top of page

Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu cá tra sang các thị trường lạm phát cao

Lạm phát là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang các thị trường lớn giảm mạnh. Tuy nhiên, cá tra đã có tín hiệu tốt ngay cả ở những thị trường chịu lạm phát cao.

Ảnh: Internet


Tháng 1/2023, XK cá tra giảm sâu 61% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 84 triệu USD.


Lạm phát giá thực phẩm và nhiên liệu tại các nước ảnh hưởng mạnh nhất đến các hộ gia đình thu nhập thấp khiến họ hạn chế chi tiêu kể cả với những thực phẩm có giá phù hợp như cá tra. Ngoài ra, nguyên nhân khách quan khiến XK giảm trong tháng 1 là do tháng này có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các nhà máy chế biến XK thủy sản đều ngừng SX từ 7-10 ngày.


Do vậy, XK cá tra sang hầu hết các thị trường và khối thị trường chính đều giảm từ 30 – 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Những DN XK cá tra hàng đầu đều bị giảm doanh số từ 40-57% so với tháng 1/2022. Trong đó, Vĩnh Hoàn và IDI Corp đều giảm 57%, Vạn Đức Tiền Giang giảm 55%, NAVICO giảm 47% và GODACO giảm 40%.


Trong các thị trường xuất khẩu, XK sang thị trường Mỹ giảm sâu nhất, giảm 81% chỉ đạt 10 triệu USD. Mặc dù thủy sản có lạm phát giá thấp hơn nhiều so với các loại thực phẩm khác tại Mỹ, nhưng tiêu thụ vẫn bị sụt giảm. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 96% người Mỹ bị ảnh hưởng lạm phát, trong đó 50% bị áp lực nặng nề bởi lạm phát.


Năm 2022, Mỹ đã nhập khẩu 129 nghìn tấn cá tra từ Việt Nam, tăng 21% về khối lượng và 74% về giá trị so với năm 2021 do giá tăng 53%.


XK cá tra sang Trung Quốc & HK giảm 62% chỉ đạt 13 triệu USD trong tháng 1/2023. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày đúng vào thời điểm Trung Quốc vừa dỡ bỏ hoàn toàn kiểm soát dịch Covid, nhiều gia đình đi du lịch, ăn uống bên ngoài, do vậy hoạt động NK và nhu cầu tiêu thụ cá tra cũng phần nào bị ảnh hưởng.


Tuy nhiên, thị trường này đang có tín hiệu khởi sắc. Sau hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung vừa diễn ra, Trung Quốc đã đẩy mạnh mua cá tra với số lượng lớn, đẩy giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng vọt từ 28 nghìn đồng lên 31 nghìn đồng/kg.


Theo bà Lê Hằng, năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hong Kong đạt 712 triệu USD, tăng 58% so với năm 2021. Hai dòng sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc có phi lê cá tra đông lạnh (mã HS 030462) chiếm chiếm hơn 74% giá trị với 531 triệu USD và cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh (HS030324) chiếm hơn 25% với gần 180 triệu USD.


Lạm phát khiến người tiêu dùng thu nhập thấp hạn chế chi tiêu, nhưng chính tại các thị trường có lạm phát cao thì cá tra Việt Nam lại có những tín hiệu tốt hơn, nhất là các nước châu Âu. Điển hình là Anh, Đức, Rumani, Ba Lan, Chile…Những nước này đều đang bị lạm phát cao từ 7 -11%.


Cụ thể là, trong tháng 1/2023, trong khi XK sang các nước khác đều sụt giảm với tốc độ 2 con số thì XK sang Đức tăng đột phá 78%, sang Anh chỉ giảm nhẹ 2%, sang Rumani tăng 310%. Dù chỉ tăng 4%, Singapore cũng nằm trong danh sách hiếm hoi các thị trường có tăng trưởng dương NK cá tra Việt Nam trong tháng đầu năm 2023.


Dự báo trong quý I, các thị trường chưa có những thay đổi đột phá sau nhiều tháng bị suy giảm nhu cầu vì lạm phát. Tuy nhiên, XK có thể sẽ hồi phục từ quý II, khi mà thị trường Trung Quốc thích ứng với bối cảnh mới cùng với việc các DN tham gia các Hội chợ thủy sản quốc tế vào tháng 3 và tháng 4 tạo thêm các cơ hội ký kết hợp đồng.


Thực tế hiện nay, nhu cầu từ Trung Quốc bắt đầu nhiều lên, giá nguyên liệu trong nước tăng nhưng các DN lại khó thu mua được nguyên liệu vì nhiều bà con nông dân treo ao và nhiều người để cá quá lứa, kích cỡ lớn không phù hợp XK. Điều quan trọng là các DN cần chủ động sẵn sàng nguồn nguyên liệu để đón nhận cơ hội từ thị trường.

(VASEP)




BÁO CÁO NGÀNH THỦY SẢN 2022 & TRIỂN VỌNG 2023


Komentāri


bottom of page