top of page

Áp lực cạnh tranh thị trường ví điện tử - Thị phần dự kiến dịch chuyển sau khi Moca rời đi


Những "key players" trong thị trường ví điện tử
Thị trường ví điện tử đã ghi nhận cái tên đầu tiên rời khỏi cuộc đua

Thị trường Fintech bao gồm ví điện tử dự kiến sẽ đối mặt với những áp lực cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới. Giờ đây ví điện tử không chỉ chịu sức ép cạnh tranh trong ngành mà còn phải trực tiếp đối mặt với công nghệ số hóa của ngân hàng thương mại. Ngân hàng nhà nước đã ban hành Quyết định 2345 về xác thực dữ liệu sinh trắc học khớp đối với những giao dịch ví điện tử có giá trị cao, điều này được đánh giá là cơ hội cũng đồng thời là thách thức cho ví điện tử để chạy đua với công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao của các ngân hàng.


Sức ép cạnh tranh ngày một lớn và thị trường ví điện tử đã ghi nhận cái tên đầu tiên rời khỏi cuộc đua. Ví điện tử đình đám một thời gắn liền với siêu ứng dụng Grab là Moca đã thông báo ngừng cung cấp dịch vụ từ ngày 01/07. Động thái thoái lui của ví điện tử Moca sau một chuỗi thời gian dài đốt tiền cho khâu tiếp thị đã khiến nhiều người hoài nghi về hiệu quả hoạt động bền vững của ngành ví điện tử. 


Mặt khác, các ngân hàng thương mại cho thấy sự thích nghi tốt với chuyển đổi số. Những sản phẩm tài chính trên nền tảng công nghệ số liên tục được ra mắt. Ứng dụng chuyển đổi số tốt giúp ngành ngân hàng thu hẹp ranh giới về công nghệ đối với ví điện tử. Ngày nay ngân hàng có thể đáp ứng hầu hết các tiện ích số hóa tương tự như một ví điện tử.  


Giai đoạn thâm nhập thị trường đã “rút cạn tiền” của các “ông lớn” đầu ngành như VNPAY, MoMo, ZaloPay. Chiến lược tiếp thị tung ra dày đặc, doanh thu không đủ bù đắp chi phí dẫn đến lợi nhuận lũy kế âm đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra quan điểm đây là “cuộc cạnh tranh xuống đáy”. Cần chú trọng hơn vào chất lượng dịch vụ, sự an toàn và trải nghiệm của khách hàng để phát triển dài hạn. Những giá trị cốt lõi doanh nghiệp tạo ra phải là điều khiến khách hàng tin tưởng sử dụng và ở lại lâu dài. Moca rút lui là minh chứng rõ ràng nhất cho việc phát triển bền vững cần được ưu tiên. Đặc biệt, trong thời kỳ mà ví điện tử phải cạnh tranh với cả ngành Fintech. 


Quyết định 2345/QĐ-NHH về xác thực dữ liệu sinh trắc học sẽ là cơ hội đồng thời là thách thức. Thêm một lớp bảo mật an toàn hơn sẽ giúp các ví điện tử nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, bảo đảm an toàn tài sản của khách hàng. Song song đó là thách thức khi yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và dịch vụ hiện đại để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số. Để đứng vững trên thị phần của mình, tăng cường đầu tư về nhân lực cũng như ứng dụng công nghệ là điều kiện tiên quyết.


Bức tranh toàn cảnh về thị trường ví điện tử ở Việt Nam đang tăng trưởng nhưng chưa trưởng thành. Theo số liệu công bố của NHNN, tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt; và 36,23 triệu ví trong số đó đang hoạt động (chiếm 63,23%). Tiềm năng tăng trưởng ở thị trường nội địa vẫn còn rất lớn chưa kể đến việc mở rộng hoạt động ra toàn cầu. Dẫu vậy, con đường đạt đến lợi nhuận còn nhiều thách thức. Những con số trên báo cáo tài chính cũng đang phản ánh thực trạng này. Doanh thu của các ví điện tử vẫn tăng trưởng đều qua các năm nhưng lợi nhuận sau thuế thu về lại rất ảm đạm.


