Với nhiều thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, cũng như thuận lợi về mặt chính sách, việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam nói chung và xuất khẩu đồ gỗ nội thất nói riêng đã gặt hái được nhiều thành công trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam còn nằm trong top 10 trên thế giới về sản xuất sản phẩm gỗ và đồ nội thất, là nước xuất khẩu lớn thứ hai trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Việt Nam còn là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ - thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất thế giới. Theo số liệu thống kê từ Ủy Ban Thương Mại Quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ trong 10 tháng năm 2022 đạt 21.8 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ, với tỷ trọng 36.4%.
Năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16 tỷ USD, tăng 8.1% so với năm 2021. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chính chiếm tỷ trọng cao, trị giá xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2022 đạt 9.96 tỷ USD.
Tiềm năng thị trường nội thất Việt Nam
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, những năm gần đây, nhu cầu về tiêu dùng các sản phẩm nội thất tại thị trường nội địa tăng lên mạnh mẽ, trong đó việc mua sắm các sản phẩm nội thất gia đình như ghế sofa phòng khách, bàn ghế ăn... có mức tăng trưởng rất lớn. Các sản phẩm đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê... cũng có xu hướng tăng nhanh so với những năm trước.
Với các doanh nghiệp sản xuất, việc khai thác thị trường nội địa có thể được coi là giải pháp hữu ích giúp đa dạng đầu ra, giảm rủi ro khi phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là trong tình hình hiện tại khi nhiều nhà máy đã và đang phải giảm đáng kể công suất hoặc đóng cửa vì hầu hết các thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn lớn do chiến tranh, dịch bệnh, lạm phát.
Chính vì vậy mà hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất gỗ nội thất đã có những thay đổi mạnh mẽ nhằm khai thác tiềm năng thị trường nội địa.
Trong bài báo này, Vietdata sẽ điểm qua một vài điểm nổi bật trong báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất tại Việt Nam.
Wanek Furniture
Công ty TNHH Kỹ Nghệ Gỗ Hoa Nét (Wanek Furniture) được thành lập vào năm 2008. Wenek Furniture là một trong những công ty then chốt trong chuỗi cung ứng sản xuất mặt hàng nội thất lớn trên thế giới với mạng lưới phân phối tới hơn 123 quốc gia.
Trong năm 2021, Wanek Furniture đã mang về mức doanh thu khoảng 13.6 nghìn tỷ đồng và hơn 170 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy đây là mức doanh thu có thể nói là dẫn đầu ngành sản xuất đồ gỗ nội thất song tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này trong những năm gần đây khá trồi sụt.
Cụ thế, năm 2020, doanh thu của Wanek Furniture đạt mốc 15 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 130 lần so với doanh thu năm 2019). Song đến năm 2021 doanh thu của doanh nghiệp này chỉ đạt hơn 13.6 nghìn tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của “ông trùm” nội thất này cũng liên tục giảm từ khoảng 1.9 nghìn tỷ đồng vào năm 2019 xuống còn khoảng 170 tỷ đồng vào năm 2021.
Nitori Việt Nam
Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam (Nitori Furniture Vietnam EPE) là một thành viên của tập đoàn Nitori Nhật Bản thuộc mảng nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất, được thành lập năm 2003 với 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản. Nitori có 2 nhà máy đang hoạt động tại KCN Hà Nội và Bà Rịa Vũng Tàu.
Trong những năm gân đây, doanh thu của Nitori Việt Nam liên tục đạt tốc độ tăng trưởng dương. Đặc biệt là năm 2021, doanh thu của Nitori Việt Nam tăng 57% so với năm 2020. Theo đó, doanh thu của doanh nghiệp này đạt gần 7 nghìn tỷ đồng và mang về gần 490 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Glory Oceanic (Việt Nam)
Công ty TNHH Glory Oceanic (Việt Nam) thuộc Tập đoàn Yangchen Wood Industry (Furniture) Trung Quốc, được thành lập vào năm 2019 tại Bình Dương - nơi được coi là địa điểm thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu nhờ lợi thế dân cư đông đúc, nguồn lao động dồi dào.
