Theo thống kê được đưa ra bởi Gojek tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, doanh nghiệp F&B đã có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể trong xu hướng người dân sử dụng dịch vụ đặt đồ ăn qua ứng dụng khi lượng đơn hàng đặt qua GoFood (ứng dụng đặt món của Gojek) trong quý 1/2022 tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Riêng tại Hà Nội, tốc độ tăng trưởng lên tới 220%. Đáng chú ý, tần suất đặt món trực tuyến tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam ngày càng hoạt động sôi nổi với nhiều thương hiệu mới gia nhập thị trường dưới nhiều hình thức khác nhau. Vào năm 2018, Việt Nam chỉ có một vài thương hiệu giao thức ăn như Now, Lala (rút lui khỏi thị trường sau vài tháng hoạt động), Vietnammm (sau được Baemin mua lại) thì đến 2022, có ít nhất là 8 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành.
Giao thức ăn trực tuyến hoạt động mạnh tại các thành thị, đặc biệt là các Thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với lượng tài xế và đơn hàng cao. Ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống ngày càng phát triển, ngày càng có nhiều đối tác cửa hàng ăn uống với nhiều loại hình dịch vụ dành cho nhiều đối tượng khác nhau khiến người dùng có thêm nhiều sự lựa chọn.
Các ứng dụng cạnh tranh gay gắt với nhau thông qua các chương trình ưu đãi, truyền thông đa phương tiện. Nhờ đó, người dùng được hưởng lợi với nhiều mức ưu đãi khác nhau, có thể so sánh giá cả và sử dụng ưu đãi phù hợp với nhu cầu song song giữa các ứng dụng. Người dùng được hưởng lợi trong cuộc chiến này nhưng các ứng dụng liên tục chịu lỗ suốt nhiều năm do bản chất thị trường cạnh tranh cao, nguồn thu phí dịch vụ thấp, phạm vi triển khai dịch vụ nhỏ cùng với việc phải liên tục đưa ra các ưu đãi.
Trong năm 2021, thị trường giao thức ăn ghi nhận sự phát triển của một số ứng dụng mới và sự sụt giảm trong doanh thu của một số ứng dụng cũ. Grab, Gojek và Be là ba ứng dụng bị giảm sút doanh thu do sự cạnh tranh quyết liệt trong thị trường. Nhờ việc áp dụng hàng loạt ưu đãi thu hút người dùng mới, cùng với mở rộng phạm vi hoạt động, Shopee food, Baemin và Loship đã đạt được tăng trưởng trong doanh thu.
Năm 2021, toàn bộ các doanh nghiệp trên thị trường đều báo cáo lỗ; thị trường cũng có sự phân hóa trong tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp. Grab, Baemin, Gojek, Loship ghi nhận mức lỗ tăng trong năm 2021, và Shopee food và Be là hai trường hợp có kết quả kinh doanh tích cực hơn với mức lỗ ghi nhận giảm đi.
Vietdata xin giới thiệu tới độc giả bài phân tích cụ thể và khái quát tình hình kinh doanh của các ứng dụng trên thị trường.
Grab – GrabFood
Ứng dụng Grab sau 12 năm hoạt động và phát triển đã đạt được nhiều thành tựu trên cả thị trường Đông Nam Á và Việt Nam. Grab đã có được hơn 100 triệu lượt tải về trên Google Play, xếp hạng 1 trong top ứng dụng ăn uống tại Việt Nam, mở rộng hoạt động kinh doanh lên đến 43 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Tuy xuất hiện sau Now, GrabFood dần vươn lên và chuyển mình với tốc độ chóng mặt. Grab hiện là một "siêu ứng dụng" với nhiều dịch vụ bao gồm gọi xe, giao hàng, thanh toán điện nước... Chúng cho phép Grab thu hút và giữ chân khách hàng với mức chi phí rất thấp, đồng thời vẫn có khả năng mang lại thêm ngày càng nhiều giá trị cho mạng lưới shipper của mình.
