Tỷ lệ lấp đầy cao, giá thuê bất động sản khu công nghiệp tăng mạnh. Bất động sản công nghiệp duy trì vị trí “đầu bảng” trong suốt cả năm 2023, tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, giá thuê bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn đang ở mức cạnh tranh...
Báo cáo thị trường bất động sản Việt năm 2023 và dự báo năm 2024 của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, cả nước có 412 khu công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích 217,5 nghìn ha, 293 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha và 119 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha...
Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đang hoạt động đạt trên 70%. Trong đó, các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 80% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 90%. Còn giá thuê tăng khoảng 20% so với kỳ trước, khu vực miền Bắc chứng kiến mức tăng giá mạnh nhất.
Tại miền Bắc, giá thuê trung bình 135 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 33% so với năm 2022. Bắc Ninh ghi nhận mức tăng giá lớn nhất, tăng 40% lên mức 160 USD/m2/chu kỳ thuê do có thêm nguồn cung mới chất lượng cùng với sự quan tâm của các doanh nghiệp công nghệ cao. Hải Phòng tăng 30% lên 125 USD/m2/chu kỳ thuê.
Ở miền Nam, giá thuê trung bình 188 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 15% so với năm 2022. Thị trường TP.HCM và Bình Dương không ghi nhận biến động về giá do các khu công nghiệp sẵn có đều đã được lấp đầy với chu kỳ thuê dài hạn. Long An có mức giá thuê trung bình tăng khoảng 12%, dao động từ 140 - 300 USD/m2/chu kỳ thuê. Mức giá thuê trung bình tại Đồng Nai tăng 20% so với cùng kỳ, dao động từ 120 - 240 USD/m2 còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giá thuê trung bình 130 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 30% theo năm.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút trên 10.400 dự án đầu tư trong nước và trên 11.200 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng trên 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây.
Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt xấp xỉ 30%. Thúc đẩy hạ tầng, kinh tế của địa phương. Tạo tiền đề phát triển nhiều công nghiệp phụ trợ, tạo cơ hội phát triển bất động sản nhà ở, nhà ở cho thuê.
Thực tế, giá thuê tăng cao, cao hơn các nước khác trong khu vực, rủi ro liên quan đến luật thuế tối thiểu toàn cầu cùng với những “nút thắt” thể chế, chính sách có thể là trở ngại, làm giảm lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút các nhà đầu tư tới Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều động lực giúp thị trường bất động sản công nghiệp hứa hẹn khởi sắc trong năm 2024. Bởi, dòng vốn FDI vẫn tích cực với lợi thế từ chính sách ưu đãi thuế. Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại với cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc top đầu trong khu vực. Dịch vụ phụ trợ khu công nghiệp ngày càng được cải thiện.
Nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo. Nguồn cung bất động sản khu công nghiệp đang chứng kiến sự tăng trưởng ở cả miền Bắc và miền Nam. Nhu cầu bất động sản Công nghiệp vẫn còn rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về các kho nhiều tầng đa dụng và nhà xưởng xây sẵn.
Theo quy hoạch của các tỉnh, thành phố trên cả nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 558 Khu công nghiệp với tổng diện tích đất sử dụng 205.800 ha và 1.500 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 50.000 ha. Dự báo đến năm 2050, diện tích đất khu, cụm công nghiệp trên cả nước sẽ ở mức 300.000 - 350.000 ha, chưa kể diện tích của gần 50 khu kinh tế.
Mục tiêu tổng quát của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030 của nước ta là hoàn thành các tiêu chí của nước công nghiệp, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Nghị quyết Đại hội XIII nêu rõ: "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo".
Bất động sản công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa. Nó cung cấp không gian và cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp công nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Cho thấy phân khúc bất động sản công nghiệp đã, đang và sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
(Tạp chí thương gia)
Comments