Năm 2023, triển vọng thị trường sữa và các sản phẩm làm từ sữa không có nhiều khả quan. Sau khi trải qua thời kỳ chống chọi với đại dịch covid và tiếp tục phải chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã khiến cho giá nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến sữa tăng cao kỷ lục.
Thị trường sữa Việt Nam chịu nhiều sức ép bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhiều thương hiệu đã phải thay đổi tăng giá sữa lên 5-10%. Tuy nhiên tỷ lệ tăng giá này vẫn đang thấp hơn so với giá nguyên liệu đầu vào nên lợi nhuận của các doanh nghiệp sữa trong năm nay được nhận định là thấp hơn so với năm ngoái.
Trước bối cảnh trên, thị trường sữa Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn. Các doanh nghiệp không ngừng nghiên cứu và kinh doanh đa dạng các sản phẩm từ sữa bột, sữa tươi, sữa đặc, sữa chua,... để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân giành lấy thị phần của người tiêu dùng. Trong tình cảnh thị trường như hiện nay, ngay cả những ông lớn như Vinamilk, TH True Milk,... cũng đang phải dè chừng trước các đối thủ cạnh tranh nhỏ trong ngành.
Vinamilk
Vinamilk ra đời năm 1976, được thành lập dựa trên cơ sở tiếp quản 3 nhà máy sữa do chế độ cũ để lại. Hiện nay, Vinamilk là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ sữa của Việt Nam, chiếm hơn 55% thị phần. Tuy là ông lớn chiếm nhiều thị phần nhất nhưng doanh nghiệp này cũng chịu không ít sức ép từ những các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là ở phân khúc sữa bột.
Là ông lớn trong ngành, dù cho tình hình thị trường kinh doanh có gặp khó khăn nhưng Vinamilk vẫn giữ cho doanh thu của mình luôn ở mức cân bằng. Việc đẩy mạnh đầu tư vào các chi nhánh nước ngoài cũng như tham gia xuất khẩu sữa đã nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp này. Trong giai đoạn 2020-2022 doanh thu của Vinamilk luôn giữ ở mức xấp xỉ 60,000 tỷ đồng.
Mặc dù Vinamilk vẫn cân bằng được doanh thu nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong giai đoạn này đang sụt giảm. Trước tình hình doanh nghiệp đang mất dần thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh, nên việc phải đổi mới cũng như mở rộng nhận diện thương hiệu đã làm tăng chi phí của các hoạt động marketing. Bên cạnh đó, việc chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao những giá sản phẩm lại không được tăng quá nhiều cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp này. Trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Vinamilk đạt 8,577 tỷ giảm 23.96% so với năm trước đó.
IDP
Công ty Cổ phần Sữa Quốc Tế (IDP) được thành lập năm 2004, hiện đang sở hữu 2 nhà máy chế biến các sản phẩm sữa tại huyện Chương Mỹ và Ba Vì, Hà Nội, đây là 2 nơi có nguồn nguyên liệu lớn của nước ta. Trong gần 20 năm hoạt động, người tiêu dùng đã vô cùng quen thuộc với những nhãn hiệu sữa của IDP là LiF, Kun, Bavi, LOF.
Sau khi chuyển đổi chủ sở hữu năm 2020, doanh thu của IDP sau thời điểm này đã phát triển cực mạnh so với giai đoạn trước đó. Năm 2020, doanh thu thuần của công ty Cổ phần Sữa Quốc Tế đã phát triển hơn so với giai đoạn trước đạt mức 3,835 tỷ đồng. Năm 2022, con số này đã ở mức 6,086 tỷ đồng tăng trưởng 26% so với năm 2021 và 58% so với năm 2022.
Từ thời điểm lần đầu tiên cổ phiếu của IDP được đưa lên giao dịch trên thị trường vào năm 2021, lợi nhuận sau thuế của công ty này đã tăng vọt lên mức 823 tỷ đồng, tăng gần 64% so với năm 2020. Tuy nhiên bước qua năm 2022, mức lợi nhuận của IDP lại giảm nhẹ khoảng 12 tỷ đồng so với năm 2021.
NESTLÉ
Công ty TNHH NESTLÉ là công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài, thuộc tập đoàn Nestlé S.A. Được thành lập năm 1995, doanh nghiệp này hiện đang vận hành 4 nhà máy và 2 trung tâm phân phối. Gần 30 năm hoạt động trên thị trường Việt Nam, Nestlé đã thông qua những cam kết và định hướng trong chiến lược phát triển bền vững để triển khai nhiều hoạt động cải thiện sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ hành tinh xanh. Doanh nghiệp này cũng được công nhận là top 1 doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam.
