Thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực đang được quan tâm và chú ý đến trong những năm gần đây. Nhiều động lực thúc đẩy sự tăng trưởng chẳng hạn như làn sóng chuyển đổi số, hạ tầng công nghệ, thanh toán online, logistics, nguồn nhân lực,... Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2023 lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% (tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2022) và đạt quy mô trên 20,5 tỷ USD.
Những sàn thương mại điện tử nổi bật nhất phải kể đến là Shopee, Lazada, Tiktok Shop, Tiki, và Sendo. Theo số liệu của Metric, năm 2023, doanh thu trên cả 5 sàn thương mại điện tử này đạt 232.100 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022. Ngoài sàn thương mại điện tử còn có ứng dụng điện thoại cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như Grab, Be, Gojek, Ahamove, Foody,...
Năm 2023, về sàn thương mại điện tử Shopee vẫn giữ vị trí đứng đầu về thị phần, xếp thứ hai là Lazada và thứ ba là Tiktok Shop. Tuy nhiên, quý 1/2024 cũng có nhiều báo cáo ghi nhận sự phân chia lại thị phần với kết quả đứng đầu vẫn là Shopee, thứ hai là Tiktok Shop và thứ ba là Lazada.
Shopee
Shopee là nền tảng thương mại điện tử thành lập bởi Tập đoàn SEA vào năm 2015, hiện đang chiếm thị phần số 1 trong lĩnh vực Thương mại điện tử tại Việt Nam. Năm 2023, doanh thu thuần của Shopee đạt hơn 18 nghìn tỉ đồng, tiếp tục đứng đầu với mức tăng trưởng ấn tượng hơn 70% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt mức hơn 1,4 nghìn tỉ đồng, cao nhất trong nhóm nhưng lại giảm khoảng hơn 50% so với năm 2022.
Dẫu chiếm lĩnh thị phần ở Việt Nam, nhưng Shopee cũng đang đối mặt với sự đe dọa của Tiktok Shop. Trong năm 2024, để gia tăng sức cạnh tranh và quyền lợi người tiêu dùng, Shopee đã cập nhật chính sách đổi trả hàng, kéo thời gian trả hàng và hoàn tiền lên đến 15 ngày kể từ thời điểm giao hàng thành công. Shopee cũng cho phép người mua huỷ đơn hàng ngay cả khi hàng đang vận chuyển. Shopee đã đi trước Tiktok với tính năng livestream vào năm 2019. Gần đây, Shopee đã làm mới tính năng này để tập trung vào các danh mục hàng hóa như thời trang, sức khỏe và sắc đẹp.
Tiktok Shop
Tiktok Shop thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Singapore và đổ bộ vào Việt Nam vào năm 2022. Năm 2023, Tiktok Shop đạt doanh thu thuần gần 890 tỷ đồng, tăng khoảng 80% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế là 32 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với năm 2022. Với phương thức bán hàng có phần khác biệt so với phần còn lại, Tiktok Shop mang sự giao thoa rất lớn giữa hai yếu tố giải trí và thương mại. Tiktok cũng đã cho ra một khái niệm mới là “shoppertainment” là hình thức mua sắm kết hợp giải trí. Tiktok Shop đã đẩy mạnh việc mua hàng dựa trên cảm xúc và nhu cầu chợt phát sinh khi thấy sản phẩm đẹp hoặc thú vị. Vì thế, nhà sáng tạo nội dung chính là cầu nối giữa Tiktok Shop và khách hàng tốt nhất khi nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng thông qua KOL, KOC.
Chỉ hơn một năm Tiktok Shop đã thúc đẩy tăng trưởng vượt bật và giành luôn vị trí thứ hai của Lazada trong cuộc chiến thị phần nhờ doanh số từ các phiên livestream. Số lượng nhà bán hàng trên Tiktok Shop cũng tăng hơn 400% bằng cả Lazada và Tiki cộng lại. Tiktok Shop là một màu sắc khác biệt trong những sàn thương mại điện tử hiện nay.
Lazada
Đây là sàn thương mại điện tử thuộc Lazada Group, có công ty mẹ là Tập đoàn Alibaba và bước vào thị trường Việt Nam vào năm 2012. Lazada chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các sàn thương mại điện tử khác và hiện chỉ đứng thứ 3 tại thị trường Việt Nam (dựa trên doanh số).
