Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản đang bị động do giảm đơn hàng từ nhiều thị trường, việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành này trong năm 2023.
Nguồn: Internet
Tăng chế biến sâu
Trong năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đã có một năm phục hồi và tăng trưởng vượt bậc, mặc dù có nhiều biến động vào nửa cuối năm.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã cán đích 1 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021. Đây là mức kỷ lục của ngành thủy sản Việt Nam trong hơn 20 năm xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, trước những biến động thị trường, chiến lược của ngành thủy sản năm 2023 sẽ chuyển dần từ khai thác, đánh bắt sang nuôi trồng, chế biến sâu để duy trì đà tăng trưởng bền vững. Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 10 tỷ USD, với tổng sản lượng đạt khoảng 8,74 triệu tấn, bằng 96,7% so với ước thực hiện năm 2022. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn, nuôi trồng 5,16 triệu tấn.
Trong bối cảnh khó khăn kéo dài từ những tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức như biến động tiền tệ, đặc biệt là những khoản nợ phải trả bằng USD và áp lực cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp đối thủ - đặc biệt là các nhà xuất khẩu tôm. Với những sản phẩm thay thế có mức giá hợp lý hơn, người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu trước áp lực lạm phát, và xuất khẩu cá tra duy trì đà tăng trưởng tốt hơn xuất khẩu tôm.
Trong báo cáo mới đây, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư của Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, năm 2023 lạm phát sẽ tiếp tục là một thách thức đối với ngành thủy sản trong bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm. Mặc dù các sự kiện lớn mang tính mùa vụ đang đến, nhưng những sự kiện này sẽ không làm giảm lượng hàng tồn kho đang ở mức cao. SSI dự báo hàng tồn kho sẽ được xử lý hoàn toàn trong quý 3/2023, với các đơn đặt hàng bắt đầu nhận được vào thời điểm này.
Để xuất khẩu thủy sản giảm bớt sự phụ thuộc vào các sản phẩm đông lạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các doanh nghiệp cần tăng cường chế biến sâu thủy sản gắn liền với công tác xuất khẩu sẽ là giải pháp chiến lược của ngành hàng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng với những khó khăn và thách thức hiện nay ở một số thị trường xuất khẩu thì ngành thủy sản cần phải chú trọng đến các giải pháp, trong đó, tăng cường chế biến sâu; nguồn nguyên liệu phải truy xuất được nguồn gốc; xúc tiến thương mại với các thị trường một cách linh hoạt thông qua 17 FTA thế hệ mới.
Kỳ vọng thị trường Trung Quốc
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành vào năm 2023. Mặc dù cần thêm thời gian để đánh giá tác động định lượng của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với hoạt động xuất khẩu cá tra, điều này sẽ có lợi cho doanh thu của ngành vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, thuỷ sản Việt Nam đã có thị phần tại các tỉnh có lượng tiêu thụ lớn như Sơn Đông, Thượng Hải, Liêu Ninh, Phúc Kiến, Bắc Kinh và Thiên Tân. Các địa phương này chiếm 87% tổng kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc. Tính riêng tỉnh Sơn Đông, một năm tỉnh này nhập khẩu 4 tỷ USD thuỷ sản. Theo ông Hoè, để gia tăng XK vào Trung Quốc, thời gian tới cần có biện pháp đặc thù để tiếp thị vào thị trường Trung Quốc một cách hiệu quả hơn so với hiện nay. Trong đó, thiết lập cơ quan bán hàng trực tiếp của người Việt. Tuy nhiên, cần xem xét chọn lựa địa phương nào phù hợp.
Trung Quốc là một thị trường nhạy cảm về giá và giá bán bình quân sang thị trường này luôn ở mức thấp hơn khoảng 40% so với giá bán bình quân sang thị trường Mỹ. SSI Research cho rằng doanh thu từ thị trường Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu từ Mỹ và EU, nhưng không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty trong nửa đầu năm 2023.
Các chuyên gia của SSI nhận định: “Chúng tôi vẫn quan ngại về mức độ không chắc chắn xung quanh các chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại, chúng tôi dự báo lợi nhuận của các công ty cá tra sẽ giảm trong năm 2023”.
(VCN)
Xem thêm: Báo cáo ngành Thủy sản
Commentaires