top of page

Trung Quốc rơi vào thế khó: Nhà máy vẫn đẩy mạnh sản xuất, trong khi nhu cầu không có

Trong năm 2023, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã dựa vào sản xuất công nghiệp để bù đắp sự suy giảm trong nhu cầu tiêu dùng và cuộc khủng hoảng bất động sản. Tuy nhiên, giải pháp ngắn hạn này đang mất dần sự hiệu quả, nhất là khi cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ tiếp tục bóp nghẹt xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.


Năm nay, kinh tế Trung Quốc bước vào tình thế khó khăn hơn so với năm 2023. Trong 4 tháng đầu năm, sản lượng công nghiệp tiếp tục tăng vượt xa doanh số bán lẻ
Năm nay, kinh tế Trung Quốc bước vào tình thế khó khăn hơn so với năm 2023. Trong 4 tháng đầu năm, sản lượng công nghiệp tiếp tục tăng vượt xa doanh số bán lẻ

Bắc Kinh đang thử mọi cách để kích thích nhu cầu. Ngày 28/05, một tờ báo được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hậu thuẫn đã kêu gọi thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô theo hướng thúc đẩy nhu cầu và tránh tăng cung tín dụng. Tuy nhiên, tờ Financial News chỉ ra vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc là tiền mặt đang tích tụ trong các khoản tiền gửi cố định lãi suất cao, trong bối cảnh niềm tin của người tiêu dùng suy giảm.


Bối cảnh nhu cầu yếu buộc các nhà sản xuất trong nước phải giảm giá và hy vọng người mua sẽ bị thu hút bởi những món hời. Với niềm tin rằng việc giảm giá sẽ thúc đẩy nhu cầu, các công ty vẫn tiếp tục sản xuất từ máy giặt, rượu cho đến ô tô và đồ điện tử. Chính phủ Trung Quốc cũng ra sức vực dậy nhu cầu bằng sáng kiến “đổi cũ lấy mới,” khuyến khích người dân đổi các thiết bị lỗi thời lấy các thiết bị tiết kiệm năng lượng.


Nhưng những biện pháp này chưa thể coi là thành công. Sản lượng tương đối tốt, giúp tăng số liệu GDP, nhưng mọi tiến triển trong việc thúc đẩy bán xe điện và máy giặt đều bị bù trừ bởi tác động từ giá bán thấp hơn.


Bất chấp nhu cầu thấp, các nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất nhộn nhịp. Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất Caixin – theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ – tháng trước đạt 51.4 điểm, tức đang trong trạng thái mở rộng, con số cao nhất kể từ tháng 2/2023.


Sự mất cân bằng cung cầu càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh xuất khẩu suy yếu. Thêm vào đó, Mỹ đã tăng thuế đối với xe điện từ Trung Quốc và gây áp lực buộc các đồng minh làm theo.


Năm nay, kinh tế Trung Quốc bước vào tình thế khó khăn hơn so với năm 2023. Trong 4 tháng đầu năm, sản lượng công nghiệp tiếp tục tăng vượt xa doanh số bán lẻ, trong khi hoạt động giao hàng xuất khẩu đã yếu đi kể từ tháng 7/2022. Kết quả là hàng hóa chất đống trên kệ và hàng tồn kho tăng cao.


Sản lượng không giảm, trong khi nhu cầu không cao. Kết quả là hàng hóa sẽ chất đống trong kho.


Dữ liệu chính thức cho thấy hàng tồn kho ổn định phần nào trong năm qua sau khi tăng vọt trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy hàng tồn kho sẽ sớm giảm xuống, thậm chí có thể tiếp tục đi lên.



Chẳng hạn như trường hợp của Li Auto Inc., nhà sản xuất xe điện cỡ trung vừa công bố báo cáo tài chính trong tuần này. Trong quý đầu năm, số lượng xe bàn giao tăng 53% so với năm trước, doanh thu cũng tăng. Tuy nhiên, giá bán trung bình các mẫu xe của hãng đã giảm 11%.


Việc cung cấp xe rẻ hơn cũng không làm doanh số tăng mạnh hơn. Li Auto dự báo lượng giao hàng trong giai đoạn hiện tại thấp hơn tới 20% so với ước tính của các nhà phân tích. Điều đáng kinh ngạc là lượng hàng tồn kho của công ty đã tăng 77% chỉ trong 3 tháng đầu năm.


Không chỉ Li Auto, các ông trùm xe điện như BYD và hãng chip Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) cũng đang có lượng hàng tồn kho kỷ lục. Hàng tồn kho của nhà sản xuất hàng điện tử Haier Smart Home Co. ở gần mức cao nhất mọi thời đại, và gã khổng lồ rượu Kweichow Moutai Co. cũng chồng chất hàng chờ bán.


Lĩnh vực có lượng tồn kho lớn nhất vẫn là bất động sản. Để vực dậy nhu cầu thị trường này, Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo chính quyền địa phương mua những căn hộ “bị ế” với gói vay ưu đãi 300 tỷ nhân dân tệ (42 tỷ USD) từ PBoC. Chương trình này quá nhỏ để thực sự hiệu quả, và chính quyền địa phương phải đối mặt với câu hỏi về việc làm gì với những căn hộ trống.


Bắc Kinh đang nỗ lực đối phó với tình trạng dư cung trong các khu vực khác của nền kinh tế, nhưng thực tế cho thấy những rắc rối này không hề dễ giải quyết.


*Bài viết thể hiện quan điểm của Tim Culpan trên Bloomberg Opinion


(fili.vn)


댓글


bottom of page