top of page

Xuất khẩu phân bón chính thức chạm mốc 1 tỷ USD

11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu phân bón đã chính thức chạm mốc hơn 1 tỷ USD, gấp gần 2,2 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là thành tích xuất khẩu cao nhất của ngành phân bón cho đến thời điểm này.


Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11 xuất khẩu phân bón đạt 94.104 tấn, tương đương 56 triệu USD, giảm 41% về lượng và giảm 36,5% về giá trị so với tháng 10.


Lũy kế 11 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón đạt gần 1,6 triệu tấn với kim ngạch hơn 1 tỷ USD, tăng 34% về lượng và gấp gần 2,2 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.


Như vậy sau 11 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu phân bón đã vượt 84% kết quả xuất khẩu của cả năm 2021 với 559 triệu USD. Con số hơn 1 tỷ USD cũng là thành tích xuất khẩu cao nhất của ngành phân bón cho đến thời điểm này.

Nguồn: Tổng cục Hải quan


Trong tháng 11 giá xuất khẩu phân bón đã tăng 44 USD/tấn so với tháng 10 và giảm 22% so với mức đỉnh tháng 1, xuống còn 592 USD/tấn. Như vậy, giá phân bón xuất khẩu đã lấy lại đà tăng sau 4 tháng liên tiếp lao dốc.


Bình quân 11 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu phân bón đã tăng 59% so với cùng kỳ năm 2021, lên mức bình quân 624 USD/tấn.


Tại đối thoại "Điều hành tỷ giá USD-VND: Ổn định kinh tế vĩ mô", ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết xuất khẩu phân bón năm 2022 có thể ghi nhận kỷ lục sản lượng với 1,7 triệu tấn, kim ngạch trên 1,5 tỷ USD.


Đại diện Hiệp hội cho biết công suất thiết kế của các nhà máy phân bón trong nước khoảng 30 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ khoảng 11 triệu tấn. Trước tình trạng dư thừa công suất, hiệp hội này đang đề xuất tăng xuất khẩu phân bón để phát huy khả năng của các doanh nghiệp.


Thực tế, nửa đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón khá thuận lợi vì xung đột Nga – Ukraine đã đẩy giá lên cao, các quốc gia cũng gấp rút tìm mua hàng hóa, chuẩn bị cho vụ mùa.


Bước sang nửa cuối năm, xuất khẩu phân bón đã chững lại, doanh nghiệp sản xuất phải chịu thêm áp lực của tỷ giá, lãi suất cao do phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.


Ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết tỷ giá tăng khiến nguyên liệu nhập khẩu đầu vào của nhiều doanh nghiệp tăng, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trở nên nhiều hơn. Trong khi đó, lãi suất cho vay quá cao trong khi lợi nhuận đi xuống khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ càng khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, thậm chí có những doanh nghiệp phải đi vay nóng để xử lý những vấn đề sản xuất, tiền lương.


Đại diện Hiệp hội Phân bón kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét và điều chỉnh lãi suất, doanh nghiệp có tiếp cận được vốn mới có thể phát triển và nền kinh tế mới thực hiện được những chỉ tiêu năm 2023.


Nguồn: Vietnambiz

Commentaires


bottom of page