Một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp điện mặt trời đang phải đối mặt hiện nay là sự chậm trễ trong việc triển khai cơ chế đấu nối điện mặt trời (cơ chế cho phép các doanh nghiệp điện mặt trời kết nối vào lưới điện quốc gia và bán điện trực tiếp cho EVN - Tập đoàn Điện lực Việt Nam với mức giá được quy định bởi Chính phủ). Trong thời gian qua, việc triển khai cơ chế này đang gặp phải nhiều khó khăn, khiến cho các doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi…
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực năng lượng mặt trời nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và sự đóng góp của các công ty năng lượng. Giai đoạn 2019-2020 đã chứng kiến “sự bùng nổ” của điện mặt trời cả về số lượng dự án và công suất lắp đặt. Các dự án mới đi vào hoạt động đã góp phần làm tổng sản lượng các nguồn điện NLTT được huy động trong năm 2021 tăng mạnh so với năm trước (+173% YoY). Tuy nhiên, trong năm 2021, vẫn còn nhiều dự án điện mặt trời không được huy động hết công suất hoặc giảm phát (do một số bất cập về lưới điện, phụ tải và bất cân đối về cung cầu) tại 1 số địa phương đã phát triển nóng điện mặt trời trong giai đoạn 2019-2020.
Theo báo cáo ngành Điện 2022 & Triển vọng 2023 của Vietdata: “Tính đến cuối 2022, tổng công suất lắp đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 77.8 nghìn MW, tăng 1,180 MW so với năm 2021 và đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) chững lại sau 2 năm tăng nóng trước đó và đạt 20,165 MW, chiếm gần 26%. Mặc dù công suất lắp đặt lớn nhưng sản lượng huy động từ nguồn điện này chưa được khai thác hết do nhiều dự án Điện mặt trời đi vào vận hành sau 31/12/2020 vẫn “nằm chờ” cơ chế giá suốt trong năm 2022 (cụ thể, sản lượng huy động điện NLTT chỉ mới chiếm 11.9% tổng sản lượng huy động toàn hệ thống năm 2022). Điều này không chỉ gây lãng phí đầu tư xã hội, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả đầu tư của các dự án và nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn về dòng tiền".
Nguồn: Báo cáo ngành Điện 2022 & Triển vọng 2023 của Vietdata
Hiện nay, một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp điện mặt trời đang phải đối mặt hiện nay là sự chậm trễ trong việc triển khai cơ chế đấu nối điện mặt trời (cơ chế cho phép các doanh nghiệp điện mặt trời kết nối vào lưới điện quốc gia và bán điện trực tiếp cho EVN - Tập đoàn Điện lực Việt Nam với mức giá được quy định bởi Chính phủ). Trong thời gian qua, việc triển khai cơ chế này đang gặp phải nhiều khó khăn, khiến cho các doanh nghiệp đang mòn mỏi chờ đợi.
Cụ thể, theo quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện từ nguồn năng lượng tái tạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm ký hợp đồng mua bán điện với các nhà máy điện từ nguồn năng lượng tái tạo được kết nối vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, quyết định này chỉ áp dụng cho các dự án được phê duyệt bổ sung vào kế hoạch phát triển điện và hoàn thành xây dựng trước 31/12/2020. Sau thời hạn này, EVN đã công bố tạm ngừng đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà mới do không có cơ chế giá mới.
Theo Bộ Công Thương, cơ chế giá FIT (Feed-in Tariff) khuyến khích đầu tư điện Mặt Trời chỉ áp dụng trong thời gian nhất định để thu hút phát triển các dự án và việc kéo dài giá ưu đãi FIT đến nay không còn phù hợp. Điều này đang khiến cho các doanh nghiệp điện mặt trời phải đối mặt với sự không chắc chắn về giá bán điện trong tương lai, đồng thời cũng gây khó khăn trong việc tài chính cho các dự án điện mặt trời. Tính đến đầu 2023, hàng nghìn MW công suất của những dự án điện mặt trời không đáp ứng được điều kiện về thời hạn vận hành đang phải chờ xác định giá bán điện mới. Bởi vì quy hoạch điện VIII chưa được ban hành chính thức, hoạt động của các nhà máy điện tái tạo và những ngành công nghiệp có liên quan như sản xuất nhiên liệu sinh khối cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
Trong bài viết này, Vietdata sẽ đề cập đến một số cụm nhà máy điện mặt trời có công suất lớn đang được quan tâm gần đây.