Để chiếm lại thị phần, Lazada thêm những tính năng và tiện ích để tăng trải nghiệm của cả nhà bán hàng lẫn người tiêu dùng. Với nhà bán hàng, Lazada sử dụng công nghệ sáng tạo nội dung có thể được tối ưu hóa SEO (Tối ưu hóa cho công cụ tìm kiếm) thông qua tính năng tạo thông tin sản phẩm bằng AI giúp cho nhà bán hàng có thể tiếp cận với những khách hàng tiềm năng tốt hơn. Nhà bán hàng cũng tiết kiệm thời gian khi đăng thông tin sản phẩm so với thông thường.
Với người tiêu dùng, Lazada cho ra mắt tính năng như Đề xuất Điểm nổi bật của Sản phẩm. Đây là tính năng giúp cho khách hàng có thể nhanh chóng xem được những thông tin trọng tâm và cốt lõi của sản phẩm. Việc gia tăng trải nghiệm mua hàng là phương hướng phát triển bền vững cho Lazada để giữ chân khách hàng, tuy nhiên, việc khôi phục lại vị thế trước đó trong cuộc đua thương mại điện tử vẫn là một dấu hỏi.
Tiki
Được thành lập từ năm 2010 đến nay Tiki tỏ vẻ có phần “đuối sức” trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các sàn thương mại điện tử với nhau đặc biệt với những đơn vị có vốn nước ngoài. So với giai đoạn trước, Tiki mất phần lớn thị phần của mình. Hiện nay, Tiki không có sức cạnh tranh để vươn lên vị trí cao hơn trên bản đồ thị phần trong thời gian ngắn.
Tiki cũng có những động thái để cải thiện tình hình kinh doanh. Ngày 18/08/2023 Tiki và thương hiệu ô tô điện Wuling của liên doanh GM (Mỹ) - HongGuang MiniEV đã ký kết chiến lược, đưa Wuling HongGuang MiniEV trở thành mẫu ô tô điện đầu tiên được bán trên một sàn Thương mại điện tử tại Viêt Nam. Tiki quyết định tích hợp chatbot ChatGPT vào để khách hàng có thể sử dụng hoàn toàn miễn phí. Dù không cải thiện được nhiều, ít nhất, việc tích hợp này giúp cho Tiki trở nên được quan tâm hơn, từ đó gia tăng một lượng truy cập đáng kể.
Sendo
Sendo được thành lập năm 2012, là một dự án Thương mại Điện tử do Công ty CP dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online), đây đã trở thành một trong những nền tảng thương mại lớn nhất có tính chất thuần Việt. Dần tỏ ra yếu thế trong cuộc đua, Sendo đã bị các sàn khác đánh bật ra khỏi những sàn thương mại điện tử lớn nhất. Dù vậy, năm 2023 Sendo vẫn đạt doanh thu thuần gần 290 tỷ đồng, tăng mạnh 90% so với năm 2022, lỗ sau thuế là 450 tỷ đồng. Khó có thể nói đây đều là tín hiệu tích cực.
Sendo cũng có những cố gắng đưa ra những ý tưởng mới có sức cạnh tranh hơn. Sendo cho ra mắt mô hình đi chợ kiểu mới với hàng hóa lấy tận nguồn là Sendo Farm. Sendo Farm cũng đã ký kết với Chi nhánh Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam và Công ty Cổ phần Daesang Đức Việt vào ngày 20/12/2023 với mục tiêu đảm bảo nguồn thực phẩm đạt tiêu chuẩn ngon sạch với giá cả hợp lý. Khi Sendo nhận thấy sự “thắt lưng buộc bụng” của người tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế chưa khởi sắc.
Grab
Grab có mặt tại Việt Nam vào cuối năm 2014 và đây cũng là một công ty công nghệ hàng đầu thế giới với trụ sở chính đặt tại Singapore hiện đang chiếm giữ thị phần lớn nhất về gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Sau đó, Grab thâu tóm luôn đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình lúc bấy giờ là Uber vào cuối tháng 3/2018 và trở thành “độc tôn” trong thị trường đầy tiềm năng này. Năm 2023, Grab chỉ đạt doanh thu mức gần 4 nghìn tỷ đồng, giảm đến 40% so với năm 2022, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Grab là tăng trưởng mạnh lên đến hơn 210% so với năm 2022.
