Thị trường giày, dép tại Việt Nam đang chứng kiến sự sôi động và cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu nội địa và quốc tế. Ngày càng có nhiều thương hiệu giày, dép quốc tế chọn Việt Nam làm nơi gia công và sản xuất sản phẩm của mình. Điều này dẫn đến việc số lượng giày, dép được bán ra tại thị trường nội địa tăng lên đáng kể. Tình hình này đặt ra một áp lực cạnh tranh khốc liệt cho các thương hiệu giày, dép trong nước. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp giày thuần Việt đang nỗ lực khẳng định bản sắc và vị thế của mình bằng cách nắm bắt xu hướng thị trường, đổi mới thiết kế, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ. Đặc biệt, sự tăng trưởng của ngành công nghiệp giày, dép Việt Nam được thể hiện qua việc nhiều doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn đầu tư vào bộ phận thiết kế sản phẩm, các công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận nhiều khách hàng hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự phát triển của thị trường giày, dép cũng góp phần tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam. Điều này không chỉ góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của Tổng cục Thống kê công bố, kim ngạch xuất khẩu giày, dép của Việt Nam trong năm 2023 đạt 20,37 tỷ USD, giảm 14.7% so với năm 2022. Bên cạnh đó, theo Tổng cục Hải quan cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2019 - 2023 của mặt hàng này là 2.81%/năm. Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu giày, dép lớn thứ hai trên thế giới và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới. Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày, dép đến khoảng 150 nước trên thế giới. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ là 6,5 tỷ USD, giảm 27.9%; sang EU (27 nước) là 4,45 tỷ USD, giảm 19.3% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, xuất khẩu giày, dép sang Trung Quốc và ASEAN trong 11 tháng/2023 lại tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể là 1,71 tỷ USD sang Trung Quốc (tăng 11.1%) và 497 triệu USD sang ASEAN (tăng 26.9%).
Theo “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt 27 – 28 tỷ USD vào năm 2025 và 38 – 39 tỷ USD vào năm 2030. Dự báo rằng, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sẽ tăng trưởng 10 – 12%/năm trong giai đoạn 2022 – 2026.
Biti’s
Biti’s, hay còn được biết đến với tên đầy đủ là Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên, là một thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam, chuyên về lĩnh vực sản xuất giày và dép. Thương hiệu này bắt đầu hành trình của mình từ năm 1982, từ hai tổ hợp sản xuất Bình Tiên và Vạn Thành tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, Hệ thống phân phối sản phẩm của Biti’s đã mở rộng ra khắp cả nước, bao gồm 07 Trung tâm chi nhánh, 156 Cửa hàng tiếp thị và hơn 1,500 trung gian phân phối bán lẻ. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm ổn định cho người lao động tại Tổng Công ty Biti’s và Công ty Dona Biti’s. Biti’s không chỉ mở rộng thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Tại Trung Quốc, Biti’s đã thiết lập 04 văn phòng đại diện và đã xuất khẩu sản phẩm của mình qua 40 nước trên thế giới. Biti’s còn được nhiều thương hiệu nổi tiếng quốc tế như Decathlon, Clarks, Speedo, Skechers, Lotto,… tin tưởng và chọn làm đối tác gia công.
Sản phẩm của Biti’s rất đa dạng và phong phú, với nhiều kiểu dáng và mẫu mã khác nhau, phục vụ cho nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Sản phẩm giày, dép của Biti’s, với thông điệp “Biti’s – Nâng niu bàn chân Việt”, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là thế hệ 8x, 9x. Biti’s được biết đến với những sản phẩm có đặc điểm bền, giá cả phải chăng, phù hợp với quan niệm “ăn chắc mặc bền” của người Việt. Và đặc biệt là bước ngoặt mang tên Biti’s Hunter đã giúp công ty vực dậy trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt khiến Biti’s đang dần bị lãng quên.
Về tình hình kinh doanh, Biti’s cho thấy sự khởi sắc vào năm 2022 khi doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, doanh thu thuần của doanh nghiệp này vào năm 2021 đã sụt giảm hơn 26% so với cùng kỳ năm 2020 trước khi kết thúc năm 2022 với sự tăng trưởng lên mức gần 2 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, lợi nhuận ròng của Biti’s cũng giảm đáng kể vào năm 2021 và sau đó lấy lại đà tăng trưởng nhanh chóng lên mức hơn 96 tỷ đồng vào năm 2022.
Vascara
Vascara, một thương hiệu thời trang nổi tiếng tại Việt Nam, ra mắt vào năm 2007 với chỉ 4 cửa hàng ban đầu. Hiện tại, Vascara đã mở rộng với 137 cửa hàng trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Mặc dù Vascara là thương hiệu được nhượng quyền từ Brazil, nhưng tất cả sản phẩm của Vascara tại Việt Nam đều do các nhà thiết kế trong nước tạo ra.
