Nếu tình hình cứ tiếp tục cò cưa như thế này, mà có vẻ sẽ là như vậy, thì nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu khó tránh khỏi do chiến tranh, phân cực, chia phe, bao vây, cấm vận kinh tế, tẩy chay hàng hóa và dịch vụ… Trang phân tích kinh tế responsiblestatecraft.org ngày 24/5 cho biết, 29% kinh tế toàn cầu, 47% trữ lượng dầu mỏ của thế giới đang chịu các lệnh cấm vận.
Có vẻ ít người đưa ra những dự báo tiêu cực như thế này, nhất là phương Tây khi họ đang đổ thêm dầu vào lửa ở Ucraina, nhưng trong kịch bản điều hành kinh tế, hay quản trị doanh nghiệp thì có lẽ nên tính đến cả những kịch bản xấu nhất để có thể chủ động ứng phó một khi nó xảy ra.
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 2 cao hơn quý 1, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, GDP tăng bình quân 3,72% so cùng kỳ. Đây là mức thấp kỷ lục cho các năm 2011- 2023, trừ năm 2020 – năm xảy ra đại dịch Covid-19. Đáng chú ý tăng trưởng 6 tháng của khu vực sản xuất hầu như chững lại ở mức 0,37% so cùng kỳ năm trước và tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu vẫn phổ biến ở nhiều ngành sản xuất. Một số ngành như may mặc, da và sản phẩm da, chế biến gỗ tiếp tục có Chì số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng âm trong tháng 6 kéo theo tổng giá trị xuất khẩu tháng 6 vẫn giảm 11,4% so cùng kỳ. Một số nhóm ngành vẫn duy trì tăng trưởng dương từ đầu năm đến nay đang dần thu hẹp đà tăng. Ngoài ra, trong nửa đầu tháng 6, các doanh nghiệp phía Bắc đang phải đối mặt thêm với tình trạng thiếu điện, gây khó khăn và thiệt hại lớn cho cả các nhà máy sản xuất, và đơn vị kinh doanh dịch vụ.
Số liệu thống kê cho thấy sự ổn định hiện nay thiếu bền vững cho dù quý 2 có tín hiệu khá hơn quý 1, có thể một số chính sách điều hành, hỗ trợ kinh tế của Nhà nước dần phát huy tác dụng, nhất là thông qua chi tiêu đầu tư công, các gói kích cầu, ba chương trình mục tiêu quốc gia, giảm lãi suất cho vay, giảm thuế GTGT 2%, giảm thuế trước bạ đối với ô-tô sản xuất trong nước, giải quyết những vướng mắc về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản… Tuy nhiên, tính thiếu bền vững của sự ổn định tạm thời có thể nằm ở mấy yếu tố như: xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, áp lực cân đối ngân sách Nhà nước khi nguồn thu giảm, yêu cầu chi tiêu tăng và tiềm ẩn lạm phát.
Thật vậy, theo số liệu của Vietdata, xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng 2023 giảm mạnh nhất so với cùng kỳ ở mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ 28,8%, tiếp đến là thủy sản 27,4%, điện thoại và linh kiện 17,9%, may mặc và sơ sợi 16,8% sắt thép 17,2%, giày dép và túi xách 14,4%, điện tử, máy tính, linh kiện 9,3%… chỉ duy nhất tăng là mặt hàng nông sản và rau quả 19,2% hiện đang là điểm sáng nhưng giá trị chỉ đạt 10,17 tỷ đô-la Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng 164,5 tỷ đô-la Mỹ, giảm 12,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI là 73,1%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn vẫn giảm mạnh, riêng Hoa Kỳ giảm 22,5%, Hàn Quốc 10,4%, Nhật Bản 10,4%, EU 9,9%, ASEAN 8,4%… Với một nền kinh tế mở, hướng tới xuất khẩu, thì xu hướng thu hẹp thị trường và giá trị xuất khẩu là yếu tố rất đáng lo ngại.
Vietdata dự báo triển vọng 6 tháng cuối năm xuất khẩu có thể tích cực hơn 6 tháng đầu năm nhưng khó có thể bứt phá. Các số liệu tổng cầu nhập khẩu của các thị trường EU, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc chưa có dấu hiệu hay khả năng tăng tốc.
Kênh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng cho thấy nhìn chung vẫn chậm so với cùng kỳ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khó khăn nhiều mặt. Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, vốn giải ngân hầu như đi ngang trong khi vốn đăng ký, chưa bao gồm đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), giảm gần 20% so cùng kỳ. Tới đây, việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu được dự kiến có thể sẽ ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vừa qua[1], Chính phủ đánh giá áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng; sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn khả năng sẽ tác động đến thu NSNN, tạo áp lực lên điều hành chính sách tài khóa; điều hành chính sách tiền tệ có thể khó khăn hơn trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Mỹ, EU phức tạp, khó dự báo lại đồng thời vừa phải kiểm soát lạm phát, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng…
Trong những tháng cuối năm, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn là ưu tiên tổng quát của Chính phủ. Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình quốc tế, khu vực, trong nước để kịp thời dự báo, xây dựng các kịch bản ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp với các vấn đề phát sinh. Điều hành đồng bộ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho các thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.
Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng vào cơ chế, chính sách của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành kinh tế của Chính phủ, đồng thời nên có những toan tính, trù liệu riêng phù hợp với điều kiện thực tế, triển vọng, diễn biến của đơn hàng, thị trường và tài chính doanh nghiệp trên cơ sở dự báo, phân tích và kinh nghiệm thực tế của chính mình qua bao lần vượt cạn.
[1] Báo cáo của Chính phủ số 232/BC-CP ngày 17/5/2023 gửi Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Bài: TS Trần Văn, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội
تعليقات