top of page

Thị trường siêu thị điện máy: Điện Máy Xanh dẫn đầu đường đua


Thị trường điện máy của Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ về doanh số cũng như số lượng các doanh nghiệp bán lẻ tham gia vào thị trường. Theo Tổng cục thống kê, Việt Nam có mức dân số gần 100 triệu dân với độ tuổi trung bình trẻ, cung với đó là thu nhập và đời sống ngày càng được nâng cao, đó chính là mảnh đất màu mỡ cho nhiều ngành nghề phát triển, trong đó có thị trường điện máy.


Mặc dù có nhiều lo ngại về nguy cơ lạm phát, suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến sức mua, chi phí đầu vào của một số mặt hàng tăng khiến giá tăng ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, tuy nhiên thị trường bán lẻ điện máy vẫn đang chứng kiến cuộc đua khốc liệt của các ông lớn trong việc mở rộng điểm bán, chiếm thị phần.


Mảng điện máy có rất nhiều thương hiệu cạnh tranh nhau khốc liệt chẳng hạn như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim, Mediamart, Siêu thị điện máy HC, Thiên Nam Hòa, Điện máy Chợ Lớn,... Đứng trước sự tăng tốc mạnh mẽ của chuỗi Điện Máy Xanh khiến cho các doanh nghiệp còn lại không còn nhiều dư địa để tăng trưởng.


Sau khi Thế giới Di động với chuỗi Điện Máy Xanh đã xác lập vị thế thống trị trong ngành bán lẻ điện máy thì cuộc chạy đua cho vị trí số 2 hoặc số 3 trong ngành trở thành "vấn đề sống còn" đối với các chuỗi điện máy khác nếu muốn tiếp tục tồn tại.


Điển hình là Trần Anh - một chuỗi điện máy lớn tại phía Bắc. Nhận thấy không có lợi thế trong cuộc đua giành vị trí Top đầu trong ngành, ban lãnh đạo công ty đã quyết định bán lại cho Thế giới Di động.



ĐIỆN MÁY XANH: Kẻ đến sau vươn lên dẫn đầu thị trường


Cuối năm 2010, hệ thống bán lẻ điện máy với thương hiệu dienmay.com ra đời và chính thức đổi tên thành Siêu thị Điện Máy Xanh vào năm 2015. Đến tháng 07/2016, Siêu thị Điện Máy Xanh đã phủ sóng khắp 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Giữa năm 2020, mô hình cửa hàng siêu nhỏ - Điện máy xanh Supermini (ĐMS) được đưa vào thử nghiệm và phát triển thần tốc 2020 với 302 cửa hàng 61/63 tỉnh thành vào cuối năm.


Tính đến cuối năm 2021, chuỗi điện máy xanh có 1.992 siêu thị trên toàn quốc, trong đó có 800 cửa hàng mô hình Supermini và dẫn dầu thị trường bán lẻ điện máy với 50% thị phần. Đến nay, hệ thống siêu thị Điện máy xanh đã mở rộng ra với 3368 siêu thị toạ lạc tại 63 tỉnh thành lớn cùng hơn 10.000 nhân viên.

Năm 2021 là một năm vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và MWG nói riêng khi hoạt động kinh doanh bị gián đoạn do đại dịch Covid - 19. Mặc dù vậy, MWG đã vượt qua cơn bão này thành công và mang về mức doanh thu 122.958 tỷ đồng. Trong đó, hơn 50% doanh thu đến từ chuỗi Điện Máy Xanh, tương đương khoảng 61,6 nghìn tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái).


MediaMart, Chợ Lớn hiện vẫn còn có thể bám đuổi quyết liệt với Điện Máy Xanh


MEDIAMART

Năm 2008, MediaMart khai trương Siêu thị điện máy đầu tiên tại Hà Nội chính thức tham gia vào lĩnh vực kinh doanh bán lẻ điện máy, tạo ra một phong cách mua sắm hoàn toàn mới với người dân thủ đô, thông qua cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tới người tiêu dùng.


Sau 15 năm đi vào hoạt động đến nay MediaMart đã sở hữu chuỗi hơn 350 siêu thị điện máy tại 32 tỉnh/ thành phố lớn trên cả nước.


Với việc đầu tư mở rộng mạng lưới bán hàng đã góp phần làm tăng doanh thu cho chuỗi siêu thị điện máy này. Theo đó, doanh thu của MediaMart tăng liên tục trong giai đoạn 2017 - 2021 và chạm mốc hơn 8,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng hơn 2,5 lần so với năm 2020.