Vascara cung cấp một loạt các sản phẩm thời trang, bao gồm giày dép, túi xách, balo, ví, mắt kính,… với thiết kế hiện đại và trẻ trung. Vascara hiện có khoảng 1,300 mẫu giày, từ giày cao gót, giày búp bê nữ tính, đến giày lười và giày sneaker năng động. Mỗi đôi giày của Vascara đều được sản xuất từ 100% da thật, với từng chi tiết được chăm chút tỉ mỉ để mang lại sự thoải mái và đảm bảo độ bền cho người sử dụng.
Năm 2022 là năm ghi nhận sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh của Vascara khi doanh thu thuần của công ty năm 2022 so với năm ngoái tăng hơn 82%, chạm mốc gần 600 tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, Vascara cũng cho thấy sự tích cực khi sau 2 năm liên tục báo lỗ thì đến năm 2022 công ty này đã có lời với mức lợi nhuận ròng đạt được là hơn 30 tỷ đồng.
Juno
Juno, một thương hiệu giày dép Việt Nam, được sáng lập bởi ba chàng trai Việt vào năm 2005. Juno chuyên cung cấp các sản phẩm thời trang như giày và túi xách cho phụ nữ, phục vụ cho mọi đối tượng từ sinh viên, người đi làm, đến doanh nhân và nhân viên văn phòng. Với số vốn ban đầu khá khiêm tốn, tuy nhiên sau 10 năm hoạt động, Juno vẫn chỉ là một cái tên không nổi bật trên thị trường da giày với chỉ 5 cửa hàng. Thay đổi diễn ra vào tháng 8/2015, khi founder Seedcom, cựu thành viên sáng lập Thế Giới Di Động, quyết định đầu tư vào Juno và tham gia vào quản lý công ty. Nhờ sự hỗ trợ này, Juno đã phát triển mạnh mẽ và dần khẳng định vị trí của mình trên thị trường. Chỉ trong vòng 4 năm, Juno đã mở rộng với 80 cửa hàng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chứng tỏ sự phát triển vượt bậc của thương hiệu.
Doanh thu thuần của Juno vào năm 2021 có sự giảm nhẹ, sau đó chuyển hướng tăng lên vào năm 2022, đạt hơn 550 tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, thương hiệu này có lợi nhuận thay đổi qua từng năm. Năm 2021, Juno ghi nhận mức lợi nhuận âm. Tuy nhiên, đến năm 2022 cùng với đà tăng trưởng của doanh thu, Juno ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế dương đạt hơn 5 tỷ đồng.
Bita’s
Công Ty Cổ Phần Sản Xuất Hàng Tiêu Dùng Bình Tân, được thành lập vào năm 1991 và sở hữu thương hiệu BITA’S, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh giày dép chất lượng cao.
Với dây chuyền sản xuất hiện đại, tiên tiến và chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn ISO, Công ty đã tạo ra một loạt sản phẩm phong phú và đa dạng. Các sản phẩm của BITA’S, bao gồm dép, sandal, giày công sở, giày thể thao, giày dép siêu nhẹ, và nhiều loại khác, được thiết kế đẹp và phù hợp với sở thích của người tiêu dùng. Chúng phục vụ cho mọi lứa tuổi và giúp người tiêu dùng dễ dàng kết hợp với nhiều loại trang phục khác nhau. Sản phẩm của BITA’S không chỉ được tiêu thụ tại Việt Nam mà còn được xuất khẩu đến nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Mỹ, các nước Châu Âu, Trung Quốc, Myanmar, Campuchia, và nhiều nơi khác. Tại thị trường trong nước, BITA’S đã xây dựng một hệ thống gồm 05 chi nhánh quản lý kinh doanh, hơn 1,000 trung gian phân phối trên toàn quốc, cùng với hệ thống cửa hàng lẻ tại các Trung tâm thương mại và các siêu thị lớn.
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, doanh thu thuần của Bita’s đã tăng gần 20%, đạt mức hơn 300 tỷ đồng vào năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này cũng ghi nhận sự cải thiện sau khoản thua lỗ đáng kể vào năm 2021 với lợi nhuận ròng đạt được là hơn 620 triệu đồng vào cùng kỳ năm 2022.
Giày Thượng Đình
Thương hiệu giày Thượng Đình, với lịch sử phát triển lâu đời từ năm 1957, đã trở thành một cái tên quen thuộc gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ người Việt. Ban đầu, Thượng Đình chỉ là một xưởng sản xuất thuộc Cục quân khu - Tổng cục Hậu cần có tên X30, chuyên về mũ cứng và dép cao su dành cho quân đội. Tuy nhiên, Thượng Đình nhanh chóng nổi tiếng với những đôi giày vải đơn giản nhưng bền bỉ, đã từng chiếm lĩnh thị trường giày giá rẻ và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như thể thao, bóng đá, hoạt động ngoài trời,… Sự đơn giản trong thiết kế cùng với đế giày làm từ cao su dẻo dai, bền chắc đã giúp Thượng Đình chiếm được cảm tình của đa dạng đối tượng và lứa tuổi. Trong thời gian hoàng kim, Thượng Đình đã trở thành một thương hiệu quốc dân, có mặt trong mọi gia đình Việt Nam. Dù có thời gian dường như đã bị lãng quên, nhưng vào năm 2023, Thượng Đình đã trở lại mạnh mẽ khi nhận được sự “lăng xê” từ nhiều người nổi tiếng.