Phù Mỹ 1-2-3
Ngày 29/5/2020, nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ được Công ty Cổ phần Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch (NLS) (trực thuộc BCG Energy) khởi công xây dựng. Nhà máy được xây dựng trên địa bàn xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Dự án ban đầu được quy hoạch là 380 hecta, tuy nhiên, trong quá trình phê duyệt và giao đất thực tế, dự án được các cơ quan chủ quản bàn giao trên diện tích nhỏ hơn là 323.5 hecta.
Tổng công suất dự án đạt 330MW, chia thành 2 giai đoạn bao gồm 3 nhà máy với công suất lần lượt là 120 MW, 110 MW và 100 MW. Chỉ sau 7 tháng khởi công, đến ngày 31/12/2020, nhà máy chính thức hòa vào lưới điện quốc gia, khai thác thương mại 216MW/ 330MW. Phần 114 MW còn lại của giai đoạn hai thì được hoàn thành và đóng điện trước ngày 28/02/2021.
Trong năm 2021 - năm đầu tiên hoạt động, nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ mang lại kết quả kinh doanh khá khả quan với mức doanh thu gần 450 tỷ đồng và lãi gần 180 tỷ đồng. Cũng trong năm này, tổng sản lượng điện nhà máy đã phát lên lưới quốc gia là 272,430 MWh, đạt 80% so với kế hoạch đề ra. Đến năm 2022, sản lượng điện nhà máy phát lên lưới điện tăng lên là 316,248 MWh, đạt 93.3% so với kế hoạch.
Năm 2022, nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (giai đoạn 2) với quy mô công suất 114MWp đã hoàn tất việc thi công và cũng nằm trong các dự án “nằm chờ” giá bán điện để đưa vào vận hành. Theo UBND tỉnh Bình Định, do khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng nên dự án không kịp hoàn thành trước 31/12/2020 để được hưởng cơ chế hỗ trợ giá bán điện theo quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Hồng Phong 1A-1B
Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A, 1B lần lượt được khởi công bởi công ty CP Năng lượng Hồng Phong 1 và công ty CP Năng lượng Hồng Phong 2, thành viên của Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex). Bộ đôi dự án điện mặt trời với tổng vốn đầu tư gần 7,000 tỷ đồng chính thức được hoà lưới điện quốc gia vào tháng 6/2019, kịp hưởng ưu đãi của Chính phủ theo Quyết định tháng 11/2017 của Thủ tướng.
Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A (công suất 150MW) và Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B (công suất 100MW) được xây dựng trên địa bàn xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Hai nhà máy sử dụng chung trạm biến áp 220kV và các đường dây đấu nối.
Trong giai đoạn 2019 – 2021, tình hình hoạt động kinh doanh của cụm nhà máy điện mặt trời Hồng Phong khá bấp bênh. Cụ thể, bắt đầu hoạt động từ nửa cuối năm 2019, cụm nhà máy mang lại doanh thu gần 660 tỷ đồng, đến năm 2020, con số này đã tăng gần gấp 2 lần, đạt gần 1,190 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2021, doanh thu của cả 2 nhà máy đều giảm sút, ghi nhận còn gần 1,150 tỷ đồng.
Lý giải cho sự sụt giảm doanh thu này, do ảnh hưởng của đại dịch Covid19, nhu cầu tiêu thụ điện khoảng cuối năm 2020, kéo dài đến 2021 của các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất giảm mạnh. Trong khi đó, nguồn phát lớn hơn phụ tải nên buộc phải cắt giảm nguồn phát. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho EVN yêu cầu các chủ đầu tư dự án điện mặt trời tiết giảm công suất phát từ 50 - 70% trong những tháng cuối năm 2020. Điều này gây ra thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp khi không có nguồn thu để trả lại vốn và lãi cho ngân hàng.
Lợi nhuận sau thuế của nhà máy Hồng Phong 1A, 1B cũng bấp bênh trong giai đoạn 2019 - 2021. Năm 2020, hai nhà máy ghi nhận lợi nhuận suy giảm hơn 4% so với năm 2019 với mức lãi hơn 250 tỷ đồng. Sang năm 2021, tình hình đã có sự khởi sắc khi Hồng Phong báo lãi gần 290 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm 2019.
