top of page

Vén màn bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp dầu khí

Giá dầu khí thế giới duy trì thấp hơn kế hoạch và bão lũ diễn biến phức tạp ở trong nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của một số doanh nghiệp ngành dầu khí.


Giá dầu biến động mạnh là rủi ro lớn với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thương mại xăng dầu
Giá dầu biến động mạnh là rủi ro lớn với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thương mại xăng dầu

Giá xăng dầu trong nước giảm mạnh lần thứ 9 liên tiếp từ đầu năm tới nay đã gây khó khăn lớn cho công tác điều hành kinh doanh của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil, mã OIL). Thêm vào đó, cơn bão số 3 và hiện tượng lũ quét và sạt lở đất sau bão diễn ra tại các tỉnh miền Bắc đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng kinh doanh của Tổng công ty. Các đơn vị của PVOil tại khu vực phía Bắc đều bị ảnh hưởng bởi bão lũ như đổ cột bơm, sập tường, mái che, một số kho/ cửa hàng xăng dầu của PVOil bị ngập nước phải ngừng xuất bán hàng khiến sản lượng và hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty và các đơn vị thành viên bị sụt giảm nghiêm trọng.


Doanh thu toàn Tổng công ty nửa đầu tháng 9 ước đạt 3.800 tỷ đồng, luỹ kế 8,5 tháng đầu năm ước đạt hơn 93.000 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất nửa đầu tháng 9 ước đạt 3.450 tỷ đồng, luỹ kế 8,5 tháng đầu năm ước đạt hơn 89.000 tỷ đồng, hoàn thành 152% kế hoạch năm và tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu công ty mẹ nửa đầu tháng 9 ước đạt 3.300 tỷ đồng, luỹ kế 8,5 tháng đầu năm đạt 64.000 tỷ đồng, hoàn thành 161% kế hoạch 8,5 tháng và tăng 15% so với cùng kỳ.


Tình hình thị trường bất lợi đã ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu tháng 9 của PVOil ước đạt khoảng 1 tỷ đồng. Luỹ kế 8,5 tháng đầu năm, PVOil ước lãi 480 tỷ đồng; trong đó, công ty mẹ ước lãi 395 tỷ đồng và các công ty con ước lãi 165 tỷ đồng.


Cơn bão số 3 và mưa lũ tại miền Bắc cũng ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (mã DPM) trong tháng 9 vừa qua. Tại miền Bắc, DPM bị đóng băng giao dịch trên kênh thương mại. Hệ thống phân phối của Tổng công ty phải tập trung phòng chống lũ, hạn chế rủi ro hàng hóa. Trong khi đó, kênh sản xuất giao dịch cầm chừng, không có đột biến.


Tại khu vực miền Trung, do hết vụ và bắt đầu bước vào mùa mưa bão, nhu cầu tiêu thụ phân bón thấp. Thị trường phân bón giao dịch chậm, giá urê có xu hướng giảm.


Tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, do ảnh hưởng của mưa bão, tiến độ bón phân đợt 3 cho cây cà phê, cây công nghiệp bị gián đoạn. Thông tin thị trường ghi nhận chào giá các loại urê tại kho cảng đầu mối giảm nhẹ từ 50 - 200 đồng/kg tùy loại (đặc biệt là hàng nhập khẩu), giao dịch chậm.


Tương tự, tại khu vực Tây Nam Bộ, mưa liên tục đã ảnh hưởng đến việc giao hàng, bên cạnh đó do nhu cầu mùa vụ không cao nên giá phân bón có xu hướng giảm.


Trong nửa đầu tháng 9, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm urê Phú Mỹ, NPK Phú Mỹ, NH3, UFC của DPM ước tính lần lượt đạt 58%, 56%, 50% và 50% kế hoạch tháng. Tổng doanh thu ước đạt 514,3 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch tháng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 2,8 tỷ đồng, chỉ đạt 6% kế hoạch tháng.


Tuy nhiên, do tình hình kinh doanh 8 tháng đầu năm khá thuận lợi, do giá bán và nhu cầu phân bón phục hồi, nên kết quả kinh doanh 8,5 tháng đầu năm 2024 của DPM khá tích cực. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ urê Phú Mỹ giai đoạn này ước đạt 75% kế hoạch cả năm, NPK Phú Mỹ đạt 79% năm, NH3 đạt 64%, UFC 85 đạt 77%. Theo đó, doanh thu ước đạt 9.732,1 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 666,5 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm.


Tại Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM), sản lượng sản xuất urê quy đổi trong tháng 9 là 67.410 tấn, đạt 90% kế hoạch tháng và tương đương 82% cùng kỳ năm trước. Sản lượng sản xuất NPK trong tháng 9 ước đạt 11.050 tấn, đạt 90% kế hoạch tháng và tương đương 160% cùng kỳ.


Tuy vậy, sản lượng tiêu thụ và kết quả kinh doanh tháng 9 của DCM khá tích cực so với kế hoạch. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ urê tháng 9 đạt 80.000 tấn, đạt 143% kế hoạch tháng và tương đương 207% cùng kỳ; sản lượng tiêu thụ NPK trong tháng ước đạt 25.000 tấn, đạt 203% kế hoạch tháng, tương đương 136% cùng kỳ.


Ước tính trong tháng 9, DCM ghi nhận doanh thu 1.472,77 tỷ đồng, đạt 171% kế hoạch tháng và bằng 157% cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế trong tháng ước đạt 78,98 tỷ đồng, đạt 130% kế hoạch tháng và tương đương 99% cùng kỳ năm trước.


Với Tổng công ty Khoan và dịch vụ Khoan dầu khí (PVDrilling, mã PVD), kết quả kinh doanh ngắn hạn không bị tác động bởi diễn biến tiêu cực của giá dầu, do các hợp đồng cung cấp dịch vụ khoan đều ký dài hạn. Mới đây, Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - công ty mẹ của PVDrilling đã chấp thuận các số liệu kinh doanh 9 tháng đầu năm của Tổng công ty, với doanh thu 6.277 tỷ đồng, tăng 38% so với kế hoạch 9 tháng và tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận trước thuế 668 tỷ đồng, tăng 107% so với kế hoạch 9 tháng và tăng 54% so với cùng kỳ năm 2023.


PVDrilling cho biết, kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm cao hơn so với kế hoạch 9 tháng cũng như cùng kỳ năm trước là nhờ đơn giá cho thuê giàn khoan cao hơn kế hoạch và cùng kỳ năm trước. Hiện 4 giàn khoan của Tổng công ty đều hoạt động với công suất tốt, ổn định.


(tinnhanhchungkhoan)


Comentarios


bottom of page