top of page

Tài chính tiêu dùng Việt Nam thu hút chủ yếu từ vốn đầu tư nước ngoài

Tài chính tiêu dùng được hiểu đơn giản là việc các tổ chức tín dụng cung cấp các khoản vay trực tiếp cho cá nhân, hộ gia đình để mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho mục đích tiêu dùng. Tại Việt Nam, hình thức này hoạt động thông qua các công ty tài chính, đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho các tổ chức tín dụng, khách hàng, mà còn cho cả nền kinh tế.



Tiềm năng phát triển của tài chính tiêu dùng tại Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có tiềm năng phát triển tài chính tín dụng rất mạnh. Với dân số gần 100 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh (11% so với năm 2021). Ngoài ra, sức tiêu thụ hàng hóa ngày càng tăng cùng xu thế phát triển của nền kinh tế, điều này tạo điều kiện cho những công ty tài chính tiêu dùng phát triển và giúp người dân đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ.


Để phục vụ và nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân, chính phủ Việt Nam cũng có Quyết định 149 về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia với nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn tài chính phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, nhất là các đối tượng dưới chuẩn, không có khả năng tiếp cận các ngân hàng thương mại từ các tổ chức tài chính vi mô, hệ thống các quỹ tín dụng và các công ty tài chính tiêu dùng được ngân hàng Nhà nước cấp phép.


Hiện đã có 16 công ty tài chính được ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng cho đối tượng chủ yếu là những người có thu nhập không ổn định, khó tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt.


Tuy nhiên, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn đang là cuộc chơi của 4 doanh nghiệp lớn với thị phần áp đảo như: FE Credit, Mcredit, Home Credit và HD Saison.


FE Credit

Công ty Tài chính FE Credit được thành lập vào tháng 2 năm 2015 với tư cách là công ty con 100% vốn của VPBank. Tháng 10/2021, VPBank hoàn tất công việc bán điều kiện vốn 49% của FE CREDIT cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con của tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn. Đồng thời, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng cũng được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC.


Sau 11 năm hoạt động, FE Credit đã thiết lập một nền tảng vững chắc và liên tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị phần tài chính tiêu dùng với mạng lưới trải dài trên toàn quốc tại hơn 21 nghìn điểm bán hàng cùng hơn 16 nghìn nhân viên. Với hơn 12 triệu người dân Việt Nam được giải quyết khó khăn tài chính, trong đó có 30% hợp đồng vay mới mỗi năm, FE Credit đã góp phần đẩy lùi tín dụng đen, nâng cao mức sống của người dân lao động và thúc đẩy kinh tế tiêu dùng.


Thu nhập lãi thuần của FE Credit thuộc top đầu trong thị trường tài chính Việt Nam. Thu nhập lãi thuần giảm 12-13% từ năm 2020 đến năm 2021 và giữ nguyên khoảng 15 nghìn tỷ vào năm 2022 . Mặc dù thu nhập lãi thuần giảm nhẹ nhưng dự phòng rủi ro tín dụng của FE Credit tăng liên tục trong ba năm. Cụ thể, năm 2020, dự phòng rủi ro tín dụng của công ty khoảng 9500 tỷ. Con số này tăng 22% trong năm 2021 và tăng 16.4% trong năm 2022, đạt gần 13.5 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy FE Credit đang trong tình trạng nợ xấu tăng.


Thu nhập lãi thuần giảm cùng với dự phòng rủi ro tín dụng tăng từng năm đã làm cho lợi nhuận sau thuế của FE Credit giảm mạnh trong năm 2022, đạt âm gần 3500 tỷ đồng. Trong khi hai năm trước đo ghi nhận mức lợi nhuận dương gần 3000 tỷ đồng năm 2020 và 130 tỷ đồng năm 2021. Lý do giải thích cho vấn đề này được VPBank cho là họ đã không đạt kế hoạch kinh doanh do quá trình phục hồi của FE Credit sau Covid chậm hơn nhiều so với dự kiến.


Home Credit

Được thành lập từ năm 1997 tại Cộng hòa Séc và có trụ sở chính tại Hà Lan. Home Credit là một công ty tài chính tiêu dùng quốc tế có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Ukraine, Trung Quốc , Ấn Độ , Indonesia , Philippines và Việt Nam,..


