Thị trường thực phẩm khô là một trong những ngành kinh doanh có tiềm năng lớn trong nhiều năm nay. Theo một báo cáo gần đây, thị trường toàn cầu của thực phẩm khô dự kiến đạt 98,02 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng với tỷ lệ CAGR 5,1% trong giai đoạn 2023-2028.
Sự phát triển của thị trường thực phẩm khô được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố quan trọng. Trước hết, nhu cầu ngày càng gia tăng đối với các sản phẩm tiện lợi bởi tính thuận tiện và khả năng bảo quản dễ dàng. Đồng thời sự đa dạng và phong phú của các loại thực phẩm khô cũng đáp ứng mọi khẩu vị và nhu cầu ẩm thực của người tiêu dùng.
Không chỉ vậy, việc dễ tiếp cận các sản phẩm này thông qua các kênh bán hàng trực tuyến và truyền thống là một trong những yếu tố quyết định để tạo ra một môi trường mua sắm linh hoạt cho người tiêu dùng.
Trong lĩnh vực thực phẩm khô và đồ ăn liền tại thị trường Việt Nam, mì tôm được xem là sản phẩm tiêu thụ trên đầu người thuộc top thế giới. Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc về mức tiêu thụ mì gói trên đầu người, trung bình một người Việt Nam ăn khoảng 87 gói mì mỗi năm trong khi người Hàn Quốc trung bình có 73 gói. Mức tiêu thụ của mỗi người Việt Nam đã tăng đều đặn từ 55 phần vào năm 2019, lên 72 phần 2020 và 87 phần vào năm 2021.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội mì thế giới (WINA), trong 2 năm đại dịch Covid-19, tiêu thụ mì gói tại Việt Nam đã đạt mức tăng đáng kể. Năm 2020, Việt Nam vượt qua Ấn Độ và Nhật Bản, đứng thứ 3 với 7 tỷ gói mì (tăng 29%), và năm 2021, con số này tăng lên hơn 8,5 tỷ gói (tăng 22%). Việt Nam không chỉ là quốc gia đứng thứ 3 về tiêu thụ mì gói mà còn có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong top 10 thị trường.
Hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam, trong đó có một số công ty nổi tiếng như: Acecook (thương hiệu Hảo Hảo), Masan Consumer (Omachi, Kokomi), và Asia Food (Gấu đỏ) đang là những người dẫn đầu thị trường. Ngoài ra, Uniben với thương hiệu mì 3 Miền cũng đã "tấn công" thị trường mạnh mẽ, xây dựng vị trí yêu thích trong lòng khách hàng.
MASAN
Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San được thành lập vào tháng 11 năm 2004 dưới tên là Công ty Cổ phần Hàng Hải Ma San. Sau đó chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (tên tiếng Anh là Ma San Group Corporation) vào tháng 8 năm 2009.
Danh mục sản phẩm của Masan Consumer bao gồm các thương hiệu thực phẩm như Chinsu, Nam Ngư, v.v. và các thương hiệu Đồ uống như Wake-Up, Vinacafe,... Về các sản phẩm đồ ăn liền, hai thương hiệu nổi tiếng nhất là Omachi và Kokomi. Ngoài ra, thương hiệu cũng ra mắt phở, miến Chin-su trong sản phẩm "Chin-su 7 bữa sáng" để đáp ứng nhu cầu tiện lợi nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho người tiêu dùng.
Doanh thu tổng của Masan ghi nhận xu hướng thay đổi liên tục trong giai đoạn 2020 - 2022. Cụ thể, năm 2020, doanh thu của thương hiệu đạt hơn 77.2 nghìn tỷ đồng. Con số này tăng lên hơn 88.6 nghìn tỷ đồng vào năm 2021 sau đó giảm về mức hơn 76 nghìn tỷ đồng năm 2022. Về lợi nhuận sau thuế, thương hiệu đạt gần 1400 tỷ đồng năm 2020, sau đó tăng lên hơn 10 nghìn tỷ đồng năm 2021 trước khi giảm xuống còn hơn 4750 tỷ đồng năm 2022.
