top of page

Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động logistics trong khu vực châu Á

Với tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn ở mức hai con số, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động logistics trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.



Ngày 15.7, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã khai mạc Hội nghị thường niên Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA).


Sự kiện thu hút gần 300 doanh nghiệp logistics quốc tế là các nhà cung cấp dịch vụ logistics từ 50 quốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các doanh nghiệp quan tâm tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển logistics của khu vực này.


Phát biểu tại phiên họp toàn thể này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, với vị trí địa chính trị đặc biệt, nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động logistics trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả, thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines.


Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730,2 tỉ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021.


Dịch vụ logistics không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế.


"Trong bối cảnh ngành dịch vụ logistics đang đối mặt với nhiều thay đổi khó lường và sự phát triển của khoa học công nghệ, xu hướng toàn cầu hóa đang mở ra nhiều cơ hội mới cùng với những thách thức cho ngành logistics, hội nghị lần này là cơ hội quý báu để các Hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics và xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước trong khu vực có dịp gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh cũng như chia sẻ những kinh nghiệm phát triển dịch vụ logistics mở ra cơ hội thúc đẩy xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.


Tôi hy vọng chúng ta sẽ có những thảo luận sâu sắc và xây dựng được nhiều mối quan hệ hợp tác kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành dịch vụ logistics Việt Nam sớm đưa Việt Nam trở thành một trung tâm dịch vụ logistics mới, góp phần tích cực cho sự thịnh vượng chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương" - Thứ trưởng Tân chia sẻ.


Ngoài các chương trình nghị sự quan trọng, nhiều hoạt động bên lề được tổ chức trong khuôn khổ thời gian sự kiện nhằm kết nối giao lưu doanh nghiệp trong và ngoài nước như B2B giữa hơn 100 doanh nghiệp chiều 13.7, nhiều hợp tác giữa các doanh nghiệp đã được cam kết, đã tạo ra cơ hội phát triển của các doanh nghiệp logistics vùng châu Á – Thái Bình Dương.


(Lao Dong)


Comments


bottom of page