Ngành sản xuất thuốc lá là một trong những ngành lớn với doanh thu trên toàn cầu năm 2023 đạt 941 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến là 2,55% trong giai đoạn từ năm 2023-2028. Mặc dù các công ty thuốc lá đang dần chuyển đổi sang phát triển các sản phẩm "không khói", "giảm hại" để đáp ứng xu hướng hiện nay nhưng thuốc lá điếu vẫn giữ vai trò quan trọng và tạo ra nguồn doanh thu lớn nhất cho các doanh nghiệp.
Sản phẩm này cũng góp phần lớn nhất vào doanh thu của thị trường, tương đương với 834,7 tỷ USD vào năm 2023. Hàng năm, các công ty sản xuất thuốc lá vẫn không ngừng cung cấp cho thị trường hàng tỷ điếu thuốc mỗi năm.
Tại thị trường nội địa, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới với 15,4 triệu người. Trong đó có 14,8 triệu người là nam, hơn 600 ngàn người là nữ và là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất, chỉ sau Indonesia và Philippines. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng thuốc mới ở các thành phố xu hướng tăng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ.
Theo một báo cáo gần đây, ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam năm 2022 ước tính trị giá 105 nghìn tỷ đồng (~ 4,4 tỷ USD). Mặc dù tác hại của thuốc gây ra đối với sức khỏe của con người là rất lớn. Mỗi năm, nhà nước phải chi ra khoảng 1% GDP để hỗ trợ chi phí cho các bệnh liên quan đến thuốc lá. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận lợi nhuận của ngành trong việc đóng góp và ngân sách nhà nước.
Một số loại sản phẩm thuốc lá trên thị trường Việt Nam
Trong số các công ty sản xuất thuốc lá ở Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) là doanh nghiệp lớn nhất với xấp xỉ 67% thị phần trong nước và 75% thị phần xuất khẩu (2022). Đây cũng là công ty dẫn dầu về mức đóng góp ngân sách nhà nước với hơn 10 ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Vinataba
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã trở thành một trong những doanh nghiệp của Nhà nước, giữ vị trí số một trong ngành thuốc lá Việt Nam, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế quốc dân.
Doanh nghiệp là một tổ hợp gồm nhiều công ty con với 11 đơn vị khối sản xuất thuốc lá điếu, 3 đơn vị khối nguyên liệu, 2 đơn vị khối phụ liệu, 1 đơn vị khối nghiên cứu khoa học và 2 công ty liên doanh sản xuất thuốc lá với đối tác nước ngoài.
Mỗi năm, Vinataba sản xuất và phân phối vào thị trường cho thị trường trong nước và xuất khẩu hàng tỷ bao thuốc với những nhãn hiệu quen thuộc như: Vinataba truyền thống, Vinataba Luxury, Vinataba Demi Slims, Vinataba Hanoi Style,... đáp ứng yêu cầu của mọi đối tượng từ cao cấp đến người có thu nhập thấp.
Trong giai đoạn 2020-2022, Vinataba đã chứng kiến một xu hướng tăng trưởng mạnh trong doanh thu thuần, đạt hơn 3100 tỷ đồng năm 2022. Về lợi nhuận sau thuế, mặc dù có sự giảm nhẹ vào năm 2021 nhưng con số này nhanh chóng hồi phục trở lại và cao hơn mức lợi nhuận năm 2020, đạt khoảng 670 tỷ đồng.
Các công ty thuộc nhóm Vinataba
Đầu tư trực tiếp vào công ty con
Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn
Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long
Công ty TNHH MTV Thuốc lá Hải Phòng
Công ty TNHH Vinataba - Philip Morris
Đầu tư gián tiếp vào công ty con
Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thanh Hóa
Công ty liên doanh
Công ty liên doanh BAT-VINATABA
Thuốc lá Sài Gòn
Ngày 06 tháng 12 năm 2005, theo căn cứ quyết định của chính phủ Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn thuộc Tổng công ty VINATABA được đổi thành Công ty TNHH MTV thuốc lá Sài Gòn.
Với ngành hoạt động chính là sản xuất thuốc lá, các sản phẩm của Công ty được chia thành 3 nhóm bao gồm dòng sản phẩm phổ thông (Fasol, Tây Đô, ERA, Du Lịch...), dòng sản phẩm trung và cao cấp (Hòa Bình, Cotab, Young Star, Saigon Xanh, Saigon Vàng, Saigon Đỏ, Saigon Silver…), đáp ứng yêu cầu của mọi đối tượng từ khách hàng trung lưu đến người lao động và nông dân.
Về bức tranh kinh doanh của công ty thuốc lá Sài Gòn trong giai đoạn ba năm 2020-2022, công ty đã có một sự tăng trưởng mạnh vào năm 2022 sau hai năm ở mức doanh thu thuần chỉ khoảng 7200 tỷ đồng. Trong khi đó, khác với sự tăng trưởng của doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế luôn có sự phát triển ổn định mỗi năm, đạt hơn 450 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2022.