Phản ánh thực tế đầu tư trên cuộc đua tiếp thị, thị phần trong ngành ví điện tử cũng có sự biến động. Theo đó, ví VNPAY có mức độ phủ sóng rất lớn do thừa hưởng từ hệ sinh thái VNPAY với hơn 350 nghìn điểm chấp nhận thanh toán. Hệ sinh thái đa tiện ích đã giúp ví VNPAY ngày càng gia tăng độ phủ. (Theo số liệu công bố chính thức tại website của doanh nghiệp, đơn vị này hiện có khoảng 40 triệu người dùng thường xuyên các ứng dụng ngân hàng và ví điện tử VNPAY).


MoMo là ví điện tử độc lập không có hệ sinh thái. Tuy nhiên start-up kỳ lân này đã chứng minh sức hút với thị trường ví điện tử khi có đến 31 triệu người sử dụng dịch vụ và mạng lưới hơn 140 nghìn điểm chấp nhận thanh toán (số liệu theo start-up này công bố trên truyền thông). Thực hiện tốt tính năng hỗ trợ quản lý tài chính, giao diện năng động, tiện ích mới mẻ giúp MoMo giành được phần lớn thị phần.


Một tương lai nhiều hứa hẹn tăng trưởng khi ZaloPay vừa ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới đồng thời công bố chạm mốc 14 triệu người dùng. Tận hưởng lợi ích từ hệ sinh thái của công ty mẹ VNG, ZaloPay ngày càng gia tăng mức độ phủ sóng. 


ShopeePay chưa có con số chính thức về người dùng nhưng mức độ phổ biến là không thể bàn cãi. Phát triển từ hệ sinh thái Shopee, kèm theo sự tăng trưởng mạnh của ngành thương mại điện tử, ShopeePay thừa hưởng được một tệp khách hàng lớn và tần suất giao dịch cao. 


Không bàn tới tính năng cổng thanh toán trung gian, hoạt động ví điện tử của Payoo có ít thị phần. Các ví điện tử VNPT Pay, Ngân lượng, cũng có thị phần nhỏ, chức năng có phần đặc thù hơn và không quá phổ biến trong thanh toán hàng ngày. Moca đã rời đi nhưng trước đó vẫn phổ biến thông qua hoạt động liên kết với Grab. Dự đoán sau tháng 7 này, thị phần này sẽ thuộc về MoMo và ZaloPay khi 2 ứng dụng này là lựa chọn thanh toán hàng đầu của người dùng Grab. 


Doanh thu bán hàng - dịch vụ của một số ví điện tử
Những ví điện tử chú trọng tiếp thị như VNPAY, MoMo hay ShopeePay đều có doanh thu thống lĩnh

Về doanh thu, những ví điện tử chú trọng tiếp thị như VNPAY, MoMo hay ShopeePay đều có doanh thu thống lĩnh. Tình hình doanh thu của thị trường ví điện tử thể hiện sự phân hóa rất rõ rệt, chủ yếu do nhu cầu người sử dụng dịch vụ. Zalo, Vimo, VNPAY thể hiện mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2020-2023. Lợi nhuận sau thuế phân hóa theo thị phần trong đó nhóm ví điện tử chiếm thị phần cao thì lợi nhuận sau thuế luôn âm hoặc cực kỳ thấp.


Lợi nhuận sau thuế của một số ví điện tử
Những ví điện tử chiếm thị phần cao thì lợi nhuận luôn âm hoặc rất thấp

Tính đến nay đã có hơn 51 tổ chức không phải ngân hàng được NHNN cấp phép hoạt động trung gian thanh toán. Sức cầu thị trường có hạn nhưng đối thủ ngày một tăng, mỗi ví điện tử phải là một độc bản để vạch rõ ranh giới và gia tăng lợi thế cạnh tranh. Thị trường ví điện tử Việt Nam làm rất tốt điều này, những ví điện tử đứng đầu ngành đều có những chức năng đặc thù và đóng góp đa dạng vào chuỗi giá trị. 