BIM 1-2-3
Cụm ba nhà máy Điện mặt trời BIM 1-2-3 có tổng công suất lắp máy 330 MWp được khởi công tại xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vào năm 2018. Chủ sở hữu cụm nhà máy là Tập đoàn BIM Group liên doanh với đối tác AC Energy (thuộc Tập đoàn Ayala, Philippines) với tổng vốn đầu tư hơn 7000 tỷ đồng. Đến ngày 27/4/2019, cụm ba nhà máy BIM 1-2-3 đã chính thức khánh thành và đưa vào vận hành thương mại.
Cụm nhà máy BIM có tổng công suất 330MW, tương đương với công suất của nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ, cụ thể, công suất 3 nhà máy BIM 1,2, 3 lần lượt là 30MW, 250MW và 50MW.
Trong giai đoạn 2019 – 2021, cụm nhà máy BIM ghi nhận hoạt động kinh doanh khá tích cực. Tình hình doanh thu và lợi nhuận của BIM cũng tăng trưởng ổn định nhất trong các cụm nhà máy được đề cập. Năm 2019, doanh thu thuần của BIM đạt hơn 700 tỷ đồng. Đến năm 2020 và 2021, doanh thu nhà máy đạt mốc hơn 1,000 tỷ đồng và gần 1,170 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 50% và gần 66% so với năm 2019.
Cụm nhà máy điện mặt trời BIM là một trong những nhà máy đi vào hoạt động sớm (từ cuối năm 2018) và được hưởng giá điện ưu đãi khi ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN. Điều này góp phần giúp lợi nhuận sau thuế của cụm nhà máy tăng nhanh từ 2019 – 2021. Năm 2020 và 2021, nhà máy BIM ghi nhận lãi hơn 500 tỷ đồng và gần 560 tỷ đồng, tương ứng tăng 47% và gần 63% so với năm 2019.
Dầu Tiếng 1-2-3
Cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1,2 là một trong những dự án có công suất lớn trên cả nước với tổng công suất đạt 420MW và tổng vốn đầu tư hơn 9,100 tỷ đồng. Dự án này được Tập đoàn Xuân Cầu (Việt Nam) và Tập đoàn B. Grimm Power Public (Thái Lan) hợp tác đầu tư xây dựng trên vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng, Tỉnh Tây Ninh. Được khởi công vào cuối tháng 6/2018, sau gần 1 năm, hai nhà máy đã chính thức đưa vào vận hành thương mại, hòa lưới điện quốc gia trong tháng 6/2019. Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 3 cũng nằm trong dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng do công ty Xuân Cầu làm chủ đầu tư với tổng công suất đạt 180MW và được quy hoạch trên diện tích đất 216 ha.
Bức tranh hoạt động kinh doanh các nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng trong giai đoạn 2019 – 2021 mang màu sắc đối lập với sự tăng trưởng tươi sáng trong hai năm đầu và xu hướng tối màu vào năm cuối. Cụ thể, doanh thu thuần cụm nhà máy năm 2020 đạt gần 1,650 tỷ đồng, gấp gần 1.8 lần so với năm 2019. Trong đó, nhà máy Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 đóng góp hơn 1,400 tỷ đồng, nhà máy Dầu Tiếng 3 mới hoàn thành giai đoạn 1 đóng góp gần 250 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bước sang năm 2021, cụm nhà máy chỉ ghi nhận doanh thu hơn 1,460 tỷ đồng, sụt giảm hơn 11% so với năm trước đó. Lý giải cho nguyên nhân này, trong năm 2021, nhà máy Dầu Tiếng 3 tiếp tục hoàn thành giai đoạn 2 và tăng doanh thu gần 200 tỷ đồng, tuy nhiên, 2 nhà máy Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 lại ghi nhận sụt giảm gần 400 tỷ đồng. Trong năm 2021, Tập đoàn B.Grimm Power của Thái Lan và Tập đoàn Xuân Cầu của Việt Nam đã chia tách cụm nhà máy Dầu Tiếng 1, Dầu Tiếng 2 thông qua việc thay đổi cấu trúc sở hữu của công ty chủ đầu tư. Ban đầu, tổng công suất của cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1,2 là 420MW, gồm Dầu Tiếng 1 (180 MW) và Dầu Tiếng 2 (240 MW). Sau khi chia tách, ông lớn B.Grimm đã nắm 96.25% cổ phần tại Dầu Tiếng 2, lượng cổ phần còn lại và dự án Dầu Tiếng 1 thuộc về Tập đoàn Xuân Cầu.
Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng đạt hơn 710 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với năm 2019. Sang năm 2021, lợi nhuận của cụm nhà máy bốc hơi nhanh chóng và chỉ còn gần 460 tỷ đồng, thậm chí giảm hơn 17% so với năm 2019. Điểm sáng duy nhất là nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 3 vẫn có tín hiệu khởi sắc khi mà lợi nhuận sau thuế của nhà máy này đạt gần 165 tỷ đồng vào năm 2021, tăng hơn 67% so với năm 2019.
Xuân Thiện - Ea Súp giai đoạn 1
Cụm nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp được đánh giá là cụm nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á và là bước tiến lớn của điện mặt trời Việt Nam. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 50,000 tỷ đồng, giai đoạn 1 của dự án có công suất 831 MWp, giai đoạn 2 của dự án gồm 10 nhà máy với tổng công suất 1,400 MW/1,936 MWp.
Trong đó, cụm nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp giai đoạn 1 được xây dựng trên diện tích khoảng 4,180ha tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Cụm nhà máy được khởi công vào tháng 6/2019 và hoàn thành gấp rút vào tháng 11/2020 - chỉ trong vòng hơn một năm. Giai đoạn 1 của Xuân Thiện Ea Súp bao gồm 5 nhà máy với tổng công suất 830 MWp, có thể sản xuất khoảng 1,500 triệu kWh/năm - tương đương với nhu cầu điện của khoảng 600,000 hộ dân.
Năm 2021, doanh thu thuần cụm nhà máy mang về gần 1,680 tỷ đồng, góp phần đưa cụm nhà máy lọt “top” những dự án điện mặt trời mới nổi có doanh thu cao nhất. Trong đó, mang về doanh thu cao nhất là nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp 5 với doanh thu hơn 500 tỷ đồng, nhà máy này có công suất 150MW với tổng mức đầu tư 3,848 tỉ đồng.
Trái ngược với tín hiệu rực rỡ từ doanh thu, do mới đi vào vận hành và chịu tác động chung của đại dịch Covid, lợi nhuận sau thuế của cụm nhà máy Xuân Thiện Ea Súp khá mỏng, chỉ báo lãi hơn 125 tỷ đồng, con số khá thấp so với các nhà máy điện mặt trời còn lại. Các nhà máy trong cụm mang về lợi nhuận không chênh lệch quá nhiều, cao nhất vẫn là nhà máy Xuân Thiện – Ea Súp 5 với mức lãi gần 34 tỷ đồng.
Trung Nam Thuận Nam
Dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam được khánh thành vào ngày 12/10/2020 tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Dự án được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện đầu năm 2020 và có tổng vốn đầu tư lên đến 12,000 tỷ đồng. Đây là dự án do Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) đầu tư. Công trình nổi bật với các đặc điểm như là một trong những dự án điện mặt trời lớn tại Việt Nam với tổng công suất 450 MW và được quy hoạch trên diện tích 557.09 ha.
Gia nhập cuộc đua vào cuối năm 2020 nhưng Trung Nam Thuận Nam vẫn mang lại kết quả doanh thu khả quan khi mang về hơn 337 tỷ đồng vào 2020 và tăng nhanh chóng lên mức hơn 1,820 tỷ đồng vào năm 2021 – mức doanh thu vượt trội chỉ sau cụm nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh. Lợi nhuận sau thuế của nhà máy cũng nhanh chóng tăng vọt từ hơn 90 tỷ đồng vào năm 2020, tăng lên hơn 400 tỷ đồng vào năm 2021.