Về lĩnh vực thực phẩm khô, theo một báo cáo gần đây, các sản phẩm mì của Masan Consumer có lợi thế rất lớn về phân phối từ hệ thống hệ thống siêu thị/cửa hàng tiện ích WinMart/Winmart+. Năm 2021, doanh thu từ mì của Masan Consumer đạt 8800 tỷ đồng, tăng 28% và tương đương 72% doanh thu của Acecook.
ACECOOK
Được thành lập vào ngày 15/12/1993 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995, sau nhiều năm hoạt động, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam đã không ngừng phát triển lớn mạnh trở thành công ty thực phẩm tổng hợp hàng đầu tại Việt Nam với vị trí vững chắc trên thị trường, chuyên cung cấp các sản phẩm ăn liền có chất lượng và dinh dưỡng cao.
Danh mục sản phẩm của ACECOOK rất đa dạng từ mì gói (Hảo Hảo, Siu Cay), mì ly (Modern), phở (Đệ Nhất), miến (Phú Hương),... tạo ra một nét văn hóa ẩm thực phong phú, đáp ứng nhu cầu ẩm thực ngày càng cao của khách hàng và góp phần phát triển ngành thực phẩm tại Việt Nam.
Acecook có doanh thu đạt hơn 11.5 nghìn tỷ đồng năm 2020. Doanh thu tăng 6.3% vào năm 2021 và tăng thêm 16.3% vào năm 2022, đạt hơn 14.2 nghìn tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, năm 2020, lợi nhuận ghi nhận gần gần 1900 tỷ đồng. Con số này giảm 27.7% vào năm 2021 sau đó tăng trở lại mức lợi nhuận hơn 1500 tỷ đồng vào năm 2022.
UNI-PRESIDENT
Công ty TNHH Uni-President Việt Nam, thành lập từ ngày 06/02/1999 tại Bình Dương, với tổng diện tích 10ha và vốn đầu tư 225 triệu USD, chuyên sản xuất thức ăn thủy sản, thức ăn gia súc, bột mì, và mì ăn liền. Về ngành thực phẩm, công ty ra mắt 4 thương hiệu chính mì UNIF, mì Tiểu Nhị, mì Ly Dzai Dzai, mì KC Kim Chi.
Năm 2020, doanh thu của Uni-President đạt hơn 10.5 nghìn tỷ đồng. Con số này giảm khoảng 500 tỷ đồng vào năm 2021 và tiếp tục quay lại mốc hơn 10 nghìn tỷ đồng vào năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu có xu hướng giảm mạnh, từ đạt gần 900 tỷ đồng năm 2020 giảm xuống khoảng 330 tỷ động trong 2 năm tiếp theo.
UNIBEN
Công ty Cổ phần Uniben, được thành lập vào ngày 01/06/1992 dưới tên Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm Việt Hưng, chủ yếu sản xuất mì ăn liền cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thương hiệu chính "3 Miền" của Uniben nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu được mua nhiều nhất tại Việt Nam trong năm 2016. Uniben cung cấp nhiều sản phẩm đa dạng như mì ăn liền, hủ tiếu, phở, cháo, nước mắm, hạt nêm cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Doanh thu của Uniben đạt hơn 3.6 nghìn tỷ đồng năm 2022. Con số này tăng 6.1% so với năm 2021 và 19.3% so với năm 2020. Lợi nhuận của thương hiệu ghi nhận sự biến động nhẹ. Cụ thể, công ty ghi nhận mức lợi nhuận gần gần 220 tỷ đồng vào năm 2020. Trong hai năm tiếp theo, lợi nhuận chỉ dao động quanh mức 270 tỷ đồng.
ASIA FOOD
Năm 1995, Công ty Thực Phẩm Á Châu được thành lập với 8 dây chuyền. Gần 30 năm trong ngành chế biến thực phẩm ăn liền thực phẩm Á Châu đã trải qua hành trình nhiều cam go nhưng cũng đầy tự hào. Thương hiệu chính và nổi tiếng nhất của công ty là Gấu Đỏ với nhiều dòng sản phẩm khác nhau: mì, cháo, phở, hủ tiếu.
Hiện tại, Asia Food có hệ thống phân phối trải dài khắp 63 tỉnh thành Việt Nam, từ hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, canteen bệnh viện, trường học đến cả các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ do đó người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy sản phẩm của chúng tôi trên thị trường.
