top of page

Tên tuổi mới gia nhập thị trường chuỗi bán lẻ dược phẩm - Dư địa tăng trưởng vẫn rộng mở?

Tên tuổi mới gia nhập thị trường chuỗi bán lẻ dược phẩm - Dư địa tăng trưởng vẫn rộng mở?
Tên tuổi mới gia nhập thị trường chuỗi bán lẻ dược phẩm - Dư địa tăng trưởng vẫn rộng mở?

Toàn cảnh thị trường chuỗi bán lẻ dược phẩm

Thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Người dân ngày càng quan tâm và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các dược phẩm bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch sang cơ cấu dân số già cũng khiến nhu cầu sử dụng dược phẩm gia tăng đặc biệt là khi tuổi già thường đi kèm với nhiều vấn đề sức khỏe. 

Trước sự gia tăng không ngừng của nhu cầu tiêu dùng dược phẩm, các chuỗi nhà thuốc khó có thể phớt lờ sức hấp dẫn từ việc phân phối các sản phẩm này. Thời gian tới, thị trường dược phẩm Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao. Chính vì thế, lĩnh vực chuỗi nhà thuốc trở thành lựa chọn đầu tư đầy tiềm năng.

Thị trường này đã minh chứng sức hấp dẫn khi Chris Blank - Founder cũng là cựu CEO chuỗi nhà thuốc Pharmacity, vừa thông báo khai trương chuỗi nhà thuốc Phượng Hoàng vào ngày 19/11 vừa qua. Đặc biệt, nhà thuốc này được đặt đối diện với nhà thuốc Long Châu, khiến người ta đặt câu hỏi liệu đây có phải là dấu hiệu một cuộc chạy đua mới. 

Thị trường bán lẻ dược phẩm được nhận định là “miễn nhiễm” khỏi các biến động vĩ mô do nhu cầu về dược phẩm luôn cấp thiết. Mặc dù nền kinh tế một trải qua giai đoạn suy thoái kéo dài song các chuỗi nhà thuốc vẫn tăng trưởng doanh thu đều hàng năm. Ở giai đoạn hậu Covid-19, một số chuỗi suy giảm doanh thu nhẹ nhưng xu hướng chung cho giai đoạn 5 năm trở lại đây là tăng.


Thị phần mảng bán lẻ dược phẩm: Ước tính khoảng 2 tỷ USD
Thị phần mảng bán lẻ dược phẩm: Ước tính khoảng 2 tỷ USD

Cục Quản lý Dược (thuộc Bộ Y tế) cho biết thị trường dược phẩm Việt Nam hiện có giá trị khoảng 7 tỷ USD. Một số ước tính khác cũng chỉ ra quy mô tương tự trong đó 70% thuộc về kênh đấu thầu bệnh viện. Điều này có nghĩa là thị trường bán lẻ với 60,000 nhà thuốc chiếm khoảng 2 tỷ USD còn lại. Trong số đó, 7 chuỗi nhà thuốc hiện đại, với hơn 3,000 cửa hàng và tổng doanh thu đạt 1.1 tỷ USD, chiếm hơn 50% thị phần bán lẻ dược phẩm của tổng số 60,000 nhà thuốc trên toàn quốc. Thị trường này dự kiến sẽ mở rộng đến quy mô hàng chục tỷ USD, khẳng định tiềm năng phát triển bền vững của ngành.

Các chuỗi nhà thuốc kinh doanh trên 2 kênh là ETC (thuốc kê đơn) và OTC (thuốc không kê đơn). Kênh OTC thường thấy là điểm đến đầu tư hấp dẫn được nhiều chuỗi ưu tiên do không bị giới hạn bởi quy trình kê đơn và có biên lợi nhuận cao hơn. Người tiêu dùng cũng ưa chuộng vì tính nhanh chóng và tiện lợi. 

Chạy đua thị phần là điều tất yếu

Cuộc đua mở rộng hệ thống nhà thuốc nhằm chiếm lĩnh thị phần ngày càng khốc liệt, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ tiềm lực tài chính của các tập đoàn mẹ. Đây chính là bệ đỡ giúp các chuỗi liên tục gia tăng độ phủ. Các nguồn vốn trong nước và nước ngoài càng gia tăng sức ép cạnh tranh, khi tất cả đều nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường này.