VNPAY


Ví điện tử VNPAY là thành viên hệ sinh thái thanh toán điện tử VNPAY. Sự khác biệt của ví VNPAY cũng được hình thành từ sự đa dạng tiện ích của hệ sinh thái này. Người dùng ví VNPAY có thể dễ dàng quét VNPAY QR để thanh toán tại hơn 350.000 điểm chấp nhận thanh toán. 


Ví VNPAY tích hợp ứng dụng VNPAY Taxi giúp người dùng dễ dàng đặt xe và thanh toán qua ví. Tiện ích VnShop có sẵn trong ví cũng giúp người dùng mở rộng lựa chọn mua sắm, thanh toán tiện lợi bằng số dư ví VNPAY. Ngoài ra, tính năng Ví Gia đình được yêu thích vì thông qua đó, người dùng có thể dễ dàng quản lý chi tiêu gia đình. 


Đối tác của VNPAY là những doanh nghiệp quy mô tương đối lớn thuộc đa dạng lĩnh vực: phương tiện di chuyển, dịch vụ tiêu dùng, ngân hàng thương mại, …. Mạng lưới phủ sóng mang lại cho trải nghiệm tối ưu cho người dùng. 


Trong năm 2024, với thế mạnh vốn có về công nghệ, VNPAY đã hợp tác với VISA ra mắt công nghệ thanh toán SoftPOS - ứng dụng sóng NFC nhằm đẩy mạnh chất lượng và tốc độ giao dịch. Sự mở rộng của hệ sinh thái thanh toán hứa hẹn mang lại nhiều ích lợi cho sự phát triển của ví VNPAY.


VNPAY có doanh thu tăng trưởng hàng năm tốt với tỷ lệ trên 20% từ 2020-2022 nhưng chưa ổn định vì đến năm 2023 chỉ đạt mức 4%. VNPAY có thị phần lớn tại Việt Nam khi doanh thu đạt hàng chục nghìn tỷ. Năm 2023, doanh thu kỷ lục hơn 30.000 tỷ đồng- lớn hơn tổng doanh thu những đối thủ mạnh như MoMo, ShopeePay, VNPT Pay. Dù doanh thu khổng lồ nhưng lợi nhuận sau thuế đạt được lại không đáng kể, năm 2023 biên lợi nhuận ròng dưới 1%. VNPAY vẫn đang chật vật trong khâu tiếp thị dù độ nhận diện thương hiệu đã rất cao. 


MoMo


MoMo là một ví điện tử phù hợp với người trẻ với độ cập nhật xu hướng liên tục. Nhiều khảo sát đã chỉ ra MoMo là ứng dụng được yêu thích nhất. Đội ngũ sáng tạo của MoMo đều đặn tung ra những xu hướng thanh toán năng động như QR Code tạo bởi AI, Lì xì MoMo, Nhắc nợ, Chia tiền, … . 


Tháng 07/2023, MoMo cập nhật tính năng quét thanh toán VietQR để thích ứng với ngành. Xứng danh Kỳ lân công nghệ, MoMo đã ra mắt Miniapp Chứng khoán tích hợp trên ứng dụng di động, giúp người dùng giao dịch chứng khoán với chỉ từ 1 cổ phiếu. 


Sau sự ra đi của Moca, MoMo trở thành đối tác tiềm năng bậc nhất liên kết thanh toán với siêu ứng dụng Grab. Dự kiến thị phần của MoMo sẽ tiếp tục bành trướng. 


Hiệu quả tài chính của MoMo chưa tiến triển tốt, đến hết năm 2023 vẫn báo lỗ. Doanh thu MoMo đứng thứ hai sau VNPAY, năm 2023 đạt hơn 9.400 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng trên 10% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2023 nhưng có xu hướng giảm dần. Tuy vẫn báo lỗ nhưng lỗ ròng cuối năm 2023 đã giảm đến 4 lần với kỳ trước. Đây là một tín hiệu tích cực đến từ tình hình tài chính của ví điện tử đình đám này.


