Theo số liệu từ Tổng cục Thống Kê ước tính trung bình mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng 1,56 triệu trẻ em được sinh ra, là quốc gia sở hữu tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em cao nhất Đông Nam Á. Vì thế nên nhu cầu của các bậc cha mẹ đối với các sản phẩm dành cho trẻ cũng dần tăng cao. Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng bậc nhất cho ngành mẹ và bé.
Hiện nay, việc đặt yếu tố an toàn cho bé lên hàng đầu đã khiến cho người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu nhiều hơn cho các thương hiệu nhãn hiệu nước ngoài. Nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, hàng rào thuế quan giảm giúp cho các hàng hóa nhập khẩu chất lượng cao vào Việt Nam có giá cả cạnh tranh, hợp lý hơn, kích thích tiêu dùng. Nhờ vậy mà doanh thu của thị trường sản phẩm, dịch vụ dành cho mẹ và bé tại Việt Nam có thể đạt quy mô 7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng tới 30-40%.
Ngành mẹ và bé phát triển mạnh mẽ trên các sàn thương mại điện tử
Thời điểm hiện tại, mua sắm online càng được ưa chuộng hơn, sức mua các mặt hàng mẹ và bé trên sàn thương mại điện tử vẫn không ngừng tăng. Đặc biệt, khách hàng của ngành mẹ và bé hiện nay chiếm phần đông là thế hệ GenZ tiếp xúc với công nghệ nhiều. Thế hệ này sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm thông tin, có bộ lọc rõ ràng, thích tìm đến cộng đồng những người có chung sở thích hay mối quan tâm để thảo luận và tham khảo đánh giá sản phẩm.
Các kênh mua sắm online đang được phát triển mạnh mẽ cũng góp phần thúc đẩy doanh thu cho ngành mẹ và bé. Với nhu cầu cần sự nhanh chóng và tiện lợi trong quá trình mua hàng, người tiêu dùng đã dần chuyển việc mua sắm truyền thống ở chợ và siêu thị sang các sàn thương mại điện tử. Việc phát triển các kênh phân phối online cũng phần nào giúp các doanh nghiệp kích thích được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Ngành hàng mẹ và bé luôn nằm trong top các mặt hàng bán chạy nhất trên các sàn thương mại điện tử. Trong đó Shopee là sàn thương mại điện tử chiếm thị phần lớn nhất trong ngành hàng mẹ và bé, với hơn 80% doanh thu trên tổng ba dàn Shopee, Lazada và Tiki.
Với thị trường đầy tiềm năng phát triển, các doanh nghiệp đầu tư vào thị trường mẹ và bé ngày càng mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng của các chuỗi cửa hàng dành cho các sản phẩm chăm sóc mẹ và bé gia gia tăng nhanh chóng. Điển hình là sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng như: Bibo Mart, Kids Plaza, Con Cưng, Shoptretho, TutiCare… Và các hãng nước ngoài cũng đang tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam như: thương hiệu Soc&Brothers của Nhật Bản hay Mothercare của Anh.
Con Cưng
Chuỗi bán lẻ Con Cưng thuộc Công ty Cổ phần Con Cưng là công ty tiên phong tại Việt Nam chuyên về ngành hàng dành riêng cho trẻ em được thành lập năm 2011. Lĩnh vực của công ty bao gồm việc phát triển hệ thống chuỗi bán lẻ cho mẹ bầu và em bé: Con Cưng, Toycity, CF (CON CUNG FASHION). Nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm an toàn, chất lượng, giá thành hợp lý dành riêng cho trẻ em.
Tính đến hiện tại, Con Cưng là chuỗi bán lẻ mẹ và bé lớn hàng đầu Việt Nam với hơn 700 cửa hàng, phục vụ 9 triệu gia đình Việt trên toàn quốc. Trong năm 2022, Con Cưng đã khai trương căn Super Center đầu tiên tại Tp Hồ Chí Minh với diện tích lên đến 2,000m2. Ngoài đồ dùng dành riêng cho bé và cho mẹ, Super Center còn bán không ít đồ gia dụng như nước giặt áo quần, nước lau sàn, đồ dụng cụ làm bếp – gia đình.