Sau một thời gian phát triển và không ngừng đưa ra khuyến mãi, Grab bắt đầu rút dần các khuyến mãi và tăng giá trị khuyến mãi tối thiểu trên mỗi đơn hàng lên để khuyến khích người dùng đặt theo nhóm, tăng giá trị mỗi đơn hàng. Gần đây, việc Grab tăng giá dịch vụ và triển khai các phụ phí như phụ phí trời mưa, nắng nóng, giao hàng vào ban đêm… nhưng không có quy chuẩn áp dụng, mức phụ phí không được hỗ trợ đủ 100% đến tài xế khiến người dùng bức xúc.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với sự cạnh tranh từ các thương hiệu khác, kết quả kinh doanh của Grab (bao gồm toàn bộ các lĩnh vực kinh doanh của Grab) trong năm 2021 khá tiêu cực khi doanh thu giảm từ hơn 3,7 nghìn tỷ VND chỉ còn hơn 3,3 nghìn tỷ VND. Từ lợi nhuận sau thuế khoảng 240 tỷ VND năm 2020, Grab lỗ hơn 300 tỷ trong năm 2021.
Now - ShopeeFood
Sau khi liên kết với Shopee vào tháng 8/2020 cùng hàng loạt chương trình khuyến mãi, Now đang lấy lại vị thế của mình trên thị trường giao thức ăn trực tuyến. Now sở hữu hệ thống hơn 160,000 đối tác nhà hàng trải dài khắp 16 tỉnh thành, với hơn 84,000 nhà hàng tại TP.HCM và hơn 41,000 nhà hàng tại Hà Nội. Sau khi đổi tên thành ShopeeFood, Now sẽ đồng nhất với thương hiệu và tận dụng được hệ sinh thái thương mại điện tử (Shopee), thanh toán (ShopeePay), giao nhận hàng (Shopee Express) và giúp trải nghiệm người dùng tiện lợi hơn.
Ứng dụng ShopeeFood hiện có trên 5 triệu lượt tải về trên Google Play, xếp hạng 3 trong top các ứng dụng về ăn uống trên App Store. ShopeeFood cũng xuất hiện trên ứng dụng Shopee, ứng dụng Shopee được xếp hạng 1 về Shopping trên App Store và sở hữu hơn 50 triệu lượt tải xuống trên Google Play. Việc liên kết này đem lại hiệu quả mạnh cho Now với số người dùng thường xuyên của Shopee và giá trị thương hiệu mà Shopee đã có sẵn.
Từ sau khi liên kết thành công, doanh thu Shopee Food tăng mạnh (đến hơn 40% vào năm 2021) và dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường giao thức ăn trực tuyến. Doanh thu của Foody (Công ty chủ quản Shopee Food) từ hơn 860 tỷ VND đã đạt hơn 1,2 nghìn tỷ VND trong giai đoạn 2020-2021. Lợi nhuận sau thuế của công ty từ -1,500 tỷ VND năm 2020 đã giảm còn gần -590 tỷ VND vào năm 2021.
Baemin
Baemin xuất hiện tại Việt Nam muộn hơn so với các ứng dụng giao thức ăn trực tuyến khác nhưng nhanh chóng chiếm được vị trí vững chắc trên thị trường và khiến cả Grab và ShopeeFood cũng phải dè chừng. Baemin có chiến lược kinh doanh “chậm mà chắc” đi ngược lại với những điều mà các ứng dụng khác đang làm. Nếu các ứng dụng khác triển khai trên toàn thị trường hoặc một khu vực, thì Baemin tập trung toàn bộ lực lượng để tấn công một điểm duy nhất, phát triển từng quận một rồi mới lan sang các khu vực khác. Theo chiến lược này, tuy Baemin chỉ mới triển khai ở TP.HCM, Hà Nội và gần đây nhất là Đà Nẵng, nhưng lại trở thành đối thủ đáng gờm của các “ông lớn” khác.
Baemin tuy chỉ tập trung 100% vào mảng thực phẩm và đồ ăn nhưng đã vượt qua các đối thủ khác và xếp hạng 2 trong bảng xếp hạng các ứng dụng về ăn uống trên App Store, sở hữu hơn 1 triệu lượt tải về trên Google Play. Sử dụng chiến lược marketing cùng những thông điệp rất Việt Nam, hình ảnh mới lạ độc đáo khiến Baemin được giới trẻ ưu ái hơn.
Với sự hậu thuẫn của kỳ lân Woowa Brothers (công ty mẹ), Baemin có nền tảng vững chắc và nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2021. Doanh thu của Woowa Brothers trong năm 2021 tăng 70%, từ khoảng 440 tỷ VND tăng mạnh đến gần 750 tỷ VND, mức doanh thu rất cao so với một công ty chỉ hoạt động trong lĩnh vực giao thức ăn trực tuyến tại hai địa phương duy nhất, thậm chí còn cao hơn cả mức doanh thu của Gojek. Dù doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận sau thuế của Baemin không có sự thay đổi đáng kể, duy trì ở mức trên dưới 1,500 tỷ VND.