Năm 2022, doanh thu tập đoàn Asia Food ghi nhận đạt gần 2.6 nghìn tỷ đồng, giảm 15.6% so với năm 2021 và giảm 22% so với năm 2020. Lợi nhuận của thương hiệu cũng có xu hướng giảm trong ba năm. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu đạt gần 540 tỷ đồng. Con số này tăng giảm nhẹ 6 tỷ đồng năm 2021. Sau đó, tiếp tục giảm 28.9% vào năm 2022, đạt gần 380 tỷ đồng.
MICOEM (Công Nghệ Thực Phẩm Châu Á)
Được thành lập từ năm 1991, tên gọi đầu tiên là Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm C&E với dòng sản phẩm mang tên thương hiệu mì cân Micoem. Trải qua chặng đường 28 năm không ngừng phát triển, Micoem đã đưa ra thị trường các dòng sản phẩm chất lượng cao, được người tiêu dùng đón nhận và tin tưởng, như sản phẩm mì, phở ăn liền: Cung Đình, Gà Nấm, MumMum,...
Doanh thu của Micoem trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2022, ghi nhận mức độ tăng trưởng nhẹ. Năm 2020, doanh thu thương hiệu đạt gần 1.87 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2021, doanh thu tăng khoảng 28% và đạt đến gần 2.6 nghìn tỷ đồng vào năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu xu hướng tăng trong hai năm 2020 và 2021, từ hơn 200 tỷ đồng lên gần 325 tỷ đồng.
VIFON
Là một công ty con của Tập đoàn Tân Việt, thương hiệu thực phẩm VIFON từ lâu đã quen thuộc và gắn bó với người tiêu dùng trong và ngoài nước (hơn 40 nước). Thành lập năm 1963, VIFON trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong ngành ăn liền của Việt Nam tạo ra xu hướng đóng gói các món ăn truyền thống đặc sản ba miền như mì, phở, cháo, bánh đa cua, hủ tiếu... giúp món ăn trở nên tiện dụng và đến với nhiều người hơn.
Với lịch sử phát triển hơn 45 năm qua, Vifon đã trở thành thương hiệu uy tín trong ngành thực phẩm Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Hiện tại, thương hiệu có tổng số 500 đại lý (20% thị trường sản phẩm ăn liền, trong đó Miền Nam chiếm 60%, Miền Bắc 40%).
Trong ba năm, doanh thu Vifon ghi nhận xu hướng tăng thay đổi. Năm 2022, doanh thu của công ty đạt hơn 1.7 nghìn tỷ đồng. Con số này tăng 30.8% so với năm 2021 nhưng giảm 20.6% so với năm 2020. Trái lại, lợi nhuận sau thuế tăng liên tục từ hơn 9 tỷ đồng năm 2020 lên 13 tỷ đồng năm 2021. Đến năm 2022, con số này tăng mạnh 138.5%, đạt gần 31 tỷ đồng.
THIÊN HƯƠNG
Năm 1964, công ty Thiên Hương được thành lập tại Chợ Lớn, thành phố Hồ Chí Minh. Công ty xây dựng nhà máy sản xuất bột ngọt Vị Hương Tố với dây chuyền hiện đại nhập từ Nhật Bản. Thiên Hương trở thành một trong những công ty thực phẩm lớn nhất tại Việt Nam và là đơn vị đầu tiên sản xuất mì ăn liền dưới nhãn hiệu mì Vị Hương.
Dựa trên kinh nghiệm sản xuất hơn 50 năm của mình, công ty sẽ không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu và sáng tạo ra những sản phẩm mới dựa trên nền văn hóa ẩm thực đặc sắc của Việt Nam, mang đến những trải nghiệm hương vị tươi mới như: thương hiệu Mì Vị Hương, Như Ý, Yes Mom.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Thiên Hương có cùng một xu hướng tăng trưởng. Năm 2022, doanh thu đạt gần 1100 tỷ đồng. Con số này giảm khoảng 11.2% trong năm tiếp theo, sau đó tăng trở lại mức doanh thu gần 1170 tỷ đồng vào năm 2022. Về lợi nhuận sau thuế, Thiên Hương đạt 13.6 tỷ đồng vào năm 2020. Sau đó, lợi nhuận giảm xuống 8.8 tỷ đồng năm 2021 và tăng trở lại mức hơn 18 tỷ đồng năm 2022.
