Sau một năm thăng hoa hậu đại dịch COVID-19 (2022), doanh số ngành hàng xa xỉ toàn cầu sụt giảm mạnh trong 2023. Các nhà mốt trên thế giới, từ LVMH của Pháp, đến Prada của Italia và Richemont của Thụy Sỹ, đều ghi nhận tăng trưởng doanh số giảm tốc.
Nguyên nhân được cho từ nhiều phía: một mặt về phía người mua, giới siêu giàu toàn cầu gặp khó khăn trong bối cảnh một loạt vấn đề kinh tế, chính trị biến động; một mặt về phía các hãng đã tăng giá quá nhanh. Ngành công nghiệp hàng hóa xa xỉ được giới quan sát nhận định rằng ngày càng tập trung thu hút khách hàng siêu giàu. Các thương hiệu dường như đã bỏ quên tầng lớp trung lưu, trong khi phần lớn sự tăng trưởng của ngành công nghiệp này trong thập kỷ qua được thúc đẩy bởi những người tiêu dùng trung lưu ở khu vực châu Á. Theo Boston Consulting Group, hơn một nửa số giao dịch mua hàng xa xỉ trên toàn cầu được thực hiện bởi khoảng 330 triệu người tiêu ít hơn 2.000 euro/năm cho túi xách, quần áo và trang sức đắt tiền. Trong khi đó, chỉ có 2,5 triệu khách hàng thượng lưu chi hơn 20.000 euro/năm cho hàng hiệu, chiếm 10% doanh số bán hàng xa xỉ.
Xu hướng kinh doanh ảm đạm này cũng được phản ánh rõ nét trên kết quả kinh doanh 2023 của công ty chuyên phân phối hàng hiệu tại Việt Nam. Hầu hết các công ty phân phối hàng xa xỉ tại Việt Nam đều ghi nhận sự giảm sút doanh số đáng kể trong năm 2023 (kể cả các công ty phân phối độc quyền và công ty phân phối đa thương hiệu), ngoại trừ Công ty Cổ phần Quốc Tế Tam Sơn - một đơn vị đại diện phân phối cho nhiều thương hiệu sản phẩm cao cấp tại Việt Nam - tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng trong năm 2023, với mức tăng 6,5%, củng cố vị thế “ông vua” của ngành.
Tam Sơn
Công ty Cổ phần Quốc Tế Tam Sơn được thành lập năm 2005, thuộc tập đoàn Openasia. Tam Sơn là một đơn vị đại diện phân phối cho 31 thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Hermès, Bottega Veneta, Saint Laurent, Kenzo, Boss, Hugo, Marc Jacobs, Patek Philippe, Vacheron Constantin, Chopard, Bang & Olufsen, Bernardaud, Lalique, Rimowa, Alessi, Hanoia… với hệ thống 109 cửa hàng kinh doanh và trưng bày sản phẩm.
Năm 2023, bất chấp những khó khăn chung của ngành hàng xa xỉ toàn cầu, doanh thu của Tam Sơn vẫn tăng 6,5%, và tiếp tục dẫn đầu ngành phân phối hàng xa xỉ tại Việt Nam. Tuy nhiên, lợi nhuận của Tam Sơn vẫn giảm 25% theo xu hướng chung của toàn ngành.
Ngày 08/4/2024, Tam Sơn đã chính thức ra mắt FRONT ROW với định vị là trang thương mại điện tử (TMĐT) dành cho thời trang và phong cách sống. Nền tảng sở hữu gần 20 thương hiệu danh tiếng: từ Kenzo, Maison Kitsuné, BOSS, HUGO, Sandro, Maje, Marc Jacobs, FairLiar, acmé de la vie (ADLV) tới Bang & Olufsen, Devialet, Lalique, Christofle, Bernardaud, Diptyque, Hanoia; và dự kiến tiếp tục mở rộng danh mục vào cuối năm 2024.
DAFC và ACFC
CTCP Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) và Công Ty TNHH Thời Trang & Mỹ Phẩm Âu Châu (ACFC) là 2 trong số 3 đơn vị phân phối hàng loạt thương hiệu thời trang xa xỉ thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn. Mặc dù cũng là 2 trong số các đơn vị đầu ngành nhưng cả DAFC và ACFC đều ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong năm 2023.
ACFC
Với mạng lưới 278 cửa hàng tọa lạc tại các trung tâm thành phố lớn, ACFC phân phối 26 thương hiệu quốc tế như Mango, Levi's, Gap, Old Navy, Calvin Klein, Tommy Hilfiger, Mothercare, OVS,... Đặc biệt, đầu năm 2024, ACFC đã chính thức đưa thương hiệu Sunnies Face - thương hiệu mỹ phẩm đình đám đến từ Philippines - về thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, tương tự năm 2023, ACFC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm so với năm 2022, khi doanh thu chỉ đạt 2.700 tỷ đồng, giảm 5,6%. Và lợi nhuận sau thuế của công ty cũng giảm 39%.
