top of page

Thị trường khóa cửa tại Việt Nam: Sản phẩm cao cấp ngày càng được ưu chuộng

Trong những năm gần đây, thị trường khóa cửa ở Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm thông tin về khóa thông minh đã tăng lên đến 550% chỉ trong vòng 4 năm từ 2017 đến 2020. Sự tăng trưởng này chủ yếu do xu hướng thay thế các thiết bị truyền thống bằng các thiết bị hiện đại. Khóa thông minh là một trong những sản phẩm chính đang dẫn dắt sự phát triển trong lĩnh vực này.





Thị trường khóa cửa tại Việt Nam được chia thành hai phân khúc chính:


Khóa cơ: Đây là loại khóa quen thuộc, có giá thành thấp và dễ sử dụng. Tuy nhiên, mức độ bảo mật của chúng không cao.


Khóa điện tử: Đây là loại khóa hiện đại, sử dụng các công nghệ mở khóa tiên tiến như vân tay, khuôn mặt, mã PIN, thẻ từ. Khóa điện tử được phân thành hai phân khúc:


  • Khóa điện tử tầm trung: Có mức giá phải chăng, phù hợp với số đông người dùng.

  • Khóa điện tử cao cấp: Được tích hợp nhiều tính năng hiện đại như kết nối wifi, bluetooth, camera giám sát.


Mặc dù khóa cơ truyền thống vẫn được sử dụng rộng rãi do giá cả hợp lý và dễ sử dụng, nhưng nhu cầu về giải pháp an ninh gia đình và thiết bị thông minh đang ngày càng tăng. Sự phát triển của công nghệ và truyền thông không dây toàn cầu, cùng với sự tăng trưởng của đô thị hóa và mức thu nhập của người dùng, đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực khóa điện tử.


Các loại khóa điện tử thông minh đã được sử dụng rộng rãi ở các nước Châu Âu từ hơn một thập kỷ trước, nhưng tại Việt Nam, chúng mới chỉ bắt đầu phổ biến gần đây. Không cho đến năm 2015, các loại khóa này mới xuất hiện tại các chung cư và biệt thự cao cấp ở Việt Nam. Vào năm 2017, thị trường khóa điện tử tại Việt Nam đã bắt đầu mở rộng và trở nên quen thuộc hơn, nhờ vào sự đánh giá cao từ người tiêu dùng về tính an toàn và các tính năng hiện đại mà chúng mang lại.


Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, vào năm 2023, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đạt 78.6%. Ngoài ra, theo một nghiên cứu, giá trị thị trường smarthome tại Việt Nam trong năm 2023 đạt 275 triệu USD và dự kiến sẽ tăng lên hơn 500 triệu USD vào năm 2028. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 12.3% mỗi năm, thị trường này đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Điều này phản ánh nhu cầu sử dụng các thiết bị kết nối và IoT tại Việt Nam đang ngày càng tăng, cùng với sự quan tâm đến vấn đề an toàn và bảo mật. Số lượng smartphone ngày càng tăng cùng với những ưu điểm vượt trội của khóa điện tử so với khóa cơ truyền thống đã khiến khóa điện tử và khóa thông minh trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhiều hộ gia đình, đặc biệt là những gia đình sống trong chung cư. Do đó, thị trường khóa thông minh tại Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.



Các loại khóa phổ biến trên thị trường
Các loại khóa phổ biến trên thị trường

YALE


Yale, một trong những thương hiệu quốc tế lâu đời nhất, hiện nay đã trở thành biểu tượng uy tín và chất lượng trong ngành công nghiệp khóa cửa, với hàng triệu sản phẩm của công ty được sử dụng trên toàn cầu. Yale là một phần của Tập đoàn ASSA ABLOY, có trụ sở tại Thụy Sỹ. Tại Việt Nam, ASSA ABLOY đã có mặt từ năm 2008, chuyên cung cấp các loại khóa cửa kỹ thuật số và phụ kiện ngũ kim cho ngành xây dựng. Công ty không ngừng phát triển và mang đến cho khách hàng các giải pháp mở cửa đa dạng, bao gồm khóa cơ, bản lề, tay đẩy hơi, phụ kiện cửa khác, khóa thông minh, các sản phẩm cơ điện và cửa tự động.


Yale & Assa Abloy Việt Nam đã cho thấy những sự chuyển mình mạnh mẽ kể từ sau năm 2020, khi doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng vượt xa so với những con số đạt được vào năm 2020. Cụ thể, vào năm 2022, doanh thu thuần của Yale & Assa Abloy Việt Nam đạt hơn 2,5 nghìn tỷ đồng tương ứng mức tăng trưởng mạnh gần 950% so với cùng kỳ năm 2020. Không những vậy, lợi nhuận ròng của công ty khi kết thúc năm 2022 cũng đạt hơn 200 tỷ đồng, con số này đã tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái.