Gần đây, Grab cũng đưa ra những chiến lược mới, không còn cố gắng giữ chân khách hàng bằng khuyến mãi, thay vào đó là những lựa chọn giá cả hợp lý hơn cho khách hàng có thể lựa chọn. Đây là một chiến lược giá khi mà khách hàng có thể lựa chọn giao hàng ưu tiên, đơn hàng sẽ được xử lý nhanh chóng đến người tiêu dùng. Và với lựa chọn còn lại là giao hàng tiết kiệm cho những khách hàng nào sẵn lòng chờ đợi thì sẽ giảm được mức phí phải trả. Không dừng lại ở GrabFood, khi nền tảng giới thiệu dịch vụ GrabBike Economy và GrabCar Economy để có thể hưởng được mức giá thấp hơn vào một khung giờ nhất định trong ngày.
Foody/ ShopeeFood
Được sáng lập bởi ông Đặng Hoàng Minh năm 2012, là mạng xã hội chuyên cung cấp đánh giá về quán ăn ở thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Đến năm 2016, Foody ra mắt DeliveryNow. Năm 2017 SEA Group mua lại Foody với giá khoảng 64 triệu USD và đổi tên Now thành ShopeeFood.
Doanh thu thuần của Foody năm 2023 đạt 4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 100% so với 2022, đồng thời, lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng mạnh đạt mức gần 850 tỷ đồng. Sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh doanh giúp cho Foody cải thiện tình hình tài chính.
ShopeeFood là cái một trong hai cái tên nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường giao nhận đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam. Năm 2023 ShopeeFood hợp tác với Selex Motors triển khai xe máy điện giao hàng. Điểm mạnh của ShopeeFood là những chiến dịch đầy sáng tạo cùng với nhiều loại voucher như chiến dịch Vạn Năng, chiến dịch “Giỏ cam yêu thương”,.. ShopeeFood cũng mở rộng lần lượt mở rộng đến nhiều tỉnh thành, nâng con số số tỉnh thành có ShopeeFood lên 23. Mạng lưới hoạt động rộng rãi, những chiến dịch sôi động bất ngờ thường xuyên đi kèm theo đó là sự nắm bắt xu hướng nhanh chóng đi kèm với tất cả điều đó là độ hiệu quả cao.
Be
Được thành lập năm 2017 trong bối cảnh Việt Nam cũng dần thích nghi với ứng dụng đặt xe công nghệ. Be cũng là hãng xe công nghệ thuần Việt giữa bản đồ gọi xe công nghệ đến từ nước ngoài có mặt tại Việt Nam. Hiện nay, Be cũng cấp rất nhiều dịch vụ khác nhau từ gọi xe cho đến giao hàng, giao đồ ăn, bảo hiểm, dịch vụ viễn thông,..Be cũng đang dần dần chiếm lấy thị trường gọi xe công nghệ cùng với Xanh SM đe dọa vị trí của Grab. Năm 2023, Be đạt được mức doanh thu thuần gần 1,6 nghìn tỷ đồng tuy nhiên lỗ sau thuế lên đến gần 1 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù hiệu quả kinh doanh chưa được cải thiện, Be liên tục được rót vốn. Vào năm 2022, Be Group nhận khoản vay vốn giá trị lên đến 100 triệu USD khi hợp tác với Deutsche Bank. Be Group và Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) ký kết hợp tác đầu tư hướng đến “xanh hóa” giao thông đô thị tại Hà Nội ngày 21/03/2023 nhằm đưa ô tô điện và xe máy điện vào hoạt động dịch vụ vận tải công nghệ. Năm 2024 VPBank Securities đầu tư sở hữu cổ phần Be Holdings - công ty chủ sở hữu của Be Group với tổng giá trị thương vụ lên đến 729,5 tỷ đồng.