Gojek – Gofood
Tại các quốc gia khác mà Gojek đang hoạt động, Gojek luôn là đối thủ ngang hàng với Grab, tuy nhiên tại thị trường giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam, GoFood lại yếu thế hơn Now và đang dần bị Baemin lấn át.
Tại Việt Nam, Gojek cũng đạt được những thành tựu nhất định, siêu ứng dụng này đã kết nối hơn 150.000 đối tác tài xế và 80.000 đối tác nhà hàng. Gojek đạt hơn 100 triệu lượt tải về trên Google Play, xếp hạng 1 trong top các ứng dụng về di chuyển, du lịch trên App Store. Trong năm 2021, Gojek thể hiện sự nhanh chóng cập nhật khi liên tục đưa ra các chương trình mới phù hợp với nhu cầu người dùng. Trong quý I/2022, lượng người dùng mới của Gojek tăng mạnh, đạt hơn 160% ở Hà Nội và 80% tại TP.HCM. Gojek cũng ghi nhận lượng đơn hàng trên GoFood tăng hơn gấp đôi trong ba tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước, trong đó lượng đơn hàng ở Hà Nội bứt phá với mức nhân hơn 4 lần.
Sự cạnh tranh lớn trên thị trường và ảnh hưởng trong giai đoạn giãn cách xã hội cũng khiến kết quả kinh doanh Gojek năm 2021 có phần ảm đạm (doanh thu và lợi nhuận sau thuế theo báo cáo của Gojek, bao gồm tất cả các mảng dịch vụ). Gojek có sự sụt giảm khoảng 19.2% theo doanh thu và lỗ sau thuế tăng 36.7%. Doanh thu của Gojek từ gần 570 tỷ VND giảm còn khoảng 460 tỷ VND. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty cũng bị ảnh hưởng mạnh, từ -670 tỷ VND tăng lên khoảng -1000 tỷ VND.
Be - Befood
Chính thức lăn bánh vào tháng 12/2018, Be nhanh chóng mở rộng khu vực hoạt động đến 27 tỉnh thành vào đầu năm 2021. Từ một ứng dụng chỉ cung cấp dịch vụ vận chuyển, đến nay, Be phát triển thêm dải dịch vụ đa dạng các lĩnh vực mới gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày của người Việt, như giao hàng hóa, đồ ăn, mua vé máy bay, nạp tiền điện thoại, 3G, 4G, bảo hiểm…, thậm chí bán cả vé số trực tiếp trên cùng một ứng dụng. Vào năm 2019, Be đã từng dừng dịch vụ beFood do chưa hiệu quả về mặt tài chính nhưng đã chính thức hoạt động lại vào năm 2022, sau khi đã phục hồi và tăng trưởng thị phần mạnh mẽ sau đại dịch.
Chỉ sau 4 năm hoạt động, Be đã được tải xuống trên 15 triệu thiết bị di động với hơn 300,000 tài xế. Trở thành ứng dụng đứng thứ 2 trong top những ứng dụng về điều hướng (sau Google Maps) trên App Store. Be nhận được giải thưởng “Best Open Technology Platform Vietnam 2022” (Nền tảng công nghệ mở tốt nhất Việt Nam) từ tạp chí quốc tế Global Business Review.
Bên cạnh đó, Be còn là một trong những ứng dụng đặt hàng với nhiều phương thức thanh toán nhất, bao gồm tiền mặt, 5 ví điện tử, thẻ và tích hợp ngân hàng số Cake của VPBank. Be không ngừng phát triển hệ sinh thái của mình và kết hợp với các doanh nghiệp khác để tích hợp dịch vụ vào ứng dụng Be, hướng tới việc trở thành một siêu ứng dụng trong thời gian tới.
Năm 2021, Be khi ghi nhận một sự sụt giảm trong doanh thu (-23.8%) nhưng lại giảm lỗ sau thuế (21.9%). Doanh thu của Be trong năm 2020 là gần 480 tỷ VND tương ứng với mức lợi nhuận sau thuế khoảng -490 tỷ VND. Mức doanh thu năm 2021 của Be bị ảnh hưởng nặng do dịch giảm chỉ còn khoảng 366 tỷ VND nhưng lại đạt mức lợi nhuận khoảng 380 tỷ VND.