HAFELE


Häfele, một công ty hàng đầu về công nghệ phụ kiện, được thành lập tại Đức vào năm 1923. Công ty chuyên về phụ kiện nội thất, phụ kiện công trình cao cấp và hệ thống khóa điện tử tiên tiến. Với 37 công ty con và mặt hàng đa dạng, Häfele hiện diện tại hơn 150 quốc gia trên thế giới.


Häfele đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1998. Nhờ kinh nghiệm lâu năm trong thiết kế và sản xuất khóa điện tử, các loại khóa điện tử của Häfele sản xuất có rất nhiều mẫu mã, kiểu dáng và chức năng khác nhau, trong đó có khóa điện tử vân tay và khóa điện tử thẻ từ. Đặc biệt, Hệ thống khóa và nhận dạng Dialock của Häfele có thể sử dụng ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ nhà ở, khách sạn cho đến các công ty tập đoàn lớn.


Doanh thu thuần của Hafele Việt Nam cho thấy dấu hiệu chững lại vào năm 2021 rồi sau đó tặng trưởng lên gần 40% vào năm 2022, đạt mức gần 1,7 nghìn tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, Hafele Việt Nam ghi nhận nhiều sự biến động khi lợi nhuận ròng vào năm 2021 giảm so với năm 2020 nhưng sau đó kết thúc năm 2022 với sự phục hồi mạnh mẽ lên gần 75% so với cùng kỳ năm ngoái, chạm mốc gần 150 tỷ đồng. 



Doanh thu thuần của các doanh nghiệp sản xuất khóa cửa tại Việt Nam
Doanh thu thuần của các doanh nghiệp sản xuất khóa cửa tại Việt Nam

VIỆT TIỆP


Công ty CP Khóa Việt - Tiệp, với thương hiệu Việt Tiệp, là một trong những công ty hàng đầu và tiên tiến nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất khóa cửa. Được thành lập vào năm 1974 với trang thiết bị đến từ Tiệp Khắc cũ, công ty đã bắt đầu hoạt động từ tháng 7/1976.


Việt Tiệp tập trung vào việc sản xuất các loại khóa và một số sản phẩm kim khí tiêu dùng cao cấp. Sản phẩm của công ty đa dạng, từ khóa thông minh, khóa cửa cao cấp, khóa treo, khóa cầu ngang, phụ kiện nhôm kính đến nhiều sản phẩm khác. Việt Tiệp không chỉ sản xuất khóa cửa mà còn cung cấp các giải pháp an toàn, tư vấn và thiết kế hệ thống khóa cửa an toàn, dịch vụ khoa học và chuyển giao công nghệ.


Khóa Việt-Tiệp đã phát triển mạnh mẽ qua thời gian, với năng suất đạt hơn 23 triệu sản phẩm/năm và hơn 800 lao động. Hệ thống phân phối của công ty rộng khắp, với 04 chi nhánh và hơn 400 đại lý trên toàn quốc, nhằm phục vụ khách hàng một cách kịp thời và tốt nhất. Khóa Việt-Tiệp còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Nam Phi, Nigeria, Cuba, Lào, Campuchia, Dubai,…


Về tình hình kinh doanh của Việt Tiệp, sau sự sụt giảm doanh thu thuần vào năm 2021 thì bước sang năm 2022, doanh thu thuần của công ty này đã cho thấy sự phục hồi nhẹ tăng gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 890 tỷ đồng. Trái lại, Lợi nhuận sau thuế của Việt Tiệp lại tiếp tục giảm qua các năm khi ghi nhận mức giảm gần 25% so với năm 2021, chỉ đạt hơn 30 tỷ đồng khi kết thúc năm 2022.


Lý giải cho tình hình kinh doanh trên, Khóa Việt Tiệp cho biết sản phẩm của công ty đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm trong nước và quốc tế. Việc tiêu thụ sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong quý 4/2022 khi thị trường tiêu dùng giảm do chính sách siết tín dụng và tăng lãi suất ngân hàng, buộc công ty phải giảm sản lượng và dẫn đến việc thiếu việc làm cho một số bộ phận. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường đã gây ra tác động lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm của công ty. Thêm vào đó, việc giá cả vật tư, nguyên liệu và chi phí vận chuyển không ngừng tăng cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Tiệp.


HUY HOÀNG


Huy Hoàng, một thương hiệu khóa cửa và phụ kiện hàng đầu tại Việt Nam, đã trở thành cái tên quen thuộc với người tiêu dùng kể từ khi thành lập vào năm 1979. Với chất lượng và uy tín đã được kiểm chứng qua thời gian, Huy Hoàng là nhà sản xuất khoá có kinh nghiệm và chuyên môn cao.