Ra mắt tại Việt Nam vào năm 2008, Home Credit hiện thuộc top các công ty tài chính tiêu dùng lớn tại thị trường Việt Nam. Công ty tập trung vào cung cấp các sản phẩm tài chính tiêu dùng như vay tiền tiêu dùng, cho vay mua xe máy, điện thoại di động và cho vay mua hàng điện máy với hơn 10 nghìn điểm giao dịch tại các cửa hàng trên toàn quốc.


Home Credit là một trong bốn công ty tài chính tín dụng lớn tại Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, công ty ghi nhận sự phát triển ổn định khi thu nhập lãi thuần, dự phòng rủi ro và lợi nhuận sau thuế đều tăng đáng kể. Năm 2022 thu nhập lãi thuần đạt gần 6600 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021 và 49.3% so với năm 2020. Dự phòng rủi ro năm 2022 của Home Credit cũng ghi nhận tăng 25% so với năm 2021 và 91% so với năm 2020, đạt hơn 2600 tỷ.


Lợi nhuận sau thuế năm 2021 có sự giảm nhẹ 9% so với năm 2022, từ 600 tỷ đồng xuống gần 560 tỷ đồng. Sau đó, lợi nhuận của Home Credit tăng mạnh trở lại, tăng 112.4% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1200 tỷ đồng.


Mcredit

Mcredit có tên đầy đủ là Công ty tài chính TNHH MB Shinsei được thành lập năm 2016 là công ty liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Quân đội (thuộc MB Group) và Ngân hàng SBI Shinsei (Nhật Bản).


Với chiến lược kinh doanh “Khách hàng là trung tâm”, Mcredit cung cấp các giải pháp tài chính thuận tiện cho khách hàng bằng ứng dụng công nghệ số thông minh, kết nối 26,884 điểm thanh toán Payoo, MoMo, Viettel, VnPost và hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch của MBBank trên toàn quốc.


Trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2022, Mcredit cũng ghi nhận sự phát triển ổn định khi thu nhập lãi thuần, dự phòng rủi ro và lợi nhuận sau thuế đều có xu hướng tăng qua từng năm. Năm 2022 thu nhập lãi thuần đạt hơn 5100 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2021 và 85% so với năm 2020.


Dự phòng rủi ro năm 2022 của Mcredit cũng ghi nhận tăng 66% so với năm 2021 và 70% so với năm 2020, đạt gần 2800 tỷ. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Mcredit đạt hơn 250 tỷ đồng. Con số này tăng lên gần 90% vài năm 2021 và tăng hơn 100% vào năm 2022, đạt hơn 960 tỷ đồng.


HD Saison

Được thành lập năm 2007 với tên gọi ban đầu là Công ty TMNH MTV tài chính Việt (SGVF). Tháng 10/2013 SGVF trực thuộc ngân hàng HD Bank và đổi tên công ty thành HD Finance. Sau khi có sự góp vốn từ đối tác tập đoàn tài chính Credit Sài gòn (Nhật bản) và tháng 4/2015, HD Finance chính thức đổi tên thành Công ty tài chính TNHH HD Sài Gòn.


Trải qua 15 năm phát triển, HD Saison đã cung cấp giải pháp tài chính tiêu dùng cho hơn 11 triệu khách hàng thông qua hơn 23 nghìn điểm giao dịch, bao gồm các cửa hàng bán lẻ như cửa hàng xe máy, ô tô, điện máy,... cũng như các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như du lịch, giáo dục, thẩm mỹ và nhiều lĩnh vực khác trên toàn quốc.


Thu nhập lãi thuần của HD Saison dao động ở 3800 tỷ trong hai năm 2020 và 2021. Sau đó tăng 20% vào năm 2022, đạt hơn 4600. Trong khi đó, dự phòng rủi ro tín dụng và lợi nhuận sau thuế của HD Saison tăng liên tục. Cụ thể, năm 2022, dự phòng rủi ro đạt gần 2400 tỷ đồng, tăng 46% so với 2021 và 96% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận mức dương quanh mức 800-900 tỷ trong ba năm. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế đạt 920 tỷ đồng, tăng 15% so với hai năm trước.


