top of page

Thị trường mẹ và bé Việt Nam & Tham vọng chiếm lĩnh thị phần của các ông lớn

Tiềm năng thị trường mẹ và bé


Theo Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2019 Việt Nam có 24,7 triệu trẻ em, chiếm 25,75% tổng dân số cả nước và khoảng 24,2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 – 49 tuổi). Ngoài ra, với khoảng 1,5 triệu trẻ được sinh ra mỗi năm, cùng với khả năng chi tiêu tăng lên và xu hướng chuộng hàng nội địa của các bậc phụ huynh. Với đặc điểm này, Việt Nam đang là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan tới bà mẹ và trẻ em.


Mặt khác, theo Euromonitor, doanh thu sản phẩm mẹ và bé Việt Nam (bao gồm thực phẩm trẻ em, các sản phẩm dành riêng cho trẻ em và quần áo trẻ em) đạt khoảng 50.100 tỉ đồng vào năm 2021 và dự kiến tăng trưởng khoảng 7,3%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, thị phần của các chuỗi bán lẻ hiện đại về đồ trẻ em chỉ chiếm khoảng 20% và 80% còn lại thuộc về các cửa hàng nhỏ. Điều này đã thu hút được sự tham gia của ông trùm trong ngành bán lẻ lớn là Thế Giới Di Động.


Thị trường mẹ và bé đã đạt được đà tăng trưởng ổn định trong các năm gần đây bất chấp đại dịch. Đặc biệt, khi thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã dịch chuyển từ mô hình truyền thống là các chợ, các siêu thị sang chuỗi bán hàng sản phẩm dành riêng cho mẹ và bé ngày một cách rõ rệt. Đó cũng chính là lý do mà những năm gần đây, các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư ngoại đã không ngừng rót vốn vào thị trường mẹ và bé, khiến lĩnh vực này trở nên sôi động hơn bao giờ hết so với thời gian trước đó.


Điển hình là sự tấn công và vươn lên mạnh mẽ của hàng loạt tên tuổi như Bibo Mart, Kids Plaza, Con Cưng, Shoptretho, TutiCare... Cùng với sự hiện diện của những tên tuổi trong nước, các hãng nước ngoài cũng tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam như: thương hiệu Soc&Brothers của Nhật Bản hay Mothercare của Anh.


Sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng cửa hàng


Trong một vài năm trở lại đây, các cửa hàng mẹ và bé mọc lên ngày càng nhiều. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các cửa hàng mẹ và bé với những thương hiệu quen thuộc như Con Cưng, Bibo Mart, Shoptretho, Kids Plaza,… qui mô hoành tráng nằm ngay trên mặt tiền của các con phố lớn.


Tính đến thời điểm hiện tại, Con Cưng là đơn vị dẫn đầu thị trường sản phẩm mẹ và bé. Cập nhập trên website, Con Cưng hiện có 700 siêu thị trên toàn quốc. Doanh nghiệp có 3 chuỗi bán lẻ hàng hóa cho mẹ bầu và em bé gồm Con Cưng, Toycity, CF (Con Cung Fashion).


Hệ thống cửa hàng của các thương hiệu khác cũng không ngừng được mở rộng. Hiện tại, chuỗi Bibo Mart đang sở hữu 161 cửa hàng và có mặt tại 33 tỉnh/ thành. Theo sau là chuỗi Kids Plaza với 157 cửa hàng.


Quy mô cửa hàng của TutiCare cũng khá rộng lớn với 50 cửa hàng lớn nhỏ trên khắp cả nước. Kế tiếp là Shop trẻ thơ, với cửa hàng đầu tiên được mở tại Hà Nội, đến nay hệ thống này đã có hơn 22 cửa hàng hoạt động tại các thành phố lớn, trong đó phát triển nhất không thể không nhắc tới chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh.


Thương hiệu đến từ Anh Quốc - Mothercare hiện có 14 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc dưới sự phân phối độc quyền của Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC) thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific - IPP Group).


Soc&Brothers hiện có 5 showroom trưng bày và giới thiệu sản phẩm rất quy mô và hiện đại. Tại đây khách hàng sẽ thấy đầy đủ các mặt hàng do Soc&Brothers phân phối, luôn được trưng bày phong phú, khoa học, ngăn nắp trong không gian trang hoàng rực rỡ, tươi sáng với âm nhạc trong trẻo vui tươi.

Đầu năm nay, cuộc chơi thị trường sản phẩm mẹ và bé sôi động hơn khi đón thêm tân binh thuộc tập đoàn MWG - AVAKids. Chuỗi cửa hàng hướng đến đối tượng người tiêu dùng là các bà mẹ đang mang thai và gia đình chăm sóc con nhỏ. Dù ở vị thế của kẻ đến sau, AVAKids sở hữu lợi thế được đặt nền móng từ trước - kinh nghiệm phát triển, vận hành và quản lý chuỗi từ Tập đoàn Thế Giới Di Động. Tính đến tháng 6, chuỗi cán mốc 50 cửa hàng sau 5 tháng ra mắt. Đến hiện tại, MWG cho thấy quyết tâm khi khai trương đến 71 cửa hàng AVAKids tại khu vực Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành lân cận, trong đó có các địa chỉ “siêu rộng” tọa lạc tại những cung đường sầm uất.


