top of page

VASEP kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản

VASEP kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long.



Sau giai đoạn dịch Covid-19, nhiều chi phí đầu vào tiếp tục tăng và giữ mức cao; trong khi giá bán nhiều sản phẩm thủy sản chủ lực tăng không đáng kể mà còn đang chịu áp lực giảm giá từ khách hàng, hệ lụy tác động tiêu cực đến người nuôi, ngư dân và nhà máy chế biến xuất khẩu, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết trong công văn gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư mới đây.


Xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm nay tiếp tục sụt giảm 2 con số so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 3,38 tỷ USD, giảm 28%. Các doanh nghiệp trong ngành đều đánh giá sự sụt giảm và đứt gãy hiện nay trầm trọng hơn cả giai đoạn của dịch bệnh Covid-19.


Theo VASEP, doanh nghiệp thủy sản chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu thường vay USD.


Từ quý III/2022, lãi suất USD đã tăng mạnh từ mức 2,2 - 2,8% lên mức 4,1 - 4,9%, có những doanh nghiệp cao hơn 5% trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất, xuất khẩu thủy sản. Các khoản phí khác liên quan tới thương mại quốc tế cũng ở mức cao.


Bên cạnh đó là việc “siết tín dụng”, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó.


Việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập cũng đang không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất là đối tượng cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư, phát triển nhưng lại phải chịu áp mức trần này.


Vốn - tín dụng - lãi suất vay đang là áp lực lớn và căng thẳng nhất hiện nay với ngành thủy sản, VASEP nêu rõ.


Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với thách thức từ vấn đề lao động khi các đơn hàng giảm mạnh, tồn kho nhiều, áp lực chi phí tài chính cao – nhiều doanh nghiệp đứng trước thách thức phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, sa thải nhân công.


Thách thức từ tăng chi phí gồm chi phí nguyên vật liệu, lãi vay, logistic, điện, bao bì, nhân công ….Và những bất cập trong việc cấp phép và hướng dẫn thủ tục doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà để sử dụng cho sản xuất của doanh nghiệp (chế biến, trang trại nuôi tôm-cá) và không phát lên lưới điện chung.


Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp trong các quý tiếp theo, hiệp hội kiến nghị: thứ nhất, điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7%; giãn nợ 4 - 6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý II - III/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức.


Đồng thời, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên gồm thủy sản, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.


Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm và xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long.


Gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực sự mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3 - 6 tháng nữa trong năm 2023 và quý I/2024, ứng phó với tình trạng đơn hàng xuất khẩu không có trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi thủy sản có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi thay vì treo ao trong giai đoạn hiện nay.


Thứ ba, sớm có các giải pháp cắt giảm chi phí kinh doanh thông qua chính sách thuế, phí, mức đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm đóng.


Thứ tư, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục cho doanh nghiệp vay từ ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động, tránh việc sa thải người lao động. Đồng thời, cho phép và hướng dẫn thủ tục lắp đặt điện mặt trời áp mái không phát lên lưới (Zero export) để sử dụng cho sản xuất (chế biến, trang trại nuôi tôm - cá).


Thứ năm, về các tiêu chuẩn mới trong thẩm duyệt và nghiệm thu công trình phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong doanh nghiệp, theo VASEP, các quy định này hiện chưa phân loại theo mức độ rủi ro, chưa phân biệt về mặt quy mô và chức năng vận hành của từng công trình, điều kiện quá khắc nghiệt và làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp; một số quy định đưa ra các yêu cầu ngặt nghèo, không có tính khả thi trong thực tế.


Hiệp hội kiến nghị Chính phủ rà soát, sử đổi các quy định về phòng cháy chữa cháy để để phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; áp dụng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo mức độ rủi ro; giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.


Đối với các nhà máy đã quy hoạch xây dựng từ trước, thiếu hoặc chưa bảo đảm quy định các công trình về PCCC, như bể PCCC, quy định lắp báo cháy tự động trong các kho đông lạnh…: cần cân nhắc sự phù hợp, có lộ trình áp dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và khắc phục.


Đối với các đơn vị đã được thẩm duyệt và nghiệm thu PCCC theo tiêu chuẩn cũ: kéo dài thời gian được hoạt động tối thiểu từ 2-3 năm để doanh nghiệp có thời gian và kinh phí nâng cấp, sửa chữa, thay thế hệ thống PCCC theo tiêu chuẩn mới đáp ứng yêu cầu của pháp luật.


Cuối cùng, đơn giản hóa thủ tục về điều chỉnh dự án đầu tư, trong Luật Đầu tư (sửa đổi) ban hành 17/6/2020, đối với dự án đầu tư nhà máy chế biến thủy sản muốn đầu tư nâng công suất/đổi mới công nghệ (không phát sinh nhu cầu giao đất/thuê đất).


Theo VASEP, kiến nghị này đến từ thực tiễn, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, một số doanh nghiệp phải thực hiện quá trình đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng chiều sâu nâng công suất sản lượng (không phát sinh nhu cầu giao đất/thuê đất ), doanh nghiệp phải làm thủ tục xin chủ trương như dự án cấp lần đầu (xin ý kiến nhiều sở ban ngành, sở này chờ sở kia trả lời, mới trình UBND tỉnh ra quyết định chấp thuận chủ trương, rất phức tạp và kéo dài).


(24hmoney)


Comentários


bottom of page