top of page

Đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các KCN tỉnh Hà Nam

Năm 2022, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 44 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 161,735 triệu USD và 5.834,022 tỷ đồng; điều chỉnh 58 lượt dự án tăng vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trong các KCN của Tỉnh năm 2022 là 560,375 triệu USD và 8.366,514 tỷ đồng.


Khu công nghiệp Itahan, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam


Năm 2022, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam đã triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về KCN; góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh.


Đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư


Xác định thu hút đầu tư tạo động lực để phát triển nhanh các KCN trên địa bàn Tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam (Ban Quản lý) với chức, năng nhiệm vụ được Tỉnh giao trong công tác quản lý và phát triển các KCN đã luôn tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn. Với hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm của Ban Quản lý, thời gian qua Hà Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn được các nhà đầu tư lớn ở trong và ngoài nước quan tâm.


Năm 2022, Ban Quản lý đã tham mưu cho UBND Tỉnh tổ chức thành công 3 đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) để giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư hấp dẫn của Tỉnh đến các nhà đầu tư. Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, gặp gỡ, trao đổi của đoàn công tác, đã có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) bày tỏ mối quan tâm đến Hà Nam và lên kế hoạch nghiên cứu, khảo sát thực tế tại Tỉnh để đầu tư các dự án về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo...


Trong năm 2022, Ban Quản lý thực hiện thủ tục và phối hợp với các ngành chức năng trong Tỉnh tổ chức tiếp 12 đoàn khách đến thăm và làm việc tại Tỉnh để tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Tỉnh, trong đó có nhiều đoàn của các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đan Mạch…


Với những cố gắng vượt bậc của Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, trong năm 2022, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 44 dự án. Trong đó, có 16 dự án FDI và 28 dự án DDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký mới là 161,735 triệu USD và 5.834,022 tỷ đồng; điều chỉnh 172 lượt dự án (58 lượt điều chỉnh tăng vốn đầu tư). Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm năm 2022 là 560,375 triệu USD và 8.366,514 tỷ đồng.


Nâng tổng số các dự án trong các KCN tỉnh Hà Nam đến nay là 527 dự án đầu tư, trong đó có 314 dự án FDI và 213 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.837,97 triệu USD và 41.674,60 tỷ đồng.


Quản lý và triển khai hiệu quả các dự án đầu tư


Công tác giám sát, kiểm tra sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2022 được Ban quản lý các KCN đặc biệt quan tâm chú trọng. Các dự án sau cấp chứng nhận đầu tư đều được hướng dẫn, đôn đốc hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, triển khai đầu tư xây dựng theo đúng tiến độ đã đăng ký. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kịp thời hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh đăng ký đầu tư khi có sự thay đổi trong quá trình thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.


Năm 2022, các doanh nghiệp KCN đã thực hiện đầu tư xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị theo đúng tiến độ, đảm bảo theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp KCN ước đạt 10.020 tỷ đồng (trong đó bao gồm 370 triệu USD của các dự án FDI), đạt 93% kế hoạch năm.


Trong năm, số doanh nghiệp trong KCN hoàn thành đầu tư xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị và đi vào hoạt động là 31 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp đã đi vào hoạt động trong các KCN là 436 doanh nghiệp.


Diện tích đất giao cho các doanh nghiệp là 120ha; luỹ kế đến thời điểm hiện tại, diện tích đất đã giao cho doanh nghiệp là 1.272ha. Diện tích đất các doanh nghiệp đã sử dụng là 1.002 ha, đạt hiệu suất sử dụng đất là 78%.


Nhìn chung, các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả phần diện tích đất thuê, thể hiện bằng mật độ xây dựng, đóng góp ngân sách, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, sử dụng lao động trên 1ha đất.


Khu công nghiệp Châu Sơn, tỉnh Hà Nam (Nguồn: Internet)


Các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ổn định và phát triển


Trong năm 2022, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN của Tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và phát triển. Các doanh nghiệp trong KCN đạt được một số kết quả chủ yếu sau: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 147.000 tỷ đồng, đạt 114% so với cùng kỳ năm trước và đạt 104% kế hoạch năm; thu ngân sách nhà nước đạt 5.600 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 4.883 triệu USD, đạt 134% so với cùng kỳ năm trước và đạt 140% kế hoạch năm.


Bên cạnh đó, hầu hết các sản phẩm chủ yếu trong các KCN năm 2022 đều đạt chỉ tiêu kế hoạch năm. Một số sản phẩm sản lượng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Linh kiện phụ tùng ô tô (tăng 30%), thiết bị điện (tăng 23%), linh kiện thiết bị điện tử (tăng 19%)...


