Nhu cầu hạt tiêu sẽ giảm mạnh vào quý I/2023 với mùa Đông rất khó khăn ở khu vực EU, do cuộc khủng hoảng năng lượng. Thời điểm này trùng với hàng vụ mới của Việt Nam được đưa ra thị trường.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cuối năm 2022, giá hạt tiêu thế giới giảm khoảng 5% do các nước châu Âu và Mỹ bước vào kỳ nghỉ Giáng Sinh và năm mới 2023. Trong khi đó, mùa vụ thu hoạch hạt tiêu tại tỉnh Đắk Nông (Việt Nam) bắt đầu, dự kiến sẽ có một nguồn hàng đáng kể vào trước dịp Tết Nguyên đán. Điều này sẽ làm tăng áp lực lên giá hạt tiêu thế giới.
Theo đó, tại Brazil, ngày 23/12, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 125 USD/tấn so với ngày 29/11, xuống 2.500 USD/tấn.
Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 23/12 giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 188 USD/tấn so với ngày 29/11, xuống còn 3.589 USD/ tấn.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo năm 2023, giá hạt tiêu thế giới tiếp tục chịu sức ép giảm do nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp, nguồn cung dồi dào. Hiện vụ thu hoạch hạt tiêu vụ mùa năm 2023 tại Việt Nam đã bắt đầu tại một số địa phương. Qua Tết Nguyên Đán sẽ bắt đầu mùa vụ thu hoạch chính và kéo dài đến hết tháng 4. Dự kiến sản lượng hạt tiêu vụ mùa năm 2023 sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2022, đạt 180.000 – 185.000 tấn.
Cơ quan này cũng cho rằng năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong bối cảnh giá thế giới chịu áp lực do nhu cầu tiêu thụ thấp. Nhu cầu hạt tiêu sẽ giảm mạnh vào quý I/2023 với mùa Đông rất khó khăn ở khu vực EU, do cuộc khủng hoảng năng lượng. Thời điểm này trùng với hàng vụ mới của Việt Nam được đưa ra thị trường.
Năm 2022, ngành hạt tiêu của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ giảm. Do đó, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc giảm.
Theo ước tính, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam năm 2022 đạt 226 nghìn tấn, trị giá 963 triệu USD, giảm 13,3% về lượng, nhưng tăng 2,7% về trị giá so với năm 2021.
Cục Xuất khẩu cho rằng trong năm 2023 ngành hạt tiêu Việt Nam cần tăng khả năng hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về các khía cạnh như dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm mới giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
(VietnamBiz)
Xem thêm: Báo cáo ngành Nông sản
Комментарии