Mirae Asset Finance

Mirae Asset Finance Company Vietnam là thành viên của Tập đoàn Mirae Asset đến từ Hàn Quốc, với bề dày 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, đầu tư,... và đang có mặt tại 16 quốc gia, cùng hệ thống 200 văn phòng và chi nhánh trên toàn thế giới.


Có mặt tại Việt Nam năm 2006 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2011, công ty được xây dựng dựa trên tầm nhìn luôn theo đuổi chiến lược quản lý đầu tư tối ưu, nhằm hỗ trợ khách hàng đạt được các mục tiêu dài hạn và tạo điều kiện để khách hàng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn hiệu quả, hợp pháp và an toàn.


Trong giai đoạn giai đoạn từ năm 2020-2021, thu nhập lãi thuần của Mirae Asset Finance tăng nhẹ qua từng năm. Năm 2022, thu nhập lãi thuần đạt hơn 2600 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2021 và 37% so với nam 2020. Dự phòng rủi ro tín dụng cũng ghi nhận tăng nhẹ qua từng năm từ 1400 tỷ đồng năm 2020, tăng 20% trong năm 2021, đạt gần 1700 tỷ đồng. Đến năm 2022, dự phòng rủi ro tín dụng tăng 21%, đạt hơn 2000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trong 3 năm của Mirae Asset Finance chỉ dao động trong khoảng 125-130 tỷ đồng.


Shinhan Finance

Shinhan Finance có tên gọi đầy đủ là công ty Tài chính TNHH Một thành viên Shinhan Việt Nam với 100% vốn nước ngoài, trực thuộc Tổng Công ty Shinhan Card ( Hàn Quốc).


Năm 2016, Shinhan Card chính thức hoàn tất việc thu mua lại công ty tài chính Prudential. Sau đó, công ty được cấp giấy phép hoạt động trong vòng 50 năm. Đến năm 2019, Công ty chính thức hoạt động dưới thương hiệu Shinhan Finance.

Với sự kế thừa di sản, hơn 10 năm kinh nghiệm của Prudential trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Đến nay, Shinhan Việt Nam có trụ sở chính tại TP HCM, cùng với đó là 24 chi nhánh trên toàn quốc. Shinhan Việt Nam nhanh chóng trở thành một trong những công ty tài chính hàng đầu tại Việt Nam.


Năm 2020, thu nhập dự phòng của Shinhan Finance hơn 1800 tỷ đồng. Con số này tăng 9.5% vào năm 2021 và tiếp tục tăng 15.7% vào năm 2022, đạt gần 2350 tỷ đồng. Dự phòng chi phí ghi nhận tăng qua từng năm từ gần 1200 tỷ năm 2020 tăng lên gần 1700 tỷ năm 2022, tăng 42%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế trong 2 năm 2021 và 2022 ghi nhận mức giảm nhẹ so với 2020. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Shinhan Finance đạt gần 340 tỷ đồng. Con số này giảm xuống 230 tỷ đồng vào năm 2021 và tăng nhẹ 10% vào năm 2022, đạt hơn 250 tỷ đồng.


SHB Finance

Công ty tài chính SHB Finance, được thành lập ngày 12/06/2016 là một công ty trực thuộc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Hiện nay, SHB Finance đã có mặt tại hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc và đang tiếp tục mở rộng thị trường của mình thông qua các chi nhánh và đối tác hợp tác.


SHB Finance luôn nỗ lực để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính tiêu dùng tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.


Trong giai đoạn từ 3 năm từ năm 2020 đến năm 2022, công ty ghi nhận sự phát triển ổn định khi thu nhập lãi thuần, dự phòng rủi ro và lợi nhuận sau thuế đều tăng đáng kể. Năm 2022 thu nhập lãi thuần đạt gần 1400 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021 và 41.4% so với năm 2020. Dự phòng rủi ro năm 2022 của Home Credit cũng ghi nhận tăng 58% so với năm 2021 và 108% so với năm 2020, đạt gần 1300 tỷ.


