Thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra khiến cho tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại, ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản.
Ngày 15-9, tại Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, các bộ ngành đã thông tin thiệt hại sau bão.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố miền Bắc và Thanh Hóa, chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước. Hiện vẫn còn tình trạng ngập lụt khiến thiệt hại có thể nặng hơn.
Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản
“Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 1,6 tỉ USD - PV)”, ông Dũng nói.
Những thiệt hại này theo đánh giá của bộ trưởng Dũng, khiến cho tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 3 của cả nước có thể giảm 0,35%, quý 4 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.
Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm trên 0,5%.
Các lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nhất là hạ tầng giao thông bị ngập lụt, ảnh hưởng lưu thông, nhất là đường bộ, đường sắt đình trệ cục bộ.
Các vùng trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi, thủy sản cần nhiều nguồn lực, thời gian để tái đàn, tái vụ, tái sản xuất. Nhiều cơ sở du lịch, lưu trú bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa.
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị tác động của cơn bão, nhất là tác động gián tiếp khi bị mất điện, thông tin liên lạc, lao động và gia đình người lao động bị ảnh hưởng.
Còn theo Bộ Công Thương, bão số 3 đã gây thiệt hại và ảnh hưởng tới việc cung ứng điện, xăng dầu và sản xuất công nghiệp, cung ứng hàng hóa. Trong đó, có 5 đường dây 500kV, 40 đường dây 220kV và 187 đường dây 110kV bị sự cố.
Lưới điện trung áp, hạ áp tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều cột điện gãy đổ. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng bị mất điện toàn tỉnh, Hải Dương bị mất khoảng 90% phụ tải.
Một số cụm công nghiệp vẫn bị ngưng trệ, cô lập vì thiếu điện
Đặc biệt, hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp bị ngưng trệ, doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp bị thiệt hại nặng với hàng trăm dự án. Hiện vẫn còn nhiều khu vực bị mất điện, cô lập và thiếu nhân lực. Vì vậy các khu này vẫn chưa xác định được thời gian dự kiến hoàn thành việc khắc phục.
Với hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu, nhiều cơ sở thương mại, chợ truyền thống bị tốc mái. Khu vực sản xuất nuôi trồng và cung ứng thực phẩm, kênh phân phối bị thiệt hại. Hoạt động giao thông, giao thương xuất nhập khẩu tại Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến xuất khẩu các địa phương này.
Theo Ngân hàng Nhà nước, sơ bộ tại 20/26 tỉnh, thành phố, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 80.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 5% dư nợ trên địa bàn). Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 117.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 23.100 tỉ đồng.
Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân.
Bão số 3 có nhiều bất thường về diễn biến và nơi xảy ra mưa lớn
Nhận định đó được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra trong báo cáo về công tác dự báo bão số 3, cảnh báo, thông tin về bão, mưa, lũ lụt, sạt lở đất.
Bão số 3 tăng cường độ rất nhanh nhưng suy giảm chậm
Bão số 3 có các đặc điểm bất thường là: cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực biển Đông; là cơn bão có cường độ tăng rất nhanh (trong 24 giờ cường độ bão tăng 8 cấp) và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi đổ bộ vào phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão.
Mức độ giảm cấp trên đường đi không theo quy luật thông thường: bình thường khi đi qua đảo Hải Nam vào vịnh Bắc Bộ, các cơn bão thường yếu đi nhanh.
Nhưng với bão số 3 cường độ không giảm nhanh, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng vẫn giữ cường độ cấp 12-13. Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài tới 12 tiếng.
Về mưa lớn do hoàn lưu của bão số 3 gây ra cũng có những điểm bất thường như : Bão số 3 di chuyển sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Tây Bắc Bộ.
Tuy nhiên, mưa lớn nhất do hoàn lưu bão số 3 chủ yếu ở phía Đông dãy núi Hoàng Liên Sơn dù không nằm trên đường đi của bão, không chịu tác động trực tiếp của gió bão. Hầu hết các cơn bão có quỹ đạo tương tự trước đây thường gây mưa lớn ở phía Tây dãy núi Hoàng Liên Sơn.