Thuốc lá Thăng Long
Công ty TNHH MTV thuốc lá Thăng Long được thành lập năm 2005 và là công ty thành viên của Tổng công ty thuốc lá Việt Nam. Trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, đến nay công ty đã trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu trong ngành thuốc. Hiện nay, công ty đang hoạt động với dây chuyền chế biến sợi thuốc lá với công suất 2.500 kg/giờ hiện đại nhất Việt Nam chủ yếu sản xuất các thương hiệu Thăng Long, Thủ Đô, Hoàn Kiếm,...
Thuốc lá Thăng Long có doanh thu thuần tăng trưởng ổn định qua từng năm, với tốc độ tăng trưởng 6-7% mỗi năm. Năm 2022, doanh thu thuần của thương hiệu đạt hơn 7500 tỷ đồng. Cùng với xu hướng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế của công ty cũng ghi nhận xu hướng tăng trưởng tích cực, tăng 5.5% lợi nhuận mỗi năm.
Doanh thu thuần của một số công ty sản xuất thuốc lá tại Việt Nam
Liên doanh Vina-BAT
Năm 2011, VINA - BAT JV được thành lập thông qua sự hợp tác giữa Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) và công ty British-American Tobacco Marketing (Singapore) Private Limited (BAT) với mục đích sản xuất các nhãn thuốc lá của Tập đoàn BAT, Vinataba và các nhãn thuốc của chính công ty liên doanh. Trong đó nổi tiếng nhất là thương hiệu thuốc lá 555.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Liên doanh Vina-BAT cho thấy sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Trong khi công ty chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về doanh thu thuần trong giai đoạn 2020-2021, với mức tăng 17.3% thì lợi nhuận sau thuế thu về nhiều hơn vào giai đoạn 2021-2022, đạt gần 230 tỷ đồng.
Thuốc lá Hải Phòng
Ngày 14/8/1991, Công ty TNHH Thuốc lá Hải Phòng được thành lập với tên gọi ban đầu là Nhà máy thuốc lá Hải Phòng. Năm 2007, công ty chuyển đổi Công ty thành Công ty TNHH hai thành viên Thuốc lá Hải Phòng trực thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
Sau hơn 30 năm phát triển, công ty đã sản xuất và cho ra mắt chủ yếu 4 loại sản phẩm: Virginia Gold International, Seven Diamonds Finest Virginia, Seven Diamonds Filter King, Seven Diamonds Crafted Virginia.
Doanh thu thuần của công ty thuốc lá Hải Phòng có xu hướng tăng trưởng khá ổn định qua từng năm. Năm 2022, doanh thu thuần của thương hiệu đạt gần 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, trái với xu hướng doanh thu thuần, tình hình lợi nhuận sau thuế của công ty có sự dao động mạnh mẽ. Sau khi lợi nhuận tăng mạnh vào năm 2021, tình hình lợi nhuận có tín hiệu giảm nhẹ vào năm 2022, ghi nhận hơn 27 tỷ đồng.
Thuốc lá Thanh Hóa
Tháng 11-1965 xí nghiệp Thuốc lá Cẩm Lệ được chính thức khởi công xây dựng. Đến năm 1990, công ty đổi tên thành Công ty Thuốc lá Thanh Hóa, sau đó trở thành công ty con của Tổng công ty Vinataba năm 2006.
Hiện tại công ty thuốc lá Thanh Hóa đang là con của Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long sau chủ trương tái cơ cấu tổng công ty từ năm 2016. Công ty sản xuất nhiều loại sản phẩm như xì gà, thuốc lá điếu, thuốc lá bao,... trong đó nổi tiếng với thương hiệu nổi tiếng là Bông Sen.
Thuốc lá Thanh Hóa chứng kiến sự giảm nhẹ doanh thu thuần vào năm 2021 nhưng công ty đã nhanh chóng lấy lại sự tăng trưởng vào năm 2020 . Cụ thể, doanh thu của thương hiệu giảm nhẹ 6% vào năm 2021, đến năm 2022, doanh thu thuần tăng trở lại, đạt khoảng 700 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của công ty có sự đột phá trong hai năm gần đây, đạt hơn 5 tỷ đồng mỗi năm.
Vinataba - Philip Morris
Philip Morris có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, với việc thành lập chi nhánh và hợp tác với Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội (nay là Công ty Thuốc lá Sài Gòn) sản xuất thuốc lá điếu nhãn hiệu Marlboro. Sau đó hai bên đã đàm phán đi đến thống nhất chuyển từ hình thức hợp tác sản xuất sang hình thức liên doanh sản xuất tại Công ty Liên doanh Vinasa. Đến tháng 11/2010, Công ty Liên doanh Vinasa được đổi tên thành Công ty TNHH VINATABA – PHILIP MORRIS.