Lợi nhuận sau thuế có sự giảm mạnh trong 3 năm. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 60 tỷ đồng. Con số này giảm xuống gần 55%, đạt 26 tỷ đồng vào năm 2021. Đến năm 2022, lợi nhuận sau thuế giảm nghiêm trọng hơn và ghi nhận mức lỗ âm gần 105 tỷ đồng.

VietCredit

VietCredit có tên đầy đủ là công ty tài chính cổ phần Tín Việt được thành lập năm 2008. Công ty hoạt động trong lĩnh vực tín dụng cá nhân, đầu tư chứng khoán và kinh doanh vốn. Từ năm 2018, Vietcredit bắt đầu tham gia vào tài chính tiêu dùng với sản phẩm chính là thẻ tín dụng nội địa VietCredit.


VietCreadit được xem là một trong những công ty tiên phong phát hành thẻ vay trên thị trường, giúp khách hàng linh động ứng tiền mặt tại ATM hoặc cà thẻ thanh toán để chi tiêu, mua sắm hằng ngày cũng như có thêm khoản dự phòng cho những tình huống cấp bách.


Các chỉ số về thu nhập lãi thuần, dự phòng rủi ro tín dụng và lợi nhuận sau thuế của VietCredit tăng liên tục. Về thu nhập lãi thuần, VietCredit ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt gần 700 tỷ đồng vào năm 2020. Con số này tăng 73% vào năm 2021 và tiếp tục tăng 10% vào năm 2022, đạt hơn 1300 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro của VietCredit năm 2022 đạt hơn 710 tỷ đồng, tăng 13% so với 2021 và 90% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức dương trong ba năm, từ 33 tỷ đồng năm 2020 tăng lên hơn 60 tỷ đồng vào năm 2022.


EVN Finance

EASY CREDIT là thương hiệu thuộc Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance) được thành lập vào tháng 10/ 2018. Nhiệm vụ chính của EVN Finance là thu xếp và quản lý dòng vốn cho các dự án điện của EVN, bên cạnh việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho các đơn vị trong ngành điện và các thành phần kinh tế khác.


Năm 2018, EVN Finance ra mắt thương hiệu Easy Credit nhằm cung cấp các sản phẩm hỗ trợ vay tiêu dùng tín chấp cho mọi đối tượng khách hàng, hướng đến mục tiêu trở thành thương hiệu cho vay tín chấp hàng đầu với quy trình nhanh chóng.


EVN Finance ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng nhẹ qua từng năm. Năm 2022 thu nhập lãi thuần đạt gần 920 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2021 và 29% so với năm 2020. Tuy nhiên, dự phòng rủi ro có sự tăng, giảm liên tục. Cụ thể, năm 2020, dự phòng rủi ro tín dụng đạt gần 320 tỷ đồng. Con số này tăng 60% vào năm 2021 và giảm 28.8% và năm 2022, đạt hơn 360 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế vẫn ghi nhận xu hướng tăng qua từng năm. Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của EVN Finance đạt gần 230 tỷ đồng. Con số này tăng lên gần 45% vài năm 2021 và tăng thêm 10% vào năm 2022, đạt gần 370 tỷ đồng.


JACCS Việt Nam

JACCS (Japan Consumer Credit Service) được thành lập năm 1954 tại Nhật bản. Đây là một trong những công ty tài chính lâu đời nhất tại Nhật Bản và là niềm tự hào của nền kinh tế Nhật Bản. Năm 2010, JACCS được thành lập tại Việt Nam với tên đầy đủ là công ty tài chính TNHH Một Thành Viên Quốc Tế Việt Nam JACCS (JIVF) và có vốn điều lệ 550 tỷ đồng.


Trải qua hơn 10 năm phát triển, đến nay, JACCS đã có mặt tại 62 tỉnh thành trên cả nước, 1500 điểm giao dịch với 1000 nhân viên đã phục vụ hơn một triệu khách hàng trong suốt 13 năm qua.