Con Cưng tích cực đẩy mạnh bán hàng qua website thương mại điện tử và ứng dụng di động để cung cấp cho khách hàng trải nghiệm mua sắm phong phú. Trong đó, Con Cưng đặt mục tiêu doanh số 1 tỷ USD năm 2023 và chiến 30% thị phần để đạt doanh số 2 tỷ USD vào năm 2025, trong đó ít nhất 30% đến từ thương mại điện tử.
Là chuỗi bán lẻ hàng đầu Việt Nam, con cưng vẫn đang giữ vững phong độ khi doanh thu tăng đều qua các năm. Năm 2022, chuỗi cửa hàng này ghi nhận đạt mức doanh thu hơn 7,800 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc Con Cưng đầu tư vào các chiến lược cạnh tranh thị phần cũng như mô hình Super Center làm chi phí gia tăng và lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 cũng theo đó giảm mạnh. Cụ thể, chuỗi cửa hàng này chỉ đạt mức lãi là 12.3 tỷ đồng giảm hơn 65 tỷ so với năm 2021.
Kids Plaza
Thành lập năm 2009, Kids Plaza hiện đang sở hữu hệ thống hơn 160 cửa hàng trên toàn quốc. Với hơn 10,000 sản phẩm dành cho Mẹ và Bé chính hãng, được thế giới chứng nhận an toàn cho trẻ nhỏ đến từ những thương hiệu uy tín hàng đầu Việt Nam và thế giới. Bên cạnh các cửa hàng truyền thống, Kids Plaza cũng đầu tư phát triển ứng dụng mua sắm online giúp cho việc mua sắm của người tiêu dùng dễ dàng và thuận tiện hơn.
Là một hệ thống cửa hàng lâu năm Kids Plaza đang phát triển cực kỳ ổn định. Doanh thu của chuỗi cửa hàng này đều có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây. Năm 2022 doanh thu của Kids Plaza đạt 1,662 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng 300 tỷ so với năm 2021. Trái với Con Cưng, lợi nhuận của Kids Plaza trong năm 2022 tăng mạnh so với mọi năm đạt 36.6 tỷ đồng tăng gấp 3 lần so với năm 2021. Năm 2022 có thể nói là một điểm sáng trong hành trình hoạt động kinh doanh của Kids Plaza.
Bibo Mart
Được thành lập vào năm 2006, Hệ thống cửa hàng Mẹ & Bé Bibo Mart thuộc quyền quản lý của Công ty cổ phần Bibo Mart TM, chuyên cung cấp các sản phẩm dành cho các mẹ (trong giai đoạn thai kỳ và giai đoạn hậu sản) và các bé (trong độ tuổi từ 0~6 tuổi). Hiện nay, Bibo Mart sở hữu hệ thống 161 cửa hàng trên cả nước.
Doanh thu bán lẻ online của Bibo Mart hiện chiếm 14,5% doanh số tổng và dự kiến tăng lên trên 30% trong 5 năm tới. Thương hiệu này từng có mức tăng trưởng doanh thu rất ấn tượng trước khi đại dịch xảy ra. Tuy nhiên, sau khi trải qua ảnh hưởng của đại dịch tình hình kinh doanh của Bibo Mart bị ảnh hưởng đáng kể: doanh thu giảm từ 1,289 tỷ đồng năm 2021 về 995 tỷ đồng năm 2022. Các năm trước Bibo Mart đang có khoản lợi nhuận khá ổn thì trong năm 2022 chuỗi cửa hàng này bất ngờ phải hứng chịu một khoản lỗ lên đến 12.9 tỷ đồng.
Soc&Brothers
Hệ thống cửa hàng bán lẻ mẹ và bé Soc&Brothers thuộc Công ty CP Thế giới Tuổi thơ SNB thành lập năm 2007. Hiện tại, Soc&Brothers có 5 cửa hàng nằm tại những vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP.HCM. Các sản phẩm ở đây đến từ nhiều thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, mặt hàng đa dạng, cao cấp, đáp ứng phong phú nhu cầu của mẹ bầu và em bé.