Hiện nay, ba chuỗi nhà thuốc lớn nhất gồm Long Châu, An Khang và Pharmacity đang dẫn đầu. Tại nhiều khu dân cư, các chuỗi này nằm trên một con đường hoặc đứng cạnh nhau, cho thấy sự cạnh tranh gay gắt để thu hút khách hàng. Hệ thống nhà thuốc "mọc lên như nấm sau mưa" với mật độ dày đặc, không phân biệt khu vực đô thị lớn hay nhỏ.

Trong bối cảnh chạy đua về số lượng, chất lượng đóng vai trò kiểm nghiệm khả năng phát triển bền vững. Thực tế đáng buồn là ngay cả khi dược phẩm là thứ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, nhiều sai phạm vẫn diễn ra. Nghiêm trọng hơn, một số chuỗi nhà thuốc có thái độ coi thường pháp luật và ngang nhiên tái phạm các quy định về kinh doanh thuốc. Điều này khiến người tiêu dùng lo ngại về khả năng đồng bộ hóa chất lượng toàn hệ thống nhà thuốc. Chưa kể, mở rộng quy mô yêu cầu nhiều nguồn lực chất lượng cao, trong khi nhân sự ngành dược luôn trong tình trạng thiếu hụt.

Một số chuỗi nhà thuốc đã phải cắt giảm chi nhánh do hoạt động kém hiệu quả.  Thực tế, mở rộng quy mô không phải luôn mang lại lợi ích kinh tế, chưa kể đến hao tốn nguồn lực mà không đem lại giá trị thực sự nào cho doanh nghiệp. Dù được hậu thuẫn từ các tập đoàn lớn song các chuỗi luôn phải đối mặt với áp lực để duy trì hiệu quả kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững. 

Long Châu

Theo BCTC Hợp nhất Q3/2024 do FRT công bố, chuỗi dược phẩm Long Châu ghi nhận doanh thu lũy kế đến hết quý III/2024 đạt 18,006 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 63% doanh thu cho công ty mẹ. Hiện tại, Long Châu sở hữu hơn hệ thống hơn 1,800 nhà thuốc, với doanh thu trung bình 1.1 tỷ đồng/tháng/nhà thuốc, con số này cải thiện đáng kể so với cuối năm 2023.

Long Châu, thuộc FPT Retail (FRT), là một trong những hệ thống bán lẻ dược phẩm lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam. Năm 2016, chuỗi này có 185 nhà thuốc và đã tăng gấp 10 lần sau 8 năm. Hiện tại, hệ thống đã mở rộng lên hơn 1,800 nhà thuốc và đặt mục tiêu đến mốc 2,500 - 3,000 nhà thuốc. 

Nhờ chiến lược phủ rộng khắp 63 tỉnh thành, Long Châu luôn đạt được doanh số dẫn đầu. Dù phải cạnh tranh gay gắt, Long Châu vẫn chiếm lĩnh thị phần nhờ đẩy mạnh kinh doanh biệt dược và thuốc kê đơn ngoài kênh OTC quen thuộc. Long Châu đã trở thành điểm đến quen thuộc ở các thành phố lớn.

Long Châu còn mở rộng sang dịch vụ Trung tâm tiêm chủng, kết hợp tốt với mô hình nhà thuốc giúp tối ưu hiệu quả hoạt động. Hiện tại, Long Châu sở hữu 124 trung tâm tiêm chủng trên cả nước. FRT kỳ vọng phát triển FPT Long Châu thành một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện. Để thực hiện điều này, FRT dự định huy động vốn thông qua chào bán riêng lẻ 10% cổ phần Long Châu.

Long Châu ngày càng bộc lộ hiệu quả của một chuỗi nhà thuốc đầu ngành. Năm 2023 khả quan với doanh thu tăng 67% so với cùng kỳ, chạm mốc 16,000 tỷ đồng. Trung bình mỗi nhà thuốc đem về 0.9 tỷ đồng/tháng với hệ thống 1,500 nhà thuốc vào cuối năm 2023. Bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế, chuỗi này vẫn tăng trưởng tốt. Lợi nhuận đã tăng gấp đôi so với năm trước và đứng đầu ngành. Kết quả kinh doanh này cho thấy mô hình kinh doanh của Long Châu rất hữu hiệu, dù chi phí tăng do mở nhiều chi nhánh song vẫn lãi đậm. 