ZaloPay


Tháng 7-2023, Zalopay đã ra mắt tiện ích Zalopay QR đa năng theo chuẩn VietQR, khẳng định đang thích ứng với những thay đổi tích cực của Fintech. Năm 2024, sau khi đạt mốc 14 triệu người dùng, ZaloPay đã ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới với định hướng mở rộng sản phẩm tài chính bền vững. Zalopay cũng tiếp tục hợp tác với các đối tác lớn để mở thêm nhiều phương thức thanh toán qua ứng dụng ngân hàng, thẻ quốc tế, thẻ ATM, Apple Pay.


Tương tự với MoMo, Zalopay cũng trở thành đối tác hàng đầu của siêu ứng dụng Grab sau khi Moca rút khỏi thị trường. 


Doanh thu thể hiện mức tăng trưởng tích cực gần 40% so với năm trước đó. Dù liên tục ghi nhận số lượng người dùng ví tăng lên và dịch vụ rất tiện ích song doanh thu ghi nhận vẫn rất khiêm tốn, chưa kể ZaloPay còn có một nguồn thu dồi dào đến hoạt động bán thẻ cào Game. 


Dù là ứng dụng phổ biến thế nhưng lợi nhuận vẫn ảm đạm, tình trạng thua lỗ đứng đầu ngành. Mục tiêu của VNG giảm lỗ ròng năm 2023 của ZaloPay về mức 378 tỷ đồng không thực hiện được. Báo cáo tài chính ZaloPay ghi nhận lỗ hơn 700 tỷ đồng, mặc dù đã được thu hẹp gần một nửa so với năm 2022. 


ShopeePay


ShopeePay nằm trong hệ sinh thái của siêu ứng dụng mua sắm online Shopee. Tận dụng lợi ích thông qua tệp khách hàng thường xuyên và dồi dào của Shopee và ShopeeFood.


Năm 2023 chứng kiến sự rút lui của ứng dụng giao đồ ăn BEAMIN ở Việt Nam, thị phần giao thức ăn trong thời gian tới nhường lại cho GrabFood và ShopeeFood. Do đó, ShopeePay cũng được hưởng lợi dài hạn từ sự kiện này. ShopeePay vẫn luôn cũng mạnh tay chi tiền để tham gia vào đường đua tiếp thị. 


Giai đoạn 2020-2022 doanh thu tăng trưởng đều đến hơn 7.000 tỷ đồng- đứng thứ 3 về doanh thu trong ngành. Đến năm 2023, doanh thu giảm đã 15% so với kỳ trước. Lợi nhuận sau thuế lỗ nặng, từ năm 2020-2022 đều ghi nhận mức lỗ, có năm lên đến 400 tỷ/năm. Đến năm 2023, tình hình tài chính đã bắt đầu khả quan khi ShopeePay đã bắt đầu ghi nhận lãi sau chuỗi dài báo lỗ.  


Payoo


Payoo kết nối với hơn 100 ngân hàng, ví điện tử và mạng lưới hơn 25.000 điểm chấp nhận thanh toán. Mạng lưới liên kết thanh toán không ngừng được mở rộng, chiến lược Payoo tối giản khâu tiếp thị nhưng hiệu quả hoạt động khá tích cực. 


Thông qua hệ thống giải pháp thanh toán toàn diện Payoo POS, thị phần Payoo trong lĩnh vực hỗ trợ thanh toán qua thẻ hầu như độc quyền. Điều này giúp Payoo có được một tệp khách hàng thường xuyên và bền vững. 


Doanh thu giai đoạn 2020-2023 dù không tăng trưởng nhưng vẫn duy trì ở mức cân bằng từ 2.400 đến 2.800 tỷ đồng. Mỗi năm đều báo lãi và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đều qua các năm, năm 2023 hãng này lãi hơn 370 tỷ đồng. Payoo là một trong số ít ví điện tử có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu vào năm 2023 lớn hơn 10% trong khi các đối thủ lớn mạnh vẫn đang chật vật với bài toán chi phí tiếp thị. 


