Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp xi măng dần hồi phục sau khi bị đình trệ suốt quý 3. Sản lượng xuất khẩu duy trì đà tăng, tiêu thụ nội địa phục hồi trở lại vào tháng 9 năm 2021. Trước sức ép của nguyên liệu đầu vào, giá bán xi măng trong nước tăng 50.000 - 90.000 đồng / tấn trong T10 (tương đương 4 - 5%)
Tiêu thụ
Tiêu thụ xi măng của toàn ngành trong 3 quý đầu năm 2021 đạt 78,99 triệu tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu chiếm 42,1%, tiêu thụ nội địa chiếm 57,9% tổng tiêu thụ toàn ngành.
Trong cả Q3 - 2021, tiêu thụ nội địa sẽ chỉ đạt khoảng 63% mức tiêu thụ của Q2. Trong khi hoạt động xuất khẩu dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, và vẫn là “cứu cánh” cho toàn ngành, giải quyết phần nào áp lực hàng tồn kho.
Trong T10-2021, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp dần hồi phục sau khi bị đình trệ suốt quý 3. Sản lượng sản xuất trong tháng tăng 16% so với cùng kỳ, nhưng vẫn giảm 6% so với tháng 10/2020.
Xuất khẩu T10 vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, đạt gần 4,2 triệu tấn, tăng 1,9% so với T10-2020. Mặc dù chưa có số liệu chính thức về tiêu thụ nội địa T10 nhưng theo ước tính sơ bộ của Hiệp hội Xi măng, tiêu thụ nội địa tiếp tục phục hồi tích cực. Tính riêng trong tháng 9-2020, tiêu thụ nội địa đạt 3,68 triệu tấn, tăng 5,2% so với tháng 9, mặc dù mức này vẫn thấp hơn 24% so với tháng 9-2020, nhưng cũng cho thấy sự phục hồi sớm hơn so với những lo ngại trước đó.
Giá bán trong nước
Kể từ khi giá bán tăng nhẹ vào T04 (tương đương tăng 30.000 - 40.000 đồng / tấn), giá bán xi măng vẫn ổn định cho đến T10.
Tuy nhiên, sức tiêu thụ sẽ tăng trở lại trong Q4 nhờ sự thúc đẩy đầu tư công (đặc biệt vào các dự án giao thông trọng điểm). Trong khi đó, áp lực giá nguyên liệu than vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ tạo sức ép lên giá xi măng. Do đó, từ cuối tháng 10, một số nhà máy đã điều chỉnh tăng giá bán xi măng trong nước ~ thêm 50.000 - 90.000 đồng / tấn tùy thương hiệu (tương đương tăng 4-5,5%).
Như vậy, sau hai lần tăng từ đầu năm 2021, giá xi măng trong nước đã tăng tổng cộng 8% -10% tùy từng thương hiệu.
Xuất khẩu
Tính chung 10 tháng năm 2021, sản lượng xuất khẩu đạt 37,5 triệu tấn (tăng 18,3%), trị giá 1.438 triệu USD (tăng 22,0%) so với cùng kỳ. Sau đợt sụt giảm trong tháng 05 và tháng 06, hoạt động xuất khẩu nhìn chung tăng trưởng trở lại trong Quý 3 nhờ nhu cầu nhập khẩu lớn từ thị trường Trung Quốc; bù đắp những khó khăn của thị trường trong nước. Trong T10, xuất khẩu vẫn duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, tuy có giảm nhẹ so với tháng trước gần 4,2 triệu tấn. Ngoài ra, giá xuất khẩu cũng tăng nhẹ kể từ tháng 9.
Đáng chú ý, nhu cầu nhập khẩu xi măng của Trung Quốc tăng mạnh trở lại, đạt mức cao kỷ lục trong hai tháng 9 và 10 (đều trên 3 triệu tấn / tháng). Giá xuất khẩu sang thị trường này cũng liên tục tăng, đạt ~ 38,1 USD / tấn trong T10, và thu hẹp khoảng cách với giá xuất khẩu bình quân (39,0 USD / tấn).
Triển vọng 2 tháng cuối năm 2021
Tiêu thụ nội địa được dự báo sẽ phục hồi khi các dự án bất động sản, cơ sở hạ tầng và các công trình giao thông trọng điểm được khởi động trở lại, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xi măng.
Xuất khẩu được hỗ trợ bởi một thị trường lớn như Trung Quốc, do quốc gia này đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng điện năng, và xi măng cũng là một trong những ngành mà quốc gia này đang hạn chế sản xuất, giảm lượng khí thải.
Nguồn: Trích Báo cáo ngành Xi măng tháng 11 năm 2021 của Vietdata
Comentários