Long Châu vẫn thành công dẫn đầu thị trường chuỗi nhà thuốc
Long Châu vẫn thành công dẫn đầu thị trường chuỗi nhà thuốc

Pharmacity

Pharmacity đã từng là chuỗi bán lẻ dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam, nổi bật với tốc độ phát triển nhanh chóng và tham vọng đạt 5,000 nhà thuốc vào năm 2025. Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng nóng, chuỗi này gặp thách thức trong việc duy trì vị thế dẫn đầu. 

Mở rộng nhanh chóng đã dẫn đến những vấn đề về hiệu suất, chuỗi phải đóng cửa các chi nhánh không hiệu quả, hiện tại quy mô còn 921 nhà thuốc. Vị thế dẫn đầu của Pharmacity đã thuộc về tay chuỗi Long Châu. Đơn vị này gặp nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh giá cả sản phẩm và đảm bảo lượng thuốc dự trữ đúng và đủ.

Từ năm 2022, Pharmacity đã trải qua nhiều lần thay đổi vị trí Tổng giám đốc, điều này đã ít nhiều có ảnh hưởng đến chiến lược hoạt động của chuỗi. Để khắc phục những hạn chế, Pharmacity đã tích cực điều chỉnh chiến lược giá và chiến lược đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đẩy mạnh dịch vụ thuốc kê đơn. 

Trải qua khủng hoảng kép từ nền kinh tế cho đến nội bộ doanh nghiệp, Pharmacity lại thêm một năm tài chính ảm đạm. Doanh thu đã giảm đi khoảng 15% so với năm trước do chuỗi này đã đóng cửa gần 200 chi nhánh cho đến thời điểm báo cáo. Với hơn 900 nhà thuốc vào cuối 2023, trung bình mỗi nhà thuốc tạo ra doanh thu 450 triệu đồng/tháng. Đáng nói là dù chi nhánh không hiệu quả đã được loại bỏ song chuỗi này vẫn ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 900 tỷ đồng. Sau 2 năm liền báo lỗ khủng và thay “ghế nóng” liên tục, CEO Pharmacity khẳng định quyết tâm tìm lại vị thế và chinh phục khách hàng.


Dù cắt giảm chi nhánh, Pharmacity vẫn ghi nhận lỗ khủng
Dù cắt giảm chi nhánh, Pharmacity vẫn ghi nhận lỗ khủng

An Khang

An Khang là chuỗi nhà thuốc được Thế Giới Di Động mua lại từ năm 2017 và sở hữu hoàn toàn vào năm 2021.Trước đây, MWG từng đặt mục tiêu mở rộng An Khang lên 2,000 nhà thuốc, nhưng kế hoạch này khó khả thi khi số lượng chi nhánh đang giảm dần. Kể từ đầu năm 2024, An Khang đã đóng cửa 200 chi nhánh, chỉ còn 326 nhà thuốc hoạt động. Dự kiến, chuỗi này sẽ thu hẹp xuống còn 300 nhà thuốc. Tính đến cuối Q3/2024, An Khang vẫn ghi nhận lỗ ròng 320 tỷ đồng mặc dù đã điều chỉnh quy mô hoạt động.

Vị trí cửa hàng không hẳn là nguyên nhân khiến An Khang yếu thế vì bộ 3 An Khang - Long Châu - Pharmacity thường xuyên nằm trên cùng một tuyến đường. Các cửa hàng của An Khang chưa được tối ưu hóa cách thức bố trí cũng như diện tích hẹp, danh mục sản phẩm kém đa dạng khiến khách hàng khó dành sự ưu tiên hơn so với 2 chuỗi còn lại. 

Tình hình cắt giảm cửa hàng cho thấy hiệu quả kinh doanh của An Khang vẫn chưa khả quan. Trước đó doanh thu của An Khang vẫn còn khá khiêm tốn, đến năm 2023 mới được cải thiện với mức tăng 43% - chạm mốc 2,200 tỷ đồng. Trung bình mỗi nhà thuốc đem về cho An Khang khoảng 350 triệu đồng/tháng, dù cải thiện so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa giúp An Khang hòa vốn. 

Doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận vẫn là điểm tối trong bức tranh tài chính của An Khang. Dù không mở mới nhà thuốc song chi tiêu nâng cấp danh mục, hình ảnh thương hiệu, hàng tồn kho, chi phí tiếp thị cũng đã ăn mòn hết lợi nhuận. Cuối năm 2023, chuỗi vẫn báo lỗ hơn 340 tỷ đồng. SSI dự báo An Khang sẽ còn thua lỗ trong ít nhất 2 năm nữa dù doanh thu sẽ có sự cải thiện. 

MEDiCARE

MEDiCARE là chuỗi nhà thuốc kết hợp kinh doanh dược phẩm với các mỹ phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Mô hình kinh doanh này giúp MEDiCARE đa dạng hóa danh mục sản phẩm và tiếp cận được nhiều khách hàng và do đó, nâng cao hiệu quả kinh doanh của mỗi chi nhánh. Đến nay, MEDiCARE đã có hơn 140 cửa hàng trên khắp Việt Nam và cả Myanmar. 

Tại MEDiCARE, dược phẩm chiếm tỷ trọng nhỏ so với mỹ phẩm do đó, đa số người tiêu dùng vẫn biết đến MEDiCARE như là một cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm hơn là dược phẩm. Trong lúc cả thị trường chuỗi mỹ phẩm và chuỗi dược phẩm đều phải cạnh tranh khốc liệt, MEDiCARE chưa thực sự nổi bật ở cả hai lĩnh vực. Sự mở rộng của các đối thủ lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến MEDiCARE khi quy mô vẫn còn khá khiêm tốn. 

Tình hình kinh doanh của chuỗi này không mấy tích cực. Doanh thu dao động quanh mức 200 - 300 tỷ đồng và có xu hướng giảm. Năm 2023, chuỗi này chỉ thu được hơn 240 tỷ đồng tương đương mỗi chi nhánh chỉ đem về khoảng 1.7 tỷ đồng mặc dù có vị thế đắc địa ở các trung tâm thương mại hoặc mặt tiền đường lớn. Chính vì vị thế đẹp nhưng doanh thu không đủ lớn để bù đắp chi phí bán hàng, chuỗi này gánh khoản lỗ hơn 110 tỷ đồng. 

Trung Sơn Pharma

Được thành lập từ năm 1997, Trung Sơn Pharma là hệ thống nhà thuốc lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2023, Trung Sơn đã bán 51% cổ phần cho Donghwa Pharma (Hàn Quốc) với mức giá 30 triệu USD tương đương định giá doanh nghiệp 1,500 tỷ đồng. 

Từ khi có sự hiện diện của cổ đông ngoại, số lượng nhà thuốc của Trung Sơn Pharma đã chạm mốc 200 tương đương mức tăng 60 chi nhánh và dự kiến đẩy mạnh quy mô lên đến 460 cửa hàng tại khu vực ĐBSCL và TP. HCM. 

Mô hình kinh doanh của Trung Sơn kết hợp cân đối giữa dược phẩm và mỹ phẩm. Ngoài ra, Trung Sơn Pharma còn sở hữu một thẩm mỹ viện, một trung tâm mỹ phẩm và một trang thương mại điện tử. Đa dạng hóa kinh doanh cùng với lợi thế về độ phủ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giúp Trung Sơn Pharma đạt doanh thu nghìn tỷ.

Hiệu quả kinh doanh của Trung Sơn tăng trưởng tốt ở giai đoạn trước đó nhưng đến năm 2023, doanh thu giảm hơn 7%, có thể được lý giải bởi khó khăn chung của nền kinh tế. Thế nhưng lợi nhuận sau thuế bỗng tuột dốc, báo lỗ gần 60 tỷ đồng. Khả năng cao Trung Sơn đã chi tiêu vốn cho các khoản đầu tư chi nhánh mới, mở rộng độ phủ. Dù vậy, bức tranh tài chính của Trung Sơn Pharma được kỳ vọng sáng trở lại khi có sự góp mặt của cổ đông lớn Hàn Quốc. 