Như vậy, chuỗi mới của MWG dù mới gia nhập thị trường, song với tốc độ mở rộng quy mô như hiện tại cùng mục tiêu mà công ty đề ra cho năm nay, nhiều khả năng AVAKids có thể bắt kịp những “tay to” trên thị trường tiềm năng này về số lượng cửa hàng.


Hành trình chinh phục thị trường tỷ USD của các tay chơi


CON CƯNG

Công ty Cổ phần Con Cưng là công ty tiên phong tại Việt Nam chuyên về ngành hàng dành riêng cho trẻ em. Lĩnh vực hoạt động của công ty bao gồm: Phát triển các hệ thống chuỗi bán lẻ cho mẹ bầu & em bé: Con Cưng, Toycity, CF (CON CUNG FASHION). Nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm an toàn, chất lượng, giá thành hợp lý dành riêng cho trẻ em.


Con Cưng là chuỗi cửa hàng mẹ và bé ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khi đứng đầu về số lượng cửa hàng và doanh thu so với các chuỗi khác. Cụ thể, cuối năm 2019, Con Cưng đạt mức doanh thu gần 2,5 nghìn tỷ đồng nhưng đến 2021 đã tăng lên 5,7 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2020). Lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh từ gần 15 tỷ đồng vào năm 2019 lên gần 90 tỷ đồng vào năm 2021.


Với tham vọng có 2.000 cửa hàng theo mô hình tiện lợi và 200-300 siêu thị vào 2025, Con Cưng kỳ vọng cán mốc doanh thu 1 tỷ USD năm 2023 và chiếm 30% thị phần để đạt doanh số 2 tỷ USD năm 2025, trong đó ít nhất 30% đến từ thương mại điện tử.

BIBO MART

Được thành lập vào năm 2006, hệ thống cửa hàng Mẹ & Bé Bibo Mart thuộc quyền quản lý của Công ty cổ phần Bibo Mart TM. Bibo Mart chuyên cung cấp các sản phẩm dành cho các mẹ và các bé từ những thương hiệu uy tín trên thế giới như: Combi, Chicco, Fisher-price, Farlin, Hipp, DrBrown...đều được kiểm tra và chứng nhận an toàn cho sức khỏe của Mẹ & Bé.


Trước khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi cửa hàng của Bibo Mart kinh doanh rất khả quan và mang về hơn 8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gấp 7 lần so với năm 2018. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, doanh thu của hệ thống này cũng có sự chững lại.


Bà Trịnh Lan Phương, CEO của Bibo Mart, cho biết công ty thời điểm đó đang tái cấu trúc để chuẩn bị cho kế hoạch IPO với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia hàng đầu từ Amazon, Taobao, và Walmart.


KIDS PLAZA

Ra đời từ năm 2009, Kids Plaza cung cấp hơn 10 ngàn sản phẩm dành cho Mẹ và Bé chính hãng, được thế giới chứng nhận an toàn cho trẻ nhỏ đến từ những thương hiệu uy tín hàng đầu Việt Nam và thế giới.


Kids Plaza cũng không ngừng khẳng định vị thế của mình trong cuộc đua khi doanh thu của ông lớn này liên tục tăng qua các năm. Cụ thế, vào năm 2019 doanh thu của chuỗi cửa hàng Mẹ & Bé này đạt gần 940 tỷ đồng và tăng lên gần 1,4 nghìn tỷ đồng năm 2021. Song, lợi nhuận khá trồi sụt, như năm 2019 lợi nhuận chỉ đạt 2,5 tỷ đồng, năm 2020 tăng lên 15,7 tỷ đồng và năm 2021 giảm xuống còn 12 tỷ đồng.


SHOP TRẺ THƠ

Được thành lập từ năm 2009 đến nay với cơ sở đầu tiên tại 623 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội tính tới nay Shop trẻ thơ đã có tới 22 cửa hàng hoạt động tại các thành phố khác, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh.


Hơn 10 năm hình thành và phát triển, Shop Trẻ Thơ là một trong những đơn vị cung cấp mặt hàng sơ sinh, đồ dùng cho Mẹ & Bé uy tín nhất tại thị trường Việt Nam. Chuỗi cửa hàng này cung cấp hơn 15.000 mặt hàng và 500 thương hiệu lớn trên toàn thế giới với mẫu mã đa dạng, chất lượng an toàn được người tiêu dùng bình chọn và đánh giá rất cao.


