Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023 mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không tăng lãi suất điều hành trong năm 2023 trên cơ sở định hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, áp lực tỷ giá là yếu tố chính khiến lãi suất điều hành tăng trong năm 2022, áp lực này hạ nhiệt là cơ sở để NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023.
"Lãi suất điều hành sẽ không chạy theo lãi suất thị trường với định hướng kiềm chế lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát đà tăng lãi suất để đảm bảo an toàn hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề nợ xấu tăng sẽ nổi cộm hơn trong năm 2023," VDSC cho biết.
Năm 2023, chuyên gia kỳ vọng tiền gửi khu vực dân cư hồi phục nhờ lãi suất huy động tăng, bong bóng đầu cơ đất đai xẹp, kênh đầu tư vàng, USD hạ nhiệt và thị trường tài sản (trái phiếu, cổ phiếu) giảm đi tính hấp dẫn do nhà đầu tư cân đối lại kỳ vọng lợi nhuận/rủi ro.
Nguồn: VDSC
Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) dự báo sẽ tiếp tục có sự phân hoá do cạnh tranh lãi suất giữa các NHTM cổ phần tư nhân để giải quyết vấn đề thanh khoản; định hướng điều hành của NHNN trong việc điều hướng đà tăng lãi suất huy động tại các NHTM cổ phần Nhà nước và cạnh tranh thu hút tiền gửi trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi chấp nhận dịch chuyển đến nơi có lãi suất tiền gửi thấp hơn để hạn chế rủi ro sau sự kiện SCB.
Tính đến đầu tháng 12/2022, lãi suất huy động bình quân đã tăng từ 2-2,5 điểm % so với cuối năm 2021 và cao hơn 0,6-1,2 điểm % so với trước COVID-19. Mức tăng cao nhất là ở các kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng tại các NHTM cổ phần tư nhân. Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến trong nền kinh tế cũng đang tiệm cận về mức lãi suất của năm 2013.
NHNN có thể phải đánh đổi một số mục tiêu ổn định và an toàn dài hạn để giải quyết vấn đề ngắn hạn
Theo VDSC, chính sách tiền tệ của Việt Nam là chính sách đa mục tiêu, có những cặp mục tiêu là song hành (tỷ giá và lạm phát) nhưng cũng có những mục tiêu xung đột (tỷ giá và lãi suất).
Năm 2022, ưu tiên của chính sách tiền tệ là kiềm giữ đà tăng của tỷ giá trước áp lực từ việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh và mạnh, kiềm chế lạm phát hầu như là thông điệp xuyên suốt. Từ quý IV/2022, ưu tiên bắt đầu chuyển sang việc đảm bảo thanh khoản cho hệ thống và kiềm soát cuộc đua lãi suất huy động.
Năm 2023, nhóm chuyên gia cho rằng ưu tiên của chính sách tiền tệ sẽ dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất trong nền kinh tế để hỗ trợ cho đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của hệ thống (hỗ trợ thanh khoản, tránh xảy ra đổ vỡ và mất niềm tin đối với hệ thống ngân hàng).
Để thực hiện các mục tiêu này, NHNN có thể phải đánh đổi một số mục tiêu ổn định và an toàn dài hạn để giải quyết vấn đề ngắn hạn. Mục tiêu lạm phát năm 2023 được nới lỏng lên 4,5% và được chia sẻ bởi chính sách tài khoá trong khi điều hành tỷ giá kỳ vọng sẽ bớt áp lực hơn.
Ngoài ra, VDSC kỳ vọng thị trường mở sẽ là kênh hỗ trợ thanh khoản chủ đạo trong năm 2023. Việc tích trữ USD sau một giai đoạn sụt giảm mạnh là cần thiết, bơm tiền thông qua mua ngoại tệ cũng là một kênh hợp lý trong bối cảnh kinh tế năm 2023. Tình hình cung-cầu ngoại tệ kỳ vọng sẽ cải thiện và NHNN có thể tận dụng cơ hội.
Hạn mức tín dụng tiếp tục được sử dụng như một công cụ để điều hướng tín dụng vào nền kinh tế, sẽ phân bổ theo tình hình cung-cầu tín dụng, điều khó sẽ là cách điều tiết quy mô các lần cấp để tránh tình trạng quá ồ ạt hoặc quá nhỏ giọt. Tăng trưởng tín dụng năm 2023 dự báo ở mức 11-12%, thấp hơn mức tăng ước tính cho cả năm 2022 là 14%.
(Doanh nghiệp và Kinh doanh)
Xem thêm: Báo cáo ngành Ngân hàng
Bộ dữ liệu báo cáo tài chính của 30 ngân hàng thương mại tại Việt Nam (hàng qúy)
Bộ dữ liệu báo cáo tài chính của 30 ngân hàng thương mại tại Việt Nam (hàng năm)
Comments