VNPT Pay


Kế thừa tệp khách hàng ổn định của VNPT trong lĩnh vực mạng viễn thông truyền hình. VNPT Pay hiện nay chủ yếu phục vụ khách hàng ở các lĩnh vực thanh toán cước viễn thông, truyền hình số, cước phí điện thoại. Ngoài ra VNPT Pay còn liên kết với các đối tác như Shinhan Finance, Payoo POS, … để thực hiện một số chức năng khác trong ứng dụng. 


VNPT Pay không chú trọng quá nhiều trong khâu tiếp thị. Đổ ít chi phí vào khâu tiếp thị nhưng doanh thu của VNPT Pay vẫn nằm trong top đầu ngành.

 

Doanh thu 2 năm gần đây đều trên 5.000 tỷ đồng, đặc biệt lợi nhuận sau thuế của VNPT Pay đạt mức cao nhất trong thị trường ví điện tử. Trong giai đoạn 4 năm qua, biên lợi nhuận ròng của VNPT Pay đạt mức cao nhất gần 15% vào năm 2020 sau đó giảm xuống còn 9% vào năm 2021 và tiếp tục duy trì mức tỷ suất này qua các năm sau đó. 


Ngân Lượng


Ví Ngân lượng vẫn có những tiện ích nạp tiền, chuyển tiền và thanh toán như những ví điện tử khác. Điểm khác biệt là Ngân lượng liên kết với các sàn giao dịch chứng khoán, forex để hỗ trợ khách hàng nạp rút tiền từ các sàn giao dịch này một cách nhanh chóng. Gần đây, Ngân lượng đã ngừng hỗ trợ giao dịch với một số sàn forex do các vấn đề pháp lý. 


Mặc dù các kỳ lân công nghệ như MoMo, VNPAY đang chiếm lĩnh thị phần khiến thị phần của Ngân lượng giảm đáng kể song vẫn cho thấy hiệu quả hoạt động tối ưu. Mặc dù doanh thu khiêm tốn ở mức 500 tỷ đồng song Ngân lượng, nhưng mức này cũng đã tăng hơn 40% so với 2020 và với biên lợi nhuận ròng xấp xỉ 20%. 


Vimo


Mô hình hợp tác giữa Vimo với Alipay và Wechat Pay được xem là chức năng đặc thù của ví điện tử này. Theo đó, Vimo trở thành trung gian thanh toán xuyên biên giới cho du khách đến từ Trung Quốc. Nước đi thức thời này giúp Vimo mang về doanh thu khủng.


Thời điểm mới thành lập, doanh thu của Vimo khiêm tốn do hạn chế du lịch nhưng khi Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hàng đầu, Vimo đã ghi nhận doanh thu tăng đáng kể. 


Tốc độ tăng trưởng doanh thu của Vimo rất đáng kinh ngạc. Từ 2020-2023, tăng hơn 1.300 tỷ đồng tương đương mức tăng 220%. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh với mức 850% trong giai đoạn 2020-2023. Năm 2023 ghi nhận lãi ròng hơn 300 tỷ đồng, đứng thứ 3 thị trường chỉ sau Payoo và VNPT Pay.


Tình hình tài chính của thị trường ví điện tử càng chỉ ra mỗi doanh nghiệp cần phải nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên mới của thanh toán điện tử. Tiềm năng tăng trưởng ngành Fintech ở Việt Nam cần được khai thác tốt hơn. Để đứng vững trên thị phần của mình, điều chỉnh chính sách phát triển hướng đến mục tiêu dài hạn là việc cần được ưu tiên. Tăng trưởng dài hạn cần phải đi đôi với chiến lược phát triển bền vững. Để làm được điều này, cần chú trọng tăng cường đầu tư nhân lực chất lượng cao. Tạo ra những giải pháp công nghệ tối ưu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm niềm tin và an toàn tài sản của khách hàng.


Nguồn: Báo cáo Thị trường Ví điện tử năm 2023 của Vietdata

Kommentare


bottom of page