Trong một vài năm trở lại đây, doanh thu của chuỗi cửa hàng này cũng tăng liên tục, từ khoảng 120 tỷ đồng vào năm 2019 tăng lên hơn 210 tỷ đồng vào năm 2021, mặc dù vậy, hệ thống này vẫn còn báo lỗ. Theo đó, năm 2020, Shop Trẻ Thơ lỗ gần 270 triệu đồng và đến cuối năm 2021 khoản lỗ nầy lên đến gần 5 tỷ đồng.


SOC&BROTHERS

Thành lập năm 2007, đến nay Soc&Brothers cung cấp hơn 20,000 mặt hàng phong phú dành cho mẹ và bé đến các sản phẩm gia dụng, nội thất, sức khỏe dành cho gia đình. Soc&Brothers là đại diện độc quyền tại Việt Nam của 6 nhãn hiệu danh tiếng trên thế giới và chỉ cung cấp hàng chính hãng, có thương hiệu, uy tín và đặc biệt là có bảo hiểm cho hàng hóa.


Có thể thấy trong những năm gần đây, doanh thu của chuỗi cửa hàng này biến động thất thường. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế của hệ thống siêu thị Mẹ & Bé giảm dần trong giai đoạn 2019 - 2021. Năm 2020, Soc&Brothers ghi nhận mức doanh thu khoảng 150 tỷ đồng, giảm gần 15% so với năm 2019. Nhưng đến năm 2021, doanh thu của chuỗi cửa hàng này đạt hơn 180 tỷ đồng.

TUTICARE

TutiCare - Hệ thống cửa hàng Mẹ & Bé uy tín hàng đầu Việt Nam, được quản lý bởi Công ty CP VEETEX. TutiCare cung cấp tất cả các sản phẩm đồ sơ sinh, đồ dùng mẹ & bé phục vụ cho quá trình từ khi các mẹ mang bầu, sinh nở và chăm sóc các bé. Đây là nơi hội tụ của những Thương hiệu chọn lọc, chính hãng dành cho mẹ & bé nổi tiếng trên thế giới, từ lâu đã được các bậc phụ huynh và các bé trên khắp thế giới biết đến và tin tưởng: Chicco, Phillips Avent, Munchkin, Combi, Braun, Aptamil, Nuk, Bubchen, Arau, Graco, Lego…

Cũng giống như Shop Trẻ Thơ, tình hình kinh doanh của Tuticare trong những năm gần đây cũng không mấy khả quan. Cụ thể, trong giai đoạn 2019 -2021, doanh thu của chuỗi cửa hàng này giảm dần từ hơn 170 tỷ đồng (năm 2019) xuống còn khoảng 125 tỷ (năm 2021).


AVAKIDS

AVA Kids là chuỗi cửa hàng chuyên bán các sản phẩm dành cho mẹ và bé mới ra mắt của Thế Giới Di Động. Những sản phẩm được bày bán chủ yếu ở hệ thống có thể kể đến như sữa, tã bỉm, các loại thực phẩm, đồ ăn có nguồn gốc rõ ràng, hóa mỹ phẩm an toàn, đồ dùng hàng ngày, đồ chơi hay các mặt hàng về thời trang, xe đạp cho bé,...


Thế Giới Di Động là một doanh nghiệp “ngoại đạo” trong ngành bởi đơn vị này thường được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực bán lẻ điện máy, đồ công nghệ. Tuy xuất phát chậm hơn so với các đối thủ lớn, nhưng không vì vậy mà MWG chịu tỏ ra kém cạnh.


Đặc biệt, với hệ sinh thái chuỗi rộng của Thế Giới Di Động giúp chuỗi cửa hàng mở thêm shop mà không gặp nhiều khó khăn về vấn đề mặt bằng, cũng như phát triển kênh bán hàng online. Cùng với đó, tận dụng được lượng khách hàng trung thành rất lớn của Thế Giới Di Động giúp AVAKids có thể đi tắt, đón đầu, mà không phải chạy "bám đuôi" các đối thủ.


Trên thực tế, miếng bánh ngành hàng mẹ và bé ở Việt Nam tuy ngon nhưng có rất nhiều rào cản. Bằng chứng là nhiều tên tuổi, từng tạo được tiếng tăm trong ngành này đã lặng lẽ rút lui khỏi thị trường. Đó là Kids World, Deca, Beyeu, Babysol… Sự ra đi của các thương hiệu đình đám một thời cho thấy, đây là một ngành cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi độ nhạy cảm cao.


Đặc biệt là trong giai đoạn gần đây, khi người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm từ các chợ truyền thống sang mua hàng trực tuyến. Do đó, các doanh nghiệp ngành này cần đầu tư vào công nghệ và có tầm nhìn số hoá để khai phá thị trường tiêu dùng mẹ và bé trị giá hàng tỷ đô này.


Nguồn: Vietdata

Comments


bottom of page