Doanh thu thuần của Giày Thượng Đình có xu hướng chững lại qua các năm. Cụ thể, doanh thu thuần của doanh nghiệp này chỉ xoay quanh mức hơn 100 tỷ và không có nhiều biến động mặc dù doanh thu có tăng nhưng lượng doanh thu tăng lên rất khiêm tốn. Trái lại, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu này đã cho thấy dấu hiệu tích cực khi khoản lỗ giảm dần qua mỗi năm và trở lại mức lợi nhuận ròng dương, đạt mốc gần 120 triệu đồng vào năm 2022.
Vina Giầy
Vina Giầy, một thương hiệu giày nổi tiếng tại Việt Nam, được sáng lập vào ngày 06 tháng 6 năm 1990 và đặt trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vina Giầy là một trong những nhà sản xuất, kinh doanh và cung cấp giày dép hàng đầu cho thị trường trong nước và quốc tế. Sản phẩm của Vina Giầy đã được vinh danh với danh hiệu “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao” trong nhiều năm liền. Công ty cung cấp một loạt các sản phẩm, bao gồm giày công sở, giày dạ hội, giày thường nhật, giày sneaker, giày sandal và dép lê. Đặc biệt, hầu hết các sản phẩm của Vina Giầy đều được làm từ da thật, phục vụ cho cả nam giới và nữ giới.
Năm 2021, Doanh thu thuần của Vina Giầy cũng không nằm ngoài xu hướng giảm chung và sau đó tăng trở lại vào năm 2022, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm 2021, đạt mức hơn 30 tỷ đồng. Vina Giầy trải qua giai đoạn khó khăn trong kinh doanh khi không chỉ doanh thu thuần vào năm 2021 giảm mà lợi nhuận ròng trong năm này cũng giảm đáng kể với khoản lỗ gần 17 tỷ đồng và kết thúc năm 2022 với sự phục hồi nhẹ khi ghi nhận mức lợi nhuận ròng dương.
Giày Đông Hải
Đông Hải, một thương hiệu giày dép Việt Nam, được biết đến với chất liệu da cao cấp và luôn nhận được sự đánh giá cao từ khách hàng về chất lượng. Thương hiệu này bắt đầu hoạt động từ năm 1940 và với hơn 80 năm phát triển, Đông Hải đã không ngừng lớn mạnh và khẳng định vị trí của mình trong thị trường nội địa.
Đông Hải cung cấp một loạt các sản phẩm giày dép, phục vụ cho mọi tầng lớp người tiêu dùng và phù hợp với nhiều phân khúc giá từ thấp đến trung bình. Hiện nay, Đông Hải đã mở rộng hệ thống cửa hàng của mình trên toàn quốc, với tổng cộng 11 cửa hàng tại cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các cửa hàng của Đông Hải đều được thiết kế một cách trang nhã và tinh tế, tạo ra một không gian mua sắm thoải mái và thuận tiện cho khách hàng. Điều này không chỉ giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn sản phẩm mà còn mang đến cho họ trải nghiệm mua sắm tốt hơn.
Năm 2022 chứng kiến sự tăng mạnh trong doanh thu thuần của Đông Hải khi mức doanh thu thuần đạt được là hơn 16 tỷ đồng, tăng gần 600% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu này đạt hơn 90 triệu đồng vào năm 2022.
Nhìn chung, các doanh nghiệp giày Việt đã trải qua một năm 2021 đầy thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với sự cạnh tranh từ các thương hiệu giày nước ngoài khiến doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp giày Việt Nam đều sụt giảm.Tuy nhiên với sự kiên trì, linh hoạt và sáng tạo trong việc thích ứng với hoàn cảnh đã giúp các doanh nghiệp này không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn cho thấy sự phục hồi vào năm 2022, với doanh thu thuần và lợi nhuận ròng tăng trưởng. Điều này cho thấy sức mạnh tiềm ẩn của ngành công nghiệp giày, dép Việt Nam, cũng như khả năng thích ứng và phát triển của các doanh nghiệp trong ngành trước những thay đổi của thị trường. Dù vẫn còn nhiều thách thức phía trước, song thị trường nội địa Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cho các doanh nghiệp sản xuất giày nội địa, nhờ vào nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ, sự nhận biết tốt hơn về chất lượng sản phẩm và khả năng chi trả cao hơn của người tiêu dùng. Để tận dụng tối đa những cơ hội này, các doanh nghiệp cần phải tập trung vào việc tăng cường nguồn lực của mình, cải tiến chất lượng sản phẩm, và đầu tư cho chiến lược kinh doanh và marketing. Với những bước tiến đã thể hiện, chúng ta có thể tin tưởng vào triển vọng tươi sáng của ngành công nghiệp giày, dép nội địa Việt Nam trong tương lai.
Nguồn: Báo cáo ngành sản xuất giày, dép Việt Nam 2022 của Vietdata.
Comments