Luỹ kế hết quý IV/2022, tổng số lao động đang làm việc trong các KCN tỉnh Hà Nam khoảng 86.005 lao động (đã bao gồm lao động thuê lại), trong đó lao động nữ là 54.398 lao động, chiếm 63,24% tổng số lao động.


Thực hiện đồng bộ, hiệu lực công tác quản lý nhà nước


Để đạt được những kết quả tích cực trên là nhờ năm 2022, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong Tỉnh để triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực về: Đầu tư, môi trường, quy hoạch - xây dựng, doanh nghiệp, lao động trong các KCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Qua đó, đã phát huy cao vai trò, nhiệm vụ quản lý nhà nước; tích cực đồng hành cùng các nhà đầu tư, các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN và các doanh nghiệp trong các KCN.


Năm 2022, công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng KCN được quan tâm đẩy mạnh. Trong năm 2022, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam đã tham mưu cho UBND Tỉnh trình Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam; thực hiện lập quy hoạch 1/2000 KCN hỗ trợ Đồng Văn III phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; triển khai đầu tư hạ tầng KCN Đồng Văn I về phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đến thời điểm hiện tại đã giải phóng mặt bằng được 124ha/150ha, đầu tư hạ tầng 100ha giai đoạn I: San lấp 30/100 ha, đã làm toàn bộ đường nội bộ đến lớp K98.


Cùng với đó, các chủ đẩu tư hạ tầng đang triển khai thực hiện đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình KCN Đồng văn I, KCN Đồng Văn I mở rộng phía Đông Bắc nút giao Vực Vòng với diện tích 150ha, KCN Đồng Văn II, KCN Đồng Văn III, KCN Đồng Văn IV, KCN Châu Sơn, KCN Thanh Liêm, KCN Thái Hà (giai đoạn I), KCN Hòa Mạc.


Công tác quản lý về lao động được các phòng chức năng Ban Quản lý theo dõi sát sao. Chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp và việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động; hướng dẫn tổ chức hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của pháp luật nhà nước về công tác lao động.


Năm 2022, Ban đã cấp mới Giấy phép lao động cho 748 người lao động nước ngoài, cấp lại Giấy phép lao động cho 39 người lao động nước ngoài; gia hạn Giấy phép lao động cho 77 lao động nước ngoài; xác nhận 7 Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp; thu hồi 188 Giấy phép lao động; thông báo nội quy lao động cho 70 doanh nghiệp; tiếp nhận làm thêm giờ của 11 doanh nghiệp.


Công nhân Công ty Honda Việt Nam vận hành dây chuyền lắp ráp xe máy tại KCN Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam


Với vai trò là bạn đồng hành của doanh nghiệp, Ban Quản lý luôn theo dõi sát sao mọi hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Năm 2022, Ban đã chủ động phối hợp với UBND Tỉnh tổ chức thành công 3 hội nghị kết nối lãnh đạo Tỉnh ủy gặp mặt và đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp; tổng hợp nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp trong KCN, chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp trong KCN có nhu cầu tuyển dụng lao được tiếp cận và giới thiệu việc làm cho lao động tại địa phương. Phối hợp với Ban chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp được tiếp cận lực lượng quân nhân xuất ngũ về địa phương. Trong năm 2022, Ban đã hỗ trợ tuyển dụng mới 1.132 lao động cho các doanh nghiệp trong KCN; phối hợp với Công đoàn KCN thành lập 20 tổ chức công đoàn mới của các doanh nghiệp trong KCN, đến nay đã có 299 doanh nghiệp trong các KCN có tổ chức công đoàn; tổ chức 2 Hội nghị đối thoại giữa Công an Tỉnh, Ban quản lý các KCN với các doanh nghiệp tại KCN Châu Sơn và KCN Đồng Văn 1,2,3, KCN Hòa Mạc về giải quyết các khó khăn vướng mắc về tình hình an ninh trật tự…


Công tác quản lý môi trường, an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ trong các KCN thường xuyên được theo dõi, đôn đốc và giám sát chặt chẽ. Đảm bảo các KCN thực hiện nghiêm túc pháp luật về môi trường và phòng chống cháy nổ. Hiện nay, cơ bản các doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, không xảy ra sự cố nào về ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp trong KCN. An ninh, trật tự trong các KCN tiếp tục ổn định, không phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự, không xảy ra đình công...