Tình hình kinh doanh của công ty Vinataba - Philip Morris có xu hướng tăng trưởng vào năm 2021 về cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế nhưng con số này đã giảm trở lại vào năm 2022 tại mức gần bằng năm 2020, đạt doanh thu hơn 470 tỷ đồng với lợi nhuận gần 30 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của một số công ty sản xuất thuốc lá tại Việt Nam
Khatoco (TNHH Thương mại Khatoco)
Được thành lập vào ngày 01/7/2002, công ty là đơn vị thành viên của Tổng công ty Khánh Việt. Trong đó, ba ngành sản xuất nổi bật là: bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá điếu sản xuất trong nước, ngành hàng thời trang gồm vải, hàng may mặc sẵn, giày, dép, túi xách,... và các sản phẩm từ thịt đà điểu, cá sấu.
Về lĩnh vực sản xuất thuốc lá, đây là ngành sản xuất trọng điểm của Khatoco với chuỗi sản xuất khép kín từ khâu trồng nguyên liệu, sản xuất sản phẩm đến phân phối ra thị trường. Hiện nay, Khatoco có các mặt hàng chủ lực và truyền thống gồm các chủng loại WARHORSE, SEABIRD. Trong đó, WHITE HORSE và EVEREST là các nhãn thuốc lá liên doanh với BAT của Singapore.
Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022 chứng kiến nhiều sự biến động trong kết quả kinh doanh của công ty TNHH Thương mại Khatoco khi doanh thu thuần của công ty này ghi nhận sự sụt giảm nhẹ vào năm 2021 nhưng sau đó được cải thiện nhanh chóng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái với con số đạt được là gần 6650 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Khatoco cũng cho thấy tín hiệu tích cực khi tăng trưởng dương qua từng năm, đạt gần 140 tỷ đồng vào năm 2022.
Dofico
Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai là một trong những tổ hợp kinh tế lớn mạnh có tiền thân là Xí nghiệp Thuốc lá Đồng Nai. Sau hơn 30 năm phát triển, công ty đã có mặt trong nhiều ngành nghề khác nhau như: sản xuất và kinh doanh thuốc lá điếu, thương mại - dịch vụ, du lịch, chăn nuôi, trồng và khai thác mủ cao su,...
Về lĩnh vực sản xuất thuốc lá điếu, Dofico đưa ra thị trường khoảng 500 triệu bao nỗi năm. Dofico nổi tiếng với thương hiệu Bastos sau khi công ty đã triển khai thực hiện hợp đồng chuyển nhượng bản quyền nhãn hiệu thuốc lá Bastos với công ty Tobacco thuộc tập đoàn Bolloré Pháp (nay thuộc tập đoàn Imperial Anh quốc) vào năm 1996. Ngoài sản phẩm Bastos, Dofico còn sản xuất các sản phẩm thuốc lá điếu với chất lượng cao như: Trị An, Coker, Dotax, Donagold, Donataba, Rocco để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Công nghiệp Sài Gòn
Tiền thân là những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp mũi nhọn thuộc Sở Công Nghiệp TP. Hồ Chí Minh, CNS được thành lập theo chủ trương sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước của Lãnh đạo Thành phố. Ngày 27 tháng 03 năm 2006, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn được thành lập với 8 công ty con, 3 công ty liên kết và 5 nhà máy trực thuộc. Các ngành nghề kinh doanh chủ lực là Cơ khí chế tạo máy, Hóa chất, Điện tử - Công nghệ thông tin và Thực phẩm.
Về lĩnh vực trồng, chế biến và kinh doanh sản phẩm thuốc lá, CNS hiện đang có 03 nhà máy hoạt động và 04 công ty phân phối cùng các đại lý kinh doanh trên cả nước trong lĩnh vực chế biến tinh nguyên liệu thuốc lá. Các sản phẩm chính của CNS gồm có các loại thuốc lá hiệu Craven”A”, Khánh Hội, Bến Thành , Chợ Lớn và một số sản phẩm nội địa khác… đáp ứng chủ yếu cho thị trường trong nước.
Thị trường của Việt Nam hiện đang mở ra những cơ hội mới đối với các sản phẩm nicotine và thuốc lá. Các sản phẩm như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đã không còn lạ lẫm trên thị trường và đang thu hút sự chú ý của đa dạng đối tượng khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài ra, việc lưu thông các loại thuốc lá nhập lậu, như Jet và Hero, đang trở nên phổ biến hơn, không chỉ làm tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá mà còn gây mất mát lớn về thuế cho ngân sách, lên đến hơn 7.000 tỷ đồng mỗi năm.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như quyền lợi của các nhà sản xuất, chính phủ cần áp dụng những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hàng nhập khẩu, phát triển các chính sách thuế phù hợp với các loại sản phẩm đặc biệt này, đồng thời rà soát các chiến dịch tiếp thị thuốc lá trá hình nhằm ngăn chặn sự lan truyền của chúng trong giới trẻ và cộng đồng.
Nguồn: Báo cáo thị trường thuốc lá điếu tại Việt Nam của Vietdata năm 2023
Comments