top of page

Thị trường logistics đang chứng kiến cuộc “đua” đầu tư giữa các doanh nghiệp nội ngoại

Thị trường logistics đang diễn ra cuộc “đua” đầu tư giữa các doanh nghiệp. Sự tham gia và đầu tư mạnh của các doanh nghiệp trong nước thời gian gần đây được kỳ vọng sẽ thay đổi cục diện của một thị trường mà các doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm thị phần lớn.


Thị trường logistics Việt Nam

Doanh nghiệp nội tăng đầu tư và mở rộng hoạt động


Viettel Post trước đây chỉ tham gia thị trường logistics ở mảng giao hàng chặng cuối. Song, trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, Viettel Post đang thực hiện kế hoạch tham gia mạnh hơn – xây dựng hạ tầng logistics quốc gia.


Tháng 1 vừa qua, Viettel Post đã đưa vào vận hành tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh (tương tự như các hãng China Post, Amazon sử dụng). Tại tổ hợp này, Viettel Post đã đưa 200 robot vào hoạt động để phân loại, chia chọn – giúp đưa công suất xử lý lên đến 1.400.000 bưu phẩm/ngày, tăng 40% so với trước đây, giúp nâng mức chịu tải toàn hệ thống Viettel Post lên 4.000.000 bưu phẩm/ngày – tương đương đáp ứng 50% dung lượng thương mại điện tử tại Việt Nam.


Tổ hợp này đi vào hoạt động giúp rút ngắn thời gian chuyển phát toàn trình của Viettel Post từ 8-10 giờ, tăng 3,5 lần sản lượng. Nhờ tự động hoá, tổ hợp cũng giúp tối ưu 60% chi phí nhân sự. Tại lễ khai trương tổ hợp trên, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiểm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho hay việc đưa vào hoạt động tổ hợp này là bước đầu của quá trình xây dựng hạ tầng logistics thông minh.


Cũng tại sự kiện nêu trên, ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post, cho hay doanh nghiệp này muốn xây dựng một hạ tầng logistics xuyên biên giới để thúc đẩy doanh thu trong 5 năm tới sẽ gấp 10 lần so với năm 2023. Viettel Post đang khảo sát phương án xây dựng hệ thống kho ngoại hải quan tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không. Trong đó, hệ thống vận hành kiểm soát kho, cảng cạn ICD, trung tâm trung chuyển hàng hóa liên vận… sẽ giúp Viettel Post đóng vai trò chủ lực trọng việc kiến tạo hạ tầng logistics quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm kết nối logistics của khu vực Đông Nam Á với Trung Quốc…


Bee Logistics cũng là một doanh nghiệp logistics trong nước đang thực hiện kế hoạch mục tiêu doanh thu 20.000 tỉ đồng vào năm 2027. Bee Logistics cung cấp toàn bộ các giải pháp logistics, từ đường biển, đường bộ, hàng không cho đến dịch vụ hải quan, các dịch vụ vận chuyển đa phương thức… Một trong những thế mạnh của Bee là có khả năng tìm ra các điểm ở trên thế giới và biết cách kết nối giữa các điểm đó, kết nối giữa các loại hình vận tải để tạo ra giải pháp phù hợp cho khách hàng.


Bee hiện có 23 văn phòng tại Việt Nam và đã mở được 17 văn phòng tại 10 nước trên thế giới với tổng số hơn 800 nhân sự. Mục tiêu đến năm 2025, Bee sẽ mở văn phòng tại 15 nước và đạt doanh thu 700 triệu đô la Mỹ (khoảng 17.000 tỉ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2021). Đến năm 2027, Bee đặt mục tiêu doanh thu 20.000 tỉ đồng.


Ngoài 2 doanh nghiệp trên, cách đây 5 tháng, Công ty Transimex khánh thành kho lạnh tại Bến Lức (Long An) đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế sau khi đã đưa vào vận hành trung tâm logistics ở TPHCM, Bình Dương. Trước đó, Thaco đầu tư chuỗi dịch vụ logistics tại Chu Lai (Quảng Nam); Tập đoàn T&T liên danh với YCH (Singapore) đầu tư trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc…


Doanh nghiệp ngoại cũng tăng đầu tư


Không chỉ các doanh nghiệp nội, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng nhìn thấy cơ hội của thị trường logistics và tăng cường đầu tư tại Việt Nam.


Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) vừa đầu tư và hoàn thiện trung tâm logistics tại tỉnh Quảng Ngãi với vốn đầu tư hơn 17 triệu đô la Mỹ.


Sembcorp là doanh nghiệp Singapore, vào Việt Nam từ năm 1996 thông qua liên doanh với Tập đoàn Becamex IDC để thành lập Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP). Đến nay, VSIP đã phát triển hơn mười khu công nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố và vẫn tiếp tục mở rộng.


