cao.
Cụ thể, đối với Co.op Smile sau gần 10 năm phát triển, thương hiệu đã có tổng cộng 96 cửa hàng trên khắp Việt Nam (bao gồm nhượng quyền), doanh thu tăng trưởng đều với mức tăng 1,7% mỗi năm, và đạt 380 tỷ đồng năm 2023. Cũng như các thương hiệu khác trong ngành, Co.op Smile cũng ghi nhận lỗ sau thuế.
Đối với B's Mart, được thành lập vào năm 2013, nhưng đang có biểu hiện “hụt hơi” khi đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, đến nay chuỗi này đã phát triển được 78 điểm bán trên toàn bộ khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Doanh thu năm 2023 của chuỗi bán lẻ tiện lợi B’s Mart được ghi nhận đạt mức thấp nhất trong 3 năm qua (2021 – 2023), đạt khoảng 300 tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ 2022. Thương hiệu này cũng liên tục được ghi nhận lỗ, với mức lỗ hằng năm tăng dần.
Nhìn chung, các doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam có sự phục hồi khả quan về tình hình kinh doanh sau giai đoạn đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang chấp nhận dồn sức vào mở rộng quy mô, nhằm mục đích gia tăng thị phần và tạo sức ép khiến các đối thủ phải từ bỏ cuộc đua.
Nguồn: Báo cáo thị trường bán lẻ tiện lợi của Vietdata năm 2023
Comments