SAFOCO
Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm SAFOCO ra đời năm 1995. Ngày 01/5/2005, chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với vốn điều lệ từ 22 tỷ đồng nâng lên 120,5 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Lương thực miền Nam nắm giữ 51,3%.
SAFOCO chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm, sản xuất mì sợi, nui, bún, bánh tráng được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn cao.
Trong ba năm, doanh thu của SAFOCO có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, năm 2022 doanh thu của thương hiệu chỉ đạt gần 800 tỷ đồng, giảm 17.1% so với năm trước và giảm 11.2% với năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu lại có xu hướng tăng nhẹ từ gần 47 tỷ đồng năm 2020 tăng lên gần 52 tỷ đồng năm 2022.
BICH CHI
Công ty CP Thực phẩm Bích Chi được thành lập từ năm 1966, đã trở thành một thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Với sự phát triển và đổi mới liên tục, Bích Chi không chỉ tạo ra những sản phẩm truyền thống như bột gạo lứt, mà còn đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới như cháo gạo lứt muối mè, bột mè đen, phở ăn liền, hủ tiếu ăn liền, bún ăn liền, bánh tráng, bánh phồng tôm, đáp ứng đa dạng nhu cầu ẩm thực và góp phần làm tăng giá trị hạt gạo Việt Nam.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Bích Chi dao động liên tục qua từng năm trong giai đoạn từ 2020-2022. Cụ thể, năm 2022 doanh thu của thương hiệu đạt gần 700 tỷ đồng, tăng 36.4% so với năm trước nhưng giảm 26.4% với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu từ hơn 90 tỷ đồng năm 2020, sau đó giảm xuống 40 tỷ đồng năm 2021 và tăng trở lại mực lợi nhuận gần 110 tỷ đồng năm 2022.
MILIKET
CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa – MILIKET được thành lập năm 2006 trên cơ sở cổ phần hóa doanh nghiệp sáp nhập Xí nghiệp Lương Thực Thực Phẩm Colusa và Xí Nghiệp Lương Thực Thực Phẩm Miliket, trực thuộc Tổng Công Ty Lương thực Miền Nam.
Nhãn hiệu mì ăn liền Colusa – MILIKET ra đời từ năm 1975 tiếp tục được người tiêu dùng ưa thích, với gói mì giấy kraft và hình ảnh hai con tôm. Đến nay sản phẩm Colusa – MILIKET đã được phát triển đa dạng hóa bao gồm trên 60 mặt hàng thực phẩm chế biến các loại mang hương vị đặc trưng của người Á Đông như: Gà, Tôm Cua, Heo, Bò, Vịt, Thập cẩm, Chay nấm, Tôm chua cay,…
Doanh thu của MILIKET đạt hơn 630 tỷ đồng năm 2022. Con số này tăng 10.5% so với năm 2021 và 3.3% so với năm 2020. Lợi nhuận của thương hiệu ghi nhận tăng xu hướng giảm trong ba năm. Về lợi nhuận sau thuế, năm 2020, thương hiệu đạt 22 tỷ đồng. Sau đó lợi nhuận giảm xuống 35.7% vào năm 2021 trước khi quay trở lại mức lợi nhuận hơn 21 tỷ đồng vào năm 2022.
Với nhu cầu ngày càng tăng về sự tiện lợi và dinh dưỡng trong chế độ ăn uống, người tiêu dùng không chỉ tìm kiếm những sản phẩm thực phẩm khô, đồ ăn liền giá cả phải chăng mà còn mong muốn có sự lựa chọn đa dạng và chất lượng cao. Vì vậy, các nhà sản xuất cần chú trọng nhiều hơn vào việc cải tiến sản phẩm, sử dụng nguyên liệu chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu khách hàng về ẩm thực nhanh, nhưng vẫn đảm bảo sự lành mạnh và ngon miệng. Điều này đồng nghĩa với việc các thương hiệu không chỉ cung cấp lựa chọn tiện lợi mà còn tạo ra những trải nghiệm ẩm thực tốt nhất cho người tiêu dùng.
Nguồn: Báo cáo thị trường thực phẩm khô, đồ ăn liền Việt Nam của Vietdata năm 2022
Comentarios