Bước qua giai đoạn phục hồi ấn tượng những tháng qua, các doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt với áp lực lớn từ lạm phát trên toàn cầu. Nhu cầu tiêu dùng giảm sút, sức mua giảm tại nhiều thị trường xuất khẩu gây ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của doanh nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 9 đã giảm gần 1,2 tỷ USD tương ứng với mức giảm 27% so với tháng 8, xuống chỉ còn 3,2 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu ghi nhận giảm ở các thị trường lớn từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc…
Theo Báo cáo Ngành dệt may và da giày mới đây của Vietdata, triển vọng đơn hàng cho quý IV/2022 và 1H/2023 không mấy khả quan, do lạm phát ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng và lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao.
Theo đó, số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 giảm hơn 25-50% so giai đoạn tăng trưởng mạnh vào quý II/2022, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao. Chia sẻ của doanh nghiệp cho hay, trước đây có thể nhận đơn hàng trước từ 5-6 tháng, nhưng với biến động thị trường hiện nay, doanh nghiệp chỉ có thể nhận đơn hàng trước từ 2-3 tháng. Theo SSI, việc giảm sút đơn hàng sẽ ảnh hưởng mạnh hơn đối với doanh nghiệp có khách hàng chủ yếu ở Hoa Kỳ và châu Âu, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có xu hướng giảm, nhưng ở mức độ thấp hơn.
Trước đó, GIL chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng trong doanh thu hàng tháng trong quý III/2022, khi doanh thu tháng 6/2022 giảm 60% so với cùng kỳ, và doanh thu tháng 7/2022 giảm 83% so với cùng kỳ, do công ty phụ thuộc nhiều vào một khách hàng lớn.
Hiện các doanh nghiệp đang tìm biện pháp đa dạng hoá từ nguồn cung đến thị trường xuất khẩu. Từ đó, vừa đảm bảo ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng, xuất khẩu bền vững hơn.
Dưới góc nhìn của giới phân tích, một trong những khó khăn, thách thức nữa mà các doanh nghiệp dệt may trong nước phải đối mặt là tỷ giá hối đoái.
Chuyên viên Nguyễn Đức Hảo, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, đồng tiền chung của khu vực châu Âu đã liên tục giảm giá do lo ngại về suy thoái đến từ vấn đề nguồn cung năng lượng của châu Âu, khi Nga đe dọa sẽ giảm cung cấp khí đốt cho Đức và nhiều nước khác. Doanh nghiệp có thể giảm lãi, thậm chí lỗ do chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Cùng nhận định này, chuyên gia phân tích của SSI cũng cho rằng, dù hầu hết công ty dệt may ghi nhận doanh thu bằng USD, nhưng nhiều chi phí cũng được tính bằng USD như chi phí nguyên vật liệu, chi phí logistics và chi phí lãi vay… Khi triển vọng bán hàng trở nên ảm đạm, trong khi tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2022, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có chi phí bằng USD cao.
BÁO CÁO NGÀNH DỆT MAY VÀ DA GIÀY - SỐ THÁNG 10/2022
Comments