Doanh thu của Nestlé đang tăng trưởng ở mức ổn định trong giai đoạn 2020-2022. Cụ thể, trong năm 2022 doanh nghiệp này đạt mức doanh thu 17,298 tỷ đồng, tăng 8.6% so với năm 2021 và 12.2% so với năm 2020. Mặc dù trong giai đoạn kinh doanh khó khăn khi nhiều chi phí tăng cao nhưng Nestlé vẫn luôn giữ vững được mức lợi nhuận sau thuế của mình trong khoảng hơn 1,400 tỷ đồng.
Mộc Châu
Công ty Cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu được thành lập năm 1958 tiền thân là Nông trường Mộc Châu. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2005. Đến năm 2020 Mộc Châu chính thức trở thành công ty thành viên của Vinamilk. Trong năm 2022, Mộc Châu và Vinamilk đã chính thức khởi công dự án “ Tổ Hợp Thiên Đường Sữa Mộc Châu”. Dự án này là hệ sinh thái nông nghiệp khép kín, hiện đại bao gồm trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ kết hợp du lịch sinh thái và nhà máy chế biến sữa công nghệ cao.
Tình hình kinh doanh của Mộc Châu được xem là khá ổn khi cả doanh thu và lợi nhuận đều có xu hướng tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2022. Cụ thể, doanh thu của Mộc Châu năm 2022 đạt 3,133 tỷ đồng tăng 7% so với năm trước. Bên cạnh đó lợi nhuận sau thuế của công ty này cũng phát triển khá tốt khi đạt mức 346 tỷ đồng trong năm 2022, tăng hơn 27 tỷ so với năm 2021.
TH True Milk
TH True Milk được thành lập vào năm 2009 dưới sự tư vấn tài chính của Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á. Dù là doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn nhưng TH True Milk đã trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu của Việt Nam. Hiện nay, các sản phẩm từ sữa của TH True Milk bao gồm: sữa tươi tiệt trùng nguyên chất được làm từ 100% sữa bò tươi, sữa tươi tiệt trùng ít đường, sữa tươi tiệt trùng có đường, sữa tươi tiệt trùng hương dâu, sữa tươi tiệt trùng hương socola,…
Mặc dù phải chịu những thách thức và rủi ro do những biến động toàn cầu gây nên nhưng TH True Milk vẫn đạt được con số tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, doanh thu của TH True Milk trong năm 2020 ghi nhận con số 8,689 tỷ đồng, trải qua 2 năm hoạt động, doanh thu của công ty này trong năm 2022 đạt 13,952 tỷ đồng, tăng trưởng 60.6% so với năm 2020.
Do TH hoàn toàn tự chủ về nguồn nguyên liệu thức ăn cho bò nên việc giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng không gây tác động quá nhiều lên chi phí của doanh nghiệp này. Theo đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của TH True Milk tăng cực cao. Năm 2022, doanh nghiệp này lãi hơn 311 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2021.
NutiFood
Nutifood được thành lập năm 2000 với tên gọi Công ty Cổ phần Thực phẩm Thành Tâm, đến năm 2011 chính thức được đổi tên thành Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood. Năm 2003 Công ty Cổ phần Thực Phẩm Dinh Dưỡng Nutifood Bình Dương được thành lập với cương vị là công ty con của Công ty Cổ phần Thực Phẩm Dinh Dưỡng.
Năm 2022, NutiFood đón nhận 4 giải thưởng tầm vóc châu Lục: “Nơi làm việc tốt nhất châu Á”, “Doanh nghiệp xuất sắc Châu Á”, “Thương hiệu truyền cảm hứng Châu Á” và giải “Doanh nhân xuất sắc Châu Á” dành cho Tổng giám đốc Trần Thị Lệ.
Năm 2021, doanh thu của NutiFood tăng đột biến từ 503 tỷ lên 993 tỷ đồng. Tuy nhiên sang năm 2022 mức doanh thu này lại tụt xuống chỉ còn 637 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu năm 2021 của NutiFood cao đỉnh điểm nhưng lợi nhuận sau thuế trong năm này lại tụt dốc khi giảm từ 637 tỷ đồng xuống chỉ còn 68 tỷ đồng. Năm 2022 tuy mức lợi nhuận có tăng nhưng vẫn chưa thể khôi phục lại như thời điểm ban đầu.