Hiện tại, công ty sở hữu ba nhà máy tại Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội, trải rộng trên diện tích 70,000 m2. Với công suất sản xuất ấn tượng, Huy Hoàng có thể cung cấp lên đến 20 triệu sản phẩm mỗi năm cho thị trường.


Huy Hoàng không chỉ có mạng lưới phân phối rộng lớn trong nước, mà còn cung cấp dịch vụ giao hàng toàn quốc. Thương hiệu này đã vượt qua biên giới Việt Nam, được yêu mến không chỉ bởi người tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.


Năm 2022 có lẽ là một năm đánh dấu sự vực dậy của Huy Hoàng khi doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của công ty này đều ghi nhận sự tăng trưởng sau giai đoạn hoạt động kinh doanh bị chững lại vào các năm trước. Cụ thể, doanh thu thuần của Huy Hoàng đã vượt qua được mốc hơn 400 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm ngoái. Cùng với đó, lợi nhuận ròng của công ty khi kết thúc năm 2022 ghi nhận con số hơn 5 tỷ đồng, tăng hơn 150% so với con số đạt được vào năm 2021.


VICKINI


Công ty Cổ Phần Kim Gia Phạm (KIGAPA), được thành lập từ năm 2005, tiền thân là Công ty TNHH Ích Vận, là đơn vị chuyên cung cấp và phân phối các mặt hàng thuộc thương hiệu Vickini. Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, KIGAPA đã khẳng định vị thế của mình trên thị trường với hơn 5000 sản phẩm và hơn 200 đại lý khắp trên 50 tỉnh thành trên cả nước. Thương hiệu VICKINI chủ yếu tập trung vào các sản phẩm phụ kiện mộc, cửa và khóa cửa, phụ kiện kính và nhôm.


Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022 chứng kiến nhiều sự biến động trong kết quả kinh doanh của Vickini khi doanh thu thuần của công ty này ghi nhận sự sụt giảm nhẹ vào năm 2021 rồi sau đó được cải thiện tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái với con số đạt được là gần 170 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Vickini cũng cho thấy tín hiệu tích cực khi kết thúc năm 2022 với mức lợi nhuận ròng tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 23 tỷ đồng.



Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất khóa cửa Việt Nam
Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất khóa cửa Việt Nam

SOLITY


Solity, một thương hiệu khóa cửa điện tử hàng đầu đến từ Hàn Quốc, được thành lập vào năm 1980. Công ty bắt đầu sản xuất khóa điện tử vào năm 2004 và mở rộng hoạt động tại Việt Nam từ năm 2016. Solity cung cấp hơn 500 mẫu khóa với nhiều tính năng và là nhà tiên phong trong việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Solity cũng phát triển ứng dụng Solity Smart để kết nối khóa với điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, Solity hiện đang hợp tác với các tập đoàn lớn như Samsung, Epic, Hafele trong việc thiết kế và sản xuất. Công suất sản xuất hàng năm của Solity đạt trên 5 triệu sản phẩm.


Tình hình kinh doanh của Solity Việt Nam cho thấy sự cải thiện về mặt doanh thu thuần sau giai đoạn bị chững lại vào các năm trước. Năm 2022, doanh thu thuần của Solity Việt Nam đạt được là gần 60 tỷ đồng khi trước đó chỉ quanh quẩn ở mức dưới 50 tỷ đồng vào các năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của Solity Việt Nam chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng vào năm 2022, giảm gần 70% so với năm 2021.


Có thể thấy, Khóa thông minh với những tính năng ưu việt đã trở thành lựa chọn hàng đầu so với khóa cơ truyền thống, phần nào do sự ảnh hưởng của xu hướng và trào lưu toàn cầu. Tuy nhiên, giá thành của các thiết bị khóa điện tử cao hơn nhiều so với khóa cơ, cùng với sự nghi ngờ về nguồn gốc và sự thiếu hiểu biết về sản phẩm, đã tạo nên những rào cản cho người tiêu dùng khi tiếp cận với sản phẩm khóa thông minh. Không những vậy, Thị trường khóa cửa tại Việt Nam cũng đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp trong và ngoài nước, buộc các doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến sản phẩm và dịch vụ để thu hút khách hàng. Vì vậy, Thị trường khóa thông minh tại Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.


Nguồn: Báo cáo thị trường khóa cửa năm 2022 của Vietdata.


Comments


vietdata-logo

# Tòa nhà Vietdata,

Số 232 - 234 Ung Văn Khiêm

Quận bình thạnh

Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam

+84 8888 337 36

info@vietdata.vn

Theo dõi chúng tôi
  • Instagram
  • Facebook
  • LinkedIn
  • YouTube
  • icon-zalo-chat-white

Liên hệ

Cảm ơn bạn đã gửi! Chúng tôi sẽ liên hệ lại ngay

Giấy phép ICP số 18/GP-TTDT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 18/03/2019

Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thúy Hằng

Vietdata. All Rights Reserved.

bottom of page