Tại buổi họp báo công bố về Sembcorp Logistics Park Quảng Ngãi, ông Charles Chong, Giám đốc Sembcorp Việt Nam, cho biết dự án này đặt tại cửa ngõ chiến lược nằm trong Khu kinh tế Dung Quất, mang đến giá trị hấp dẫn cho các đơn vị sản xuất và doanh nghiệp hậu cần – giúp họ đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và tăng cường khả năng chuỗi cung ứng, tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp di chuyển và vận chuyển hàng hóa.


Được biết, Sembcorp liên tục thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhà kho xây sẵn tại Việt Nam. Đơn vị này đã phát triển các dự án nhà kho xây sẵn tại Hải Phòng, Hải Dương…


Tập đoàn FM Logistic (Pháp) cũng đã đưa vào hoạt động Trung tâm phân phối FM Logistic tại Bắc Tân Uyên (Bình Dương) cách đây vài tháng với tổng vốn đầu tư 25 triệu đô la Mỹ. Cùng thời điểm đó, SPX đến từ Singapore đưa vào vận hành trung tâm phân loại hàng hóa tự động tại Bắc Ninh với vốn đầu tư hàng chục triệu đô la Mỹ. Best Express Việt Nam vào năm 2022 đầu tư 20 triệu đô la Mỹ xây dựng trung tâm phân loại hàng hóa ở Bắc Ninh và TPHCM…


Ngoài các dự án đã được đầu tư, gần đây sức hút đầu tư vào các dự án logistics vẫn tiếp tục tăng. Tháng 8-2023, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chi tiết Trung tâm logistics BW tại huyện Long Thành. Tại tỉnh này, dự án trung tâm kho vận Cainiao (Trảng Bom) thuộc tập đoàn Alibaba của Trung Quốc được phê duyệt vào năm 2022. Cũng năm này, Cainiao Network đã đưa vào vận hành trung tâm kho vận rộng hơn 100.000 mét vuông tại huyện Bến Lức (Long An). Ngoài ra, cách đây vài tháng, đại diện tập đoàn A.P Moller Maersk (Đan Mạch) đã đến làm việc với tỉnh Bình Dương về việc đầu tư trung tâm logistics quy mô lớn tại đây.


Còn nhiều bất cập cần giải quyết


Theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.


Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có 34.476 doanh nghiệp dịch vụ logistics, trong đó 89% là doanh nghiệp trong nước nhưng lại chỉ chiếm 30% thị phần, số còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.


Tại hội thảo “Logistics Vùng Đồng bằng sông Hồng” được tổ chức cách đây 2 tháng, ông Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng chất lượng dịch vụ chưa cao mà chi phí logistics tại Việt Nam vẫn còn cao – góp phần làm cho sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam thấp. Chi phí logistics ở Việt Nam tương đương khoảng 16,8% GDP (năm 2022), trong khi ở các nước phát triển chỉ tương đương 7-9% GDP.


Còn tại hội thảo “Logistic Việt Nam – Con đường phía trước” được tổ chức gần đây, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng. Do đó họ thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài.


Cũng nêu ra thực tế trên, tại một buổi tọa đàm do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức gần đây, ông Cáp Trọng Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam, cho biết công ty này phải làm thuê cho đối tác nước ngoài.


Theo ông Cường, trên thị trường có nhiều công ty vốn hóa lớn, mạng lưới tốt, nhưng tính tương hỗ giữa các doanh nghiệp không cao, làm cho logistics Việt Nam chưa phát triển đúng tầm. Các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau để phục vụ bạn hàng nước ngoài, đưa ra giá thấp để giành giật khách hàng, nhưng lại chào doanh nghiệp Việt Nam với giá logistics nội địa cao hơn… Ông cho rằng các doanh nghiệp phải liên kết cùng nhau để đưa ra những bài toán hợp lý nhất, hỗ trợ lẫn nhau để tất cả cùng giảm chi phí…


Tại hội thảo về logictics được Bộ Công Thương tổ chức gần đây, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đánh giá ngành logistics Việt Nam vẫn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Thêm vào đó, quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể…


Ghi nhận thực tế cho thấy, các doanh nghiệp logistics nội gần đây đã tăng cường đầu tư nhưng cùng lúc đó các doanh nghiệp ngoại cũng có các động thái tương tự. Do đó, các chuyên gia nhìn nhận, để thay đổi cục diện thị phần của thị trường logistics, các doanh nghiệp nội cần phải thay đổi, tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường hỗ trợ nhau, hợp lực để phát triển thị trường…


(thesaigontimes)


Commentaires


bottom of page