Dutch Lady
Dutch Lady là thương hiệu sữa của tập đoàn FrieslandCampina được thành lập vào năm 1871 bởi các gia đình nông dân Hà Lan. Đến thời điểm hiện tại, FrieslandCampina được biết đến như một công ty liên doanh sản xuất bơ sữa lớn nhất trên thế giới. Năm 1995 FrieslandCampina bắt đầu hoạt động phát triển ngành sữa tại Việt Nam, trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trên thị trường sữa Việt Nam.
Giai đoạn 2023-2022 doanh thu của công ty sở hữu thương hiệu sữa Dutch Lady đang có dấu hiệu đi xuống. Năm 2022, FrieslandCampina ghi nhận mức doanh thu là 5,369 tỷ đồng, giảm 19.2% so với năm 2020. Mức lợi nhuận của FrieslandCampina trong giai đoạn này cũng giảm khá sâu. Trong năm 2021, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đã giảm hơn 1 nửa so với năm 2020 đạt mức 422 tỷ đồng. Bước sang năm 2022, lợi nhuận của FrieslandCampina tiếp tục giảm mạnh chỉ còn 114 tỷ đồng.
Nutricare
Nutricare là công ty chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe tại Việt Nam, được thành lập vào năm 2010 bởi các nhà khoa học dinh dưỡng hàng đầu. Mới đây, Nutricare đã hợp tác với Viện Dinh Dưỡng Y học Nutricare Hoa Kỳ cho ra mắt bộ sản phẩm dinh dưỡng mới nhằm cải thiện tinh hình sức khỏe cho người dân Việt Nam.
Trong hành trình kinh doanh và phát triển của Nutricare, hầu như công ty này đều có mức tăng trưởng ổn định qua các năm. Mặc dù đang trong giai đoạn khó khăn nhưng doanh thu của Nutricare vẫn đang tăng trưởng khá ổn. Năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp này đạt 955 tỷ đồng, tăng 45.8% so với năm 2021. Lợi nhuận năm 2022 của Nutricare đạt 17 tỷ đồng, tăng gần 6 tỷ đồng so với năm trước đó.
VPMilk
Công ty Cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam được thành lập vào năm 2014. VPMilk hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu dinh dưỡng, sản xuất sữa cho trẻ nhỏ, mẹ bầu, người cần phục hồi sức khỏe. VPMilk đã thành công gia tăng độ nhân diện thương hiệu khi quyết định tài trợ 50 tỷ cho câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai năm 2017. Sau sự kiện này, tên tuổi của VPMilk đã được biết đến rộng rãi hơn trên thị trường sữa Việt Nam.
VPMilk đã khá khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh khi doanh thu trong năm 2020 và 2021 chỉ xấp xỉ trong khoảng 280 tỷ đồng. Trong 2 năm này VPMilk cũng không có lời, thậm chí có năm mức lỗ lên tới 16 tỷ đồng. Đến năm 2022, mặc dù vẫn là giai đoạn khó khăn của thị trường sữa nhưng VPMIlk đã có thể phục hồi lại khi doanh thu đạt 443 tỷ đồng và cũng đã có lợi nhuận.
LothaMilk
Tiền thân của Lothamilk là Công ty Liên doanh Bò sữa Đồng Nai được thành lập năm 1997. Đây là doanh nghiệp liên doanh đầu tiên của tỉnh Đồng nai có vốn hợp tác của hai quốc gia: Việt Nam và Đài Loan. Đến năm 2015, doanh nghiệp này chính thức chuyển sang hoạt động với 100% vốn đầu tư trong nước.
Năm 2022, doanh thu của Lothamilk đạt 368 tỷ đồng, mặc dù có tăng nhẹ 4.3% so với năm 2021 nhưng so với năm 2020 thì lại giảm khá nhiều giảm đến 27.3%. Do ảnh hưởng bởi những biến động trên thị trường mà từ năm 2021 Lothamilk đã không có lời thay vào đó là những khoản lỗ hàng chục tỷ đồng.
Các khó khăn trong giai đoạn hiện tại có thể làm giảm đi sự tiêu thụ sữa của thị trường Việt Nam cộng thêm việc giá nguyên liệu đầu vào gia tăng đã tạo nhiều thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất sữa trên thị trường Việt Nam.
Nguồn: Báo cáo ngành sữa năm 2022 của Vietdata
Comentários