DAFC
Trước đó, DAFC được biết đến là công ty chuyên về các mặt hàng xa xỉ phẩm hàng đầu tại Việt Nam khi phân phối hơn 60 thương hiệu hàng đầu thế giới, với hơn 60 cửa hàng tại Việt Nam. Một số thương hiệu cao cấp mà DAFC đang phân phối như Rolex, Versace, Montblanc, DOLCE&GABBANA, Jimmy Choo, Burberry, TIFFANY&CO... Tuy nhiên trong năm 2024, số lượng thương hiệu mà DAFC phân phối đã giảm còn 38 thương hiệu, tương đương mức giảm 37%. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải thu hẹp hệ thống cửa hàng còn 47 cửa hàng trên toàn quốc, giảm 22%.
Xét về hiệu quả kinh doanh, tương tự ACFC, doanh thu của DAFC trong năm 2023 giảm 16,5% so với năm 2022 (đạt 1.800 tỷ đồng). Đáng chú ý, DAFC ghi nhận khoản lỗ gần trăm tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lợi nhuận hơn 135 tỷ đồng của năm trước đó.
Nhằm cải tổ và nâng cao hiệu quả kinh doanh, cuối 2023, DAFC vừa khai trương một loạt cửa hàng Balmain, Monblanc, Moschino và Moschino Jeans (Ý), Gianvito Rossi (Ý), Alessandra Rich (Anh Quốc), Aquazzura (Ý). Đây là những thương hiệu nằm trong định hướng trẻ hoá danh mục thương hiệu của DAFC, hướng tới tệp khách hàng GenZ trẻ trung và năng động. Ngoài ra, DAFC cũng vừa chốt hợp đồng phân phối với hàng loạt thương hiệu đình đám tại Châu Âu khác như Frank Muller, Stefano Ricci...
Maison International Retail
Cũng là một đơn vị phân phối thời trang cao cấp lâu năm tại Việt Nam, Maison hiện sở hữu hơn 172 cửa hàng trên toàn quốc, phân phối 38 thương hiệu thời trang danh tiếng như Puma, CHARLES & KEITH, Coach, Nike, MLB,...
Với sự tăng tốc trong năm 2022, quy mô doanh thu của Maison hiện dao động khoảng 2,600 – 2,800 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2023, Maison cũng ghi nhận ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình chung toàn thị trường, doanh thu giảm 4,2% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm đến 47% so với năm trước.
Bên cạnh các doanh nghiệp phân phối đa thương hiệu, thì các đơn vị phân phối độc quyền cho 1 thương hiệu cụ thể cũng ghi nhận sự sụt giảm doanh số trong 2023 như Công ty TNHH Louis Vuitton Việt Nam, Công ty TNHH Chanel Việt Nam, Công ty TNHH Christian Dior Việt Nam, Công ty TNHH Gucci Việt Nam...
Sau hai năm thống trị thị trường xa xỉ Việt Nam (2021-2022), Louis Vuitton VN bất ngờ nhường ngôi cho Chanel VN trong năm 2023 với mức giảm doanh thu 22,5%, chỉ đạt trên dưới 1,800 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận giảm 38%. Mặc dù chỉ sở hữu 2 boutique tại Việt Nam, Louis Vuitton VN vẫn cho thấy sức hút mạnh mẽ của thương hiệu khi cạnh tranh ngang hàng với các đối thủ trong ngành.
Mặc dù bứt phá lên vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp hàng hóa xa xỉ trong năm 2023 với doanh thu đạt gần 1.900 tỷ đồng, Chanel VN vẫn ghi nhận sự suy giảm 13,6% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu cũng giảm mạnh 51%. Thương hiệu hiện sở hữu 6 boutique độc quyền tọa lạc tại những vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP.HCM.
Christian Dior VN ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn so với nhiều doanh nghiệp phân phối độc quyền khác trong năm 2023. Doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng, chỉ giảm 9,5% so với năm 2022. Nhờ nỗ lực kiểm soát chi phí hiệu quả và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, Christian Dior VN ghi nhận lợi nhuận sau thuế cao nhất trong phân khúc phân phối độc quyền thương hiệu nhưng lại giảm khoảng 30% so với năm 2022. Christian Dior VN hiện sở hữu mạng lưới 8 cửa hàng tại Hà Nội, Hội An và TP.HCM, bao gồm cả Christian Dior Couture Boutiques và Parfums Christian Dior Boutiques.
