top of page

Tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam bộc lộ dấu hiệu chững lại

Doanh thu các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất Việt Nam (Shopee, Lazada, Sendo, Tiki và TikTok Shop) trong năm 2025 được dự báo sẽ đạt khoảng 387.5 nghìn tỷ đồng, tăng 21.5% so với năm 2024. Mặc dù vẫn duy trì đà tăng trưởng song mức tăng sẽ thu hẹp đáng kể so với các năm trước, phản ánh sự chững lại của thị trường.

Tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam bộc lộ dấu hiệu chững lại

Sự chuyển dịch từ mua hàng truyền thống sang mua hàng trực tuyến là xu hướng không thể đảo ngược. Minh chứng là năm 2022, quy mô các sàn TMĐT chiếm khoảng 8.5% thị phần bán lẻ, bước sang năm 2023, con số này tiếp tục tăng lên 10%. Cùng với đó, TMĐT hiện đang chiếm khoảng 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam.

Sức ép kinh tế ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại điện tử

Số lượng sản phẩm bán ra trên 5 sàn TMĐT giai đoạn 2022-2024

Năm 2023, số lượng sản phẩm bán ra trên 5 sàn TMĐT từng đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ 52.2%, (từ 1,490 triệu lên 2,268 triệu sản phẩm). Sau đó, xu hướng chững lại bắt đầu từ năm 2024, tốc độ tăng trưởng giảm đã xuống còn 50.8%. Dự báo năm 2025, con số này có khả năng sẽ giảm còn một nửa, xuống mức 23% với khoảng 4,200 triệu sản phẩm sẽ được bán ra.

Doanh số thị trường 5 sàn thương mại điện tử qua các năm



Song song với sự sụt giảm về số lượng sản phẩm bán ra, doanh thu của các sàn TMĐT bộc lộ một xu hướng giảm tốc nhanh hơn. Nếu như năm 2023 chứng kiến doanh thu tăng trưởng 53%, thì đến năm 2024, mức tăng này đã thu hẹp xuống còn 37.36%. Dự báo đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục đà thu hẹp, chỉ còn 21.5%.

Giải thích về xu hướng chững lại này, ông Chu Xuân Thức - Trưởng phòng Phát triển kinh doanh của Metric, cho biết dự báo này được xây dựng dựa trên những phân tích hiện tại về thị trường TMĐT Việt Nam. Trong những năm qua, lĩnh vực này từng ghi nhận mức tăng trưởng bùng nổ do tác động của đại dịch Covid-19, người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến với tốc độ chưa từng có tiền lệ. Để đẩy mạnh mở rộng thị phần, các sàn liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi, chiến lược đặc biệt hiệu quả trong những dịp cao điểm mua sắm. Tuy nhiên, thị trường khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại do nhiều thách thức.

Biểu hiện rõ nhất là kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, kéo theo sự sụt giảm sức mua trên nhiều kênh, bao gồm cả TMĐT. Dù vẫn là kênh mua sắm phổ biến, nhưng áp lực tài chính sẽ khiến lượng lớn khách hàng cân nhắc kỹ hơn trước mỗi quyết định chi tiêu, làm chậm tốc độ tăng trưởng toàn ngành.

Cùng với đó, thị trường TMĐT đang bước vào giai đoạn cực kỳ phát triển. Các nền tảng TMĐT không còn chạy đua bằng những chương trình khuyến mãi ồ ạt như trước. Thay vào đó, họ tập trung vào chiến lược phát triển bền vững, cải thiện chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng. Điều này giúp duy trì sự ổn định, nhưng đồng thời cũng khiến nhu cầu mua sắm giảm tốc so với trước.



Từ tháng 4/2025, chính sách thu thuế thay các nhà bán hàng trên các sàn TMĐT chính thức có hiệu lực. Điều này buộc cả nền tảng lẫn nhà bán hàng phải điều chỉnh chiến lược giá. Các sàn có thể tăng phí bán hàng để bù đắp chi phí thu thuế, trong khi đó nhà bán hàng cũng khó tránh khỏi việc điều chỉnh giá sản phẩm nhằm duy trì lợi nhuận. Hệ quả là giá hàng hóa có xu hướng tăng, kéo theo nguy cơ suy giảm sức mua do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Theo ông Thức, tốc độ tăng trưởng của các sàn TMĐT năm 2026 thậm chí có thể thấp hơn dự báo 21.5% của năm 2025. "Thị trường luôn tồn tại những yếu tố khó lường, nên kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra." Tuy nhiên, không loại trừ khả năng thị trường vẫn có những sản phẩm tạo ra cú hích. Ông Thức cho biết nếu xuất hiện các sản phẩm mới đột phá, đủ sức tạo ra nhu cầu lớn, tốc độ tăng trưởng vẫn có thể vượt mốc 21.5%.

Thương mại điện tử không còn là cuộc đua

Trước những biến động liên tục của thị trường, hàng chục nghìn nhà bán hàng đã rời khỏi thị trường mỗi năm, “cuộc chơi” không còn nằm ở việc cạnh tranh về giá mà ở các chiến lược dài hạn liên tục thích nghi với nhu cầu thị trường.

TMĐT không còn là cuộc đua mà ai tham gia trước chắc chắn giành chiến thắng. Những doanh nghiệp gia nhập thị trường sau nhưng biết cách khắc phục điểm yếu của đối thủ, áp dụng công nghệ để nghiên cứu và thấu hiểu thị trường, hoàn toàn có thể vươn lên dẫn đầu.

Năm 2025 đánh dấu nhiều thay đổi quan trọng về chính sách quản lý TMĐT. Ngày 18/2/2025, Quyết định 01/2025/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phê duyệt đã chính thức có hiệu lực. Chính sách này áp dụng thuế VAT đối với mọi mặt hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua hình thức chuyển phát nhanh.

Từ ngày 1/4/2025, các sàn TMĐT và nền tảng số có chức năng thanh toán sẽ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2025, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu và xây dựng luật chuyên ngành về TMĐT. Dự thảo sẽ thống nhất các khái niệm về nền tảng số, nền tảng số trung gian, đảm bảo sự đồng bộ với các luật hiện hành.

(Theo VnEconomy)


Comments


new-logo-white.png

# Tòa nhà Vietdata,

Số 232 - 234 Ung Văn Khiêm

Quận bình thạnh

Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam

+84 8888 337 36

info@vietdata.vn

Theo dõi chúng tôi
  • Instagram
  • Facebook
  • LinkedIn
  • YouTube

Giấy phép ICP số 18/GP-TTDT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 18/03/2019

Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thúy Hằng

Vietdata. All Rights Reserved.

Liên hệ

Cảm ơn bạn đã gửi! Chúng tôi sẽ liên hệ lại ngay

bottom of page