top of page

Thị trường điện thoại thông minh giảm 4 quý liên tiếp

Theo nghiên cứu mới nhất của Canalys, doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu giảm 18% xuống 296.9 triệu đơn vị trong quý 4/2022.


Cả năm 2022 đã có dưới 1.2 tỷ chiếc điện thoại thông minh được xuất xưởng, mức thấp nhất kể từ năm 2013, khi nhu cầu của người tiêu dùng giảm đáng kể trước áp lực từ lạm phát và những bất ổn kinh tế vĩ mô.


Trong quý 4/2022, Apple là hãng smartphone chiếm thị phần lớn nhất (25%), Samsung đứng thứ hai với 20%.


"Trong khi nhu cầu ở phân khúc thấp và trung cấp giảm mạnh trong những quý trước, phân khúc cao cấp mới chứng kiến sự suy giảm trong quý 4", nhà phân tích Runar Bjørhovde cho biết.


Ông Bjørhovde chỉ ra thị trường điện thoại thông minh trong quý 4/2022 trái ngược hoàn toàn so với một năm trước, thời điểm nhu cầu tăng và nguồn cung được đảm bảo.



“Các thị trường hàng đầu đang gặp khó khăn với sự suy giảm về nhu cầu trong những tháng cuối năm, qua đó giáng đòn nặng nề tới Samsung và Apple”, Sanyam Chaurasia, Chuyên viên phân tích tại Canalys, cho hay.


“Dù cho thấy một chút sự ổn định trong quý 3/2022, thị trường châu Á Thái Bình Dương và châu Âu ghi nhận thành tích quý 4 tồi tệ nhất trong lịch sử. Hàng tồn kho ngày càng chồng chất ở các thị trường hàng đầu, như Ấn Độ và Trung Quốc, qua đó dẫn tới một quý kinh doanh đáng thất vọng. Trong khi đó, những căng thẳng về kinh tế kéo giảm chi tiêu tiêu dùng ở Bắc Mỹ và Mỹ Latinh. Các hãng phải thận trọng lên kế hoạch công bố sản phẩm mới khi các nhà bán lẻ và công ty viễn thông không muốn tăng mức tồn kho”, ông cho biết.



Năm 2023 đầy khó khăn?


“Bước sang năm 2023, Apple và Samsung có vị thế tốt hơn để vượt qua khó khăn nhờ sự thống trị trong phân khúc cao cấp”, nhà phân tích Le Xuan Chiew của Canalys Research cho biết. “Sự thịnh hành của các mẫu iPhone Pro sẽ giúp Apple tiếp tục nâng thị phần dù nhu cầu chung suy giảm”.


"Các hãng sẽ tiếp cận năm 2023 theo cách thận trọng, ưu tiên lợi nhuận và bảo vệ thị phần. Họ đang cắt giảm chi phí để thích ứng với thực tế thị trường mới. Xây dựng quan hệ đối tác sẽ rất quan trọng để bảo vệ thị phần, do điều kiện thị trường khó khăn có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán", nhà phân tích Le Xuan Chiew của Canalys Research cho biết.


Trong khi đó, những thách thức bất ngờ về nguồn cung các mẫu iPhone Pro đã thôi thúc Apple đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Từ đó, Apple sẽ giảm thiểu rủi ro nguồn cung và căng thẳng địa chính trị. Samsung cũng đang duy trì sự tập trung vào lợi nhuận bằng cách củng cố danh mục cao cấp và tạo phân khúc ngách thông qua điện thoại gập Fold. Mặt khác, các hãng Trung Quốc vẫn sẽ đón nhiều cơn gió ngược từ thị trường quốc tế và một thị trường nội địa ốm yếu. Bên cạnh nhu cầu ảm đạm, hàng tồn kho, áp lực biên lợi nhuận và hiệu quả hoạt động cũng là thách thức”.


“2023 sẽ là một năm khó khăn. Xu hướng kinh tế vĩ mô gần đây cho thấy rủi ro suy thoái toàn cầu ngày càng tăng”, Amber Liu, Chuyên viên phân tích tại Canalys, nhận định.


“Con đường hồi phục của thị trường điện thoại thông minh đang bị che mờ bởi hàng loạt bất ổn. Các hãng và kênh bán hàng sẽ theo dõi diễn biến sát sao và tiếp cận một cách thận trọng. Các thương hiệu nhỏ phải tập trung vào việc đảm bảo khả năng tạo lợi nhuận bằng cách tìm các cơ hội ngách, với danh mục sản phẩm tinh gọn và quản lý kênh hiệu quả. Mặt khác, các thương hiệu nổi tiếng sẽ phải nghiên cứu cách thức thúc đẩy nhu cầu thông qua hệ sinh thái IoT của mình, cung cấp các sản phẩm cao cấp có tính khác biệt, đồng thời triển khai chiến lược quảng bá và kênh bán hàng hiệu quả”.


(Fili.vn)





Comentários


bottom of page