Gucci VN với quy mô doanh thu nhỏ hơn 3 ông lớn đã nêu trước, ước đạt 1.000 tỷ đồng năm 2022, và đã giảm mạnh 30% trong năm 2023 chỉ còn khoảng 750 tỷ đồng. Và là đơn vị ghi nhận mức giảm lợi nhuận nhất thị trường hàng xa xỉ (giảm 77% so với năm 2022). Hiện Gucci sở hữu 3 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM (trong đó có 1 cửa hàng hợp tác với Adidas).
Prada Việt Nam, và Ermenegildo Zegna Việt Nam là những đơn vị có quy mô nhỏ và cách khá xa các doanh nghiệp Top đầu, với doanh thu hằng năm chỉ dưới 200 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu 2023 cũng ghi nhận sự sụt giảm chung xu hướng với các ông lớn khác, nhưng Prada VN được đánh giá cao bởi chiến lược kiểm soát chi phí hiệu quả và thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp, chuyển từ mức lỗ năm 2022 sang có lãi. Trong khi đó, lợi nhuận của Ermenegildo Zegna VN bắt đầu có lãi từ năm 2022 sau nhiều năm có mặt tại Việt Nam. Hiện tại, cả Prada VN và Ermenegildo Zegna VN, mỗi thương hiệu chỉ sở hữu 1 cửa hàng duy nhất tại Hà Nội.
Tuy nhiên, sự sụt giảm sức mua trên thị trường xa xỉ được kỳ vọng chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Theo đánh giá mới đây của Savills, thị trường hàng xa xỉ đã đi qua vùng đáy và đang cho thấy sức phục hồi tích cực nhờ sự quay trở lại của du lịch quốc tế và xu hướng lạm phát giảm. Tuy nhiên, diễn biến tại mỗi quốc gia, khu vực khá khác biệt. Tại Châu Âu, các cửa hàng kinh doanh mặt hàng cao cấp vẫn đang đối mặt với thách thức khi chi phí mặt bằng quá cao, doanh số qua cửa hàng vẫn sụt giảm. Những khách hàng giàu có và sẵn sàng chi những khoản tiền lớn cho thú vui mua sắm lại ngày một giảm, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và đặc biệt thị trường bất động sản khó khăn.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho ngành hàng này khi mà số người thuộc tầng lớp trung lưu và giới siêu giàu tại Việt Nam ngày một tăng nhanh. Theo ước tính của World Data Lab, trong danh sách 9 quốc gia châu Á được dự báo có số người gia nhập tầng lớp trung lưu lớn nhất năm 2024, Việt Nam đứng thứ 5, với 4 triệu người. Đứng đầu là Ấn Độ (33 triệu), theo sau là Trung Quốc (31), Indonesia (5), Bangladesh (5). Các nước còn lại là Pakistan (3), Philippines (2), Thái Lan (1), Thổ Nhĩ Kỳ (1). (Theo tổ chức này, người thuộc tầng lớp trung lưu là người chi tiêu ít nhất 12 USD/ ngày theo sức mua tương đương năm 2017). Theo đó, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang chiếm khoảng 17% dân số và Bộ LĐTBXH dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên 26% vào năm 2026.
Còn theo Knight Frank, đến cuối năm 2022, số người có tài sản ròng trên 30 triệu USD đã lên đến 1.059. Dự báo năm 2027, con số này sẽ chạm mốc 1.300 người, tương ứng mức tăng 122% trong một thập niên. Và số người có tài sản trên 1 triệu USD cũng được dự báo sẽ tăng 173% trong giai đoạn 2017 - 2027.
Điều này lý giải cho làn sóng "đổ bộ" Việt Nam của loạt thương hiệu bán lẻ ngoại. Làn sóng này thực tế đã bắt đầu từ năm 2023, đơn cử Mont Blanc và Balmain Paris mở cửa hàng đầu tiên tại Tràng Tiền Plaza, Devialet cũng đặt cửa hàng đầu tiên trên phố Tràng Tiền. Ngoài ra, một loạt thương hiệu lớn khác như Victoria’s Secret, Foot Locker, Maison Margiela Paris, Coach, Marimekko, Karl Lagerfeld, Come Home… cũng lần đầu xuất hiện tại Lotte Mall West Lake Hanoi. Sang năm 2024, bộ ba "ông hoàng" ngành xa xỉ Cartier, Rene Caovilla và The Hour Glass Opera đồng loạt mở rộng ngay đầu năm tiếp tục "châm ngòi" cho làn sóng trên.
Nguồn: Báo cáo Thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam 2023 của Vietdata
Comentários