Đánh giá về bão số 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ trực tiếp vào nước ta trong 30 năm qua.
Trước khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão đạt cấp siêu bão (gió cấp 16, giật trên cấp 17), trên Vịnh Bắc Bộ bão vẫn gây gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17.
Khi đổ bộ vào đất liền, bão gây gió mạnh cấp 14, giật cấp 17 tại Bãi Cháy (Quảng Ninh), gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14 tại các khu vực ven biển khác.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra đợt mưa rất lớn, kéo dài liên tục trên diện rộng tại khắp các địa phương khu vực Bắc Bộ. Tổng lượng mưa phổ biến từ 250-500mm, riêng tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên tổng lượng mưa phổ biến từ 400-600mm, một số nơi trên 700mm, gây ra đợt lũ lớn tại hầu hết các sông ở Bắc Bộ.
Đặc biệt là tại Lào Cai, Yên Bái lũ sông Hồng, sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh), sông Đáy (Ninh Bình), sông Trà Lý (Thái Bình) đã vượt lũ lịch sử (tại Yên Bái vượt mức lũ lịch sử năm 1968 khoảng 1,31m).
Lũ trên các sông ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình và hạ lưu sông Hồng đều ở mức rất cao trên báo động số 3 và mực nước sông Hồng tại Hà Nội dưới báo động 3 khoảng 0,2m (đây là mức lũ cao nhất trong hơn 20 năm qua tại Hà Nội).
Mưa lớn kéo dài cũng gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng,... ngập lụt nghiêm trọng tại các khu vực thấp trũng ở cả miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
Đến 6h sáng 15-9, mưa lũ đã làm 281 người chết, 67 người mất tích. Trong đó, Lào Cai có 168 người chết và mất tích, Cao Bằng 58 người chết và mất tích, Yên Bái 54 người chết và mất tích, Quảng Ninh có 25 người chết,... Có 1.921 người bị thương, nhiều nhất là Quảng Ninh với 1.609 người.
Số người chết do bão và mưa lũ sau bão số 3 gấp hơn hai lần tổng số người chết do thiên tai năm 2023 (131 người chết). Còn người mất tích cả năm 23 cũng chỉ có 38 người.
Vì sao xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, lũ quét?
Về lũ, ngập lụt, do mưa lớn, từ ngày 8-9 mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc Bộ lên nhanh. Trong đó, mực nước trên sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long... đều vượt báo động 3, một số sông vượt báo động 3 từ 3 - 4m.
Đặc biệt, lũ trên sông Thao (thượng lưu sông Hồng) tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm. Đỉnh lũ tại Yên Bái lên mức 35,73m (16h ngày 10-9), trên mức báo động 3 là 3,73m, vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m.
Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng ghi nhận cao nhất trong 20 năm. Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc cũng xảy ra lũ, ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng cũng là điều hiếm thấy. Theo thống kê có 20/25 tỉnh, thành phía Bắc xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.
Về lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh... Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân chính là do khu vực miền núi phía Bắc trong 3 tháng qua đã có mưa rất nhiều, cao hơn 40-60% so với trung bình nhiều năm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơn bão khiến có 231.851 nhà hư hỏng, tập trung tại Quảng Ninh 102.467, Hải Phòng 103.227, Lào Cai 6.173, Lạng Sơn 3.568, Bắc Ninh 3.472, Bắc Giang 3.289, Yên Bái 2.408.
Về nông nghiệp có 190.358 ha lúa, 48.727 ha hoa màu, 31.745 ha cây ăn quả, 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt, thiệt hại, cuốn trôi. 21.786 con gia súc, 2.621.106 con gia cầm bị chết.
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng. Rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ và cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội.
Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.
Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 31.596 tỉ đồng. Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê thiệt hại.
Trong khi đó, tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai cả năm 2023 khoảng 8.600 tỉ đồng, năm 2022 khoảng 19.400 tỉ đồng, năm 2021 gần 5.800 tỉ đồng, còn năm 2020 là gần 40.000 tỉ đồng.
(tuoitre.vn)
Comments