Loship – Lofood
Khác với các doanh nghiệp được đầu tư vốn nước ngoài kể trên, Loship là một doanh nghiệp start-up từ Việt Nam. Tuy bắt đầu trễ hơn các doanh nghiệp khác trong thị trường, bằng việc tung ra hàng loạt ưu đãi và không ngừng mở rộng, Loship đã nhanh chóng đạt được những thành công bước đầu. Loship đã có hơn 1 triệu lượt tải về trên Google Play, xếp hạng thứ 4 trong top các ứng dụng về ăn uống tại App Store.
Gần đây, Loship công bố gọi vốn thành công 12 triệu USD ở vòng Pre-Series C do BAce Capital. Đến tháng 10/2021, Loship đã có cuộc đàm phán với Japan's Daiwa Securities Group và các nhà đầu tư khác nhằm huy động 50 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C. Tuy nhiên, theo DealStreetAsia, Loship đang tìm kiếm các khoản tài trợ bằng nợ (debt financing) thay vì thúc đẩy vòng gọi vốn series C (equity financing). Việc Loship chuyển hướng sang tìm kiếm nguồn vốn vay tài chính phần nào thể hiện sự thận trọng của chính starup này, cũng như các nhà đầu tư mạo hiểm, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều bất ổn.
Là tân binh trên thị trường rất cạnh tranh này, Loship vẫn thành công tăng doanh thu đến gần gấp đôi trong giai đoạn 2020-2021, từ 48,1 tỷ VND cuối năm 2020, Loship đã nhanh chóng tăng lên hơn 143 tỷ VND. Với khả năng huy động vốn rất nhanh, công ty cũng mạnh tay chi để giành thị phần và tăng phần lỗ sau thuế đến 238% trong cùng giai đoạn. Lợi nhuận sau thuế của công ty vào năm 2020 là -89,2 tỷ VND và tăng lên đến -301,6 tỷ VND vào cuối năm 2021.
Ahamove – Ahamart
Chỉ mới lấn sân vào thị trường giao thức ăn trực tuyến từ tháng 11/2021, Ahamove có đội ngũ tài xế đông đảo với hơn 30,000 tài xế cùng nguồn vốn mạnh từ Giao hàng nhanh. Trước đó, Lalamove đã tham gia vào thị trường giao thức ăn trực tuyến nhưng lặng lẽ rút lui sau vài tháng. Liệu Ahamove có thành công phát triển mảng giao thức ăn và cạnh tranh với các thương hiệu khác?
Ahamove hiện đã có hơn 1 triệu lượt tải về trên Google Play, được hơn 100,000 chủ shop kinh doanh sử dụng để giao hàng nội thành khu vực TP.HCM, Hà Nội. Ahamove được đánh giá tốt với mảng vận chuyển hàng hóa, nhưng trong thị trường giao thức ăn, Ahamove cần một chiến lược thật tốt để không bị lép vế.
Theo Báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2021 được Google, Temasek và Bain & Company công bố vào năm 2021, ngành Vận tải và Thực phẩm tại Việt Nam dự báo sẽ đạt lợi nhuận 5,7 tỷ USD và tăng trưởng 24% vào năm 2025.
Thị trường giao thức ăn tại Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ có giá trị cao, nhưng trên thị trường là một cuộc chiến khốc liệt và chỉ dành cho những doanh nghiệp sẵn sàng chi mạnh tay. Với sự cạnh tranh khốc liệt này, các ứng dụng được dự đoán sẽ còn tiếp tục chịu lỗ trong tương lai gần.
Các doanh nghiệp càng nhanh chóng mở rộng khung dịch vụ và lượng đối tác nhà hàng càng thành công trong việc xây dựng lòng trung thành của người dùng. Việc thanh toán không tiền mặt đang không ngừng phát triển tại Việt Nam, các ứng dụng giao thức ăn trực tuyến nên kết hợp với các ví điện tử và ngân hàng số, đa dạng phương thức thanh toán cho đơn hàng. Trải nghiệm người dùng và giao diện ứng dụng cũng là những yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp cần đầu tư phát triển để giữ chân khách hàng tốt hơn.
Nguồn: Vietdata
コメント