Theo số liệu từ báo cáo, có thể thấy doanh thu của doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất này tăng liên tục trong giai đoạn gần đây. Cụ thể, doanh thu năm 2021 đạt gần 3.4 nghìn tỷ đồng, tăng 43% so với năm trước đó.
Mặc dù có sự tăng trưởng về mặt doanh thu nhưng lợi nhuận sau thuế của Glory Oceanic (Việt Nam) liên tục ở mức âm kể từ năm 2019.
Gỗ An Cường
CTCP Gỗ An Cường là nhà sản xuất cung cấp vật liệu, giải pháp và nội thất làm từ gỗ công nghiệp tại Việt Nam và khu vực từ năm 1994. Hiện là nhà sản xuất và xuất khẩu cho nhiều thương hiệu nội thất nổi tiếng tại Nhật Bản, Đông Nam Á, Mỹ, Châu Âu.
Trong năm 2021, Tập đoàn đã tiếp tục tập trung vào hoạt động chính là sản xuất và kinh doanh vật liệu, giải pháp và nội thất làm bằng gỗ công nghiệp với sự chuyển hướng rõ ràng trong việc gia tăng tỷ trọng trên doanh thu.
Khép lại năm 2021 với đầy những biến động, doanh thu của Tập đoàn này đạt khoảng 3.3 nghìn tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2020. Tuy nhiên, nhờ vào việc chủ động cắt giảm chi phí và tập trung vào các đơn đặt hàng có biên lợi nhuận tốt. Lợi nhuận sau thuế của tập đoàn đạt khoảng 451 tỷ đồng, chỉ giảm 8% so với năm 2020.
Shing Mark Vina
Công ty TNHH Shing Mark Vina là một trong những công ty chuyên sản xuất và gia công chế biến các sản phẩm trang trí nội thất, panel, đồ dùng gia đình,... bằng gỗ và thép từ nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu chính ngạch và nguồn gỗ hợp pháp.
Năm 2020 cũng là năm khá thành công đối với doanh nghiệp ngoại quốc này khi doanh thu đạt khoảng 3 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế cũng tăng gấp 2 lần so với năm 2019.
Đồ Gỗ Lê Hoàng Minh
Công Ty TNHH Lê Hoàng Minh là một trong những công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ nội thất các loại, cũng như gia công làm theo đơn đặt hàng. Công ty chủ yếu sản xuất các sản phẩm về đồ gỗ nội thất phòng khách, đồ gỗ nội thất phòng bếp, đồ gỗ nội thất phòng ăn, đồ gỗ nội thất phòng ngủ, cửa gỗ, cửa ván sàn cầu thang,..
Theo số liệu từ báo cáo có thế thấy doanh thu của doanh nghiệp này tăng liên tục và đáng chú ý là năm 2020, doanh thu của doanh nghiệp này đã cán mốc 2 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3 lần so với năm 2019. Đến năm 2021, doanh thu của doanh nghiệp này tăng nhẹ 7% so với năm 2020.
Kaiser 1 (Việt Nam)
Công Ty TNHH Công Nghiệp Gỗ Kaiser 1 (Việt Nam), được thành lập vào năm 2004. Là công ty sản xuất đồ nội thất hàng đầu, với 100% vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu sản xuất các mặt hàng nội thất về phòng ngủ và các loại mặt hàng khác.
Trong một vài năm trở lại đây, doanh thu của doanh nghiệp này khá trồi sụt và gần như đi ngang ở mức gần 2 nghìn tỷ đồng. Theo đó, doanh thu năm 2019 của doanh nghiệp này đạt gần 2.3 nghìn tỷ đồng và giảm còn khoảng 2.1 nghìn tỷ đồng trong 2 năm sau đó.
Năm 2020, Kaiser 1 (Việt Nam) đã mang về gần 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 50% so với năm 2019 và sau đó giảm còn khoảng 75 tỷ đồng vào năm 2021.