SIÊU THỊ ĐIỆN MÁY - NỘI THẤT CHỢ LỚN

Năm 2001, Công ty TNHH Cao Phong thành lập gắn liền với thương hiệu Siêu thị Điện Máy – Nội Thất Chợ Lớn. Sự ra đời của Siêu thị Điện Máy – Nội Thất Chợ Lớn đã đánh dấu một bước tiến lớn trên thị trường điện máy Việt Nam. Đây là siêu thị đi tiên phong trong lĩnh vực bán lẻ hàng điện máy, nội thất tại Việt Nam.


Với những nỗ lực không ngừng, Siêu Thị Điện Máy – Nội Thất Chợ Lớn ngày càng phát triển mạnh mẽ, 96 chi nhánh trên khắp các tỉnh thành ở khu vực miền Nam, miền Trung, kế hoạch mở rộng ra khu vực phía Bắc trong tương lai gần.


Điện Máy Chợ Lớn hiện là chuỗi điện máy vẫn còn có thể bám đuổi quyết liệt với Điện máy Xanh. Với việc chỉ tập trung vào khu vực phía Nam, rõ ràng Chợ Lớn là một trong những đối thủ "xứng tầm" nhất của Điện Máy Xanh tại khu vực này. Tuy vậy, việc thu hẹp khoảng cách với Điện Máy Xanh là rất khó.


Năm 2020, doanh thu của chuỗi điện máy này có sự chững lại và phục hồi vào năm 2021. Cụ thể, doanh thu năm 2021 của chuỗi điện máy Chợ Lớn khoảng 16 nghìn tỷ đồng (tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020). Mặc dù doanh thu có sự trồi sụt nhưng Điện máy Chợ Lớn vẫn giữ được mức tăng trưởng liên tục về lợi nhuận sau thuế.


Nguyễn Kim, HC, Pico, Thiên Nam Hòa đồng loạt hụt hơi


NGUYỄN KIM

Cửa hàng đầu tiên của Nguyễn Kim được khai trương vào năm 1996 trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1. Đây là nơi đầu tiên ở TP.HCM kinh doanh sản phẩm điện tử, điện máy chính hãng theo mô hình bán lẻ hiện đại.


Gần 20 năm sau đó, Nguyễn Kim tiếp tục giữ vững vị thế tiên phong trên thị trường điện máy. Công ty mở mới nhiều trung tâm mua sắm, lập ra website bán lẻ điện máy đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2015 Nguyễn Kim chính thức hợp tác với tập đoàn Central Retail, gia tăng sức mạnh để trở thành nhà bán lẻ đẳng cấp quốc tế.


Tại thời điểm đó, Nguyễn Kim chiếm 12% thị phần điện máy chính hãng tại Việt Nam, xếp trên Điện Máy Xanh (8%) và Điện Máy Chợ Lớn (7,5%).


Nguyễn Kim từng có một thời gian dài là "anh cả" của ngành điện máy nhưng đã chững lại một cách khó hiểu từ nhiều năm nay với doanh thu đi ngang, thậm chí là tụt giảm. Theo đó, doanh thu năm 2020 của hệ thống siêu thị điện máy chỉ hơn 7,2 nghìn tỷ đồng, giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng trong năm 2020, ông lớn này lỗ gần 340 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.


Hệ quả là Nguyễn Kim không chỉ mất vị trí dẫn đầu mà còn mất luôn cả vị trí thứ 2 và thứ 3 vào tay đối thủ đang lên khác là Điện máy Chợ Lớn và MediaMart.


SIÊU THỊ ĐIỆN MÁY HC

Siêu thị Điện máy HC trực thuộc công ty TNHH Thương mại VHC được thành lập năm 2006. HC được coi là hệ thống Siêu thị điện máy có diện tích lớn nhất Việt Nam với diện tích mặt sàn trưng bày từ 1000 – 4000m2 với đầy đủ hệ thống kho bãi, logistics phụ trợ, phân phối hơn 20.000 sản phẩm điện máy từ các hãng nổi tiếng trên thế giới như Samsung, Electrolux, LG, Toshiba, Panasonic…


Siêu thị điện máy HC hiện có quy mô 41 chi nhánh khắp các tỉnh thành, siêu thị điện máy HC tập trung vào 5 ngành hàng: Điện tử, Điện lạnh, Gia dụng, Công nghệ Thông tin, Điện thoại & Thiết bị Giải trí số.


