top of page

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự báo năm 2022 đạt 53 tỷ USD, vượt kỷ lục năm 2021

Xuất khẩu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam qua 11 tháng đầu năm 2022 đã chạm mốc 49 tỷ USD, vượt con số kỷ lục của cả năm 2021 là 48,6 tỷ USD. Nếu duy trì đà này thì dự báo xuất khẩu cả năm sẽ đạt 53 tỷ USD.


11 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chạm mốc 49 tỷ USD


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta ước đạt trên 4,27 tỷ USD, giảm gần 5% so với cùng kỳ năm trước.


Dù tháng 11 xuất khẩu giảm nhẹ, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 11 tháng của năm 2022 đã chạm mốc 49 tỷ USD, vượt con số kỷ lục của cả năm 2021 (48,6 tỷ USD).


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, con số ấn tượng này có sự góp phần không nhỏ của ngành thủy sản, khi lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản của nước ta chạm mốc 10,14 tỷ USD (tăng 27%).


11 tháng qua, 8 mặt hàng/nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD và giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê đạt 3,5 tỷ USD (tăng 31,5%); cao su đạt 2,9 tỷ USD (tăng 3,2%); gạo đạt 3,2 tỷ USD (tăng 6,9%); cá tra đạt 2,2 tỷ USD (tăng 61%); tôm đạt 4,1 tỷ USD (tăng 14,6%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,6 tỷ USD (tăng 9%)…


Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng của năm 2022 đã chạm mốc 49 tỷ USD, vượt con số kỷ lục của cả năm 2021 (48,6 tỷ USD)


Về thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam, châu Á vẫn đứng số một với 44,7% thị phần; tiếp đến là châu Mỹ: 27,4%; châu Âu: 11,3%; châu Đại Dương: 1,7% và châu Phi: 1,7%.


Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam khi đạt 12,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần. Đứng thứ hai là Trung Quốc với khoảng 9,3 tỷ USD, chiếm 18,9% thị phần; thứ ba là Nhật Bản với giá trị đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 7,9% thị phần...


Kết quả này có được là nhờ Việt Nam đã mở cửa rất nhiều thị trường khó tính cho nông sản để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm.


Doanh nghiệp đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để tạo ra lợi nhuận cao hơn. Tư duy thị trường đã bắt đầu bén rễ, sản xuất ra những sản phẩm thị trường yêu cầu, bán cái thị trường cần đã được doanh nghiệp và người nông dân quan tâm.


Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới còn nhiều thách thức, do Trung Quốc chưa bỏ hoàn toàn chính sách "Zero Covid". Cùng với đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng như đồng Baht của Thái Lan mất giá hơn so với đồng Việt Nam và đồng USD, nên Trung Quốc đang có xu hướng nhập khẩu nhiều các sản phẩm của Thái Lan hơn.


Các nước Liên minh châu Âu (EU) truy xuất nguồn gốc nguyên liệu gỗ rất nghiêm ngặt, nên xuất khẩu viên nén gỗ từ Việt Nam sang EU vẫn còn khiêm tốn. Tiêu chuẩn viên nén của EU hiện cao hơn hàng xuất khẩu đi Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải đầu tư lớn để cải thiện thiết bị và công nghệ.


Mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn và tiềm năng


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng và các yêu cầu tạm thời đối với chanh leo sang Trung Quốc, yêu cầu nhập khẩu đối với bưởi xuất sang Mỹ cho các tổ chức, cá nhân liên quan tại các địa phương.


Đặc biệt, Bộ sẽ đàm phán các nội dung kỹ thuật để sớm ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài xuất khẩu sang Trung Quốc. Phối hợp kiểm tra trực tuyến hằng tuần với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đối với mặt hàng chuối và sầu riêng.


Đồng thời, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn và tiềm năng khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Úc, New Zealand…


Các đơn vị chuyên môn làm việc với thanh tra kiểm dịch thực vật Nhật Bản sang kiểm tra các cơ sở xử lý thanh long, xoài, nhãn của Việt Nam nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm này.


(Tạp chí Kinh tế và Dự báo)



Báo cáo ngành thủy sản số tháng 12/2022


Comments


bottom of page