Phano Pharmacy

Phano Pharmacy từng được coi là một ứng viên tiềm năng để phá vỡ thế chân vạc trong thị trường chuỗi nhà thuốc sau khi hợp tác với Masan và tích hợp vào hệ thống Winmart. Tuy nhiên, hiện tại thông tin về Phano trước truyền thông rất hiếm hoi và chuỗi này cũng không mấy tích cực quảng bá thương hiệu.

Thực tế cạnh tranh khốc liệt cho thấy mô hình kinh doanh tích hợp vào chuỗi siêu thị Winmart không mang lại hiệu quả cho Phano. Từ khi bắt đầu thí điểm tích hợp, doanh thu của Phano đã sụt giảm và lợi nhuận không có nhiều cải thiện. Đến năm 2023, doanh thu của chuỗi này chỉ còn hơn 91 tỷ đồng. Dù từng tuyên bố là chuỗi nhà thuốc có doanh thu cao nhất thị trường, hiệu quả kinh doanh của Phano hiện vẫn là dấu chấm hỏi về tính khả thi của việc tích hợp nhà thuốc vào siêu thị. Sau nhiều năm ghi nhận lợi nhuận cực thấp, chuỗi này bất ngờ báo lỗ hơn 62 tỷ đồng trong năm 2023.

ECO Pharma

ECO Pharma là chuỗi nhà thuốc có số lượng chi nhánh ít nhất, cùng thuộc hệ sinh thái với Bệnh viện Tâm Anh và Trung tâm tiêm chủng VNVC. Đơn vị này chủ yếu tập trung vào việc phân phối dược phẩm cho các nhà thuốc bệnh viện và quầy thuốc bán lẻ trên toàn quốc. ECO Pharma chủ yếu nhập khẩu và phân phối các sản phẩm thuộc dòng thực phẩm chức năng ECOGREEN. Những điều giúp đơn vị có được lợi thế độc quyền. 

Danh mục ít đa dạng song lợi thế độc quyền đã giúp ECO Pharma không lép vế về doanh thu. Sản phẩm của ECO Pharma còn được quảng cáo rộng rãi trên truyền hình, tăng cường nhận diện và uy tín sản phẩm, thúc đẩy doanh số.

Tuy nhiên, doanh thu ECO Pharma có xu hướng giảm dần. Năm 2023, chuỗi này ghi nhận mức giảm hơn 28% so với năm trước. Chi phí quảng cáo thường xuyên trên khung giờ vàng cũng khiến chuỗi này tiêu tốn không ít chi phí. Cuối năm 2023, lợi nhuận chỉ còn hơn 1 tỷ đồng, dù có cải thiện so năm trước nhưng biên lãi ròng 0.1% là quá mỏng.

Cuộc cạnh tranh giữa các chuỗi nhà thuốc tại Việt Nam đã bước qua giai đoạn cao trào nhất khi những người chơi chính dần định hình. Dù cạnh tranh thị phần vẫn tồn tại, trọng tâm hiện nay đã dịch chuyển sang nâng cao hiệu suất của từng nhà thuốc thay vì chỉ chú trọng tăng trưởng số lượng chi nhánh. 

Đảm bảo chất lượng cung ứng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố then chốt, không chỉ để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn để xây dựng niềm tin và sự trung thành của khách hàng. Đặc biệt, trong giai đoạn tìm kiếm lợi nhuận, phải chú trọng tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh thuốc. Lợi nhuận vẫn là mục tiêu cuối cùng, nhưng sẽ không thể đạt được nếu thiếu niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, nâng cao chất lượng là cách tối ưu để các chuỗi nhà thuốc vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa tăng trưởng bền vững trong dài hạn.


Nguồn: Báo cáo Thị trường Chuỗi bán lẻ dược phẩm năm 2023 của Vietdata

Comments


new-logo-white.png

# Tòa nhà Vietdata,

Số 232 - 234 Ung Văn Khiêm

Quận bình thạnh

Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam

+84 8888 337 36

info@vietdata.vn

Theo dõi chúng tôi
  • Instagram
  • Facebook
  • LinkedIn
  • YouTube
  • icon-zalo-chat-white

Liên hệ

Cảm ơn bạn đã gửi! Chúng tôi sẽ liên hệ lại ngay

Giấy phép ICP số 18/GP-TTDT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 18/03/2019

Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thúy Hằng

Vietdata. All Rights Reserved.

bottom of page