Woodsland
Công ty Cổ phần Woodsland được thành lập năm 2002, hiện là một trong những nhà sản xuất đồ gỗ nội thất lớn nhất Việt Nam. Các sản phẩm đồ gỗ do Woodsland sản xuất đã có mặt hầu hết khắp thị trường Mỹ, Canada, Châu Âu, Nga, Nhật Bản. Woodsland còn là nhà cung cấp gỗ tiềm năng, luôn tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn chất lượng và thỏa mãn được thị trường khó tính như EU.
Trải qua hơn 20 năm hoạt động, Woodsland đã dần khẳng định được vị thế của mình trên thị trường nội địa cũng như là thị trường quốc tế. Kèm theo sự phát triển đó là sự tăng trưởng không ngừng về doanh thu trong những năm gần đây. Cụ thế, doanh thu của doanh nghiệp này đạt gần 1.8 nghìn tỷ đồng tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Tuy nhiên, Woodsland cũng không tránh khỏi tác động của đại dịch Covid-19 khi lợi nhuận sau thuế liên tục tăng trưởng âm trong 2 năm 2020 và 2021.
Gỗ Trường Thành
Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành tiền thân là Công ty TNHH Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành thành lập năm 2000 và chuyển thành công ty cổ phần năm 2003. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ gỗ. Sản phẩm chính của công ty được chia thành 4 nhóm sản phẩm: đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoại thất, ván sàn gỗ và các sản phẩm khác như gỗ xẻ S4S, các chi tiết nhỏ bằng gỗ.
Sau khoảng lỗ hơn 1 nghìn tỷ đồng vào năm 2019, đến năm 2020 doanh thu của Tập đoàn đã bắt đầu tăng trưởng trở lại và có lời. Theo đó, doanh thu năm 2020 của Tập đoàn này đạt hơn 1.2 nghìn tỷ đồng, tăng 1.7 lần so với năm 2019 và mang về hơn 18 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Điều này đã giúp cho cổ phiếu TTF sẽ tránh được việc hủy niêm yết bắt buộc.
Nội thất The One
Nội thất The One thành lập ngày 1/11/1995, tiền thân là Công ty Cổ phần Nội thất Hoà Phát. Với lịch sử gần 30 năm năm hình thành và phát triển, Nội thất The One đã khẳng định được vị thế của nhà cung cấp và sản xuất nội thất hàng đầu Việt Nam. Năm 2022 là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình của thương hiệu nội thất Hòa Phát thành nội thất The One.
Trong bối cảnh đại dịch covid-19, nhu cầu của người dân giảm mạnh, Nội thất The One cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khi doanh thu có sự chững lại vào năm 2021, đạt khoảng 1.5 nghìn tỷ đồng (giảm 8% so với năm 2020).
Năm 2019, thương hiệu này mang về mức lợi nhuận sau thuế lên đến 310 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2020 và 2021, lợi nhuận của công ty này giảm về mức 150 tỷ đồng.
Thời gian qua, mặc dù thế giới phải đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành đồ gỗ nội thất Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Việt Nam hiện đã trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu đồ gỗ với thị trường trải dài trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, dưới tác động từ các yếu tố lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, dịch bệnh… khiến sức mua ở nhiều thị trường trên thế giới bắt đầu suy giảm. Hoa Kỳ và EU là những thị trường tiêu thụ chính đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam, nhưng lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng ở các thị trường này đang tiết kiệm chi tiêu, trong đó đồ nội thất bằng gỗ là một trong những mặt không thiết yếu, do đó nhu cầu giảm mạnh… Do vậy, để duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp ngành gỗ cần chủ động và nỗ lực hơn nữa nhằm loại bỏ các yếu tố khó khăn tiềm ẩn và hiện hữu.
Nguồn: Báo cáo ngành Gỗ 2022 của Vietdata
Top 100 doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất nổi bật tại Việt Nam
Comments