Bên cạnh hình thức bán hàng truyền thống tại cửa hàng, Soc&Brothers đầu tư mạnh tay vào các kênh online, giúp khách hàng mua sắm nhanh chóng, tiện lợi như: website, fanpage Facebook, Zalo, TikTok Shop, sàn thương mại điện tử,...
Cũng giống với Bibo Mart, tình hình kinh doanh của Soc&Brothers trong năm 2022 không mấy thuận lợi. Mặc dù doanh thu của chuỗi cửa hàng này đang có xu hướng tăng nhưng lợi nhuận thì đang giảm mạnh. Cụ thể, năm 2020 Soc&Brothers đang có khoản lợi nhuận cực kỳ tốt là 15.9 tỷ đồng nhưng sang đến năm 2022 lại phải chịu khoản lỗ hơn 5.7 tỷ đồng.
Shop Trẻ Thơ
Được thành lập từ năm 2009, Hệ thống cửa hàng Mẹ và Bé Shop Trẻ Thơ là một trong những đơn vị cung cấp mặt hàng sơ sinh, đồ dùng cho Mẹ & Bé uy tín nhất tại thị trường Việt Nam. Cung cấp hơn 50,000 mặt hàng và 1,200 thương hiệu lớn trên toàn thế giới với mẫu mã đa dạng, chất lượng an toàn.
Doanh thu của chuỗi cửa hàng Shop Trẻ Thơ đang có xu hướng tăng nhẹ qua từng năm. Năm 2022 Shop Trẻ Thơ ghi nhận mức doanh thu hơn 241,300 tỷ đồng tăng 14% so với năm 2021. Mặc dù doanh thu của hệ thống cửa hàng này có xu hướng tăng nhưng trong năm 2021 do chịu tác động nặng của dịch bệnh mà Shop Trẻ Thơ đã phải chịu khoản lỗ hơn 4.8 tỷ đồng. Đến năm 2022, mặc dù đã có lời nhưng lợi nhuận của chuỗi cửa hàng này không quá cao.
TutiCare
Được thành lập năm 2011, Chuỗi cửa hàng TutiCare (Công ty CP VEETEX) cung cấp trọn gói các sản phẩm cần thiết từ khi mẹ mang bầu, sinh bé và chăm sóc bé, từ 0-5 tuổi.
Bên cạnh đó, Công ty này còn triển khai mô hình nhượng quyền cửa hàng tiện ích mẹ & bé Tutie. Tutie là mô hình cửa hàng tiện ích mẹ&bé, phiên bản thu nhỏ của TutiCare, tập trung vào các sản phẩm tiện ích, thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm hàng ngày.
Doanh thu của TutiCare trong năm 2022 có tăng nhẹ so với năm trước, đạt hơn 173,300 tỷ đồng. Tuy nhiên tình hình kinh doanh của TutiCare trong những năm gần đây không mấy thuận lợi. Mức lợi nhuận của chuỗi cửa hàng này đạt được cực kỳ thấp, chỉ ở mức vài chục triệu đồng, thậm chí có năm TutiCare phải chịu một khoản lỗ lên tới hơn 5 tỷ đồng.
Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho các dịch vụ kinh doanh sản phẩm mẹ và bé khi doanh số thị trường tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên đây cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp khi khách hàng của thị trường này hiện nay phần đông là thế hệ GenZ. Tập khách hàng mới này đòi hỏi sự trẻ trung, trải nghiệm khách hàng tốt hơn, chăm sóc đầy đủ hơn và đặc biệt am hiểu về công nghệ, nhu cầu mua sắm online cũng theo đó tăng cao. Với xu hướng này website thương mại điện tử và ứng dụng di động là hai chìa khóa quan trọng làm nên thành bại của doanh nghiệp.
Nguồn: Báo cáo ngành Mẹ và Bé năm 2022 của Vietdata
Comments