Baemin
Baemin là ứng dụng giao đồ ăn của Woowa Brothers Việt Nam và Delivery Hero. Baemin chính thức từ bỏ thị trường Việt Nam vào ngày 08/12/2023, đặt dấu chấm hết cho cuộc hành trình 4 năm tại đây. Trong 4 năm đó, Baemin luôn mang lại ấn tượng tốt với người tiêu dùng bằng các quảng cáo sáng tạo, dễ thương và gần gũi. Dù mang lại nhiều thiện cảm cho khách hàng nhưng lại chẳng thể cạnh tranh bằng các chương trình khuyến mãi so với Grab và ShopeeFood.
Xanh SM
Ngày 06/03/2023, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng công bố thành lập Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (Green and Smart Mobility - GSM), hoạt động chủ yếu trên 2 lĩnh vực: dịch vụ đặt xe điện và cho thuê xe ô tô - xe máy điện. Dịch vụ của Xanh SM vận hành bằng ô tô điện, xe máy điện VinFast thân thiện với người dùng và môi trường. Doanh thu vào cuối năm đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng nhưng lỗ sau thuế khoảng 1,9 nghìn tỷ.
Do mới thành lập không lâu, Xanh SM nhanh chóng thực hiện chiến lược giá, giảm 15% giá cước trong 3 tháng hè (01/06/2024 - 31/08/2024) để bức tốc giành thị phần hàng đầu Việt Nam và sẵn sàng chia sẻ 87% doanh thu cho tài xế xe điện. Hơn 1 năm ra mắt tại Việt Nam, Xanh SM phục vụ được hơn 50 triệu lượt khách hàng, có mặt lên đến 36 tỉnh và thành phố. Xanh SM đang chia lại thị phần gọi xe công nghệ và có khả năng đe dọa đến Grab.
Gojek
Gojek ra mắt năm 2015 tại Indonesia và đến năm 2018 vào thị trường Việt Nam bằng cái tên GoViet. Đến năm 2020 GoViet hợp nhất cả ứng dụng và thương hiệu để có thể cải tiến một cách hiệu quả. Năm 2023, Gojek đạt mức doanh thu thuần hơn 200 tỷ đồng, tăng hơn 110% so với năm 2022, lỗ sau thuế gần 250 tỷ đồng. Doanh thu thuần có tín hiệu hồi phục, nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2021.
Gojek cũng có cú bắt tay hợp tác với Dat Bike đưa xe máy điện phục vụ vận chuyển hành khách vào ngày 18/05/2023, việc hợp tác giúp cho các đối tác tài xế giảm chi phí nhiên liệu tới 4 lần so với xe xăng đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra Gojek còn hợp tác với Sapo về việc quản lý bán hàng FnB, hợp tác với Shinhan Finance để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tín dụng tiêu dùng và góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen. Với nhiều cái bắt tay như vậy, khiến Gojek dần đa dạng hóa dịch vụ, tăng cường hiệu quả hoạt động cũng như là sức cạnh tranh với những đối thủ khác.
Ahamove
Thành lập năm 2015, là ứng dụng chuyên cung cấp dịch vụ giao hàng, liên tục tăng trưởng; là một trong những ứng dụng gọi xe giao hàng đầu tiên có lãi tại Việt Nam. Ahmove đang chứng kiến tình hình hoạt động kinh doanh tốt hơn, doanh thu thuần đạt hơn 340 tỷ đồng ở năm 2023, tăng nhẹ gần 2% so với năm 2022. Lỗ sau thuế năm 2023 gần 16 tỷ đồng giảm nhẹ so với 2022.
Cũng như những công ty khác Ahamove cũng bắt tay hợp tác với Aura Network vào ngày 11/10/2023 để cho ra tính năng “Ride To Earn” - xe không khói trên chuỗi khối tại Đà Nẵng với hy vọng đưa ứng dụng Blockchain vào đời sống. Ngày 15/09/2022 Ahamove ký hợp tác với VinFast ra mắt AhaFast, đây cũng là dịch vụ giao hàng bằng xe điện. Động thái này của Ahamove cũng cho thấy có sự mở rộng dịch vụ lấn sân sang gọi xe công nghệ. Điều này cho thấy vẫn còn rất nhiều không gian có thể cho Ahamove phát triển trong tương lai.
Nguồn: Báo cáo 2023 của Vietdata về ngành Thương mại điện tử tại Việt Nam
Comments