top of page

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 1/2023 giảm 31%

Tháng 1/2023, tiếp nối xu hướng của quý cuối năm trước, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tiếp tục giảm sâu. Ước tính trong tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm 31%, đạt khoảng 600 triệu USD. Cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%. Riêng mặt hàng mực và các loại cá biển khác duy trì được mức tăng trưởng dương lần lượt là 4% và 6%.


Cột mốc lịch sử 11 tỷ USD của ngành xuất khẩu thủy sản vào năm 2022 đã nhiều lần được các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và giới truyền thông nhắc đến trong những ngày đầu năm 2023 với niềm hân hoan, tự hào. Tuy nhiên, có được thành công này là nhờ 3 quý đầu năm tăng trưởng liên tục ở mức cao từ 34 -46% so với năm 2021. Sang quý IV, xu hướng xuất khẩu đảo chiều tăng trưởng âm hơn 9% và giảm sâu ở tất cả các ngành do tác động của lạm phát.


Tháng 1/2023, theo xu hướng của quý cuối cùng của năm trước cộng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm mạnh. Ước tính trong tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm 31%, đạt khoảng 600 triệu USD. Cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%, đặc biệt mực và bạch tuộc duy trì mức tăng trưởng dương 4%, các loại cá biển khác tăng 6%.


Xuất khẩu sang các thị trường chính trong tháng 1/2023 đều giảm mạnh, trong đó Mỹ giảm 56%, TQ - HK giảm 55%, EU giảm 35%.


Nguồn: Internet


Những tháng đầu năm, bức tranh xuất khẩu thủy sản chưa thể sáng sủa hơn, nhất là khi kinh tế thế giới được dự báo sẽ suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nhu cầu không thể giảm quá mạnh. Sẽ có sự điều chỉnh nhu cầu theo phân khúc sản phẩm. Theo đó, lợi thế sẽ nghiêng nhiều hơn về hàng bình dân vì phù hợp với người tiêu dùng có thu nhập thấp hoặc trung bình, nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lạm phát.


Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro. Căng thẳng Nga-Ukraine có thể gia tăng, khả năng xảy ra chiến tranh thương mại xuyên Đại Tây Dương tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản tại các thị trường lớn. Bối cảnh đó cũng có thể là cơ hội để thủy sản Việt Nam tăng nguồn cung cho thị trường Mỹ, Trung Quốc và EU.


Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa mang đến hy vọng lớn về sự phục hồi nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà còn ở các thị trường khác trên thế giới. Sự phục hồi sẽ rõ ràng hơn từ quý II/2023.


Bên cạnh đó, các chuyên gia tỏ ra lạc quan với những thị trường được đánh giá sẽ có tăng trưởng kinh tế trong năm nay như châu Á, Trung Đông…


Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp thủy sản phải đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì ổn định sản xuất, cung ứng nguyên liệu để đẩy nhanh sản xuất khi thị trường tiêu thụ phục hồi. Các doanh nghiệp thủy sản có thể tận dụng lợi thế của từng ngành về yếu tố nguồn cung và thị trường tiêu thụ bằng cách nắm bắt thông tin và dự báo thị trường.


Các điều kiện về môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng đang dần được cải thiện theo hướng hỗ trợ nhiều hơn cho sản xuất và xuất khẩu. Một thông tin nổi bật là việc cập nhật cơ sở hạ tầng, logistics phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tại vùng trọng điểm ĐBSCL. Ngày đầu năm mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát các dự án giao thông trọng điểm vùng ĐBSCL và yêu cầu đến năm 2026 ĐBSCL phải có 554 km đường cao tốc. Đây là một tin vui cho sự phát triển kinh tế của vùng, nhất là ngành thủy sản. Đây cũng được kỳ vọng là động lực, điều kiện thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu thủy sản thời gian tới.


Ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới 2023, không khí phấn khởi của nông, ngư dân và nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng cho thấy sự lạc quan trước sự phục hồi của thị trường tiêu thụ cũng như sự ổn định của xuất khẩu thủy sản. Với tinh thần đó, ngành thủy sản kỳ vọng nhu cầu phục hồi và đơn hàng gia tăng từ quý II/2023.


(VASEP)




Báo cáo ngành Thủy sản - số tháng 12/2022


Comments


bottom of page