Tính đến tháng 3/2023, vụ việc dừng huy động 172.12 MW điện mặt trời của Trung Nam chưa có giá điện vẫn là một trong những vụ việc nóng bỏng. Đây là tranh chấp giữa EVN và Trung Nam về việc mua bán điện của dự án tại Ninh Thuận. EVN đã dừng huy động phần công suất 172.12 MW của điện mặt trời chưa có giá từ ngày 22/10/2021 do Chính phủ chưa ban hành cơ chế giá mới cho các dự án điện mặt trời sau ngày 30/6/2019. EVN cho rằng việc này không vi phạm hợp đồng và sẽ tiếp tục mua toàn bộ sản lượng khi có quyết định của Chính phủ. Về phía Trung Nam cũng bày tỏ điều này gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp. Trung Nam yêu cầu EVN tiếp tục huy động phần công suất này theo các văn bản pháp lý liên quan. Hiện công ty Trung Nam - Thuận Nam đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để chuyển cho Công ty Mua bán điện để đàm phán hợp đồng. Trong thời gian tới, sau khi doanh nghiệp này hoàn thiện các hồ sơ pháp lý, hai bên sẽ tiến hành đàm phán theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Lộc Ninh 1-2-3-4-5
Cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1-2-3-4-5 được xây dựng tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước (gần biên giới Việt Nam – Campuchia). Dự án gồm 5 nhà máy với tổng công suất lắp đặt là 800 MWp và chi phí đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng. Cụm dự án Nhà máy điện mặt trời (NMĐMT) Lộc Ninh 1-2-3 thuộc Tập đoàn Super Energy - Thái Lan đã chính thức đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 12/2020 với tổng công suất là 550 MWp. Hai nhà máy còn lại là Lộc Ninh 4 và Lộc Ninh 5 có công suất lần lượt là 200MW và 50MW.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cụm nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh năm 2021 bật tăng với con số hơn 1,850 tỷ đồng và hơn 490 tỷ đồng. Tình hình hoạt động kinh doanh của Lộc Ninh cũng được đánh giá cao so với các nhà máy điện mặt trời còn lại.
Vào năm 2020, thương vụ mua lại dự án Lộc Ninh đã gây chú ý khi Super Energy chi tổng cộng 456.7 triệu USD, trong đó chi phí mua cổ phần lên tới 76.05 triệu USD. Cụ thể, vào tháng 3/2020, Công ty TNHH Super Energy Corporation (Super Energy) đã công bố sẽ đầu tư 456.7 triệu USD để mua lại 4 dự án điện mặt trời, bao gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW). Để thực hiện việc mua lại Lộc Ninh 1, Super Energy đã tham gia vào doanh nghiệp trung gian SSEVN1, với tỷ lệ góp vốn 49%. Việc mua lại các dự án còn lại cũng được thực hiện tương tự. Cụ thể, công ty mua 100% cổ phần của SSELN2 và SSEBP3 để sở hữu 100% vốn của Lộc Ninh 2 và Lộc Ninh 3; mua 100% cổ phần của New Hold Co 4 (vốn 50 tỷ đồng) để sở hữu 80% Lộc Ninh 4. Bên cạnh đó, trước khi mua lại các dự án “Lộc Ninh”, Super Energy đã sở hữu 6 dự án điện mặt trời tại Việt Nam với vốn điều lệ tổng công suất lên tới 286.72 MWp, tương đương một nửa tổng công suất của 100 dự án điện mặt trời mà công ty đang sở hữu tại Thái Lan.
Xu hướng Điện mặt trời tại Việt Nam
Nhìn chung, Việt Nam vẫn đang hướng đến các nguồn năng lượng tái tạo giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên sáng 19/3/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn và quan trọng của Việt Nam nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Ngoài ra, các cam kết về phát triển bền vững cũng đã được đưa vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.
Trong thời gian tới, điện mặt trời tại Việt Nam sẽ tập trung vào các dự án lớn với công suất hàng trăm MW, giúp làm tăng độ tin cậy cũng như hiệu quả trong sản xuất và phân phối điện mặt trời. Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, chủ yếu ưu tiên các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận đầu tư và khai thác tối ưu công suất đã lắp đặt.
Theo báo cáo của Vietdata, Quyết định 21/QĐ-BCT (Quyết định về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp do Bộ Công Thương ban hành ngày 7/1/2023) sẽ “khơi thông” cho các dự án điện mặt trời chuyển tiếp lâu nay đang nằm chờ cơ chế giá. Các nhà máy này dự kiến sẽ được hòa lưới và huy động, phần nào sẽ giải quyết bài toán dòng tiền cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, các dự án cũng sẽ phải đối mặt với bài toán giảm tỷ suất sinh lời (IIR) và tác động của việc thay đổi đơn vị tiền tệ đối với khung giá điện mới…/
Nguồn: Báo cáo ngành Điện 2022 & Triển vọng 2023 của Vietdata
Comentarios