Thu nhập lãi thuần của JACCS không có sự thay đổi đáng kể trong ba năm, quanh 810-820 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự phòng rủi ro tín dụng và lợi nhuận sau thuế của công ty có sự tăng, giảm liên tục. Cụ thể, năm 2020, dự phòng rủi ro tín dụng đạt hơn 170 tỷ đồng. Con số này tăng 67% vào năm 2021 và giảm 10% và năm 2022, đạt gần 270 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 75 tỷ đồng. Con số này giảm 59% vào năm 2021 và tăng 120% vào năm 2022, đạt 68 tỷ đồng.


Toyota

Công Ty TNHH MTV Tài Chính Toyota Việt Nam (TFSVN) là công ty tài chính 100% vốn nước ngoài được đầu tư bởi Tập đoàn Tài chính Toyota (TFC), và là thành viên của Tập đoàn Dịch vụ Tài Chính Toyota (TFSC).


Tại Việt nam TFSVN – Công Ty TNHH MTV Tài Chính Toyota Việt Nam được thành lập năm 2008, công ty cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho vay mua xe ô tô của Toyota và các sản phẩm dịch vụ tài chính khác như cho vay tiêu dùng, cho vay thế chấp và bảo hiểm.


Thu nhập lãi thuần của Toyota năm 2020 đạt hơn 430 tỷ đồng. Con số này tăng lên 16% vào năm 2021, đạt hơn 500 tỷ đồng và không thay đổi vào năm 2022. Dự phòng rủi ro tín dụng và lợi nhuận sau thuế của Toyota có sự tăng, giảm liên tục. Cụ thể, năm 2020, dự phòng rủi ro tín dụng đạt khoảng gần 60 tỷ đồng. Con số này tăng 123% vào năm 2021 và giảm 60% và năm 2022, đạt hơn 360 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Toyota đạt gần 240 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2021 nhưng tăng 25% so với năm 2020.


Lotte Finance

Lotte Finance là một công ty tài chính tiêu dùng của Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam, chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp.


Năm 2017, LotteCard ký kết thỏa thuận mua lại 100% cổ phần của công ty tài chính TechcomFinance của ngân hàng Techcombank, đánh dấu sự mở rộng đầu tư và thâm nhập vào lĩnh vực Tài chính của tập đoàn LOTTE tại đây. Giấy phép kinh doanh của Công ty Tài chính Lotte (Lotte Finance) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt vào tháng 9 năm 2018, đưa LotteCard trở thành công ty thẻ tín dụng đầu tiên của Hàn Quốc được phép hoạt động tại Việt Nam.


Thu nhập lãi thuần của Lotte Finance dao động ở 390 tỷ trong hai năm 2020 và 2021. Sau đó tăng 15.5% vào năm 2022, đạt 450 tỷ đồng. Trong khi đó, dự phòng rủi ro tín dụng có sự thay đổi liên tục. Cụ thể, năm 2020, dự phòng rủi ro tín dụng đạt khoảng 390 tỷ đồng. Con số này tăng 7.6% vào năm 2021 và giảm 22.5% và năm 2022, đạt 325 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Lotte Finance ghi nhận lợi nhuận âm trong ba năm. Tuy nhiên, mức lợi nhuận âm có xu hướng giảm dần theo từng năm. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế đạt gần âm 275 tỷ đồng, giảm lỗ 30% so với năm 2021 và giảm 44.4% so với năm 2020.


Với sự phát triển của hệ thống bán lẻ hiện đại, cửa hàng theo chuỗi dần thay thế cho các cửa hàng riêng lẻ truyền thống giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với số lượng lớn khách hàng vay. Các công ty tài chính cũng ngày càng đẩy mạnh hoạt động của mình, cạnh tranh với một số mảng truyền thống của ngân hàng như thẻ tín dụng, ô tô. Một mặt các công ty tài chính phát triển sản phẩm chủ đạo là bán hàng trả góp và từng bước phát triển sản phẩm cho vay tiền mặt.


Tuy nhiên, các công ty cũng cần phải tiếp tục khắc phục những hạn chế vốn có trong thị trường này nhằm cải thiện hiệu quả cho vay tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng phi chính thức mà trọng tâm là tín dụng đen, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế.


Nguồn: Theo báo cáo thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam 2022 của Vietdata





Commentaires


bottom of page