Doanh thu của siêu thị điện máy HC khá trồi sụt và gần như đi ngang. Cụ thể doanh thu trong 2 năm 2018 - 2019, ở ngưỡng 8 nghìn tỷ đồng và giảm còn khoảng 6 nghìn tỷ đồng vào năm 2020 và sau đó tăng lên khoảng 7 nghìn tỷ đồng vào năm 2021. Tuy nhiên mức doanh thu này vẫn ở mức thấp hơn so với năm 2019.


SIÊU THỊ ĐIỆN MÁY PICO

Pico là minh chứng cho việc tiên phong đưa mô hình bán lẻ điện máy mới vào thị trường Hà Nội, mô hình siêu thị với hàng chục nghìn các mặt hàng trưng bày khoa học trên diện tích rộng hướng đến trải nghiệm mua sắm của khách hàng.


Siêu thị điện máy Pico đầu tiên được khai trương tháng 7/2007 tại Hà Nội, sau hơn 15 năm nỗ lực phát triển, tính đến năm 2022, Pico đã phát triển hệ thống lên đến 20 siêu thị phủ sóng rộng khắp Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn của miền Bắc như: Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Phúc Yên, Thanh Hóa…


Tình hình kinh doanh gần đây của chuỗi siêu thị điện máy Pico cũng không mấy khả quan. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sản phẩm điện máy các loại tiêu thụ rất chậm, giá giảm mạnh mà không có khách mua, dẫn đến doanh số sụt giảm mạnh. Đặc biệt là năm 2021, doanh thu của Pico giảm chỉ còn khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng (giảm hơn 15% so với năm 2020).


SIÊU THỊ ĐIỆN MÁY THIÊN NAM HÒA

Công ty Cổ Phần Thương Mại và Dịch Vụ Thiên Nam Hòa (tiền thân là công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ Thiên Nam Hòa) chính thức được thành lập và đi vào hoạt động vào cuối năm 2001. Đến nay Thiên Nam Hòa đã phát triển thành chuỗi hệ thống trung tâm Điện máy – Nội thất quy mô với 10 trung tâm lớn và đầy đủ tiện nghi.


Sáu ngành hàng chủ lực được kinh doanh bao gồm: Điện tử, Điện lạnh, Điện Gia Dụng, Công nghệ thông tin - Kỹ thuật số, Viễn thông – Thiết Bị Văn Phòng, Nội Thất cao cấp, với hơn 80.000 sản phẩm chính hãng của các thương hiệu hàng đầu thế giới như: Sony, Toshiba, LG, Panasonic, Samsung, Sharp, Sanyo, Toshiba, Elextrolux, Nokia, HP, Hitachi, Philips, Acer,…


Cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng của đại dịch Covid và sự cạnh tranh từ các đối thủ, Thiên Nam Hòa cũng rơi vào tình trạng sụt giảm về doanh thu nghiêm trọng. Cụ thể, doanh thu năm 2021 giảm 42% so với năm 2020, và giảm 64% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế cũng ở mức âm trong 2 năm gần đây.


Tình trạng chung của các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ điện máy là nhiều siêu thị phải đóng cửa, doanh số bán giảm, hàng tồn kho tăng cao nhưng vẫn phải gánh chịu chi phí thuê mặt bằng lớn, dẫn đến tình trạng thua lỗ lớn. Ngoài ra, việc thị phần bị thu hẹp do tăng trưởng thấp thậm chí tăng trưởng âm thì bài toán lợi nhuận cũng là một áp lực lớn với các chuỗi điện máy này.


Hiện nay cuộc chiến trên thị trường điện máy tập trung vào các tên tuổi lớn như Hệ thống Điện Máy Xanh của Thế giới di động, Siêu thị điện máy HC, MediaMart, Điện máy Chợ Lớn, Pico, Thiên Nam Hòa,... Mỗi ông lớn đều chiếm giữ một lợi thế riêng, hướng phát triển riêng để cạnh tranh và giành giật miếng bánh thị trường vốn đã bị chia ra rất nhỏ. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này hiểu rằng họ cần có những bước đi đúng đắn nếu như không muốn thất bại trên cuộc đấu đầu cam go.


Nguồn: Vietdata

Comentarios


bottom of page