top of page

Ông lớn bán lẻ Việt Nam: thịt cá khả quan, hiệu thuốc lỗ đau

Trong bối cảnh thị trường đồ công nghệ khó khăn, Thế Giới Di Động lại ghi nhận tín hiệu khả quan chuỗi Bách Hóa Xanh, FPT Retail ồ ạt mở mới nhà thuốc Long Châu; còn Digiworld tăng trưởng từ việc nhập đồ uống, thiết bị gia dụng...


Bán lẻ ồ ạt mở mới, sức ép cạnh tranh giá bán




Bài cáo tài chính hợp nhất quý 2-2023 của FPT Retail (FRT) cho thấy, doanh nghiệp bán lẻ công nghệ này chuyển lãi sang lỗ lớn bất chấp doanh thu tăng trưởng.


Trong kỳ, FRT có doanh thu thuần 7.170 tỉ đồng, tăng 15% với cùng kỳ. Một loạt chi phí tăng vọt làm bức tranh kinh doanh thêm xấu như: Chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng 170%); chi phí bán hàng (tăng 24%), lãi vay (tăng 50%)... Kết quả, FRT lỗ 214 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 46,7 tỉ đồng.


Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của FPT Retail đạt 14.923 tỉ đồng, tăng 7%. Lợi nhuận sau thuế âm gần 224 tỉ đồng.


Nguyên nhân được lãnh đạo FRT lý giải do chuỗi nhà thuốc Long Châu mở mới 565 cửa hàng so với cuối quý 2 năm ngoái. Dù đóng góp đáng kể vào doanh thu hợp nhất, song đang ở giai đoạn đầu tư nên lợi nhuận chưa có cải thiện nhiều.


Tại báo cáo tài chính riêng với số lỗ 251 tỉ đồng, FPT Retail cho biết doanh thu quý 2 giảm 797 tỉ đồng do cầu hàng hóa tiếp tục giảm mạnh khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với mặt hàng giá trị cao, không thiết yếu.


Một nguyên nhân quan trọng khác được FPT Retail nhắc đến đó là do mức độ cạnh tranh trong ngành bán lẻ điện tử tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh giá bán để giành thị phần.


Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023, lãnh đạo công ty nói, với chuỗi FPT Shop, sẽ đưa ra nhiều chính sách bán hàng, chương trình khuyến mãi, trợ giá. Do đó biên lợi nhuận gộp dự kiến thấp hơn các năm trước.


Để cải thiện lãi gộp, công ty tiết lộ sẽ bán thêm nhóm hàng gia dụng trong chuỗi FPT Shop hiện hữu. Hết tháng 6-2023, FPT Shop có 800 cửa hàng, trong đó 585 nơi bán gia dụng, tăng 285 so với đầu năm.


"Đá" sang cả bán gia dụng, nhưng doanh thu lũy kế nửa đầu năm nay của FPT Shop vẫn giảm 19% so cùng kỳ, đạt 8.118 tỉ đồng.


Với chuỗi Long Châu, trong 6 tháng đầu đã mở mới thêm 306 nhà thuốc. Doanh thu trung bình đạt hơn 1 tỉ đồng/cửa hàng/tháng đưa tổng doanh thu lên 6.899 tỉ đồng, tăng 72%. Hiện chuỗi này có tới 1.243 nhà thuốc.


Đối thủ bán rau, thịt cá "ăn thua" hơn điện thoại



"Đối thủ" lớn trên thị trường của FPT Retail là Thế giới Di động (MWG). Cuộc cạnh tranh giữa hai "ông lớn" này khá gay gắt, từng được ví như cuộc chiến giữa Amazon và Walmart ở Mỹ.


Thế giới Di động chưa công bố báo cáo tài chính quý 2, song bản cập nhật kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy tình hình sơ bộ. Lũy kế nửa đầu năm, MWG đạt doanh thu thuần 56.570 tỉ đồng, giảm 20%.


Trong đó, tổng doanh thu 2 chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh (hai chuỗi bán lẻ công nghệ như điện thoại, tivi...) đạt hơn 41.500 tỉ đồng, giảm 27% cùng kỳ.


Trong tháng 6, tổng doanh thu 2 chuỗi nói trên đạt 6.700 tỉ đồng, giảm 13% với tháng liền trước và giảm 25% với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân đến từ sự sụt giảm của máy lạnh trong khi các sản phẩm khác vẫn tiếp tục cải thiện doanh số.


Với chuỗi Bách Hóa Xanh (bán thực phẩm), doanh thu tháng 6 đạt 2.530 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ và tăng 3% so với tháng liền trước. Doanh thu bình quân vượt 1,45 tỉ đồng/cửa hàng trong tháng 6. MWG tiết lộ, chuỗi này dự kiến tiếp tục cải thiện doanh số mạnh mẽ trong tháng 7.


Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Bách Hóa Xanh mang về 13.600 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.


Hết tháng 6, Thế giới Di động có 1.180 cửa hàng, giảm 9 cửa hàng so với thời điểm tháng 2 năm nay. Tương tự, Bách Hóa Xanh cũng giảm 23 cửa hàng, còn 1.706. Chuỗi nhà thuốc An Khang tăng số lượng cửa hàng song vẫn ít hơn "đối thủ" Long Châu.


Tình hình sụt giảm về doanh thu bán điện tử không chỉ với các doanh nghiệp bán lẻ, một doanh nghiệp vừa bán buôn, bán lẻ như Digiworld không ngoại lệ.


Quý 2-2023, tổng doanh thu của Digiworld (DGW) đạt 4.596 tỉ đồng, giảm 6%, lợi nhuận sau thuế đạt 83 tỉ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ.


Trong quý 2, điện thoại di động - mảng đóng góp doanh thu lớn nhất cho công ty trong quý này đạt 2.190 tỉ đồng, giảm 19%. Mảng thiết bị văn phòng cũng giảm khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp "ngại" đổi mới.


Đạt tăng trưởng ấn tượng trong kỳ của "ông lớn" này bất ngờ đến từ doanh thu hàng tiêu dùng, tăng 70%. Theo lý giải của lãnh đạo công ty, tăng trưởng chủ yếu đến từ việc nhập đồ uống và bắt tay với hai ông lớn ABinbev và Lotte Chilsung.


Cũng giống như FPT Retail, công ty này ghi nhận chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh. Trong đó chi phí bán hàng tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.


Tính đến cuối tháng 6-2023, các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng của DGW cũng tăng gần 50% so với đầu năm, đạt 2.356 tỉ đồng, tăng gần 50% so với đầu năm. Trong đó, số thu với Thế giới Di Động tăng 80 tỉ đồng lên 750 tỉ đồng, với FPT Retail (FRT) từ gần 13 tỉ đồng lên 215 tỉ đồng...


(Tuổi Trẻ)



Comentários


bottom of page