Khu công nghiệp Hòa Mạc, tỉnh Hà Nam


Công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính được tăng cường đẩy mạnh. Ban quản lý các KCN đã chủ động xây dựng các kế hoạch về cải cách hành chính, tuyên truyền cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra công vụ năm 2022; tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc hủy bỏ các thủ tục hành chính khi có thay đổi. Xây dựng dự thảo quyết định công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý các KCN trình UBND Tỉnh công bố quyết định. Hiện nay, 100% cán bộ, công chức và người lao động đều thực hiện nghiêm chỉnh việc ứng dụng hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, các văn bản đi, đều được dự thảo trên hệ thống và đều ký số 100% (trừ văn bản mật). Tiếp tục triển khai có hiệu quả hệ thống một cửa điện tử với 100% thủ tục hành chính đạt mức độ 3, 4. Qua đó đã tạo thuận lợi, minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp trong KCN. Từ ngày ngày 01/01/2022 đến ngày 22/12/2022, Ban Quản lý đã tiếp nhận và giải quyết 1.791 hồ sơ, 100% các hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn quy định, không có hồ sơ quá hạn.


Công tác thi đua khen thưởng đi vào chiều sâu. Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch, chương trình và triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, khen thưởng của Khối kinh tế ngành và Khối thi đua Ban quản lý KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng. Phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn cơ quan, đơn vị.


Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai và thực hiện có hiệu quả. Ban đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó lồng ghép công tác tuyên truyền, hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp trong KCN thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của trung ương, UBND tỉnh Hà Nam và tình huống dịch thực tế xảy ra tại các địa phương, doanh nghiệp trong KCN. Phối hợp với Sở Y tế tổng hợp nhu cầu tiêm và tổ chức tiêm vacxin cho người lao động trong KCN. Năm 2022, 100% lao động trong KCN đã tiêm đủ 2 liều cơ bản, 94% lao động đã tiêm vắc xin liều nhắc lại mũi 3, 71% lao động đã tiêm liều nhắc lại mũi 4.


Tiếp tục triển khai thành công nhiệm vụ quản lý nhà nước năm 2023


Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam cho biết, năm 2023 cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý tiếp tục phát huy cao vai trò, nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý nhà nước về KCN. Tập trung sắp xếp, ổn định công tác tổ chức bộ máy tại đơn vị; tích cực nghiên cứu đề ra các giải pháp quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động quản lý và phát triển các KCN, cụ thể:


Hoàn thiện trình UBND Tỉnh phê duyệt Quyết định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý các KCN.


Ban hành Kế hoạch luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; kế hoạch biên chế; kế hoạch cải cách hành chính năm 2023. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023,....


Toàn cảnh KCN Đồng Văn IV, tỉnh Hà Nam


Triển khai lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 các KCN trong Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Hà Nam được Thủ tướng chấp thuận. Dự kiến có 3 – 4 KCN sẽ triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 và 1-2 KCN mới bắt đầu đi vào triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư.


Xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023 của Tỉnh; tham mưu tổ chức đạt hiệu quả cao công tác xúc tiến đầu tư tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… để giới thiệu và mời các nhà đầu tư về đầu tư tại các KCN của Tỉnh.


Xây dựng phương án thu hút đầu tư trong giai đoạn ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu; chuẩn bị nội dung phục vụ các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.


Tham mưu tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trong các KCN về tình hình an ninh trật tự năm 2023.


Thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính theo chương trình, kế hoạch đã đăng ký với Tỉnh; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm, đầy đủ theo nội dung 10 cam kết của Tỉnh đối với các nhà đầu tư.


Thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình triển khai các dự án và thực hiện các mục tiêu trong Giấy chứng nhận đầu tư; phân tích, tổng hợp kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như có những biện pháp xử lý phù hợp đối với những dự án không thực hiện theo cam kết.


Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư vào các KCN; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, phấn đấu 100% các thủ tục hành chính được giải quyết ở mức độ 3, 4; thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị.


Tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, nhất là trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.


Phối hợp, đôn đốc các ngành, đơn vị có liên quan thúc đẩy xây dựng đồng bộ và cung cấp ổn định các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp như: Điện, nước, dịch vụ viễn thông…; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động, tư vấn, phổ biến chính sách, pháp luật cho người lao động.


Hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục các khó khăn, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách với nhà nước và người lao động./.


(Tạp chí Kinh tế & Dự báo)



Comments


bottom of page